C

Huyệt đạo Ngàn Nưa

DSC_0797_opt (Custom)_OHOS

Chuông đồng đặt tại huyệt đạo Ngàn Nưa có đề 4 câu: “Chuông vang đỉnh núi vọng ngàn mây/ Huyệt đạo non thiêng tại chốn này/ Trời đất giao hòa linh khí tỏa/ Dân an, quốc thái phúc tràn đầy”.

1. Huyệt đạo Ngàn Nưa nằm cao vời trên dãy núi Nưa (Na Sơn), ngọn núi chủ của đồng bằng xứ Thanh. Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn soạn vào đời Tự Đức (1848 – 1883) do Á Nam Trần Tuấn Khải dịch đã chép cụ thể về Na Sơn: “Ở phía tây huyện Nông Cống có khu Na Sơn (núi đuổi ma). Tương truyền núi này có rất nhiều ma quỷ, trước có một vị sơn tăng đến đây đọc chú, dần dần quỷ biến mất nên mới gọi tên như thế. Mạch núi từ huyện Lôi Dương đổ lại, từng dãy liên tiếp, dài suốt mười mấy dặm trường.

Nơi đây có 4 ngọn nước đổ dồn, thầy phong thủy nói là có 7 phiến Long và 7 phiến Hổ. Trên ngọn chót vót cao nhất có ngôi chùa cổ Am Tiên, phía tả có một ngọn núi, trên có động, tối mà sâu, dài mà hiểm. Triều Trần có một người hái củi ẩn cư nơi đó (có người nói là Hoàng My tiên sinh).

Có hôm Hồ Hán Thương (con của Hồ Quý Ly) đi săn, bắt gặp đương đi giữa đường, vừa đi vừa hát:Ngọn Na San, đá mọc miên man/ Cây xanh xanh, khói mịt mịt, nước sàn sàn/ Sớm ta ra đi, chiều lại hoàn/ Áo ta dệt bằng lá/ Giày ta kết bằng lan/ Cửa ta cây xanh che ánh sớm/ Ruộng ta lúa tốt gối thác tràn/ Mặc ai lợi danh, mặc ai xe ngựa/ Bụi hồng không chút tới giang san/ Triều Tống giáo gươm cỏ lấp/ Đời Tấn xiêm mũ mộ tàn/ Vương Tạ phong lưu, Tiêu Tào sự nghiệp/ Rút lại từ cổ tới kim khanh tướng, bia đá rêu màn/ Sao bằng ta: Ngóc đầu tỉnh dậy, trời đã ba can”.

Hán Thương nghe dứt câu hát, bảo mọi người rằng: “Đây là một người hiền mà ở ẩn”, liền sai thị thần theo hút vào trong động, thì thấy trên vách đá có đề hai bài ca “Ái miên” (Thích ngủ) và “Ái kỳ” (Thích cờ). Thị thần đem lời mời ra, nhưng vị tiều phu không chịu.

Hán Thương lại tới lần nữa, toan dùng an xa (cỗ xe êm ái) để ép người đó về với mình, song khi tới nơi thì cửa động rêu phong, gai góc đầy núi, đường về khi trước lấp mất không còn. Chỉ thấy trên vách đề hai câu thơ chữ Hán: “Kỳ La cửa bể hồn ngâm giứt/ Cao Vọng đầu non dạ khách sầu” (cửa bể Kỳ La cùng non Cao Vọng là nơi cha con Hán Thương sau này bị bắt ở đó).

Hán Thương tức giận vô cùng, lập tức sai đốt núi thì thấy có con hạc đen bay vù lên khoảng lưng chừng, xênh xang lượn múa. Hiện trên núi có một khu đất phẳng, rộng ước chừng vài chục mẫu, nền vẫn còn sót lại, nhưng cỏ gai đã mọc lên đầy. Trông sang phía đông là biển rộng mênh mang, trông sang miền Tây là dãy non chót vót. Đường lên lối xuống rất là hiểm hóc quanh co”.

Theo nghiên cứu của Phạm Tấn – Phạm Tuấn, “Núi Na đá mọc chênh vênh/ Cây um tùm nước long lanh khói mờ”; “trập trùng núi dựng trời tây/ Na Sơn một dải xuyên mây chín tầng” cách thành phố Thanh Hóa chưa đầy 20km. Đỉnh Am Tiên tuy ở độ cao hơn nửa Km nhưng có mạch nước ngầm chảy ra trong vắt không bao giờ cạn, dân gian gọi là giếng Tiên, tương truyền là giếng dành riêng cho Bà Triệu tắm.

