a514a0f342031e244e03a71e7f101ec0

Gía trị di sản văn hóa chùa Bổ Đà

Dòng Như Nguyệt (sông Cầu) chảy từ Thái Nguyên về đến núi Can Vang theo hướng Bắc-Nam gặp núi Quả Cảm, rồi xuống Đáp Cầu đi Phả Lại ra biển. Dòng sông uốn lượn thơ mộng in hình ngọn núi Phượng Hoàng với bóng Bổ Đà sơn cổ kính. Núi Bổ Đà là một núi lớn nằm ở bờ Bắc sông Cầu thuộc vùng đất Tây Nam- Bắc Giang, trải dài chừng 2000m bao bọc lấy hai thôn: Thượng Lát, Hạ Lát của xã Tiên Sơn. Thôn Thượng Lát ở phía đông núi, còn thôn Hạ Lát ở phía tây núi. Trong sơn phận núi Bổ Đà nổi lên các ngọn lớn, đó là ngọn đền Thượng, ngọn chùa Cao, ngọn chùa Khám, ngọn Phượng Hoàng, ngọn Trúc Lát, ngọn Con Voi và ngọn Bàn Cờ Tiên. Chùa toạ lạc trên ngọn núi Bổ Đà ở về phía bắc dòng sông Như Nguyệt thuộc địa phận xã Tiên Lát, huyện Việt Yên. Chùa được xây dựng lớn từ thời Lê, bao gồm cả chùa Tứ Ân nên còn có tên là Tứ Ân tự, có tên chính là chùa Quán Âm núi Bổ Đà, và thường được dân trong vùng gọi tắt là chùa Bổ. Chùa nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát. Quần thể chùa Bổ Đà là một trong những di tích tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang, gồm chùa chính (Tứ Ân Tự) cùng hai đền thờ Đức Thánh Hóa và Thạch Tướng Đại Vương.

Chùa Bổ Đà là một trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bắc Giang thuộc thiền phái Lâm Tế và Trúc Lâm. Là một trong những ngôi chùa độc đáo cổ kính và lớn nhất vùng miền đất Kinh Bắc như câu ca dao xưa: “Thứ nhất là chùa Đức La, Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng”. Chùa Bổ Đà còn là nơi kế truyền các vị tổ sư khai thuyết pháp đào tạo các tăng ni. Các vị tổ sư còn cho khắc nhiều bản kinh luật đạo thừa như: “Lăng nghiêm chính mạch”, “Yết ma hội bản”, “Nam hải ký qui”… để phục vụ cho việc đào tạo truyền bá kinh Phật, làm cho kho tàng pháp bảo của Phật giáo Việt Nam càng thêm phong phú.

