IMG_1039_1280x960

Lê Quý Đôn – vị sứ giả văn hoá của dân tộc thời Lê Trung hưng

Lê Quý Đôn sinh năm 1726, dưới triều vua Lê Dụ Tông, tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Là một người ham hiểu biết, thích sưu tầm, ưa khám phá, lại có một trí nhớ siêu việt nên người đương thời khuyên nhau “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn” – Có điều gì không biết, hãy đến hỏi Lê Quý Đôn, ông còn được gọi là “túi khôn của thời đại”, là một nhà bác học lớn của đương thời. Ông có những cống hiến trên nhiều lĩnh vực khoa học: Triết học, luật học, sử học, nông học, dân tộc học, xã hội học, thiên văn học, từ điển học… và còn trở thành vị sứ giả văn hoá của dân tộc thời Lê Trung hưng.

Ngoài tư chất thông minh hơn người, lại thêm tính ham hiểu biết, Lê Quý Đôn còn có thuận lợi sinh ra trong một gia đình Nho học, có cha là Lê Phú Thứ, đỗ Tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 2 và làm quan trải đến chức Hình bộ Thượng thư, tước Nghĩa Phái hầu. Mẹ ông cũng là con nhà dòng dõi quan lại, ông ngoại của Lê Quý Đôn là Trương Minh Lượng, đỗ Tiến sĩ năm Canh Thìn (1700). Từ bé, người đương thời coi ông là “thần đồng” gắn với nhiều giai thoại thể hiện sự thông minh, trí nhớ tuyệt đỉnh. Năm tuổi ông đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi; năm 12 tuổi, đọc hết các sử sách của Bách Gia Chư Tử; năm 14 tuổi, đọc xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia và theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Năm 17 tuổi, Lê Quý Đôn đỗ đầu kỳ thi Hương. Sau đó, ông có thi Hội mấy lần nhưng không đỗ nên ở nhà dạy học và viết sách trong khoảng 10 năm. Năm 26 tuổi (1752), ông lại dự thi Hội và lần này thì đỗ Hội nguyên, vào thi Đình, ông đỗ luôn Bảng nhãn (kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên). Sau khi đỗ đại khoa, Lê Quý Đôn bắt đầu con đường quan lộ, nhậm chức ban đầu từ Thị thư ở Viện Hàn Lâm, rồi sung làm Toản tu quốc sử, được biệt phái sang phủ chúa trông coi việc quân sự, năm 1757 làm Hàn lâm viện Thị giảng…

Trong suốt thời gian làm quan, ngoài công việc, ông vẫn không ngừng đọc sách, tìm hiểu nghiên cứu khoa học để ngày một nâng tầm vốn hiểu biết cho bản thân. Lê Quý Đôn sở hữu một gia tài tri thức đồ sộ mà bất cứ ai nhìn vào cũng khâm phục và ngưỡng mộ. Vậy nên, năm 1759, Lê Quý Đôn được chọn làm Phó sứ thứ nhất (Giáp phó sứ) trong sứ bộ chuẩn bị sang nhà Thanh. Có thể nói, cùng với trí tuệ siêu phàm, Lê Quý Đôn đã được chuẩn bị cả về tinh thần lẫn học vấn cho công việc đi sứ đầy gian lao và thử thách này.

Ý thức về việc đi sứ đã có từ rất sớm ở ông, được vun trồng từ người thầy, người cha và xa hơn là các thế hệ đi trước. Thầy của ông là Lê Hữu Kiều, đồng thời cũng là nhạc phụ, người đã từng đi sứ Trung Hoa và hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ nặng nề và vinh quang đó. Hơn thế, những sứ thần tiêu biểu của thời trước như Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, Phùng Khắc Khoan… luôn là những con người mà Lê Quý Đôn thường nhắc đến và lấy làm tấm gương để học tập kinh nghiệm cũng như hun đúc khí tiết của sứ thần nước Nam.

