fa7HT

Phật Giáo Việt Nam trong một số sách hán nôm

Phật giáo truyền vào Việt Nam từ thời Hùng Vương, đó là cách nói theo truyền thuyết dân gian. Bằng chứng là chuyện Chử Đồng Tử – Tiên Dung sau khi kết hôn, trên đường cùng chồng đi buôn bằng thuyền buồm, có ghé vào cửa Sót, lên núi Quỳnh Viên (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh) vào động núi Nam Giới, Chử Đồng Tử được sư Phật Quang truyền dạy giáo lý. Đến thế kỷ XV, Vũ Quỳnh – Kiều Phú mới ghi truyện vào sách Lĩnh Nam chích quái(1), nghĩa là khoảng trên dưới 1600 năm sau. Biết rằng đó là truyện dân gian, nhưng các ngành nghiên cứu văn hóa cũng không thể phủ nhận.

Thiền uyển tập anh có chép truyện quốc sư Thông Biện (? – 1134) khi Hoàng hậu nguyên phi Ỷ Lan hỏi về đạo Phật:

– Về giáo tông thì chưa nói tới, nhưng còn hai phái Thiền tông có gì chứng thực không?

Sư đáp: Xét truyện Đàm Thiên pháp sư thấy chép rằng: “Vua Tùng cao tổ (581-604) gọi sư, nói: “Trẫm nghĩ đến lời dạy từ bi của đức Điều Ngự mà không biết làm cách nào. Trộm ở ngôi vua, trẫm đã hỗ trợ tam bảo khắp Phù Nam rồi. Trong nước thì thu xá lị, xây 49 bảo tháp, ngoài nước thì dựng 150 chùa tháp để tiêu biểu cho đời, ở các xứ ngoài như Giao Châu cũng đã nhiều lần cho dựng chùa, để ơn phúc nhuần thấm khắp cõi đại thiên; nhưng xứ ấy tuy nội thuộc mà ràng buộc còn lỏng lẻo. Vậy pháp sư nên chọn những vị sa môn có danh đức đưa sang đó để giáo hóa, khiến cho tất cả đều giáo hóa được đạo Bồ Đề”.

Pháp sư Đàm Thiên tâu: “ Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc, khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp, thì ở Luy Lâu đã có tới hai mươi ngôi bảo tháp độ được hơn trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”. Như vậy là Phật giáo đã truyền vào Giao Châu trước nước ta, hồi ấy đã có các vị tăng như Maha kỳ vực (Vinitaruci), Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác… cư trú tại đó”. Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ đắc pháp với Tỳ Ni Đà Lưu Chi, truyền bá tông phái tổ thứ ba của Tăng Xán. Pháp Hiền là vị Bồ Tát sống, hiện trụ trì ở chùa Chúng Thiện, giáo hóa không dưới ba trăm môn đồ, không thua kém gì ở Trung Quốc”(2).

Suy nguyên từ Phạn ngữ naraca và lý giải cách hiểu từ Nê Lê chỉ ngôi chùa và tháp Tường Long ở Đồ Sơn của các tác giả trước, căn cứ vào tài liệu địa chí, có người đã lý giải: “Chùa Địa Ngục, sau đổi là Tây Thiên (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) chính là thành Nê Lê của huyện An Định xưa. Bảo tháp Asoka đã từng được xây dựng ở đây. Chuyện có liên quan đến cuộc kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba của vua Asoka từ Ấn Độ, cùng một trưởng lão là Tissa Moggaliputta đã cho hai vị cao tăng là Uttara và Sona đã đến các nước Đông Nam Á lục địa truyền giáo Phật. Dù thành Lê Nê ở Đồ Sơn hay Nê Lê ở Tam Đảo thì cả hai nơi đều nói đến sự kiện Phật giáo in thêm một dấu ấn đậm ở Việt Nam vào những năm đầu dương lịch.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam (1988) của tập thể tác giả Viện Triết học có viết: “Các thương nhân xuất phát từ Trung Ấn có thể dùng tuyến đường bộ ngang qua đèo Ba Chùa và theo sông Kanburi mà xuống châu thổ Mênam, bằng tuyến đường hiện nay vẫn nối liền cảng Moulmein với thành phố Raheng, nằm trên một nhánh của con sông Mênam (…) chính tuyến đường này dẫn tới vùng Bassk ở trung lưu sông Mêkông, địa bàn của vương quốc Kambijan. Vương quốc này có thể là do những di dân Ấn Độ thành lập trước Công nguyên. Rất có thể các tăng sĩ Ấn Độ vào đầu Công nguyên đã theo con đường này mà đến đất Lào, rồi từ đây vượt Trường Sơn sang Thanh Hóa hay Nghệ An(4).

Cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo đã thế tục hóa ở Việt Nam từ cách thể hiện nghi thức tôn kính đến danh xưng giáo chủ. Buddha trong tiếng Phạn chỉ đức Phật giáo ngộ, người Việt đã tiếp nhận trực tiếp; đổi thành Bụt, khác với cách của Trung Quốc gọi là Phật. Tuy nhiên, vốn từ Hán Việt sau này cũng dùng danh xưng Phật trong văn hóa Việt Nam trở thành phổ biến. Sách Hùng Vương phạn tăng của An Thiền cũng viết là sư Khâu Đà La đến thành Luy Lâu vào cuối đời Hán (168-189). Lẽ nào thời Hùng Vương kéo dài tới gần hết thế kỷ III.

Các thần tích về tướng lĩnh Hai Bà Trưng (40-43) có nhiều chi tiết, “sau chiến tranh” thì quy y theo Phật. Đến năm 529, sách Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên có dẫn sách Dương thị Nam Duệ dị vật chí, nhắc đến địa danh Giao Châu” người ta trồng uất kim hương để cúng Phật. Đó là một loài hoa quý của người Việt”(4) là chuyện sử cuối thế kỷ I.

Năm 251 Khương Tăng Hội dịch sách Lục độ tập kinh của người Việt sang Hán ngữ; trong nội dung có đoạn nói về thái độ của Phật giáo trước nạn ngoại xâm: “Bồ tát thấy dân kêu ca, bèn gạt lệ, xông mình vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than”. Và “hễ làm vua, bỏ sự giáo hóa chân chính của Phật mà đi tôn sùng yêu quỷ, thì đó là nền tảng của sự mất nước”(5). Theo thống kê của Lê Mạnh Thát, ở Việt Nam thời Hùng Vương còn lại bảy kinh truyện Phật giáo. Lục độ tập kinh hợp lại thành sách từ năm 138. Lục độ tập kinh cùng hai bộ kinh khác được dịch từ Phạn ngữ ra Hán Việt là Tạp thí dụ và Cựu tạp thí dụ đã được lưu hành phổ biến. Ba tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam ở buổi ban đầu không chỉ ghi lại nhiều truyền thuyết dân gian mang tính thuyết giảng giáo lý đạo Phật mà còn thể hiện tính quyền năng “vua Phật” của giai cấp thống trị là hình thức nhà nước từ thời Hùng Vương đến thế kỷ II.

