page81_image1-13799

Tại sao Chúa Nguyễn xưng danh “An Nam Quốc”

Cách đây hơn 4 năm, vào tháng 4 năm 2013, Bảo tàng quốc gia Kyushu ở thành phố Saifu, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản công bố đã tìm thấy một bức thư cổ của Vương quốc An Nam gởi đến triều đình Nhật Bản. Nội dung thư được gởi với mục đích kết nối bang giao giữa hai nước và được viết vào năm 1591. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đây có thể được coi là văn kiện bang giao đầu tiên giữa hai nước Việt – Nhật trong lịch sử, mặc dù nó chưa từng được nhắc tới trong sử liệu của Nhật Bản.

Trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (hoianheritage.net) cho biết: Bức thư tịch này lần đầu tiên ra mắt công chúng Nhật Bản tại chương trình Triển lãm Việt Nam khai mạc ngày 16/4/2013.

Mở đầu bức thư là tựa đề “An Nam quốc Phó đô đường Phúc Nghĩa hầu Nguyễn thư giản”. Trên bức thư có ghi thời gian thảo thư là “Quang Hưng thập tứ niên nhuận tam nguyệt nhị thập nhất nhật”; tức ngày 21 tháng 3 năm Quang Hưng thứ 14 (năm 1591). Quang Hưng là niên hiệu của vua Lê Thế Tông (1573-1599) thời Hậu Lê. Vua lấy niên hiệu Quang Hưng từ năm 1578. Người gửi bức thư này được cho là một nhân vật có địa vị cao, có liên quan trong triều đình chúa Nguyễn đang nắm quyền cai quản miền Trung thời kỳ đó.

Về nội dung bức thư, chúng tôi sẽ bàn trong một dịp khác. Ở đây, điều cần bàn là tại sao có danh xưng xứ Thuận Quảng lúc đó là An Nam quốc vào thời điểm chúa Nguyễn Hoàng cai quản (1591)?

Như chúng ta đã biết, từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa (năm 1558) rồi sau đó, năm 1570, kiêm lĩnh luôn đất Quảng Nam thì bấy giờ, ông chỉ là một công thần của nhà Lê, giữ tước Đoan Quốc công do nhà Lê phong, và bấy giờ quốc hiệu nước ta vẫn xưng là Đại Việt đã được đặt kể từ khi vua Lý Thánh Tông (1054-1072) lên ngôi. Quốc hiệu này tồn tại không liên tục (gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ và 20 năm thời thuộc Minh) đến năm 1804, và trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn.

Lịch sử ghi nhận đến năm 1600, Nguyễn Hoàng mới có ý với “độc lập” chúa Trịnh và vua Lê; đặt Thuận – Quảng vào thế biệt lập với Thăng Long khi ông và đạo quân Dinh Hùng Nghĩa theo thủy lộ Thăng Long – Đại An dong buồm về Thuận Hoá.

Liên tục như thế, đến thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), vào năm 1710 chúa đã cho khắc ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo. Bên phải khắc 11 chữ: Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo. Nghĩa là: Chế tạo vào ngày 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Vĩnh Thịnh là niên hiệu của vua Lê Dụ Tông (1705-1728). Các chúa Nguyễn về sau cũng khắc ấn ghi là Đại Việt quốc.

Về tên gọi An Nam, như chúng ta đã biết, nó đã có từ thời nước ta bị phương Bắc đô hộ. Năm Kỷ Mão 679, vua Đường Cao Tông đổi Giao châu đô hộ phủ thành An Nam đô hộ phủ cho phù hợp danh hiệu với những nước láng giềng bị nhà Đường xâm chiếm, theo đó Triều Tiên ở phía Đông có tên gọi là  An Đông đô hộ phủ; Tây Tạng ở phía Tây là An Tây đô hộ phủ; Mông Cổ, Đột Quyết, Uy Guya ở phía Bắc là An Bắc đô hộ phủ. Từ đó, người Trung Quốc thường gọi nước Việt Nam là An Nam, bất kể quốc hiệu là gì.

Trở lại lá thư có ghi An Nam quốc nói trên, ta thấy không chỉ có trong bức thư này. Trong tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ tập 17 (số X2-2014), tác giả Đoàn Lê Giang cho biết: trong tập Ngoại phiên thông thư 外蕃通書 (còn có tên khác là “Ngoại phiên thư hàn” 外蕃書翰) là tập thư từ ngoại giao giữa Mạc phủ Tokugawa徳川với các nước: Triều Tiên, Lữ Tống (Philippine), Campuchia, Thái Lan, Việt Nam… Thời gian trao đổi các bức thư này là khoảng thế kỷ XVII, tương đương với thời Edo sơ kỳ đến trung kỳ của Nhật Bản, và thời Trịnh- Nguyễn phân tranh ở Việt Nam. Tập sách này gồm 27 quyển, trong đó quyển 1 là Mục lục, phần thư từ với Việt Nam ghi là “An Nam quốc thư” 安南國書. Sách được biên tập vào khoảng từ năm 1808-1819, bằng Hán văn và tiếng Nhật cổ có thêm chữ Katakana. Có thể liệt kê ra đây một số bức thư quan trọng sau:

