vt_dongduong_2_vbpx

Vài ý kiến về lịch sử Phật giáo Chăm-Pa

Những sự kiện lịch sử cũng như các hiện vật khảo cổ đã giúp chúng ta hiểu được phần nào về sự du nhập , tồn tại và phát triển của Phật giáo Chăm-Pa. Từ trên những dữ kiện đó, có thể tìm thấy một vài đặc điểm của Phật giáo Chăm-Pa.

1. Đạo Phật vào Chăm-Pa từ rất sớm. Sự xuất hiện của bia Võ Cạnh với lời khắc thấm nhuần giáo lý nhà Phật cho phép ta đoán định: đạo Phật phải du nhập trước hơn thời điểm khắc bia một giai đoạn đủ cho Phật giáo phát triển.

Suốt thời gian dài từ khi du nhập đến thế kỷ thứ VIII đạo Phật là tôn giáo chủ đạo bên cạnh tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc, mà đỉnh cao của nó là trung tâm Đông Dương, với nền Phật giáo đại thừa.  Cho nên hiện nay, tuy chúng ta chưa có nhiều chứng cứ góp phần khẳng định niên đại du nhập của dòng Đại thừa vào đất Chăm-Pa, nhưng sự xuất hiện của thân tượng bị phá huỷ ở Quảng Khê và đầu tượng Bồ-tát mang niên đại đoán định từ thế kỷ thứ IV đến thế ky thứ VI, với trang phục xử lý trên thân pho tượng là áo ca sa phủ cả hai vai, có thể góp vào một trong những cứ liệu về sự xuất hiện của dòng Phật giáo Đại thừa tại đây. Mặt khác, khi nhận định về truyền thống điêu khắc Phật giáo: Qua tượng Phật ở Quảng Khê, có ý kiến đã cho rằng từ rất sớm đạo Phật ở Chăm-Pa đã có mặt hai truyền thống điêu khắc Phật giáo: Loại tượng Phật với áo ca sa phủ cả hai vai và loại tượng Phật với áo ca sa để hở vai phải. Như vây, rất có thể, từ rất sớm, đạo Phật tiểu thừa và đại thừa đều du nhập vào đất Chăm-Pa  qua các thương nhân, sư sãi Ấn Độ và Trung Quốc. Trong  quá trình tồn tại, phát triển, dòng đại thừa với tư tưởng Đại thừa và một hệ thống các vị Bồ tát cũng như thần linh đã là điều kiện tốt cho một quốc gia vốn mang nhiều tín ngưỡng cổ truyền dân tộc như Chăm-Pa dễ dàng tiếp nhận. Phật giáo tiểu thừa do vậy, sau một thời gian tồn tại đã không có điều kiện tiếp tục phát triển nữa.

2. Trong quá trình du nhập, tồn tại và phát triển ở Chăm-Pa, Phật giáo đã tiếp nhận nhiều luồng văn hoá nghệ thuật và điêu khắc Phật giáo từ các nước Đông Nam Á như: Ấn Độ, Trung Quốc, Java, Indonesia, Thái Lan, Mã Lai, Khơ Me… Ảnh hưởng của nghệ thuật Dvaravati ghi dấu trên một vài tượng Phật bằng đồng từ Đăng Bình (Phan Thiết) đến phía Nam Phan Rang; trên bản bằng đất nung tìm thấy ở Phước Tịnh (về phía Bắc Nha Trang) và Khanh Thổ Động gần Đà Nẵng (Quảng Nam) miêu tả đức Phật ngồi giữa đôi tháp thon dài. Mặt khác, ảnh hưởng Chăm-Pa còn được thấy ở điêu khắc mang phong cách Dvaravati từ Muang Fa Dea ở Đông bắc Thái Lan, trong các di tích cổ Wat Keaw ở Chaivainin Suratthani và trong điêu khắc đất sét cạnh hang động ở Kanchanadit trong cùng vùng này.

