doi-bo-song-huong

Sông Hương và xứ Huế

Sông Hương, dòng sông quyến rũ ở cả đầu nguồn lẫn cuối nguồn, là con sông thơ mộng chảy giữa lòng thành phố Huế, đúng như miêu tả của nhà thơ Thu Bồn: “Con sông dùng dằng, con sông không chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Sông Hương còn gắn liền với núi Ngự, biến Huế thành một chốn bồng lai tiên cảnh giữa đời thường. Bởi thế khi đến Huế, thi sĩ Bùi Giáng đã viết rằng: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ, Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.

Đây cũng là một trong “Thần kinh nhị thập cảnh” do vua Thiệu Trị lựa chọn. Trong đó, sông Hương chiếm đến 2/10 cảnh trong “Thần kinh nhị thập cảnh”. Đó là “Hương Giang Hiểu Phiếm” (cảnh sông Hương) và “Trạch Nguyên Tao Lộc” (cảnh đầu nguồn sông Hương). Hằng năm, vào mùa lụt, nước sông Hương dâng cao có thể gây ngập úng cho thành phố Huế và các vùng lân cận nhưng nhờ phù sa sau mỗi trận lụt, các miệt vườn như Nguyệt Biều với đặc sản là quả thanh trà; Kim Long với măng cụt, các triền ven sông với bắp… sẽ tốt tươi hơn. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” đã viết: “Sông Hương khi về đồng bằng đã thay đổi tính cách, sông như đi chế ngự bản năng của người con gái để mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ trở thành phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”.

Sông Hương có một vị trí quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Huế. Khi vào trấn thủ xứ Thuận – Quảng, chúa Nguyễn Hoàng bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc của sông Hương, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Người dân địa phương cho biết đây là đồi Hà Khê, đêm đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Tin vào lời sấm truyền đó, năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương đặt tên là chùa Thiên Mụ, mở ra sự cai trị của nhà Nguyễn với 9 chúa, 13 vua. Chùa Thiên Mụ bên dòng sông Hương cũng đã trở thành một biểu tượng tâm linh của người dân xứ Huế.

Và còn có thể kể đến điện Hòn Chén trên núi Ngọc Trản, đây là nơi thờ cúng của Thiên Tiên Thánh giáo, tín ngưỡng sông nước đặc trưng của người Huế. Thiên Tiên Thánh giáo là tín ngưỡng không kinh điển cùng luật lệ chính thức. Sinh hoạt của tín đồ Thiên Tiên Thánh giáo mang tính tự phát, tự túc, tự nguyện. Dăm bảy hoặc vài chục người họp thành “phổ”, cứ đến ngày 14, rằm, 30, mùng 1 âm lịch mỗi tháng thì các tín đồ tới một am miễu nhất định để dâng lễ, cúng cầu, hầu giá. Họ chỉ cữ kiêng vài loại thực phẩm vì “ăn sợ mắc tội” như thịt chó, thịt trâu, bồ câu, cá chép. Tín ngưỡng này còn có nghi thức khá độc đáo là lên đồng.

Dân gian còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc” vì vua Minh Mạng trong một lần lên đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Và Ngọc Trản, nơi có điện Hòn Chén, cũng là một ngọn núi cheo leo bên bờ vực thẳm – chỗ sâu nhất của dòng sông Hương. Năm 1886, vua Ðồng Khánh cho xây lại điện Hòn Chén và đổi tên là Huệ Nam Ðiện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu Thiên Y A Na đã cho mình làm vua. Và vua đã đưa cuộc lễ hằng năm tại đây vào hàng quốc lễ, tự nhận mình là đồ đệ của Thánh Mẫu. Vì lễ hội quan trọng nhất của tín ngưỡng này là lễ hội điện Hòn Chén được tổ chức vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch (xuân thu nhị kỳ). Vào dịp này, trên sông Hương xuất hiện hàng chục chiếc bằng nối đua nhau trải dài xa tít tắp. Bằng là hai chiếc đò ghép lại với nhau liên kết với nhau bằng những tấm ván lót nằm ngang, tạo nên một mặt bằng rộng rãi. Trước bằng, người ta treo biển đề tên am, tên phổ, chẳng hạn: Kim Đồng Tiên Nữ, Thiên Thai Thuỷ Cảnh, Đài Minh Cảnh, Linh Sơn Điện, Linh Dược Điện, Tân Đức Điện, Hoằng Hoá Điện, Sòng Sơn Vọng Từ… Tất cả đều ngược dòng Hương để cùng tới điểm hẹn linh thiêng là điện Hòn Chén.