  1. An Nam quốc đô nguyên súy Thụy quốc công thượng thư 安南國都元帥瑞國公上書: Thư của Nguyễn Hoàng về vụ đụng độ giữa lính Đàng Trong với đoàn thuyền của Shirahama Kenki 白濱顯貴 (năm 1601).
  2. Thần quân phục tứ An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công ngự thư 神君復賜安南國大都統瑞國公御書: Thư của Tokugawa Ieyasu trả lời về sự việc trên (năm 1601).
  3. Thần quân phục tứ An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công ngự thư 神君復賜安南國大都統瑞國公御書: Thư của Minamoto Ieyasu 源家康 ([9])  gửi chúa  Nguyễn Hoàng cám ơn về tặng vật của chúa Nguyễn (năm 1602).
  4. An Namquốc đại đô thống Thụy quốc công thượng thư 安南國大都統瑞國公上書: Thư Nguyễn Hoàng gửi Tokugawa Ieyasu cám ơn về tặng phẩm (1603).
  1. Thần quân phục tứ An Nam quốc đại  đô  thống Thụy quốc công ngự thư (Nhật Bản quốc Nguyên Gia Khang  phục  chương)  神君復賜安南國大都統瑞國公御書(日本國源家康復章): Thư của Ieyasu gửi Nguyễn Hoàng biểu lộ tình cảm và khuyến khích thương nhân Việt Nam đến Nhật buôn bán (1603).
  2. An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công thượng thư 安南國大都統瑞國公上書: Thư của Nguyễn Hoàng gửi Ieyasu cảm ơn về tặng vật, đồng thời gửi lại quà tặng cho Ieyasu (1605);
  3. Thần quân phục tứ An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công ngự thư (Nhật Bản quốc Tùng nhất vị Nguyên Gia Khang báo chương) 神君復賜安南國大都統瑞國公御書 (日本國從一位源家康報章):  Thư  trả lời của Ieyasu về bảo hộ thương nhân và đề nghị chúa Nguyễn    trừng trị nghiêm khắc kẻ có tội (1605);
  4. An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công phục Bản Đa Thượng Dã Giới Chính Thuần thư 安南國大都統瑞國公復多上野介正純書: Thư của Nguyễn Hoàng  trả  lời  Honda  Kozukenosuke Masazumi 本多上野介正純 về việc nhận Yashichiro 彌七郎 làm con nuôi và về tặng vật (1606);
  5. An Nam quốc chủ dữ Trường Kỳ Mộc Thôn Tông Thái Lang thư 安南國主與長崎木村宗太郎書: Thư của An Nam quốc chủ (Nguyễn Phước Nguyên 阮福源) gửi cho thương nhân ở Nagasaki 長崎là Kimura Sotaro 木村宗太郎 về việc ban cho quốc tính cho Sotaro 宗太郎 (1619.).

Qua những điều nêu trên, ta thấy từ thời chúa Nguyễn Hoàng, chúa đã dùng từ An Nam quốc để chỉ “tên riêng” của đất Thuận Quảng, do không muốn xưng danh Đại Việt quốc, để phân biệt với vua Lê – chúa Trịnh khi viết thư ngoại giao với nước ngoài. Nhưng trong các công việc nội trị, chúa vẫn sử dụng quốc ấn Đại Việt quốc, cũng như niên hiệu chính thống của các vua nhà Lê.

Đối với các chúa Nguyễn, từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên về sau, khi đất đai Đàng Trong đã được rộng mở, do đó, có lẽ để cho việc giao thương, buôn bán với nước ngoài được thuận tiện hơn, các chúa không thể dùng từ Quảng Nam quốc (nước Quảng Nam); mà lúc đó người ngoại quốc, giáo sĩ cũng như du khách, thương nhân muốn ra vào đất Nam Hà, phải đến ra mắt Trấn thủ Quảng Nam trước, vì vậy họ thường gọi xứ Đàng Trong là nước Quảng Nam. Có thể vì thế mà trong thư giao thiệp, các chúa xưng là An Nam quốc là thuận lợi nhất, vì nó đã xuất phát từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Và cho dù xưng danh An Nam quốc vương, các chúa vẫn đóng dấu Tổng trấn; như trong thư của chúa Nguyễn Phúc Nguyên hay chúa Nguyễn Phúc Thái.

Và nếu đúng như thế thì An Nam quốc được ghi trong các bức thư nói trên hoàn toàn mang tính ngoại giao của các chúa Nguyễn, nó không phải là “quốc hiệu”, và không liên quan gì đến từ An Nam có từ thời Bắc thuộc, khi nước ta bị Trung Quốc đô hộ. Tuy nhiên, những nhận định này cần có sự nghiên cứu thêm của các nhà sử học.

Tôn Thất Thọ