Được xây dựng từ lâu đời, chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ, độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam. Đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại với xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc. Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784m2 được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn 31.000 m2, khu nội tự chùa 13.000 m2 và khu vườn tháp rộng 7.784m2. Nổi bật trong hệ thống quần thể di tích Bổ Đà là chùa Quan Âm nằm trên núi Bổ Đà gắn liền với truyền thuyết về Phật giáo: Ngày xưa có một tiều phu bổ củi, nhà tuy nghèo nhưng vợ chồng ông thật tốt bụng, chăm chỉ hiền hành, được nhân dân vô cùng quý mến. Hiềm một nỗi 40 tuổi mà vợ chồng chẳng được mụn con. Ai nấy đều thương xót. Quan Thế Âm Bồ Tát đã ứng hiện cứu đời, tế độ vợ chồng ông. Một hôm, ông dùng rìu bổ cây thông già trên núi, bỗng dưng bật ra 32 đồng tiền (đó là 32 phép ứng hiện của Quan Thế Âm Bồ Tát). Nhặt được 32 đồng tiền, gia cảnh ông được thay đổi và ông bà sinh được cậu con trai. Cậu con trai xứ Bắc khôi ngô tuấn tú, thông minh, ông đặt tên là Minh. Để tỏ lòng thành và tạ ơn Quan Thế Âm Bồ Tát, ông dựng chùa, lập bàn thờ ngay chỗ Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện. Đó chính là chùa Quan Âm kèm theo cái tên dân gian chùa Bổ – núi Bổ Đà. Ngày nay, nhân dân gọi là chùa Thượng vì chùa ở cao trên sườn núi. Ngôi chùa này xuất hiện từ lâu đời, đến đời Lê Bảo Thái (1720-1729), nhà sư Phạm Kim Hưng trụ trì chùa đã trùng tu lần thứ nhất. Đến đời vua Hiển Tông (1740-1786), sư tổ Ngô Tuệ Không khai phá sơn thạch dựng chùa Tứ Ân và am Tam đức (lúc này am mới có 3 tháp sư tổ). Đến đời vua Tự Đức (1847-1883) xây dựng thêm tiền đường. Đến đây, toàn bộ quần thể chùa Bổ đã hoàn thành. Kiến trúc của chùa gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối trình tường. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông. Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Với gần 100 ngôi tháp được xếp hàng hàng, lớp lớp nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni. Chỉ những người trong phái Sơn môn mới được an táng tại vườn tháp, tháp của tăng hình bình cam lộ trên đỉnh, tháp của ni trên ngọn có hình hoa sen. Đây là một trong những trung tâm lớn của dòng thiền Lâm Tế nên hằng năm đến kỳ kiết hạ an cư, có rất đông các vị tăng ni, tín đồ ở nhiều vùng khác nhau tập trung về đây tham thiền học đạo.

Chùa Bổ Đà được xây dựng với lối kiến trúc liên hoàn thoáng đạt hướng tới sự thanh tịnh của tâm giới nhà Phật, tạo sự độc đáo khác biệt so với các ngôi chùa cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Phong cảnh thiên nhiên chùa Bổ Đà được ví như chốn bồng lai tiên cảnh: ‘‘Bốn bề phong cảnh lạ thay/Bồng Lai kia cũng thế này mà thôi”. Chùa Bổ Đà hiện nay còn lưu giữ được nhiều tài liệu quý hiếm có giá trị cho việc nghiên cứu khoa học. Ở đây còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, ngoài những tấm bia đá, chuông đồng còn có hàng trăm cuốn kinh sách, luật giới nhà Phật. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm mộc bản của các bộ kinh như “Lăng nghiêm chính mạch”, “Yết ma hội bản”, “Nam hải ký quy”. Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn, các bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư. Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát, đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá để lại cho đời sau. Từ khi khởi dựng đến nay ngôi chùa vẫn ở nguyên vị trí ban đầu. Trải qua những biến thiên của lịch sử, mặc dù có những lúc chùa là địa điểm sản xuất vũ khí của bộ đội ta trong thời kì kháng chiến chống Pháp (1946-1954), nhưng chùa Bổ Đà vẫn còn bảo lưu được khá nguyên vẹn các công trình kiến trúc. Cùng đó, chùa Bổ Đà hiện nay còn lưu giữ được nhiều tài liệu hiện vật quý hiếm có ý nghĩa cho việc nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống đối với các thế hệ. Ngoài hệ thống tượng Phật và kho mộc bản quý giá, trong chùa còn lưu giữ nhiều văn bia, văn khắc như: câu đối, đại tự, sách kinh phật, các bộ hương án, đồ thờ giá trị về mặt lịch sử, văn hoá…Từ xưa khu chùa Bổ Đà đã là trung tâm sinh hoạt văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng và khách thập phương.