Bên cạnh đó, cơm hến, món ăn nổi tiếng nhất của Huế có xuất phát từ tầng lớp bình dân vùng cồn Hến ven sông Hương lúc xưa, có thời từng được tiến vua, trở thành món ăn cung đình. Hiện nay, món ăn này không những rất được ưa chuộng đối với cư dân địa phương mà đối với du khách cũng rất lạ miệng khi thưởng thức. Đây cũng là món ăn dễ tìm kiếm khi du khách đến thăm Huế.

Sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An đã miêu tả cồn Hến là “một cù lao xinh đẹp” trên dòng sông Hương. Trong Dịch lý của kiến trúc kinh thành Huế xa xưa, nơi này được đặt tên là “Tả Thanh Long”. Lúc đầu, người dân ở đây sống bằng nghề soi cá, tôm ban đêm. Cách đây 200 năm, dưới thời Gia Long, vì nhà nghèo, chồng lại ngày đêm đi bắt cá tôm nên một người đàn bà họ Huỳnh đã phải cặm cụi ra bờ sông mò bắt hến bằng tay. Mỗi buổi sáng sớm, khi chưa bắt được tôm cá, hai vợ chồng bà đành ăn cơm nguội với hến bắt được từ sớm tinh mơ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu rả rất đúng khi cho rằng: “Món cơm nguội với những con hến nhỏ lăn tăn làm sốt ruột người chế biến món ăn, gọi là cơm hến”. Khó có ai bây giờ có thể tưởng tượng ra cảnh hai vợ chồng nghèo, chưa biết lấy gì bỏ vào bụng buổi sáng sớm để làm việc nặng nhọc suốt ngày lại có một món ăn thơm ngon đến như vậy thì sung sướng, hạnh phúc đến dường nào!

Món ăn dân dã này sau đó đã phát tán ra khắp cồn Hến. Và tầng lớp dân nghèo ở Huế bắt đầu làm quen với món ăn mới, mộc mạc này. Có cầu thì sẽ có cung, nghề cào, xúc hến, đãi hến và chế biến hến ra đời. Đến đời Thiệu Trị, con hến đã được bán nhiều ở khắp các chợ vùng kinh đô Huế và trở thành món ăn ưa thích của nhiều người. Dưới thời vua Thành Thái, bà Nguyễn Thị Thẹp đến cào hến tiến vua tại Cồn Hến, được vua phong hiệu và lập ra Phường Hến. Món cơm hến cũng được đưa vào cho vua thưởng thức. Từ đó, cơm hến Cồn Hến trở thành phẩm vật cung đình mỗi dịp lễ Tết. Có thể nói, đoạn sông Hương chảy qua cồn Hến trong vắt, ít phù sa và chất phèn, đáy sông lại có một lớp bùn sâu tích tụ nên rất thích hợp cho loài hến sinh sôi, nảy nở. Vì vậy, mặc dù hến có khắp nơi ở Huế và nhiều địa phương khác nhưng có lẽ ngon nhất vẫn là ở cồn Hến. Bởi thế, nhà thơ Tố Hữu đã viết rằng: “Bữa mô mời bạn vô chơi Huế. Cồn Hến buồm giăng ngược Bến Tuần”.