Ở thành Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh) Phật giáo Giao Châu đã trưởng thành vượt bậc với các danh sư Khâu Đà Na người Ấn, Mâu Bác, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương Tiếp và Ma Ha Kỳ Vực. Hình tượng Thạch Quang Phật (Phật đá phát sáng) và Man Nương Phật Mẫu đã biến hình hòa nhập giữa tục thờ Mẫu, thờ đá của người Việt với đức Phật Ấn Độ ngoại nhập. Thực tiễn diễn ra từ giữa thế kỷ II đến đầu thế kỷ III. Một trong “tám vạn bốn ngàn” pháp môn của Phật giáo còn mang dấu ấn của Kỳ na giáo là quyết pháp tu đứng một chân, được hiện diện ở Khâu Đà Na. Chẳng những thế, hành trạng xuất thân của Phật Khâu Đà Na còn nguyên là người Ấn Độ giáo trước khi tu Phật. Về sau thần Độc Cước còn lại ở khá nhiều chùa thờ Phật từ miền trung trở ra bắc Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam đã tạo ra bốn vị Phật bản địa là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện, tương truyền rất linh thiêng, được vua chúa, dân chúng kế đời cầu đảo. Cho đến nay, Pháp Vân vẫn được phật tử Việt Nam sùng bái.

Thế kỷ V, lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi danh hai nhà sư giáo độ hoàng pháp: Đạt ma Đề Bà (Oharmadeva) người Ấn Độ và sư Huệ Thắng người Việt. Sách Tục cao tăng truyện có chép: “Thích Huệ Thắng người Giao Chỉ, ở chùa Tiên Châu, lánh ngụ rừng đầm, thong dong ngoại vật, tụng kinh Pháp hoa, ngày kể một biến, mỗi năm càng sâu”… “Năm Vĩnh Ninh thứ năm (487) dời đến tinh xá Diên Hiền ở núi Chung. Từ nhỏ đến già, lòng Thắng trinh bạch thẳng ngay. Trong khoảng Thiên Giám (502-519) Thắng mất, xuân thu 70”. Theo học đạo Phật Đạt Ma Đề Bà, một thiền phái Phật giáo Việt Nam do sư Huệ Thắng khởi xướng. Trong tiểu sử thiền sư Thích Huệ Thắng ở sách Tục cao tăng truyện cũng ghi: “Thắng mỗi lần vào định, hết ngày mới đứng dậy”. Tu hành đến mức nổi danh sang cả Trung Quốc, bấy giờ, thiền sư Huệ Thắng đã bị Lưu Hội của nhà Hán Vũ bắt sang phương Bắc để tiếp tục giảng đạo và thiền định chắc không phải bình thường.

Kế nhiệm thiền sư Thích Huệ Thắng cũng ở chùa Tiên Châu là thiền sư “Thích Đạo Thiền người Giao Chỉ, sớm thoát lưới đời, lập tính phương nghiêm tu thân giữ giới trong sạch sánh các cao đức làng họ tăng tục đều quý Thiền khắc kỷ mà trọng thiền đốc hành. Chùa núi Tiên Châu xưa bị nhiều cọp hại, Thiền đến ở đó, nạn ấy liền xa. Khi Cánh Lăng vương nhà Tề (479-501) mở rộng thiền luật, dựng nhiều chỗ giảng, người ta ngàn dặm ruổi xe, cùng đến Kim Lăng. Họ đều là tiên lĩnh của bốn bể, người tài của đời và tay giỏi trong đạo. Thiền truyền dạy sách hay rất thông. Ban đêm không ngủ, tham khảo kinh mầu, vâng tìm lời thật. Đến năm Vĩnh Ninh thứ nhất (483) du lịch qua nhà cửa của kinh đô, để đến chùa Vân Cư hạ tại Chung Sơn. Thiền vâng điều khiển tăng chúng, nổi tiếng vì rộng dùng thập tụng. Dậy đạo trải qua, tăng ni tin vâng, nên uy tín chấn phát, tiếng tăm biết khắp. Thiền điềm đạm dạy người, bàn cãi, có phong thái nên kẻ chịu thọ giới với Thiền tại kinh đô, số vượt quá ngàn. Học đồ thường đến nghe Thiền giảng không thiếu dưới một trăm”. “Vào năm Đại Thông thứ nhất (527) Thiền mất ở chùa núi, xuân thu 70”.

Theo Nam Tề thư, thiền sư Thích Đạo Thiền có ít nhất hai lần dự đại hội an cư kết hạ Phật giáo do Trung Quốc tổ chức. “Ngày mồng 8 tháng Hai năm Vĩnh Minh thứ nhất (483) đặt chiếu giảng ở kinh đô, nhóm danh tăng tại cung khuyết” và năm 487 quận vương Cánh Lăng “mời danh tăng đến, giảng về Phật pháp, tạo nên kinh bối theo nhạc điệu mới”. Khác với thầy Thích Huệ Thắng của mình, thiền sư Thích Đạo Thiên không bị “bắt đi” mà do quan Thái thú quận Giao Chỉ cử đi theo lối ngoại giao.

Tựu trung hai thầy trò thiền sư Việt Nam ở cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI đã nổi danh tài cao học rộng; người khắp xứ biết đến. Nhà Tề ở Trung Quốc vì mến mộ mà bắt hoặc mời đi giảng đạo. Như vậy phái thiền học Việt Nam chính thức có căn cứ từ hai thiền sư Thích Huệ Thắng và Thích Đạo Thiền. Có lẽ từ đầu thế kỷ VI, đạo Phật Việt Nam mới có sự giao lưu sâu rộng với Phật giáo Trung Quốc, khi đã trải qua khoảng bảy, tám trăm năm tiếp nhận Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ đưa tới. Nhiều cao tăng danh tiếng người Việt thời thuộc Đường còn được sử sách ghi chép về thân thế và sự nghiệp. Điều đó cũng nói lên sự trưởng thành của nhà nước phong kiến Việt Nam với triều đình phong kiến Trung Quốc cũng được xác lập. Không những thế, nhiều cao tăng Việt Nam đã sang Ấn Độ và các nước lân cận khác để thỉnh kinh hoặc giảng đạo. Trong sách Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện của Nghĩa Tịnh có ghi tên sáu vị sư người Việt. Khoảng năm 664-665 sư Vận Kỳ người Giao Châu cùng với sư Đàm Nhuận người Lạc Dương xuống Nam Hải học đạo sư Tri Hiền (tức Jnanabhadra) người Java. Sư giỏi tiếng Phạn, tiếng Mã Lai. Sau mười năm du học, sư Vận Kỳ đã mang kinh Agama về Giao Châu; chạy ngựa trạm đến Trường An dâng cho vua Đường; trở về Giao Chỉ, giao tiếp cùng các tăng ni, được tặng vài trăm tấm lụa. Vào lúc 40 tuổi, sư trở lại Java hoàn tục ở Sumantra. Sư Mộc Xoa đi thuyền xuống phía nam, du ngoạn qua nhiều nước đến chùa Đại Giác (Mahabodha) cũng như hầu khắp các chùa, đền. Sư mất sớm, lúc mới 24, 25 tuổi.

