90648603

Chùa Trấn Quốc – Danh thắng chốn kinh kỳ

Chùa Trấn Quốc tọa lạc trên một bán đảo nhỏ phía Đông bắc Hồ Tây. Giống như một hòn đảo xanh xinh xắn nằm soi mình bên sóng nước Hồ Tây, chùa Trấn Quốc ngày nay được xem là một trong những chốn cửa Phật linh thiêng thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ, không chỉ bởi địa thế của nó mà còn bởi lịch sử gắn liền với dân tộc, với Phật giáo Thăng Long – Hà Nội.

Soi bóng thời gian

Chùa Trấn Quốc đã có lịch sử xây dựng trên 1.500 năm, được xem là ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất tại Thăng Long – Hà Nội, là trung tâm Phật giáo của Thăng Long thời Lý – Trần, là đóa sen long lanh giữa cõi tâm linh từ thời mở nước.

Theo Từ điển Di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993), chùa Trấn Quốc được xây cất vào thời vua Lý Nam Đế (544-548), và mang tên là Khai Quốc (nghĩa là mở nước, ứng với sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân), tọa lạc trên bãi Yên Hoa, bên bờ sông Hồng.

Đến niên hiệu Đại Bảo, đời vua Lê Thái Tông, chùa được đổi tên thành An Quốc. Đến đời Lê trung hưng năm 1615, do bãi sông bị lở gần vào đến chùa, nhân dân phường Yên Hoa (sau này là Yên Phụ) mới dời chùa vào đảo Cá Vàng (Kim Ngư) ở Hồ Tây, là địa điểm hiện nay của chùa. Chùa được dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần). Sau đó, người ta cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc chệch ra Cổ Ngư) và tạo đường nối từ đê với đảo Cá Vàng.

Trong các năm 1624, 1628 và 1639, chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng. Chùa được trùng tu với quy mô lớn nhất là vào đời vua Lê Thần Tông năm 1639. Quy mô chùa lúc này so với trước lớn hơn nhiều. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này.

Chùa được trùng tu lần gần đây nhất vào năm 2010 để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sau nhiều lần đổi tên, đến nay chùa được giữ nguyên tên gọi thuở ban đầu là chùa Trấn Quốc.

Nhớ về bậc chân tu

Chùa Trấn Quốc được xây dựng theo lối kiến trúc cổ thường thấy của Phật giáo Việt Nam, gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện.

Đặc biệt năm 1998, ngôi tháp cảnh Lục độ tòa sen được xây dựng trong khuôn viên chùa “để tương xứng với ngôi chùa cổ đã có trước đây gần mười lăm thế kỷ”, Lục độ là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ. Chùa Trấn Quốc tọa lạc trên đảo Cá Vàng, phải có tháp Liên đài, đỉnh trên tháp có đóa hoa sen tôn quý cao chót vót để xứng đáng với mặt Hồ Tây rộng mênh mông thoáng đãng, ngát hương sen ngày xưa. Lục độ tòa sen chính là tâm nguyện của cố Hòa thượng Kim Cương Tử khi còn trụ thế.

chùa trấn quốc 3
Tháp cổ chùa Trấn Quốc trong nắng chiều

Cố Đại lão Hòa thượng Kim Cương Tử bắt đầu trụ trì chùa Trấn Quốc từ năm 1982, cùng thời gian Hòa thượng nhận nhiệm vụ Phó ban Thường trực Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội. Đại lão Hòa thượng là bậc lãnh đạo được đông đảo Tăng Ni, Phật tử kính quý, ngưỡng mộ; là bậc thầy mô phạm đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo Thăng Long – Hà Nội nói riêng và trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Phật giáo Việt Nam nói chung.

Nếu bước chân vào vườn tháp của chùa Trấn Quốc, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy nhục thân của Hoà thượng đang được bảo quản tại đây, chính là cái lăng hai tầng ẩn khuất cùng các ngôi tháp mộ khác gần tháp Lục độ tòa sen, trong vườn tháp Tổ tại chùa Trấn Quốc.

Chùa Trấn Quốc được xem là một di sản văn hóa của dân tộc, nơi danh lam thắng cảnh của kinh thành xưa kia và Thủ đô ngày nay. Vị Hòa thượng khả kính đã đi vào miền ký ức, tâm tưởng của đông đảoChọn ảnh tiêu biểu Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, và ngôi chùa Trấn Quốc cũng đã đi vào lịch sử như một niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam và của văn hóa dân tộc.

Chính Tâm