Di tích và lễ hội chùa Bổ Đà trở thành một điểm dừng chân thú vị cho du khách tham quan và tìm hiểu về văn hóa bờ Bắc sông Cầu. Đến với lễ hội chùa Bổ Đà, du khách vừa được tìm hiểu về kiến trúc độc đáo, phong cảnh hữu tình của ngôi chùa cổ kính lâu đời cũng như được hòa mình vào nhiều hoạt động, trò chơi lý thú của lễ hội. Phạm vi không gian của lễ hội chùa Bổ Đà có hệ thống ba đền thờ Thạch Linh Thần Tướng như đền Hạ, đền Trung và đền Thượng trải dài khoảng 2000m dọc núi Bổ Đà thuộc địa phận hai thôn Hạ Lát và Thượng Lát, xã Tiên Sơn. Hệ thống hai chùa thờ Phật là chùa Quan Âm (chùa Bổ Đà) và chùa Tứ Ân. Các di tích như: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, chùa Quan Âm, chùa Tứ Ân, chùa Cao, chùa Khám, chùa Linh Chi, đình Thượng Lát, đình Hạ Lát, chùa Thạch Long, chùa Vân Sơn, chùa Núi Đất, chùa Núi Lùn, đền Can Vang, đình Ngự… nằm xen lẫn trong hệ thống di tích là địa điểm tổ chức lễ hội Bổ Đà. Các công trình tôn giáo – tín ngưỡng có quy mô to nhỏ khác nhau, nhưng đều dựa vào núi Bổ Đà nằm ở bờ Bắc sông Cầu, thuộc vùng đất Tây Nam của tỉnh. Tất cả các di tích ở khu vực tổ chức lễ hội Bổ Đà trong những ngày hội đều mở cửa, cắm cờ đại, cờ ngũ hành rực rỡ. Trên núi, dưới làng đều dập dìu những tốp người áo quần đẹp đẽ, đủ màu sắc về đây trẩy hội. Yếu tố tín ngưỡng dân gian và yếu tố Phật giáo với những đặc điểm riêng biệt, truyền tích xuất phát riêng, nhưng lại hòa quyện vào nhau tạo nên cảnh sắc tươi đẹp cho toàn vùng, được duy trì trong suốt nhiều thế kỷ, đây là một vẻ đẹp độc đáo của lễ hội Bổ Đà. Vào những ngày hội ở xã Tiên Sơn, cả một vùng núi Bổ Đà rực rỡ bóng cờ. Tiếng trống phách rộn ràng thôn xóm. Dân làng trong xã chuẩn bị cho lễ tế cờ ở đền Hạ và tổ chức lễ rước từ đền hạ lên đền Trung để bái vọng lên đền Thượng. Do đó ở đền Hạ không khí rất tưng bừng, náo nhiệt. Đền Hạ nơi thờ thánh mẫu, trước đây vốn là một cái ao nhỏ, có dòng nước mạch chảy qua rồi ra hồ Thạch Long, trong ao có ba hòn đá lớn. Trên một khối đá có xây miếu nhỏ để thờ phụng. Hiện nay ở khu vực này xây một tòa nhà lớn mái cong, chồng diềm tám mái để hội họp tế lễ.