Pháp sư Khuy Xung có tên Phạn là Citradeva, là đệ tử của sư Minh Viễn, cùng thầy đi thuyền xuống Nam Hải, qua Srilanca, xuống phía tây Ấn Độ, gặp sư Huyền Chiếu, rồi cả ba sư cùng đi đến thành Vương Xá (Kucagapura). Chẳng may, sư bị bệnh, mất ở Venuvana lúc mới 30 tuổi.

Sư Tuệ Diễm là đệ tử của sư Tri Hạnh theo thầy tới Srilanca rồi ở lại đó tu hành. Sư Tri Hạnh người Châu Ái có tên Phạn là Prajnadeva, xuống Nam Hải đến Ấn Độ đi lễ Phật khắp nơi, tới tận miền bắc sông Hằng.

Thiền sư Đại Thừa Đăng, người Châu Á có tên Phạn là Mahayanapradija, theo cha mẹ từ lúc còn nhỏ lênh đênh trên thuyền, đến Dvaravati – vương quốc Môn ở lưu vực sông Mênam – rồi mới xuất gia tu Phật. Sứ giả nhà Đường là Diễm Tự đưa sư về kinh đô Trường An, vào chùa Tự Ân theo học pháp sư Huyền Trang. Sau vài năm sư đã đọc hết kinh sách, rồi lại vượt biển đi Srilanca vọng bái răng Phật, qua nam Ấn Độ, đến nhiều vùng đất Phật. Năm 60 tuổi sư thi tịch ở chùa Parivana trong thành Kushinagara.

Phật giáo ở các tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam có biểu hiện truyền bá Phật giáo bên cạnh Ấn Độ nhưng danh tích không rõ ràng.

Ở phía nam và miền trung Việt Nam, Phật giáo cũng được truyền vào khá sớm. Hậu Hán thư có ghi, năm 137 “dân Tượng Lâm khởi nghĩa, đốt chùa, phá thành” có khi là một mâu thuẫn nội bộ cư dân. Bia Võ Cạnh (Nha Trang) của thế kỷ III, khắc chữ Saskrit câu kinh Phật”. Từ bi lan mẫu đối với chúng sinh”. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng đã tìm thấy ở Đồng Dương thuộc thế kỷ III. Vào thế kỷ VII sư Nghĩa Tịnh có viết: “Champa là một quốc gia theo Phật giáo nhiệt thành”.

Trở lên, Phật giáo Việt Nam ở địa phận Giao Chỉ của buổi đầu du nhập là Phật giáo Thêravada. Hai thiền sư khởi xướng thiền học và cũng là những người đầu tiên mở ra quan hệ giữa Phật giáo Luy Lâu với Phật giáo Trung Quốc thời Hán. Phải chăng cũng từ thời điểm này, danh từ riêng Buddha được Việt hóa thành từ Bụt đã dần chuyển hóa thành từ Phật theo cách thuận nhất của từ Hán Việt mang đậm dấu ấn tiếng Hán. Mối quan hệ tôn giáo Việt Trung từ thế kỷ VI đến hết thế kỷ IX đã tạo ra sự “bác học hóa dân gian” của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo nguyên thủy từ Ấn Độ đã hòa nhập với tín ngưỡng, tôn giáo bản địa Việt Nam giờ đây đang khởi sắc, phát triển trên một chặng đường mới theo phái Đại Thừa với tất cả quy mô hoàn thiện.

Thực tiễn đó cũng là kết tinh 10 thế kỷ đầu C.N. Xứ An Nam đã trải qua hơn 1.000 năm dưới ách đô hộ của các thế lực phong kiến Tùy, Đường, Tống mà không phải cư dân bản địa đã cam chịu. Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (542-543) với việc thành lập nhà nước Vạn Xuân chẳng được bao lâu, nhưng tinh thần bất khuất của An Nam vẫn được khơi dậy. Dương Đình Nghệ đánh bạt quân Nam Hán xưng Tiết độ sứ, phủ định chính quyền đô hộ, phân vùng châu Hoan, châu Ái cho Đinh Công Trứ và Ngô Quyền làm Thứ sử. Nhiều tướng lĩnh khác được giao chức cai quản các châu trong miền Tĩnh Hải.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền chỉ huy đã chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc. Khi lên ngôi vua, Ngô Quyền đã xây dựng nhà nước phong kiến độc lập. Nhưng rồi chỉ được 6 năm, sau khi ông mất, đất nước rơi vào cảnh nội loạn. Những năm 70 của thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn xong, củng cố đất nước thống nhất. Bấy giờ, Phật giáo vẫn giữ vị thế xã hội cao hơn cả Nho giáo và Đạo giáo. Năm 971 Đinh Tiên Hoàng định thứ bậc cho các hạng tăng đạo. Được coi như các quan chức của triều đình các bậc tăng lữ được vua quan, dân chúng nể trọng. Sư Ngô Chân Lưu được vua mời đến tiếp chuyện và phong chức đứng đầu các tăng quan của cả nước, ban tước hiệu Khuông Việt đại sư được tham gia việc triều chính như một tể tướng. Sư trụ trì ở các chùa đều được cấp tự điền. “Tự điền là điền trang của tập đoàn phong kiến Phật giáo” Sách Thiền uyển tập anh còn viết:

“Hoàng đế Lê Đại Hành càng kính trọng sư hơn. Phàm việc quân, việc nước ở triều đình, sư đều dự vào.

Một lần đi chơi núi Vệ Linh ở quận Bình Lỗ, thích phong cảnh vắng đẹp, bèn muốn lập am để ở. Đêm tối nằm mộng thấy một vị thần, mình mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, hình tướng dễ sợ, đến nói rằng: Ta là Tỳ Sa Môn thiên vương, những người theo ta là Dạ Xoa. Thiên đến có sắc sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho ngươi biết. “Sư kinh hãi thức dậy, nghe trong núi có tiếng kêu la ầm ỹ lòng rất lấy làm lạ. Đến sáng, sư vào núi thấy một cây to, cao khoảng mười trượng, cành lá sum suê, bên trên lại có mây bao phủ, nhân đó sai thợ đến chặt, bèn đem về khắc tượng như đã thấy trong mộng để thờ.

Năm Thiên Khúc thứ 1 (981) quân Tống đến quấy nước ta. Vua biết việc đó, liền sai sư đến ban thờ cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”(6). Như thế Phật giáo đã kết hợp nhuần nhuyễn với cách làm của Đạo giáo, để lựa mình giúp vua đánh giặc cứu nước. Thiền sư Ma Ha người Chiêm Thành tu ở chùa Quan Ái được Lê Đại Hành mời vào Hoa Lư ba lần để hỏi về đạo Phật. Sự Pháp Thuận nghe lời vua cải trang làm người chèo đò để nắm bắt tình hình sư Tống. Thời Tiền Lê, kinh sách được truyền bá rộng rãi. Sư Pháp Thuận đã viết Bồ Tát hiệu sám hối văn. Vua cho người sang nước Tống thỉnh kinh Đại tạng năm 1007. Truyện dân gian về sư Ma Ha uống rượu, ăn thịt bị thổ ra thành muông thú chạy đi, thành cá nhảy, thành nước chảy, khiến dân chúng “lấy làm kinh hãi, đều xin quy y theo đạo Phật” cũng là một triết lý đề cao Phật giáo.