Trong giai đoạn người Khơ Me chiếm đóng Chăm-Pa, nhiều nơi trên đất Chăm-Pa, điêu khắc Phật giáo còn mang phong cách Bayon. Sự hỗn hợp giữa Phật giáo Đại thừa và Siva qua tên gọi các thần Phật giáo dưới triều vua Jaya Paramesvara (năm 1234) cũng thấy có ở Indonesia vào cuối thế kỷ thứ VIII đầu thế kỷ thứ XIV.

Các điêu khắc ở  Đồng Dương thể hiện yếu tố văn phong thời trung cổ miền đông bắc Ấn độ, có thể dễ dàng gợi lên mối quan hệ trực tiếp giữa Chăn -pa và các trung tâm phật giáo ở Ấn độ. Tác giả bi ký nhan biểu, đề câp trong năm 911, ông đã sắp xếp cho hai cuộc hành hương đến thành phố trong đảo Java (Javadvipaputra). Các bài vị dâng cúng bằng đất sét trong hang động ở phong nha là hình ảnh đặc biệt có tính đại chúng của Phật giáo ở bán đảo Thái Lan và Mã lai.

Rõ ràng niềm tin đối với Phật giáo là một trong những đặc trưng của các nước Phật giáo Đông Nam Á, và là một trong những nhân tố chủ yếu đã kích thích mối quan hệ  văn hoá đều đặn giữa các nước trong khu vực này, đặc biệt là trong giai đoạn từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ X.

3. Ấn giáo mặc dù được truyền vào Chăm-Pa tương đối sớm, ngay sau khi xuất hiện ở Ấn Độ, nhưng phải đợi đến thế kỷ thứ IX mới thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, hoàn toàn với Phật giáo và trở thành tôn giáo có vai trò chủ đạo hơn Phật giáo. Những bi ký hầu hết đều thể hiện sự kết hợp này. Việc thể hiện tên các vị thần bổn xứ trong các đền thờ như, Laskmindra Lokosvara Mahindralokosvara… là một bằng chứng. Trong các đền thờ ngoài tượng Avalokitevara còn có Siva dưới dạng Linga. Hình ảnh pho tượng Bồ Tát có con mắt thứ ba trên trán – mắt của thần Siva – cũng góp phần chứng minh cho sự phối hợp tín ngưỡng trên. Phật giáo, ngay trong giai đoạn cao của sự nỗi tiếng vẫn còn chịu lệ thuộc vào đạo Siva. Siva lúc nào cũng là vị thần Thành Hoàng của Chăm-pa và là nguồn hạnh phúc chủ yếu đối với toàn dân. Theo tín Ngưỡng Siva, thần Siva là thực tại tối cao (Tự tại thiên), là nguyên nhân đầu tiên, còn Sakti là năng lực vô tận cho sự sáng tạo; trong khi đó Mahamaya (Đại ảo tượng) là chất liệu dùng để sáng tạo. Thiền Sư Mahamaya là vị Sư Phật giáo gốc chăm-Pa, thuộc thế hệ thứ mười của thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Tên gọi Mahamaya không chỉ đơn thuần là một tên đạo của Phật giáo mà đã  cho thấy nguồn gốc tín ngưỡng Siva của Thiền Sư này.

4. Sự phối hợp giữa Ấn giáo mà đỉnh cao là tín ngưỡng Siva với Phật giáo và các tín ngưỡng dân tộc cổ truyền diễn ra ở Chăm-pa khá sâu sắc. Tình trạng “hỗn dung tôn giáo” tại đây không đưa đến sự sáp nhập lại của nhiều tôn giáo một cách đơn thuần nguyên vẹn mà đã được dân tộc hoá và địa phương hoá. Dù biết rằng Siva là thực tại tối cao, nhưng đối với dân tộc Chăm-pa lúc nào họ cũng cảm thấy gần gũi với hình ảnh một vị thần Thành hoàng đáng kính. Avalokistevara hay Lokesvara của người chăm là một vị nữ thần được đặt lên ngôi vị cao, riêng biệt, mặc dù vẫn kính mến Phật Thích-ca. Avalokitesvara khi du nhập vào Chăm-pa đã trở thành vị thần riêng của dân tộc. Đối với tộc người Chàm, Bà còn là mẹ đất, là hình ảnh đại diện cho các nữ thần khác như Bhagavati, Devi…, là thần bảo hộ của thành phố hay khu vực (Rasnalkosvara) có năng lực mang lại nguồn sống dồi dào, vô tận sự no ấm hạnh phúc.

