komunikasi-fisip-undip-ac-id

Cựu Tổng thống Obama kêu gọi bảo tồn Borobudur

Trong chuyến viếng thăm chùa Borobudur mang tính biểu tượng của Phật giáo ở Magelang, miền Trung Java (Indonesia) vào tuần qua, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chia sẻ ngôi chùa đã gợi lại nhiều kỷ niệm thời ấu thơ trong ông.

41DC31FA00000578-0-image-a-5_1498721011798

Edy Setijono, người đứng đầu phụ trách việc quản lý ngôi chùa, đi cùng với cựu Tổng thống Mỹ cho hay ông Obama đang bị cuốn hút bởi vẻ đẹp và sự hoang sơ tại Borobudur. Cựu lãnh đạo Nhà Trắng cũng nhớ ra rằng mình từng nhìn thấy ngôi chùa này  khi còn nhỏ.

“Obama rất vui khi được trở lại Borobudur. Ông cho biết đã đến nơi này khi còn nhỏ, nhưng bây giờ chuyến thăm này đặc biệt hơn bởi ông đi cùng gia đình”, Edy Setijono nói.

Cựu Tổng thống Obama đã trải qua một phần thời thơ ấu ở Jakarta. Năm 1967, khi còn là cậu bé 6 tuổi, mẹ ruột đã đưa ông đến đây và ở cho đến năm 1971, khi bà tái hôn với một người đàn ông Indonesia. Trong suốt quãng thời gian đó, mẹ và cha dượng thường đưa ông đến Yogyakarta, nơi tọa lạc của chùa Borobudur.

Obama đã chụp một vài bức ảnh lưu niệm khi tham quan chùa và qua đó, cựu Tổng thống Mỹ kêu gọi bảo tồn ngôi chùa Phật giáo linh thiêng nhất xứ Vạn đảo được xây dựng từ thế kỷ thứ IX này.

“Obama nhắn nhủ thông điệp rằng, người dân địa phương nên ra sức bảo vệ và bảo tồn ngôi chùa Borobudur”, Setijono nói thêm.

41DC4C3600000578-0-image-a-15_1498722910836

Borobudur là một kỳ quan Phật giáo tinh xảo và lớn nhất thế giới, cách 42km về phía Bắc thành phố Yogyakarta, đã được UNESCO xếp hạng di sản thế giới vào năm 1991. “Borobudur” trong tiếng Indonesia có nghĩa là “Tháp Phật trên đồi cao”. Toàn bộ tháp chùa do 300 nghìn viên đá xếp thành, được xây dựng trên một mặt bằng hình vuông rộng 2.500m², theo mô hình của một Mạn-đà-la, tức sơ đồ về khái niệm vũ trụ của Phật giáo Tây Tạng.

Ngày nay, Borobudur là thắng cảnh thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Indonesia. Borobudur không chỉ là một kỳ quan đáng ngưỡng mộ của Indonesia mà còn là công trình nghệ thuật kiến trúc vĩ đại và giá trị nhất của Phật giáo cũng như của cả nhân loại.

Gia Trúc – Liên Hương

(theo The Jakarta Post)

Nguồn: Giác Ngộ Online