Quotefancy-357179-3840x2160

Hãy hoài nghi

Thường nếu chúng ta miêu tả bản thân mình là người hoài nghi, có nghĩa là chúng ta rất hay nghi ngờ người khác – khéo nhận ra sự đạo đức giả và những động cơ ích kỷ của họ. Thí dụ, chúng ta hoài nghi các vị giám đốc triệu phú, những công ty tuyên bố phá sản, các chính trị gia kêu gọi đạo đức trong phòng họp, thành viên ban quản trị tặng thưởng cho bản thân cả triệu cổ phần khác nhau – danh sách này sẽ khá dài và không khó điểm danh họ. Là người hoài nghi, chúng ta thường cười khan một mình với câu “Tôi đã nói rồi mà” kín đáo hiện trên nét mặt của ta… Mỉa mai thay, nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy những người hoài nghi chính đáng không có tính cách tự mãn thiển cận như thế. Chắc chắn là họ nghi ngờ một cách quyết liệt – nhưng chủ yếu là chính bản thân, không phải kẻ khác.

Các triết gia thuyết hoài nghi của cổ Hy Lạp đã dạy rằng để có được sự an bình trong cuộc sống, chúng ta không cần tìm đâu xa hơn là chính bản thân. Họ xem uy tín, quyền lực chính trị, giàu có vật chất, và sắc đẹp, là những thứ giả dối cám dỗ chúng ta tin vào dục lạc ngoại tại hơn là sự hài lòng nơi chính bản thân. Giống người tu khổ hạnh, người hoài nghi trở nên nổi tiếng vì không ngừng phơi bày những ham muốn tiềm ẩn đối với “hạnh phúc” vật chất. Nhiều người hoài nghi cố ý tự vạch trần bản thân để nghe lời chỉ trích nghiêm khắc của các vị thầy và sống cuộc sống rất đơn giản – thường là quá độ.

Các đệ tử của phái này tham gia vào những cuộc tranh cãi kịch liệt, khiêu khích nhau và thử thách nhau về sự cam kết từ bỏ sự thối rửa của lạc thú thế gian. Và dĩ nhiên, họ châm biếm cả xã hội Hy Lạp – thường xuyên với các vở hài kịch lỗi lạc ở những rạp hát đường phố. Trong khi người theo thuyết hoài nghi được đa số quần chúng mến mộ trong thời cổ Hy Lạp, nhưng họ cũng bị xem là hơi ngông cuồng và là cái gai trong mắt xã hội. Các vở tuồng châm biếm trên đường phố của họ đã mang lại cho họ danh hiệu kynikos, hay “giống như chó” – những kẻ “hoài nghi”. Mặc dầu chỉ trích xã hội một cách cay độc, những người hoài nghi hết sức thành thật trước hết với việc không tự dối mình – kiểm soát động cơ của bản thân, chứ không chỉ của người khác.

Noi gương những Người Hoài Nghi cổ xưa, thì tính hoài nghi đầu tiên là để tự vấn bản thân, không phải kẻ khác. Thay vì phán đoán sự đạo đức giả của người khác một cách tự mãn, chúng ta sử dụng sự thông minh bén nhạy của tính hoài nghi để nó trở thành chiếc la bàn đạo đức cho sự chân thật với chính bản thân. Sự nhắc nhở này khuyến khích chúng ta trước tiên cảm nhận được sự lo lắng của ta về công việc làm. Dĩ nhiên, các nguyện vọng của chúng ta đối với những việc như được cấp trên công nhận, được tăng thêm quyền hạn, hoặc được thăng chức, đều chính đáng. Ai chả muốn thành công ở nơi làm việc. Tuy nhiên, tính hoài nghi, là để ta nhận ra bất cứ ham muốn nào có thể làm cho nguyện vọng của ta thành sai lệch. Chúng ta đã đổ bao công sức để được cấp trên nhìn nhận? Chúng ta mong mỏi được gì sau đó? Chúng ta làm thế nào để xử lý tốt quyền hạn của mình? Chúng ta có làm cho người khác cảm thấy thoải mái, hay chúng ta kiêu căng, lạnh lùng? Chúng ta có cảm thấy xấu hổ khi không được thăng chức mà người khác được? Tại sao? Khi phân tích một cách chính xác những mong ước và lo âu của chúng ta về sự thành công ở nơi làm việc, lâu dần chúng ta bắt đầu nhìn ra được những miếng mồi giả tạo mà ta gán cho công việc, nghề nghiệp của ta. Giống như những Người Hoài Nghi thuở xưa, chúng ta từ từ tập không nhìn đâu xa hơn bản thân để tìm ra được giá trị cá nhân, cảm nhận về con người mình. Chúng ta tập nương tựa vào bản tánh chân thật của mình, tính hóm hỉnh, cởi mở và tâm thức chính xác, để được thành tựu và mang lại ý nghĩa trong cuộc sống.