Cách đó không xa là một hố nước rộng gọi là ao Hóp, nơi cung cấp nước cho nghĩa quân Bà Triệu. Trên đỉnh Ngàn Nưa có cả bàn cờ tiên, vườn thuốc tiên và vườn đào tiên mà sử sách và truyền thuyết nhắc đến như một trung tâm của sự tu tiên đắc đạo; có chùa cổ, khu vực lộ thiên thờ Tản Viên Sơn Thánh và đền Chúa Thượng Ngàn (tức Bà Triệu hóa thân theo cách nghĩ dân gian), miếu thờ vị đạo sĩ thời Trần – Hồ, cho thấy vào cuối TK XIV Đạo giáo đã du nhập đến và từ đó lan tỏa khắp vùng xung quanh.dsc_0511_opt (custom)_xyky

Cổng đền Nưa.

Theo dấu tích của nền móng cũ, nhiều chục năm qua, nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức để dựng lại các công trình tâm linh tại Ngàn Nưa với kiến trúc khiêm tốn, đơn sơ để thờ phụng. Mặc dù đường lên đỉnh núi Nưa, cả đường mòn cổ và đường mới mở, phải vòng vèo, vượt dốc tới 3 – 4km, nhưng trong kỳ chính hội tháng 2 và tháng 8 âm lịch hằng năm, hàng ngàn hàng vạn khách thập phương vẫn lũ lượt kéo về trẩy hội để chiêm bái Phật – Đạo – Mẫu trên đỉnh núi này và thường coi đây là vùng huyệt đạo hết sức
thiêng liêng.

2. Thuở xưa núi được gọi là Ngàn bởi rừng rậm rạp bạt ngàn gỗ quý; Nưa là tên gọi thần thoại của ông khổng lồ gánh núi, san đồng thuở khai thiên lập địa. Theo nghiên cứu của Nguyễn Xuân Lênh, bà con miền biển khi lênh đênh đánh cá ngoài khơi thường lấy đỉnh Ngàn Nưa làm chuẩn để tìm phương hướng về bờ. Nguyễn Trãi khi viết về tỉnh Thanh trong Dư địa chí đã nêu “Núi Na” là một đề mục, mặc dầu Thanh Hóa có vô số núi cao, sông dài.

Đây là bức thành phía đông nam của một thung lũng rộng lớn, nằm trên vành đai đất cao giữa đồng bằng châu thổ và miền núi, các di tích lăng mộ Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, thành nhà Hồ, Lam Kinh, các chiến lũy Ba Đình, Mã Cao, căn cứ du kích Ngọc Trạo, Lò Cao kháng chiến Hải Vân đều nằm trên vành đai này. Cái tên Ngàn Nưa có từ lâu đời (Em đã chịu lấy anh chưa/ Để anh đẵn gỗ Ngàn Nưa làm nhà), cho tới trước 1945, các tay thiện xạ vẫn còn cái thú say mê vật lộn với voi đàn, voi độc và hùm beo lẻn về quấy nhiễu các thôn xóm quanh chân núi.

Nói đến Ngàn Nưa là phải nói đến Bà Triệu. Theo Nguyễn Xuân Lênh, những sách viết vào TK IV – V như Nam Việt chí, Giao Châu ký bắt đầu chép truyện về Triệu Thị Trinh, người con gái quận Cửu Chân cài trâm vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi chiến đấu ở trận tiền. Đến TK XX, chuyện về bà được nhắc đến nhiều trong Thanh Hóa kỷ thắng của Vương Duy Trinh, Những danh nhân quê ở Thanh Hóa của học giả người Pháp Le Breton, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim…

Theo đó, năm 231 khi Bà Triệu mới lên 6 tuổi, nhà Ngô cử Lữ Đại sang Cửu Chân đánh dẹp và tàn sát hàng vạn người nổi dậy chống đô hộ ngoại tộc, trong khi dân số không quá 12 vạn. Người con gái họ Triệu mồ côi cha mẹ ở với anh là Triệu Quốc Đạt, đến tuổi đôi mươi gặp phải chị dâu ác nghiệt bèn giết đi rồi vào trong núi, chiêu mộ hơn 1.000 tráng sĩ.