Thời Lý (1010-1225), Phật giáo được coi là quốc giáo chính thống. Xét nguồn gốc xuất thân của vua Lý Công Uẩn, vị vua mở đầu vương triều một dòng họ đã đủ rõ. Là con bán ở chùa Cổ Pháp, được thiền sư Vạn Hạnh nuôi dậy, lớn tuổi sư cho nhập thế, làm quan từ thời Lê Đại Hành đến đến chức Tứ sương quân, Phó chỉ huy sứ, rồi tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Lê Ngọa Triều (985-1009) thối nát, sư Vạn Hạnh cùng Đào Cam Mộc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vào “mùa thu – tháng 7” vua “xuống chiếu phát tiền kho hai vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức tám sở, đều dựng bia ghi công”. Sử gia Lê Văn Hưu còn cho biết thêm, vua “lại sửa chữa chùa quán ở các lộ và cấp độ điệp cho hơn nghìn người ở kinh sư làm tăng”. Tháng 12 năm 1010, vua “cấp độ điệp cho nhân dân làm sãi. Phát 1680 lạng bạc để đúc chuông lớn ở chùa Đại Giáo”. Tháng 5 năm 1014 “cho lập giới trường ở chùa Vạn Tuế, cho tăng đồ thụ giới. Tháng 3 năm 1016 “cấp độ điệp cho hơn 1000 người ở kinh sư làm tăng đạo. Dựng hai chùa Thiền Quang và Thiên Đức, tô bốn pho tượng thiên đế”(7). Tháng 12 năm 1018, Nguyễn Đạo Thành đi sứ về, xin được kinh Tam Tạng, xuống chiếu cho tăng thống Phí Trí sang Quảng Châu đón”. Tháng 12 năm 1021 “làm nhà bát giác để chứa kinh”. Tháng 8 năm 1027 vua “xuống chiếu chép kinh Tam Tạng”.

Các đời vua thời Lý đều coi Phật pháp là tư tưởng chủ đạo để xây dựng nếp sống văn hóa và đời sống kinh tế. Khác chăng, chỉ là mối quan hệ “vua Phật” chứ không phải “Phật vua” bởi khi nhập thế nhiều công việc thi hành chính sách xã hội cần có vai trò của pháp trị của nhà nước phong kiến. Mặt khác, văn bia thời Lý cũng khẳng định, Phật giáo – tính đến thời Lý “đã hơn hai nghìn năm mà sự thờ phụng ngày càng thêm mới. Hễ có cảnh đẹp núi non thì không nơi nào là không mở mang để xây dựng chùa chiền, nhưng không có các bậc vương công đại nhân giúp đỡ thì làm sao mà nên được”. Không chỉ có vua, các quan quân, dân chúng Đại Việt đương thời cũng đều mến mộ, sùng kính đạo Phật, Lý Thường Kiệt nổi tiếng “phá Tống bình Chiêm” khi trấn nhậm đất Thanh Hóa đã trực tiếp đôn đốc xây dựng nhiều chùa thờ Phật ở xứ. Hàng loạt chùa tháp thời Lý mọc lên từ Vị Long (Hà Giang) đến An – Tĩnh.

Rất nhiều di chỉ khảo cổ học đã tìm thấy gạch cỡ 20cm x 40cm được sản xuất vào năm Long Thụy Thái Bình (1057) ở tháp Tường Long (nay thuộc Đồ Sơn, Hải Phòng), ở hoàng thành Thăng Long, ở Hoa Lư v.v… Bia chùa Báo Ân ở Mê Linh (Vĩnh Phúc) (1209) cho biết, một người họ Nguyễn đã cúng cho chùa 126 mẫu, làm ruộng oản nuôi sư, 3 mẫu cho người giữ chùa, còn bao nhiêu để lại cho dân phòng khi tu sửa, cùng là sắm cỗ chay oản quả, dịp hội hè, bố thí cô hồn”. Ở chùa Keo (Thái Bình) văn chuông ghi vua Lý “cúng 1271 mẫu 2 sào”. Lại có việc cúng ruộng của Linh nhân hoàng thái hậu ở Cẩm Giàng (nay thuộc tỉnh Hải Dương) cho chùa Đọi (nay thuộc tỉnh Hà Nam) “một khu liền 72 mẫu ở xứ Màn Để… làm ruộng hương đèn vĩnh viễn. Ruộng này cúng vào tam bảo có khai xin được miễn tô thuế”. Ruộng chùa do dân canh tác hoặc do điền nô đảm nhận. Ngoài ra, chế độ thực điền do nhà nước cấp cho một số nhà sư; như thiền sư Mãn Giác ở chùa Giáo Nguyên được vua Lý cho ăn lộc 50 hộ. Năm 1119, thiền sư Không Lộ mất, vua cho làm ruộng thêm chùa, miễn lao dịch cho 20 hộ để đèn hương thờ phụng. Sư Minh Không chữa khỏi bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông; được vua cho ăn lộc vài trăm hộ, miễn tô dịch…

Rõ ràng là trong nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam thời Lý có xu hướng ưu đãi đặc biệt với đạo Phật. Ruộng đất và tài sản của nhà chùa ở khắp nơi đều dồi dào, của dư được dùng vào việc giao hóa, bố thí cho dân nghèo. Các quan văn được giao chức đề cử, giúp nhà chùa quản lý. Quan chức ở triều đình, tỉnh lộ thì cùng nhau góp của để xây dựng chùa tháp nguy nga ở khắp chợ cùng quê.

Các vị sư đắc đạo, giỏi kinh pháp được vua phong là quốc sư. Nhiều người thuộc tầng lớp thống trị khi tuổi cao đều quy y theo Phật. Hệ thống tăng quan thời Đinh – Lê được cải cách thành tả nhai tăng thống, hữu nhai tăng lục. Từng khu vực ở địa phương tỉnh lộ đều có các nhà sư đứng đầu, trông coi Phật sự.

Thiền phái Vô Ngôn Thông tiếp tục được truyền bá đến thế hệ thứ 15 ở triều Lý.

Phật giáo có ảnh hưởng đây đó trong các phái tu đạo Phật, với những phép màu huyền diệu của đạo Lão và học thuyết phong thủy. Bài kệ của thiền sư Không Lộ chẳng hạn:

“Tuyển đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô cư

Hữu thì trực thướng cô phong đính

Trường khiến nhất thanh hàn thái hư”.

Nghĩa là:

“Kiểu đất long xà chọn một nơi

Tình quê lai láng chẳng hề vơi

Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời”.