Theo lệ thì ba đền thờ Thạch Linh thần tướng tổ chức sự lệ vào mùng 10 tháng Giêng và 12 tháng 9. Còn hội chùa Bổ mở vào 16, 17, 18 tháng hai âm lịch. Trong quá trình diễn biến văn hoá sự lệ của ba đền đã hoà cả vào ngày hội chùa Bổ. Do đó các nghi thức tế, lễ, rước sách của đền cũng diễn ra vào dịp này. Ngày vào hội, cả một vùng núi Bổ Đà rực rỡ bóng cờ, tiếng trống phách rộn ràng đây đó. Dân làng chuẩn bị cho lễ tế ở đền Hạ và lễ rước từ đền Hạ lên đền Trung để bái vọng lên đền Thượng… Du khách sẽ được hòa mình vào các trò chơi dân gian của vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ, thả hồn theo những làn điệu dân ca quan họ trữ tình và thưởng thức nhiều món đặc sản của vùng Bắc Giang. Điểm nhấn trong lễ hội chùa Bổ Đà là liên hoan hát quan họ. Đến hẹn lại lên du khách hành hương lễ phật về miền Kinh Bắc vào những ngày đầu xuân lại có dịp được hòa mình trong không khí lễ hội dân gian. Liên hoan hát quan họ hằng năm được tổ chức tại chùa Bổ Đà nhân dịp đầu xuân đã và đang trở thành nơi gặp gỡ giao lưu của các liền anh liền chị và những người yêu mến làn điệu dân ca trữ tình này, đồng thời làm sống lại không gian sinh hoạt văn hóa của một di sản thế giới. Tham gia liên hoan có nhiều đơn vị đến từ các làng, khu phố trong toàn huyện với hàng nghìn liền anh, liền chị và các nghệ nhân Quan họ. Trong ba ngày đã có nhiều tiết mục đặc sắc được trình diễn với các hình thức biểu diễn như: hát đơn, hát đối, hát tốp, hoà tấu nhạc cụ và các tiết mục múa… Nét đặc sắc của liên hoan quan họ đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở nhiều lứa tuổi từ các cán bộ, công chức, nông dân, nghệ nhân tham gia. Có nghệ nhân gần 90 tuổi và có cháu nhỏ từ 9 đến 10 tuổi. Các đội về dự liên hoan đã khai thác được nhiều làn điệu quan họ cổ thuộc giọng khó hát, lối hát không nhạc đệm và có nhạc đệm bằng nhạc cụ dân tộc được phát huy đã thể hiện rõ nét di sản văn hóa quan họ đang được kế thừa và phát triển. Nhiều du khách trong và ngoài tỉnh năm nào cũng đến với liên hoan để được hòa mình trong khung cảnh thiên nhiên thanh bình, trong những làn điệu dân ca mượt mà của quê hương, trong không gian lễ hội đậm chất văn hóa khu vực bờ bắc sông Cầu. Từ khi liên hoan được tổ chức hầu như năm nào du khách cũng đến chùa Bổ Đà vào đúng dịp lễ hội, vừa để thành tâm lễ phật, vãn cảnh chùa vừa thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ của vùng quê Kinh Bắc. Liên hoan năm sau bao giờ cũng phong phú, thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn năm trước, không chỉ có các đội tham gia liên hoan năm sau đông hơn năm trước mà các liền anh đến với liên hoan giờ không chỉ có những người lớn tuổi mà nhiều liền anh liền chị ở độ tuổi thanh, thiếu niên tham gia. Đặc biệt từ khi quan họ được công nhận là di sản văn hóa thế giới, những nghệ nhân quan họ trong tỉnh ngày càng có ý thức truyền dạy cho thế hệ trẻ, những năm gần đây đã có nhiều thanh thiếu niên tham gia liên hoan thể hiện tính kế thừa và sức sống của một di sản đang được tiếp nối. Trong không gian lễ hội Bổ Đà, ngoài khu vực liên hoan chính còn có 3 trại giao lưu hát quan họ của các câu lạc bộ quan họ trong huyện đã tạo nên một không gian văn hoá quan họ, một sản phẩm du lịch độc đáo trong không gian văn hóa khu vực bờ bắc sông Cầu.

Vào ngày hội, khách thập phương nô nức hành hương hướng đạo, đến chùa để tỏ lòng thành kính với đức Phật và với người xưa đã có công gây dựng nên danh lam cổ tự độc đáo này. Đến đây du khách còn được thưởng thức những làn điệu quan họ mượt mà, với những lời ca luyến láy làm say lòng người. Trong ba ngày hội, ngoài những trò chơi dân gian độc đáo xen lẫn những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm, du khách đến hội Bổ Đà còn được thăm một vùng danh thắng với các truyền tích, huyền thoại về đá, về một trung tâm Phật giáo lớn ở Bắc Giang. Mỗi người sẽ cảm thấy vẻ đẹp của núi sông nơi đây quả thực sơn thuỷ hữu tình đầy chất thơ mộng, du khách sẽ được thấy một tập tục thờ đá rất cổ kính của Bắc Giang và sẽ được thấy cuộc sống của các nhà sư tu hành nơi thiền viện. Qua lễ hội này, du khách sẽ cảm nhận được yếu tố văn hoá dân gian hoà với Phật giáo để tạo sức sống cho lễ hội Bổ Đà và vùng văn hoá tâm linh bên bờ bắc dòng sông Cầu thơ mộng.

Nguyễn Đại Lượng