Đáp lời người hỏi về chuyện chồng con, nàng trả lời: “Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình Biển Đông, dành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Có người xem đây là lời tuyên bố độc lập đầu tiên của dân tộc ta, trước cả Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt.
Năm 248, bà khởi binh cùng anh, xây thành đắp lũy, cưỡi voi mặc áo giáp vàng, xưng là Nhụy Kiều tướng quân. Toàn Giao Châu náo động. Nhà Ngô sai Lục Dận (cháu của danh tướng Lục Tốn) sang làm thứ sử, đem theo 8.000 quân cứu viện, bà chống lại được chừng nửa năm, quân ít thế cô đánh mãi phải thua, khi đó mới chừng 23 tuổi.

Bà không có cái hào quang dòng dõi Hùng Vương của Hai Bà Trưng trước đây, không có cái quyền lực của một hào trưởng như Lý Nam Đế sau này, không có mối thù riêng tây nào phải trả, không có quyền lợi riêng tư nào bị xâm phạm trực tiếp, mà chỉ có lòng thương dân bị kẻ tàn ác quấy nhiễu. Lý Nam Đế khi đánh Lâm Ấp đã dừng chân ở Hà Trung lấy tấm gương tuổi hai mươi của bà để động viên binh sĩ, khi thắng trận trở về ông đã tôn bà làm thần và phong là “Bật chính anh hùng tài trinh nhất phu nhân”.

dsc_0729_opt (custom)_nqfj

Khối đá đen hình cầu đặt tại trung tâm huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa. Bên cạnh là chiếc trống đồng do các nghệ nhân đúc đồng Đông Sơn thực hiện.

3. Theo cố GS Vũ Ngọc Khánh, bài ca dao cổ nổi tiếng bậc nhất liên quan đến Bà Triệu: “Ru con con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước đổ bành con voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng/ Túi gấm cho lẫn túi hồng/ Têm trầu mũi mác để chồng ra quân”. Bên hữu ngạn sông Mã, tại vùng Cẩm Trướng, xã Định Công có chuyện “đá biết nói”, kể rằng các mưu sĩ trong quân Bà Triệu những ngày đầu đã đục núi Quan Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá đọc bài đồng dao: “Có Bà Triệu tướng/ Vâng mệnh trời ra/ Trị voi một ngà…” để gây dựng thanh thế. Truyền rằng vùng này dân còn bắt được một cái cồng (“Lệnh ông (Triệu Quốc Đạt) không bằng cồng bà (Triệu Trinh Nương)”) trong hốc cây cổ thụ, nghe đâu do một viên tướng chính quê ở đây trốn về sau khi bà mất, đem giấu.

Voi một ngà mà bà thu phục được đã theo chủ tướng khắp các chiến trường, có người nói đánh 30 trận, có người nói đánh 77 trận với giặc Ngô… Trong kho tàng văn học thành văn, xưa nhất có lẽ là những bài thơ nôm trong Hồng Đức quốc âm thi tập, tiếp đó là Thiên Nam ngữ lục (Uy nghi diện mạo đoan trang/ Đi dường chớp thét, động dường sấm vang/ Mặt như vầng nguyệt mới lên/ Mắt sáng như đèn má tựa lan doi; Dòm xem trong nước Nam ta/ Chẳng kẻ nào là có ý trượng phu; Ta hiềm phận gái lỡ làng/ Ví trai nọ, cũng làm vua nước này), Sử ký quốc ngữ, Đại Nam quốc sử diễn ca (Cửu Chân có ả Triệu kiều/ Vú dài ba thước tài cao muôn người/ Gặp cơn thảo muội cơ trời/ Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang/ Đầu voi phất ngọn cờ vàng/ Sơn thôn mấy cõi chiến tràng xông pha/ Chông gai một cuộc quan hà/ Dù khi chiến tử còn là hiển linh)…

Ngoài ra còn rất nhiều câu đối ca ngợi như “Nổi dấu thuở bấy giờ, chính khí mở màn cho Lý Đế/ Dựng đền ngày nay đó, anh linh dựng tiếng sánh Trưng Vương”; hoặc “Trông bành voi, Ngô cũng lắc đầu, sợ uy Lệ Hải Bà Vương những muốn bon chân về Bắc quốc/ Ngồi yên ngựa, khách đi hoài cổ, tưởng sự Lạc Hồng Nữ Tướng, có chăng thẹn mặt đấng nam nhi”. Theo Cao Huy Đỉnh, áo giáp vàng bà mặc có lẽ là đồng, đôi guốc ngà có lẽ là tre mà tiếng cổ gọi là Kla (hay N’gla), sau thành tre ngà, do nhân dân tô điểm thêm cho đẹp.