Thiền phái Thảo Đường truyền được 5 thế hệ (1069-1205) nhưng chỉ in đậm một xu hướng phát triển nhất thời. Thiền sư Từ Đạo Hạnh (?-1115) từng làm tăng quan, chuyên tụng kinh Đại bi tâm đà na li. Tiêu diệt Đại Điên, trả thủ cho cha rồi quy Phật, tương truyền sau hóa thân là vua Lý Nhân Tông.

Tiếp tục truyền thống Phật giáo thời Đinh – Lê, thời Lý đã duy trì và cải cách nền nếp cũ, chú trọng mở rộng các xu hướng mở mang bờ cõi, xây dựng một nền Phật giáo đa dạng về phong cách, quy mô bề thế trong các kiến trúc chùa tháp. Kinh sách rất được chú trọng bổ sung nguồn, cổ xúy các nhà sư trước tác.

Ba tông thái Thiền Tông, Tịnh độ tông và Mật tông, trong lịch sử Phật giáo Đại Việt từ cuối thời Lý đã có xu thế hướng Thiền.

Pháp môn tu tập Thiền tông có nguồn gốc từ thời đức Phật Thích Ca truyền cho tôn giả Ca Diếp ở Ấn Độ từ TCN trong hội Linh Sơn; truyền đến sư tổ Bồ Đề Đạt ma (Bodhidharma). Là con thứ ba của vua Kancipura vùng nam Ấn. Năm 520 theo lời thầy Prajnatara (Bát Nhã Đa La) sư tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc truyền giáo. Nhờ vậy, Thiền tông ở Trung Quốc ra đời và phát triển thành tông phái. Phương pháp tu thiền đòi hỏi tĩnh tại, quán tưởng trí tuệ để tìm ra chân lý nên thường phổ biến giai cấp thượng lưu và trí giả.

Thiền tông Việt Nam tổ đời thứ nhất do sư Tỳ Ni Đà Lưu Chi (Vinitaruci) khai sáng năm 580 tại chùa Pháp Vân nay còn di tích ở huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây. Sau này, vua Lý Thái Tông (1028-1054) trong bài kệ truy tán ca ngợi: “Mở đường nước Nam đến. Từng nghe ngài rất giỏi Thiền”. Dòng thiền Tỳ Ni Đà Lưu Chi truyền được 19 đời.

Thiền phái Vô Ngôn Thông là tổ chức thứ hai tại chùa Kiến Sơ – ở Gia Lâm (Hà Nội) từ năm 820 truyền được 17 đời. Thiền phái Thảo Đường vốn là tù binh Chiêm Thành, được vua Lý Thánh Tông (1054-1072) giải tội, tu ở chùa Khai Quốc nay còn ở Hà Nội là tổ phái thứ ba, truyền được sáu đời. Cả hai tổ sư thiền Tông tại Việt Nam ở phái thứ hai và ba đều là người Hoa.

Thiền phải Trúc Lâm là dòng thiền thứ tư do vua Trần Nhân Tông (1258-1308) khai sáng, cùng với trí tuệ Phật học cao siêu của Tuệ Trung Thượng Sĩ, ở núi Yên Tử vào cuối thế kỷ XIII. Đặc biệt, Thiền phái Trúc Lâm đã kết tinh Phật giáo Việt Nam từ thời Hùng Vương, hết thời Lý, thời Trần để thống nhất các Thiền phái Việt Nam quy về một mối. Năm 1304 khi đã lấy pháp hiệu Điều Ngự vua sư Trần Nhân Tông gặp sư Đồng Kiên Cương (1284-1330) ban đạo hiệu là Pháp Loa. Sau khi truyền pháp thiền được bốn năm ở sơn môn chùa Yên Tử, ngày mồng một Tết Nguyên đán năm Hưng Long thứ 16 (1308). Điều Ngự trao hơn 200 bộ kinh sử, truyền pháp, cấp ruộng đất, làm lễ nối pháp trụ Thiền tông cho sư Pháp Loa tại chùa Siêu Loại – nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Cuối năm, đại sư Điều Ngự xuất thế, Pháp Loa đưa xá lị (tro hài cốt) sư tổ về kinh đô rồi tạm trú ở chùa Tây Phương – nay ở Thạch Thất (Hà Tây) sưu tập những bài kệ, tụng của Điều Ngự thành sách Thạch Thất mị ngữ. Năm 1311, sư Pháp Loa cho Bảo Sát khắc bản in Đại tạng kinh, giảng Truyền đăng lục cho Huyền Quang ở chùa Siêu Loại. Thiền sư Pháp Loa đã viết nhiều bài kệ tán tụng và các sách Thiền học như: Đoạn sách lục, Tham Thiền chỉ yếu, Kim Cương đạo tràng đà na ni kinh, Tân Pháp Hoa kinh khoa số, Bát Nhã tâm kinh khoa v.v…

Tổ thứ ba của dòng Thiền Việt Nam là sư Huyền Quang (1254-1334). Xuất thân từ gia đình quan lại ở Kinh Bắc, thế danh của ông là Lý Tải Đạo, sau khi tham gia dẹp loạn Chiêm Thành, ông từ bỏ công danh – mặc dù đã nổi tiếng ở Hàn lâm viện về tài ứng đối thơ văn và đối ngoại tu nghiệp năm 1305 tại chùa Vĩnh Nghiêm – nay thuộc huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang. Năm 1307 sư Huyền Quang được sư Pháp Loa truyền tâm ấn, trụ trì ở chùa Vân Yên, trong quần thể chùa núi Yên Tử. Năm 1315 vua Trần Anh Tông (1276-1320) mời sư về chùa Báo Ân (Hà Nội) giảng kinh Lăng nghiêm cho các tăng ni phật tử ở cung đình. Năm sau sư Huyền Quang đứng ra dựng chùa Đại Bi ở quê sinh. Gần 60 tuổi sư Huyền Quang trở lại ở chùa Vân Yên. Sau án “mỹ nhân kế” do vua thử, sư Huyền Quang về ở chùa Thanh Mai, sang chùa Côn Sơn rồi mất năm 80 tuổi. Cuộc đời tu thiền của sư Huyền Quang còn để lại các tác phẩm: Ngọc tiên tập, Chư phẩm kinh, Công văn tập, Phổ tuệ ngữ lục. Vua Trần Minh Tông (1300-1357) thụy phong sư là “Trúc lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong từ pháp Huyền Quang tôn gia” Thiền phái Trúc lâm Việt Nam truyền được ba đời thì đứt đoạn do kinh biến quốc gia. Nhưng rồi, đến thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX lại được các thiền sư khơi dậy.

Như vậy Phật giáo thời Trần, đã chuyển hóa về chất. Các giáo lý đạo Phật thấm nhuần sâu sắc đến từng cá thể. Cùng với vốn văn hóa truyền thống và tri thức Nho, Lão, các phật tự Đại Việt đã cảm hóa cõi nhân sinh bằng chính Phật tính nội tại của mỗi người. Vì vậy, Thiền phái Trúc lâm Yên Tử đã nhập thế bằng tư tưởng và hành động cụ thể. Lần thứ hai, các chi phái Phật giáo Việt Nam được thống nhất với nhau trong cảm quan tâm linh mới.