Công việc của sứ bộ ta thời đó chủ yếu là làm nhiệm vụ tuế cống Bắc triều. Chuyến đi sứ của Lê Quý Đôn cũng không ngoài nhiệm vụ đó, nhưng do đầu tháng 6 năm 1759, Thái thượng hoàng Lê Ý Tông băng hà nên triều đình quyết định kết hợp việc tuế cống với việc “cáo ai” (báo tang) và cầu phong cho vua mới. Sứ bộ của Lê Quý Đôn khởi hành đầu năm Canh Thìn (1760), đến đầu tháng Chạp năm đó sứ bộ đến Bắc Kinh. Thời gian sứ bộ của ta ở Bắc Kinh đã có một số Nho thần danh tiếng, quan đầu triều của Trung Hoa đến sứ quán thăm hỏi Lê Quý Đôn cùng đoàn sứ. Điều đặc biệt trong chuyến đi sứ của Lê Quý Đôn đó là từ trước ông, các sứ thần nước Nam chưa từng có ai đến nhà Thái học bái yết Khổng Tử. Việc làm này của Lê Quý Đôn muốn khẳng định với triều thần Trung Hoa về nước Nam là một nước văn hiến, có lễ nghĩa.

Con đường sứ bộ đến vương triều phương Bắc không hề đơn thuần mà mỗi chặng đường đều phải đối mặt với những gian nguy, cướp bóc, hách dịch của nha môn, quan phủ. Nhưng bằng tài năng được bộc lộ hết khả năng của Lê Quý Đôn, đoàn sứ đã hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời thiết lập được mối giao kết với một số sứ thần của Triều Tiên, Nhật Bản và một số quan lại địa phương nơi sứ bộ đi qua.

Sứ bộ lưu lại ở Bắc Kinh 2 tháng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đầu tháng ba năm Tân Tỵ (1761) sứ bộ rời Bắc Kinh về nước, đến tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1762) sứ bộ về đến Thăng Long, hoàn thành nhiệm vụ nặng nề được giao. Mặc dù trong vai trò chỉ là một phó sứ, nhưng chuyến đi sứ năm đó Lê Quý Đôn đã góp công lớn cho sự thành công trên lĩnh vực đối ngoại. Không chỉ bởi tri thức thông tuệ, học rộng hiểu nhiều, có tài ứng đáp mà hơn hết ở khẩu khí, ở tư tưởng lớn của Lê Quý Đôn đã bao trùm và gạt bỏ đi tư tưởng coi thường, khinh mạt người nước Nam của các triều thần phương Bắc. Lê Quý Đôn đã quan niệm về người đi sứ, người xưa từng nói: “Người được vâng mệnh đi sứ, về văn học phải xem rộng, biết nhiều, về đối đáp ngoại giao phải mềm dẻo và thẳng thắn, đúng mực”. Nhưng theo quan điểm của ông không chỉ có vậy, mà với các sứ thần khi đi sứ thì “khẩu khí không thể không khéo léo, vì lẽ chức vị giữa nội và ngoại (chỉ Trung Hoa và các nước ngoài Trung Hoa) cao thấp khác nhau. Nếu trông thấy họ đã nhụt dũng khí, tự ti, coi mình là người ở nơi xa xôi, ít giao thiệp, ít nói năng thì ắt sẽ bị người ta khinh rẻ và coi là quan di địch, sứ giả di địch”. Chính sự uyên thâm trong vốn kiến thức đã giúp ông vững tin và luôn giữ được thần thái chủ động trong suốt hành trình, khiến cho việc đi sứ không chỉ hoàn thành sứ mệnh mà còn khẳng định vị thế của nước Nam vốn có văn hiến lâu đời.

Vốn là người luôn muốn tìm tòi nâng cao học vấn, vậy nên ngoài những vật phẩm được nhà Thanh tặng cũng như những sản vật địa phương, sứ bộ của Lê Quý Đôn còn đem về khá nhiều sách vở. Qua đời năm 1784, nhà bác học Lê Quý Đôn đã để lại cho kho tàng văn hoá nước Nam cả một gia tài đồ sộ là sách ông viết và số sách mang về khi đi sứ. Với Lê Quý Đôn đi sứ không chỉ với tư cách một nhà chính trị, một nhà ngoại giao đơn thuần, mà đích thực với tài năng, học vấn, tâm huyết vượt trội, và với những gì đã thể hiện, ông trở thành vị sứ giả văn hoá của dân tộc vượt thời Lê Trung hưng.

Ngọc Linh

Nhà xuất bản Hà Nội