dsc_0501_opt (custom)_dbvp

Nguyễn Tài Tuệ – Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Triệu Sơn (trái) và thủ từ Lê Khắc Tam với những cổ vật quý hiện đang được lưu giữ tại đền Nưa.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, sử Trung Quốc cũ buộc phải ghi nhận một thực tế hùng hồn: “Toàn thể Châu Giao đều chấn động” (Ngô chí, quyển 16). Đỉnh chấn động đó là cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Truyền thuyết dân gian chỉ đường cho những người muốn “coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng” khởi nghĩa thì “lên núi mà coi” – ngọn núi lịch sử đó là Ngàn Nưa. Vào năm 1962, cách núi Nưa không đến 4km về phía đông nam, khảo cổ học đã phát hiện thấy một ngọn đồi có độ cao 19m so với mặt nước biển dài 1km rộng 250m, từ đây xuất lộ di tích của một nơi cư trú cổ, rất lớn, mà tầng văn hóa của nó còn ăn lan ra cả xung quanh, rộng chưa từng thấy, ước tính khoảng 910.000m2.

Bộ di vật tìm thấy gồm giáo, lao, rìu, đục, trống… bằng đồng thau, mang những đặc trưng rất rõ của văn hóa Đông Sơn giai đoạn cuối cùng. Đây rất có thể là vùng quần cư của những cư dân đông đảo sau khi theo các vua Hùng dựng nước trước CN, tránh được cuộc tàn sát của Mã Viện đầu CN, đến giữa thế kỷ thứ III đã là những người đầu tiên đi theo và làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu.

Cũng trong năm 1962, công nhân mỏ crômít Cổ Định đã đào được một thanh đoản kiếm bằng đồng thau ở núi Nưa, đây là một loại vũ khí tùy thân, đồng thời là một thứ nghi trượng của một nữ thủ lĩnh cổ đại. Kiếm dài đúng nửa mét, chuôi đúc tượng một người phụ nữ có trang phục được mô tả khá tỉ mỉ chứ không phải cởi trần, mặc váy thường thấy, đôi vòng tai rất lớn và cả hai chuỗi vòng tay ken kín từ cổ tay lên đến tận khuỷu tay, cho phép đoán định đây là hình ảnh một phụ nữ thuộc tầng lớp trên của xã hội cổ đại.

Có thể nghĩ thêm một bước, đây chính là hình ảnh truyền thống của những nữ thủ lĩnh bản địa khoảng trước sau CN, nếu không phải là hình ảnh của chính ngay Bà Triệu. “Na Sơn nhất phiến, nhất hô thiên hạ biến” (tại núi Nưa, hô một tiếng, chuyển thiên hạ), câu truyền ngôn rất hay này gắn liền với người phụ nữ hào hùng đầu tiên của xứ Thanh vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay.

4. Bố tôi nói rằng, tên huyện Triệu Sơn được đặt hàm nghĩa “núi của Bà Triệu”. Nguyễn Tài Tuệ – Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện đưa tôi đến đền Nưa. Đền còn có tên Na Sơn Từ, là nơi thờ Bà Triệu nên dân gian còn gọi là đền Đức Vua Bà hay đền Bà Chúa Ngàn Nưa, tọa lạc ở cửa rừng, đã có từ rất xa xưa. Sau khi đền bị thực dân Pháp tàn phá, dân trong vùng đã thu nhặt gạch đá để xếp tạm thành một bệ thờ ở ngoài với những bát hương đơn sơ để thờ cúng bà. Triều Tự Đức đã chuẩn y bản tấu của tri huyện Cao Bá Đạt, cho trích công quỹ 1.200 quan tiền để dựng lại đền Nưa, sắc phong là thượng đẳng thần với duệ hiệu “Đệ nhất Thiên tiên Thánh mẫu, sơn trang Thượng ngàn Bạch y công chúa, Lệ Hải Bà Vương ngọc bệ hạ”.

