tải xuống (3)

Roberto Baggio và cuộc đời tu sĩ

Mùa xuân năm 1967, Fiorindo Baggio chào đón đứa con thứ sáu trong gia đình, cậu bé được đặt cho cái tên Roberto sống tại Caldogno – thành phố nhỏ ở vùng Veneto phía bắc nước Ý. Gia đình Baggio theo đạo Thiên chúa nên mỗi cuối tuần, cậu bé Roberto đến nhà thờ đi lễ cùng các anh chị.

Bước ngoặt cuộc đời

Sau này khi đã trưởng thành, Baggio không thường xuyên đi lễ. Anh tâm niệm rằng, đó là thói quen từ nhỏ và hoàn toàn không phải là đức tin. Giữa thập niên 80, bấy giờ còn là cầu thủ trẻ, Baggio đã quyết định chuyển đến vùng Florence đầu quân cho Fiorentina. Quyết định ấy đã khiến chàng trai thay đổi cả cuộc đời mình, điều mà anh không hề nghĩ đến trước khi ra đi.

Tại đây anh kết thân với Morrichio, một người theo đạo Phật. Baggio bắt đầu chú ý tới những cuốn sách về Phật giáo và mê mẩn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đầu năm 1988, Baggio chính thức là đứa con của Phật giáo. Từ một con chiên ngoan đạo, anh đã trở thành Phật tử. Đó là một quyết định dũng cảm mà không nhiều người ở xã hội Châu Âu làm được, và để rồi từ đó, triết lí Phật giáo đã thấm nhuần tư tưởng anh. Sau này, trong một lần chia sẻ trong cuốn tự truyện Una porta nel cielo về những chấn thương và đặt biệt là cú phạt đền kinh điển năm 1994, anh nói rằng: “Cuộc đời là một sự thật cay đắng. USA 1994 đã làm tôi nản lòng và có suy nghĩ từ bỏ bóng đá nhưng tôi nhận ra rằng cuộc đời là một sự thách thức. Phật giáo dạy tôi phải biết đối mặt với những thách thức đó. Con người phải chịu trách nhiệm về những gì xảy đến với bản thân họ”.

Sống cuộc đời tu sỹ

Những năm cuối sự nghiệp, Baggio đã được Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) mời làm đại sứ thiện chí. Anh liên tục tham gia những chuyến thị sát và tổ chức những trận đấu gây quỹ từ thiện để góp phần giảm thiểu đói nghèo ở các quốc gia kém phát triển. Rời xa “chính trường”, Roberto Baggio trở thành một tu sĩ đúng nghĩa. Năm 2014, trận đấu vì hòa bình gây quỹ từ thiện được ông tổ chức ở sân Olimpico quy tụ hàng loạt huyền thoại của làng bóng đá thế giới như Maradona, Alessandro Del Piero, Shevchenko… Một tháng sau, huyền thoại người Ý chính thức mở cửa ngôi chùa lớn nhất châu Âu với hơn 1000 người tham dự.

Roberto Baggio có mối quan hệ khá gắn kết với Nhật Bản kể từ khi ông bắt đầu chuyển sang Phật giáo. Năm 2013, Baggio đã đến Nhật tham dự trận đấu kỷ niệm 20 năm thành lập giải J.League. Là một Phật tử từ cuối những năm 80, ông vẫn giữ thói quen cầu nguyện buổi sáng và chiều tối cho tới tận bây giờ. Baggio mô tả mối quan hệ giữa Phật giáo và bóng đá như sau: “Tôi tin rằng điều quan trọng nhất là tịnh tâm, bên trong chính mình, trong tâm hồn của bạn. Tịnh tâm, bạn có thể làm tốt mọi thứ, trở thành một cầu thủ bóng đá, làm việc trên công trường, làm luật sư, bất cứ điều gì” Chúng ta sợ nhất điều gì? Đói nghèo, bệnh tật, hay thất bại…? Không, con người ta sợ nhất là sống mà không có mục tiêu.

Đặt ra mục tiêu và cố gắng theo đuổi nó, dù thành công hay không thì bạn vẫn sẽ hạnh phúc vì đã tôn trọng lý tưởng sống của mình. Sau hơn hai mươi năm tung hoành trên sân cỏ, nhiều lần đứng trên vinh quang – cũng không ít lần nếm trải thất bại, cả những cơn đau về thể xác lẫn tinh thần. Baggio đã tìm được bản ngã của chính mình. Không dành nhiều thời gian cho ngành công nghiệp bóng đá, ông sống cuộc đời của riêng mình và thỉnh thoảng tổ chức những trận đấu vì mục đích nhân văn và hoạt động ở các tổ chức xã hội, còn lại là thời gian cho Phật giáo.

Mỗi người có một quan điểm sống riêng, quan trọng là được sống thật với con người, bản thân thấy thoải mái. Cuộc sống là một bức tranh muôn màu, và ở đây – Baggio đã chọn cho mình một gam màu riêng.

Nguyên Hải