Theo thời gian tính hoài nghi lành mạnh của chúng ta trở nên bén nhạy và đáng tin cậy, một sự thông minh không cần ai khẳng định và là cái thấy rõ ràng, thực tế và không sợ hãi. Chúng ta trở nên quen thuộc với những sự không chắc chắn ở nơi làm việc và sáng suốt trước những cám dỗ ở nơi đó: Sự chuẩn bị chu đáo cho một ông chủ có tính khí bất thường, một buổi giới thiệu sản phẩm hoàn hảo để đánh trúng “điểm yếu” của khách hàng, một bản báo cáo tài chánh đầy đủ được viết để làm nổi lên những điểm sáng và che giấu những mảng tối, hoặc chương trình quảng cáo việc làm đã thêu dệt một hình ảnh quyến rũ nhưng một chiều của công việc làm tương lai. Thay vì bị mua chuộc bởi những lời hứa hẹn mật ngọt và những bảo đảm giả dối, chúng ta chỉ cần quán sát kỹ hơn và xem xét bản chất chứ không phải bề ngoài, một việc không dễ làm nhưng là việc làm đúng đắn. Có được sự hoài nghi trong những trường hợp như vậy đòi hỏi sự thông minh cứng rắn, một tâm thức rõ ràng, chánh niệm, và một cá tính kiên định không dễ dàng bị mê hoặc bởi sự vừa lòng bề ngoài. Nhờ tánh hoài nghi, chúng ta có thể thấy tha nhân đôi khi cũng cố gắng để lợi dụng ta như thế nào. Vì chúng ta không dễ dàng tự lừa dối mình, chúng ta sẽ không dễ dàng để kẻ khác lừa ta. Tính cách thận trọng với sự nhạy bén như thế không đòi hỏi chúng ta phải tỏ vẻ khinh khi hay xa cách người, mà ta chỉ cần sẵn sàng cảnh giác và thẳng thắn với bản thân. Chúng ta có thể trung thực với bản thân một cách thô bạo mà không cần phải thô bạo với thế giới quanh ta.

Điểm chính của tính hoài nghi là sự nhắc nhở nghiêm túc rằng không có sự thăng chức, ban thưởng, đồng lương, lương hưu, bổng lộc – không có hợp đồng sinh lợi, liên hệ thanh thế, “vỗ vai khen thưởng”, hoặc chức danh nào – có thể mang lại cho chúng ta hạnh phúc lâu bền. Chúng ta có thể ngừng mong ước trúng số để khỏi làm việc, mà nên sống trung thực với bản thân. Vỏ bọc ngọt ngào, những bảo đảm giả dối, và những niềm vui nhất thời không bao giờ có thể thay thế cho sự thoải mái được sống như con người thật của mình, ở ngay nơi mình có mặt. Sự thẳng thắn quyết liệt của chủ nghĩa hoài nghi không có chỗ cho sự thế chấp tính chân thật để tránh bất trắc hay để được an toàn. Trong ý nghĩa đó, tính hoài nghi, là một hành vi cao quý của sự trung thực và là một hành động can đảm của cá nhân.

Michael Carroll

Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