Mặt khác với bản khắc trên bi ký An Thái vào năm 902 xuất hiện khái niệm bí truyền, các hình phù chú giáo trong hang động Phong Nha, đầu tượng Vairocana bằng đá sa thạch vào giai đoạn năm 875 tìm được ở Đồng Dương , đặc biệt với tín ngưỡng Heruka cho thấy sự hiện diện của giáo phái Mật tông. Mật Tông ở Chăm-pa là Mật tông tả phái còn gọi là phái Sakti Ấn Độ giáo. Phái này liên kết với phái thờ thần Siva, (trong tôn phái Siva,  việc thờ phụng Sakti nghiêng về phía người vợ Siva-parvati hay Uma). Thực tại tối thượng được quan niệm như sự phối hợp của một nguyên lý dương (động) với một nguyên lý âm (tĩnh). Chính từ trong những nguyênlý của Mật tông tả phái này mà Phật giáo Chăm-pa dễ liên kết chặt chẽ với Ấn giáo hơn.

Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Prajnaparamita) của Phật giáo đại thừa khi quan niệm về thế giới đã đề cao nguyên lý âm. Nữ thần được gọi là “Mẹ của tất cả chư Phật”. Tư tưởng này dễ gần gũi với tộc người Chăm với một tổ chức xã hội vốn dựa trên chế độ Mẫu hệ, nhất là sau thế kỷ IX,  giai đoạn vương quốc Chăm-pa có quan hệ chặt chẽ với Amaravati (vùng Nam Ấn) nơi phát sinh những kinh bản thể hiện nguyên lý âm này.

Vương quôc Chăm-pa trong quá trình phát triển của mình đã trở thành nhà nước với một kinh đô nhất định làm trung tâm cho hoạt động chính trị văn hoá, xã hội và một số tiểu vương quốc xoay quanh. Với hệ thống tổ chức xã hội như vậy đã hình thành trong dân tộc Chăm ý thức về quyền lực tối thượng. Điều này về mặt tư tưởng đã tác động không nhỏ để đưa đến việc hấp thụ dễ dàng các yếu tố Mật giáo (hệ thống ngữ Jina và đồ hình Mandala…) du nhập vào.

Như vậy, chính từ mối “quan hệ mở” đối với các nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, đã du nhập vào Chăm-pa nhiều ảnh hưởng văn hoá Phật giáo. Quá trình hấp thụ, dân tộc hoá và địa phương hoá các ảnh hưởng này  đã sâu sắc đến mức dễ có ý kiến cho rằng ở tộc người Chăm không có tôn giáo riêng biệt.

5. Phật giáo Chăm-pa qua các chứng cứ khảo cổ học cho phép ta đoán định đây là một nền “Phật giáo cung đình”, một nền văn hoá Phật giáo của tầng lớp trên. Các bi ký tìm được như Võ Cạnh, Chung Mỹ, Bàn Lanh, An Thái, Đồng Dương… cho thấy chủ nhân của nó đều thuộc dòng dõi quý tộc. Một số bi ký, tu viện, tịnh xá còn do chính các vua Chăm-pa dựng lên (Indrravarman II, Bhavavarman). Bi ký còn cho biết các việc quyên cúng ở tu viện, tịnh xá đều do Hoàng tử và thị dân đóng góp. Có tu viện do vợ của lãnh chúa dựng lên (Rajakula).