Bên cạnh đó, ngao du trên miền sông nước cũng là một thú vui tao nhã của du khách khi đến Huế. Đã từ rất lâu, thuyền Rồng đã trở thành một nét đặc trưng của du lịch Huế. Thời nhà Nguyễn, thuyền Rồng là phương tiện đi lại trên sông nước chỉ dành cho nhà vua. Tuy nhiên, ngày nay thuyền Rồng đã được phục chế một phần và trở thành một phương tiện độc đáo đưa đón du khách thăm các danh lam thắng cảnh của Huế như chùa Thiên Mụ, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén… Nét đặc sắc của thuyền rồng Huế là khi bước vào không gian cổ xưa này du khách sẽ có dịp hưởng thụ ca đàn Huế và đi tìm cái đẹp của sông nước Hương giang đầy thơ mộng. Không chỉ thuyền Rồng mà các con thuyền khác ở Huế cũng đầy nét thơ mộng. Do đó, trong bài thơ “Tiếng hát sông Hương” của Tố Hữu: “Trên dòng Hương giang. Em buông mái chèo. Trời trong veo. Nước trong veo”. Còn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” đã viết: “Dòng sông như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược nhỏ bé vừa bằng con thoi”.

Và một chiều lãng du bên dòng Hương giang, du khách bất chợt bắt gặp một tà áo dài trắng tinh khôi, một mái tóc thề, một tiếng dạ thưa “ngọt lịm ai mê say” hẳn không khỏi bâng khuâng, nuối  tiếc,  nhớ  nhung khi xa Huế. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Câu thơ này có lẽ hợp nhất khi nói về Huế, một xứ sở của những o nữ sinh với nét “dịu dàng pha lẫn trầm tư” được kế thừa từ văn hóa từ sông Hương.

Theo Phật giáo thì trái tim con người giống như đoá sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đoá sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên toà sen. Do đó, chương trình Phật Đản ở Huế cũng bắt đầu từ Lễ thắp sáng bảy đoá hoa sen trên sông Hương tượng trưng cho bảy bước đi thanh tịnh của Đức Phật. Sông Hương là vậy, nó là mạch nước tinh khiết khiến cho cuộc đời nở hoa.

Hiện nay, sông Hương còn được điểm xuyết bởi một đoá sen khổng lồ là Nhà hàng nổi Sông Hương. Ra đời vào năm 2012, đây là nhà hàng duy nhất ở Huế toạ lạc trên dòng sông Hương êm đềm, lại nằm cạnh bên cầu Trường Tiền thơ mộng nên vẻ đẹp của đoá sen khổng lồ này càng trở nên hài hòa như một bức tranh thủy mặc. Đặc biệt, nếu du khách ngồi ở đây mà ngắm mưa Huế thì thật tuyệt vời!

Cũng trong năm 2012, tại Trung tâm Du lịch trải nghiệm “Huế Xưa – Huế Nay”, một chiếc nón bài thơ khổng lồ toạ lạc trên cồn đất bồi tự nhiên bởi dòng chảy từ thượng nguồn sông Hương đổ ra biển, bên cạnh Đập Đá, Cồn Hến cũng đã được khánh thành. Đến với Trung tâm Du lịch trải nghiệm “Huế Xưa – Huế Nay” du khách sẽ được sống trong không gian văn hóa làng nghề, xem biểu diễn võ thuật cổ truyền triều Nguyễn, thưởng thức ca Huế cổ, được hướng dẫn tự chế biến và cảm thụ các món ăn dân gian trong kho tàng nghệ thuật ẩm thực xứ Huế.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã thực hiện dự án “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ. Dự án có giá trị 6,4 triệu USD, trong đó 6 triệu USD từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc và 400 ngàn USD vốn ngân sách địa phương, thời gian thực hiện trong 30 tháng kể từ đầu năm 2015 đến tháng 6/2017. Mục tiêu của dự án là thiết lập quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương với chiều dài khoảng 15km, phạm vi mỗi bờ khoảng 100 mét, phù hợp với định hướng quy hoạch đô thị Huế và tỉnh Thừa Thiên-Huế. Qua đó, phát huy giá trị cảnh quan, không gian đô thị, môi trường và văn hóa lịch sử sông Hương để phát triển cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đô thị Huế bền vững, hiện đại, trở thành một thành phố văn hóa – du lịch.

Nguyễn Văn Toàn

Theo Tạp chí Văn hoá Phật giáo số 286