Nhưng buổi hoàng kim của thời Trần, sau khi đất nước thanh bình chẳng kéo dài được bao lâu. Khi Trần Dụ Tông (1341-1369) ăn chơi xa xỉ, buông thả trong thú vui dâm dật, nhà Trần đi dần xuống thế suy vong. Phật sự bị sao nhãng; dân chúng mất niềm tin vào giai cấp thống trị. Nơi cung vua bề phái ẩu đả lẫn nhau, phế lập xảy ra liên miên. Có nơi, chùa Phật biến thành trại giam như việc vua Trần Minh Tông bắt giam Trần Quốc Tuấn ở chùa Tư Phúc. Người có lương tâm đạo lý như Trần Nguyên Đán phải thốt lên câu thơ:

“Tam vạn quyển thư vô dụng xứ

Bạch đầu không phụ ái dân tâm”

Nghĩa là:

Đọc ba vạn quyển mà vô dụng

Bạc đầu luống phụ chí thương dân

Rồi lại chiến tranh liên miên với Ai Lao, Chiêm Thành, kinh thành Thăng Long bị tàn phá nặng nề. Một quan chức thời Trần là Hồ Quý Ly cưỡng chế vua Trần Thuận Tông dời đô vào Thanh Hóa, ép vua nhường ngôi cho con mới ba tuổi lên ngôi, vua Trần Thuận Tông ở ngôi chưa đầy năm thì bị Hồ Quý Ly giết cùng 370 người khác là tôn thất thân tín của nhà Trần. Cải cách hành chính của Hồ Quý Ly làm thay đổi toàn bộ cơ cấu kinh tế nông nghiệp và ruộng đất thời Trần. Mọi uy thế của Phật giáo từng bước bị triệt hạ. Năm 1396, Hồ Quý Ly bắt buộc tất cả các tăng ni, sư sãi chưa đến tuổi 50 phải bỏ chùa hoàn tục. Toàn cảnh Phật giáo Việt Nam lâm vào cảnh tiêu điều ảm đạm.

Việt sử thông giám cương mục chép việc Nguyễn Đạo nói với nhà Minh: “Sư Nam pháp thuật giỏi hơn sư Bắc. Đến nay sai sứ sang tìm. Vua tuyển sư 20 tên gửi sang Kim Lăng”. Việc nhà Minh sai sứ sang truyền bá kinh Phật ở các tăng đạo ty” cũng chỉ là chính sách mị dân thô thiển mà không hề góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam được.

Sau 10 năm kháng chiến chống quân Minh, Lê Lợi khôi phục lại đất nước Đại Việt. Chùa tháp khắp nơi từ thôn quê đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng đều do dân tự quản. Các tăng ni phật tử tự lo đóng góp công của để tu sửa và nuôi dưỡng. Nhiều nhà sư kết hợp các bí pháp Nam dược trong y lý Trung Hoa, thu lượm và chế biến thuốc nam ngay tại các chùa chữa bệnh cho nhân dân. Vì thế, hình ảnh nhà sư lẩn khuất trong các ngôi chùa trở thành thân thiết quý trọng đối với mọi tầng lớp dân chúng.

Lê Thánh Tông nối ngôi (1460-1497) đề cao Nho học, hành chính hóa chế độ thi cử, biến Nho giáo thành quốc giáo. Tuy không bị bài bác nặng nề nhưng dường như các tăng quan, ni sư cũng không được trọng dụng hoặc coi như một thành phần cư dân sống ẩn dật, mê tín. Song, có lẽ để lấy lòng dân hoặc phút tùy hứng của quan lại, có lúc tượng Phật chùa Pháp Vân vẫn được rước ngoài trời để cầu mưa. Đại Việt sử ký toàn thư chép:

Năm 1434 “Mùa hạ tháng 4 ngày mồng 1, sai các quan rước Phật chùa Pháp Vân ở Cát Châu về Đông Kinh để đảo vũ. Bấy giờ trời lâu không mưa mà chỉ rước Phật dâng sớ để cầu đảo, Nguyễn Thiên Hựu dâng sớ tâu rằng: “Xin bệ hạ sửa đức, tha tù oan, thả bớt cung nữ, mà trời không mưa thì xin chém đầu thần để tạ thiên hạ”(8).

Trong Quốc triều hình luật thời Lê có ba điều quy định:

– Điều thứ 5: “Các sư và đạo sĩ tuổi từ 50 trở lên, phải có độ điệp (giấy phép cho đi tu) của quan cấp mới được; nếu không có thì phải tội đồ làm khao đinh. Có độ điệp riêng thì cũng đồng tội. Có độ điệp rồi mà phạm pháp, phải ra khỏi chùa, đền. Sau khi đã xét xử một tuần, mà không chịu hoàn tục thì cũng phải đền tội như trên. Xã quan dung túng, thì phải tội biếm một tư. Huyện quan vô tình không xét ra thì phải tội trượng hay phạt. Quan giám lâm cũng người trụ trì ở chùa, quán đều phải biếm một tư. Nếu sư và đạo sĩ phạm tội uống rượu, ăn mặn, thì phải hoàn tục, sung làm quân lính, phạm tội dâm thì phải tội đồ”. (Chương Hộ hôn).

– Điều thứ 18: “Các chùa quan và nhà dân có sư, đạo sĩ hay người làng khác đến trú ngụ, quá 5 ngày mà không trình với xã quan, thì phải biếm một tư. Kẻ trú ngụ 3 tháng không đi, mà xã quan che chở, không làm giấy trình để huyện quan khư xử, thì phải tội biếm hay tội đồ” (Chương Hộ thôn).

Điều thứ 22 và 23 của chương Đạo tặc quy định: “Kẻ ăn trộm những đồ thờ cúng thần Phật trong đền chùa thì phải tội như tội ăn trộm thường” và “kẻ ăn trộm và phá những tượng thần phật đều phải tội như tội ăn trộm khác và phải đền gấp ba số tổn hại, nộp vào kho của đền chùa ấy. Nếu chính những người đạo sĩ, nữ quan, sư và ni mà ăn trộm, phá tượng, thì phải gia tội một bậc. Nếu ăn trộm để mà cúng vào đền, chùa thì phải biếm ba tư”(9).

– Ngày 22 tháng 8 năm 1498 “Sửa lại chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích và dựng bia. Đó là theo lời di chúc của cha sinh ra hoàng thái hậu là Trịnh quốc công Nguyễn Đức Trung”(10).