Sự có mặt của Thiền sư Trung Quốc Thảo Đường sang truyền đạo tại Chăm-pa một thời gian dài, ít nhiều cũng do ảnh hưởng đến tính chất của Phật giáo tại đây. Như đã biết, Thảo Đường vốn thuộc truyền thống thiền của Thiền sư Tuyết Đậu và Minh Giác ở Trung Quốc. Hai vị vốn là những Thiền sư bác học, chỉ chú tâm nhắm tới sự hoằng dương Thiền học trong giới trí thức.

Dù cho với những bài vị dâng cúng bắng đất sét trong các hang động ở Phong Nha thể hiện nơi đây là một trung tâm tín ngưỡng quan trọng của đại chúng Phật tử ở Chăm-pa, nhưng nhìn sâu Phật giáo vẫn chưa đi sâu vào quảng đại quần chúng. Điều này  cũng góp vào một trong những nguyên nhân giải thích sự suy tàn và tiêu vong của Phật giáo Chăm-pa.

Do đâu Phật giáo ở Chăm-pa bị tiêu vong? Phật giáo khi vào Chăm-pa ắt hẳn không phải là một Phật giáo Ấn Độ đang phát triển du nhập vào mà là một Phật giáo đang suy tàn. Sự suy sụp của Phật giáo Miền Nam Ấn Độ thời bấy giờ đã có điều kiện vào Chăm-pa qua quan hệ giữa nhà nước Chăm-pa với Amaravati. Sự pha tạp nhiều yếu tố Bà-la-môn giáo trong Phật giáo đã đưa đến sư xuất hiện sớm của Ấn giáo tại Chăm-pa và tạo điều kiện tốt cho sự “Hỗn dung tôn giáo” tại đây.

Nhà nước Chăm-pa mặc dù có quan hệ mở rộng với các nước Đông Nam Á và mặc dù Phật giáo đại thừa ở Đồng Dương đã tạo thành một trung tâm Phật giáo quan trọng của Đông Nam Á thời bấy giờ, nhưng như đã trình bày, những ảnh hưởng đó chỉ có ở bề nổi qua bi ký, tượng Phật, tu viện, tịnh xá… mà nó chưa thật sự ảnh hưởng sâu sắc đến các mặt của đời sống xã hội tại Chăm-pa, nên khi có một triều đại khác lên  thay thế, một vị vua không theo Phật  giáo lên trị vì, thì lập tức Phật giáo mất hẳn vai trò chủ đạo của mình.

Sự suy tàn của Phật giáo còn được đánh dấu qua việc xâm nhập bằng nhiều cách của Hồi giáo vào vương quốc Chăm-pa; được nối kết và mở rộng ảnh hưởng hơn qua cuộc hôn nhân giữa Chăm-pa và công chúa Java, một quốc gia thuộc Đông Nam Á, hải đảo nơi Hồi giáo đang phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, chưa bao giờ Hồi giáo trở thành quốc giáo ở Chăm-pa, vì đây là giai đoạn Chăm-pa đi vào suy thoái. Sự lưu vong của Jaya Simhavarman III cho thấy chỗ dựa vững chắc của tôn giáo đặc biệt là Phật giáo vào thế lực phong kiến, vào tầng lớp trên đã không còn cơ sở để tồn tại. Chính vì vậy, sau cuộc hôn nhân này, đạo Phật không có điều kiện tiếp tục phát triển nữa.

Đạo Phật vào Chăm-pa đã đưa vào dân tộc Chăm những ảnh hưởng về triết lý cao siêu, những phong cách nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo độc đáo, nhưng cũng làm tăng thêm tính bảo thủ, thụ động và an phận vốn có ở tộc người Chăm. Chính đây là một trong nững nguyên nhân góp phần làm cho vương quốc Chăm-pa đi dần vào suy thoái. Đạo Phật cũng suy tàn tiêu vong. Ngày nay, trong nhân dân Chăm đang sống tại hai địa bàn Nam Bộ và Nam Trung Bộ ta không tìm thấy dấu vết nào về tín ngưỡng này cả.

Trần Hồng Liên