Năm 1926, khi Bảo Đại đến đây vãn cảnh đã cho nghệ nhân ở Huế ra tu bổ lại toàn bộ phần mái cổng nghinh môn, với kiểu dáng kiến trúc giống các đền đài lăng tẩm ở Huế đô, hiện còn khá nguyên vẹn. Năm 1993, nhân dân trong vùng đã đóng góp tiền của mua một ngôi nhà cổ có niên đại đề trên thượng lương là ngày 12 năm Minh Mạng 19 (1838) để dựng lại đền chính trên nền móng cũ. Thủ từ Lê Khắc Tam, sinh năm 1987, nói rằng gia đình mình đã 4 đời làm công việc này. Cổng đền mới được quét lại áo năm 2012, trong đền có một tủ kính chứa đầy cổ vật, do dân làm quặng, làm kênh mương trong vùng đào được, mang đến cúng.

Đường lên Ngàn Nưa càng lên cao càng mát mẻ. Khu huyệt đạo được rào mộc mạc bằng tre nứa, chu vi vài chục mét, bước chân khách viếng thăm đã mòn nhẵn xung quanh. Vào mồng 9 tháng giêng hằng năm, ngày được dân gian lưu truyền là mở cửa trời, “Lòng thành đốt một nén nhang/ Khói tan thơm ngát mười phương Phật Trời”, đứng ở trung tâm của huyệt đạo Ngàn Nưa, nhắm mắt lại, thả lỏng cơ thể sẽ thấy trước mắt một quầng sáng màu đỏ, rồi chuyển sang da cam và trắng xanh pha lẫn những hạt bụi, trong một cảm giác bay bổng, nhẹ nhõm kỳ lạ. Dân gian đồn rằng Cao Biền từng cưỡi diều giấy bay lượn trấn yểm khắp nơi nhưng không đáp xuống nổi Ngàn Nưa, không sao triệt hạ được linh khí nơi này.

Vài năm trước, lên Ngàn Nưa không dễ, lau lách cây dại giăng giăng, đường là một lối mòn quanh co hun hút, có lăm lắm giống rắn lục xanh lét nhưng lạ rằng chưa cắn ai bao giờ, nên ngờ rằng chúng là âm binh của Bà Triệu. Lê Thị Thủy, sinh năm 1975, cô gái bán hàng nước trước cửa Am Tiên kể rằng con đường cổ phải lội bộ qua 9 quả đồi, dốc tợn, hàng hóa đều phải gánh lên đây. Đường mới làm từ 2009, vào dịp chính hội từ 9.1 – 20.1 âm lịch, khách thập phương đổ về đông ngào ngạt. Tôi hỏi lại: “Thủy vừa dùng từ “ngào ngạt” đấy à?”, cô cười: “Tiếc rằng ở nơi này mà mình lại không có nhiều khả năng viết lách để diễn đạt những gì mình cảm nhận”.

Ngày 22.8.2011 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 2723/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử danh lam thắng cảnh – địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm núi Nưa, đền Nưa, Am Tiên) gắn với phát triển du lịch. Chủ tịch huyện Triệu Sơn Lê Quang Hùng nói với tôi rằng, hồ sơ điều chỉnh quy hoạch bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Am Tiên và phương án thiết kế khu vực huyệt đạo, giếng tiên, cảnh quan rộng gần 10ha do Cty CP tu bổ di tích và kiến trúc cảnh quan RMLA lập đã hoàn thành đầu năm 2016. Ngàn Nưa không chỉ là nơi nghĩa quân phò tá Bà Triệu luyện chí mài gươm để tràn xuống đồng bằng mà còn là nơi tập hợp của nghĩa quân tham gia phong trào Cần Vương dưới ngọn cờ của Tống Duy Tân và là nơi đóng quân của bộ đội ta thời chống Mỹ. Lương Thắng – PGĐ Sở KHĐT Thanh Hóa, bạn tôi nói rằng, khắp xứ Thanh không có nơi nào thỏa mãn tâm linh được như Ngàn Nưa; đã có một tập đoàn kinh tế giàu tiềm lực đặt vấn đề đầu tư ở đây, các công trình có thể đạt tầm quốc tế.
Danh tiếng Ngàn Nưa không chỉ lưu truyền gần 2.000 năm qua mà đang ngày càng vang vọng.

Nguyễn Huy Minh