Ngoài ra, năm 1461, triều đình còn ra lệnh cấm các địa phương và các nhà quý tộc quan lại không được xây dựng thêm những chùa quán mới, không được tự tiện đúc chuông tô tượng. Mười năm sau (1471) Lê Thánh Tông cải tổ lại bộ máy nhà nước, đặt chức tăng thống, cử người lãnh đạo bộ máy Phật giáo. Vua thường sai triều thần mang lễ vật vào chùa cúng Phật. Dĩ nhiên đây chỉ là biện pháp lấy lòng dân chúng, lôi kéo số đông nhân dân ủng hộ nhà nước pháp trị, chắc không phải là chủ đích hoàng dương Phật pháp. Lê Thánh Tông khi viết về giới Thiền tăng;

“Nói những thiên đường cùng địa ngục

Pháp sao chẳng độ được mình ta”.

(Thập giới cô hồn quốc ngữ văn)(11).

Sang đầu thế kỷ XVI, nhà Lê suy, Mạc Đăng Dung cướp ngôi. Chế độ phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng. Nội chiến, ngoại xâm liên tiếp xảy ra. Không khí chính trị của đất nước hỗn loạn, Nho giáo suy vi, kẻ sĩ nhiều người hám đua chen danh hão. Nhà Mạc (1527-1592) trở lại sùng tín Phật giáo. Vua quan, tướng, chúa đều xoay voay đứng ra gom công của làm chùa tháp, dựng bia. Việc cúng ruộng cho các chùa làng tái lập. Thân vương triều Mạc nhiều người cùng nhau mua ruộng cho các chùa làng tái lập. Tạo Thiên Phúc tự bi (1561) ghi tên hơn 30 vị thân vương góp ruộng “cả thảy 26 mẫu 1 sào 2 thước cúng vào chùa Thiên Phúc làm vật tam bảo. Cho bản xã cày cấy để tiêu đèn nhang thờ cúng. Nếu ai chôn cất, phá hoại, thay đổi, dời bia xâm lấn ruộng đất này, sẽ có chư Phật soi xét, chu di ba đời”. Hầu như là “phong trào mua ruộng cúng chùa” đã lan khắp giới quý tộc nhà Mạc – ở nơi Mạc Mậu Hợp, Mạc Phúc Khải, Mạc Đăng Doanh… chiếm đóng căn cứ gọi – là Dương Kinh (Hải Dương) hoặc đất phát tích Kiến An (Hải Phòng). Ở các nơi khác, quan lại địa phương cũng cúng ruộng, xây chùa, dựng bia nhưng nhiều khi sai niên hiệu mà vẫn đúng năm khắc. Điều đó chứng tỏ Phật giáo vẫn có sức sống lâu bền trong dân chúng, ngay cả khi tầng lớp thống trị ở xa, thông tin liên lạc nhưng việc phục hồi nếp sống Phật giáo vẫn được tiến hành gần như tự nguyện.

Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài rất chú trọng tôn tạo những ngôi chùa lớn. Trịnh Tạc (1657-1682) cho trùng tu chùa Tây Phương nay còn ở Thạch Thất – Hà Tây. Trịnh Cương huy động tiền của ở vùng Quế Dương, Lương Tài, Gia Bình sửa chữa chùa Phúc Long năm 1719. Năm 1727 “Chúa Trịnh đi đến Như Kinh (nay thuộc Gia Lâm – Hà Nội) ưa thích phong thủy ở Cổ Bi, muốn xây dựng kinh đô mới ở đó”(12). Ngày 30 tháng 9 năm 1727 “chúa đi tuần du về phía tây… sai Trần Đình Ngọc làm chùa Tây Thiên và chùa Độc Tôn ở dưới chân núi Tam Đảo.

Trịnh Cương nối ngôi năm 1730 “Mùa đông, tháng 11; xây dựng hai chùa Sùng Nghiêm, Quỳnh Lâm, lấy đinh phu ba huyện Đông Triều, Thủy Đường, Chí Linh sung vào công việc, miễn tiền đắp đê đắp đường, tiền bưu đinh một năm. Sai dỡ gỗ ở hành cung Cổ Bi, đóng bè thả sông chở xuôi xuống để cung cấp vào việc xây dựng”(13). Nhưng chắc rằng việc tiến hành chậm trễ, đến tháng 3 năm 1734 sách Đại Việt sử ký tục biên mới ghi: “Làm chùa Quỳnh Lâm, lấy dân phu ba huyện thuộc Hải Dương phục dịch. Khai bốn đoạn sông để thông đường chuyển vận kéo gỗ chở đá, thường đến vạn người, cả ngày lẫn đêm, không được nghỉ ngơi”(14). Các ngôi chùa Viên Giác ở Hưng Yên, Sùng Quang ở Hà Nội, Hưng Phúc ở Bắc Ninh đều do nhà Mạc xây dựng.

Ở Đàng Trong chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) mộ dân lập ấp trên đất Thuận Hóa đã có một số chùa tháp được xây dựng từ trước với quy mô nhỏ do dân bản xứ tự làm. Chùa thờ Phật của người Chiêm Thành thì chỉ còn là phế tích đổ nát. Tuy vậy, chùa Thiên Mụ và chùa Lại Ân lại có bề thế hoành tráng từ trước. Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An miêu tả:

“Chùa Thiên Mỗ ở phía nam xã Giang Đạm, huyện Kim Trà, nóc ở đỉnh núi, chân gỗi dòng sông, tưởng như gang tấc bên trên, vượt hẳn ba ngàn thế giới”(15).

Và “Chùa Lại Ân huyện Tư Vinh có sông Linh Giang lượn quanh phía trước, chằm lớn bọc đằng sau. Phía nam có sông Hoài Tài, phía bắc có bia Sùng Phúc. Cung tiên rực rỡ tượng Phật tôn nghiêm”(16). Sau 40 năm trấn thủ xứ Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng đã trùng tu lại hai ngôi chùa cổ.

Nguyễn Khoa Chiêm trong sách Nam triều công nghiệp diễn chí ghi lại sự kiện: “Năm Nhâm Dần, niên hiệu Hoàng Định thứ ba (1602) thượng tuần tháng 7, đoạn vương Nguyễn Hoàng ái mộ đạo Phật từ bi, khuyên việc thiện, trồng duyên lành, nhân gặp tết Trung nguyên ngày Rằm tháng 7, bèn ra chùa Thiên Mụ cúng Phật, niệm kinh giải oan cầu phúc, tế độ chúng sinh, giúp người cứu khổ”. Trên đường về, dọc sông Hương, gặp người già ở chùa Sùng Hóa cho biết: “Chùa am đã có lâu năm, bọn chúng tôi là kẻ hậu sinh, không biết đầu đuôi thế nào?”. Nghe lời, chúa Nguyễn Hoàng “Bèn sai thợ mộc làm lại điện thờ, gác chuông, lầu trống, phụng thờ chư vị bồ tát để cầu phúc phù hộ cho dân. Chỉ sau vài tháng chùa mới làm xong, quy mô rất tráng lệ. Lòng vương cả mừng, bèn sai cai bạ lâm đề biểu hiện là Sùng Hóa tự – tức là chùa Sùng Hóa”.

Năm sau (1603) “Mùa hạ, tháng Tư” lại “sai thỉnh nhà sư trụ trì đứng ra mở hội đại pháp, đọc kinh thượng thặng giải pháp thượng thặng cứu độ cho chúng sinh ba đường sáu lối, cầu siêu cho bảy tổ chín huyền được vẹn thành chính giác”(17).

Kế nghiệp cha, Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) biến chùa Thiên Mụ thành nơi thờ tổ tiên và cha mẹ mình. Đào Duy Từ, người giúp việc thân cận của chúa Sãi – tên gọi khác của Nguyễn Phúc Nguyên – đã viết về một số ngôi chùa:

“Am tu kiệt lập non Vu

Đêm khuya chuông dóng gọi chùa Bà Viên”

Và:

Một bầu chi cũng thú yên hà

Nghi ngút hương bay của Thái La

Ngày vắng vang reo chuông Bát Nhã

Đêm thanh dóng dõi kệ Di Đà

Trải 4 đời chúa nữa, Phật giáo xứ Huế luôn được đề cao. Khá nhiều chùa, am, tháp do nhà chúa cho xây mới hoặc tu bổ. Đời chùa Nguyễn Phúc Lan 91635-1648) có hai thiền sư Trung Quốc là Viên Khoan và Viên Cảnh đến Thuận Hóa truyền giáo. Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715) người Châu Ái thi đỗ cử nhân năm 1646 vào Thuận Hóa làm quan trong phủ chúa ở Kim Long. Khi tiếp xúc với hai sư Viên Khoan và Viên Cảnh, mộ đạo, năm 28 tuổi Hương Hải quy y đạo Phật. Hương Hải ra Cù Lao Chàm dựng thảo am thiền định, sau chuyển sang núi Tiên Bút La. Khoảng 10 năm sau, chúa Nguyễn Phúc Tần cho người đón sư về đất liền, lập thiền viện Thiền Tĩnh ở núi Quy Kỉnh cho sư trụ trì. Lê Quý Đôn cho biết là “quốc thái phu nhân cùng ba công tử là Phúc Mỹ, Hiện Đức và Phúc Tộ đều quy y thụ giáo, quan dân binh lính ai cũng kính tin, xin quy y thụ giáo hơn 1.300 người”(18) gồm cả người ở vùng Thuận – Quảng. Do sự hiểu lầm của nhà chúa năm 1682 thiền sư Hương Hải ra Bắc Hà, được vua Dụ Tông mời trụ trì chùa Nguyệt Đường. Sư thị tịch năm 88 tuổi tại chùa. Trước tác của thiền sư Hương Hải nay còn tìm được: Giải kim cương kinh nghĩa lý (2 tập), Giải Di đà kinhGiải lâm kinh ngũ chỉSự lý dung thông và Hương Hải thiền sư ngũ lục.

Dựng nghiệp từ trung tâm Gia Định – Đồng Nai, Nguyễn Hữu Cảnh chiêu tập dân Thuận Hóa vào vùng đất mới từ năm 1698. Người Việt dần dần tụ cư, dựng xóm, lập làng, xây chùa am, đền miếu. Đồng thời, một số người Trung Hoa do bất mãn với nhà Thanh cũng từ bỏ xứ sở, di cư sang miền nam Việt Nam sinh sống. Hai nhà sư Bổn Quả và Nguyễn Thiêu dựng lên chùa Long Vân ở Gia Định và chùa Long Thiên ở Đồng Nai, từ năm 1664. Sự hiện diện của quần thể kiến trúc chùa Kim Cương với hai ngôi tháp Nguyên Thiêu và Phổ Đồng là chứng tích của Thiền phái Lâm Tế ở thị xã Vĩnh An. Các đệ tử của hai vị sư tổ đã trưởng thành, mang chí hướng Phật tổ đi hoằng dương khắp xứ và đọng lại ở các ngôi chùa Đại Giác, Bảo Phong, Giác Lâm, Kim Cương, Từ Ân… tất cả có đến 34 chùa lần lượt được dựng lên.

Cổ tự Vạn An của người Việt nổi tiếng là danh lam ở Nam Bộ, sách Đại Nam thống nhất chí có viết: Chùa Vạn An ở thôn Phước An, huyện Phước An. Bản triều Hiển Tông hoàng đế ban cho tấm biển giữa khắc 5 chữ Sắc tứ Vạn An tự, bên phải có dòng chữ Vĩnh Thịnh lục niên thất nguyệt cát nhật (ngày tốt, tháng 7 năm Vĩnh Thịnh thứ 6-1711); bên trái đề tự: Quốc chủ Thiên túng đạo nhân ngự đề. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) chùa bị cháy, sư trụ trì dời tấm biển sang chùa Hưng Long”(18) Tương tự, hàng loạt các chùa khác ở Nam Bộ trải qua các đời cũng có nhiều sắc tứ. Ban đầu, phần lớn chùa am đều làm bằng tre, gỗ, lá; dần dần về sau mới được xây cất bằng gạch ngói.

Nhà sư Viên Quang về trụ trì chùa Giác Lâm năm 1774 đã biến Giác Lâm tự thành một trung tâm truyền bá, kinh sách, đào tạo tăng ni như một trường học Phật giáo đầu tiên ở Nam Bộ. Tăng ni đến học Phật ở chùa được ăn ở miễn phí, được cấp phát sách kinh, giấy bút.

Cuối thế kỷ XIX, thiền sư Tiên Giác Hải Thịnh để lại tác phẩm Ngũ gia tông phái ký toàn tập. Các trường phái Phật giáo xưa được lập lại(19).

Trương Sĩ Hùng

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

 

Chú thích:

(1) Lĩnh Nam chích quái: bản dịch của Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San, Nxb. Văn học, H. 1990.

(2) Thiền uyển tập anh: bản dịch của Ngô Đức Thọ.

(3) Viện Triết học: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1988.

(4) Thủy kinh chú sớ: Nguyễn Bá Mão dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005.

(5) Tổng tập văn hóa Phật giáo Việt Nam(tập I) – Bản dịch của Lê Mạnh Thát, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh 2001.

(6) Thiền uyển tập anh – Bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nxb. Văn học, H, 1990.

(7)(8) Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch Viện Sử học Nxb. KHXH, H. 1972.

(9) Quốc triều hình luật – Bản dịch – Luật khoa Đại học Sài Gòn, 1956.

(10) Đại Việt sử ký toàn thư… (Sđd)

(11) Hồng Đức quốc âm thi tập. Bùi Văn Nguyên, Phạm Trọng Điềm phiên âm, Nxb. Văn học, H. 1982.

(12) Đại Việt sử ký toàn thư… (Sđd)

(13)(14) Đại Việt sử ký tục biên. Bản dịch của Ngô Thế Long, Nguyễn Kim Hưng, Nxb. KHXH, H. 1991.

(15)(16) Dương Văn An: Ô châu cận lục, bản dịch Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Văn Nguyên, Nxb. KHXH, H. 1997.

(17) Nguyễn Khoa Chiêm: Nam triều công nghiệp diễn chí in trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập IX, Nxb. KHXH, H. 1990.

(18)(19) Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liên: Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh 2001./.