3 (2)

Con đường của những Bồ Tát

Cá nhân dấn thân vào một đời sống tự khám phá và phục vụ không ích kỷ được gọi là một Bồ tát. Bồ tát khám phá trong chính mình cội nguồn của tâm thái tròn đủ, cái này cắt đứt gốc rễ của mọi lo âu. Khi những câu hỏi, “Tôi là ai?”, “Tại sao tôi ở đây?” và “Tôi cần đi theo hướng nào?” được giải quyết bằng sự thấu hiểu, thì những khó khăn trong tương quan và trong thực hiện rành mạch bị quét sạch. Tâm thái cứu cánh được diễn tả trong sáu phương diện (ba la mật): bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ phân biệt. Sự khai triển những phẩm tính này là Con Đường của những Bồ tát.

Con đường của Bồ Tát 

Điều kiện tiên quyết để đi vào con đường là một chắc chắn bằng trực giác rằng Sáu Ba La Mật diễn tả thái độ của con người phù hợp nhất với những nhu cầu và những trách nhiệm của hoàn cảnh con người. Sự mong muốn những phẩm tính này được biểu lộ như là cầu nguyện tức thời được đáp ứng, chuyển hóa bất kỳ rung động xúc cảm nào đang có mặt thành sự buông xả hoan hỷ. Sự thực hành của thành tựu rốt ráo này là một dòng liên tục của lòng bi tự nhiên.

Bố thí ba la mật hay sự hoàn thiện của rộng lượng là sự vắng mặt hành động được điều động một cách ích kỷ và sự thay thế của nó là nhiệt tình đem cho những của cải vật chất để làm nhẹ bớt nhu cầu của cuộc đời, đem sự an ninh an toàn cho những chúng sanh sợ hãi và nhút nhát, và đem cho món quà cao quý nhất, cao cả nhất là bản thân chánh pháp. Hành động đem cho sau chót này là điều Bồ tát nhắm làm liên tục. Người ấy làm điều đó theo nhiều cách : bằng cách chia xẻ một nguồn cảm hứng, bằng cách dạy khoa học về tâm thức và thiền định, bằng hành động làm gương và bằng cách biểu lộ những khoảng trống bên trong của tâm thức mình. Tặng phẩm của một sự rung động thương yêu cho người nào cần nó, tặng phẩm đồng cảm và chia xẻ giúp đỡ trong sự đương đầu đáng sợ, tặng phẩm khôi hài yêu mến trong lúc tự thương hại, đây là sự bố thí của Bồ tát. Không có bố thí thì chỉ có sự nghèo khổ, chán nản và một tâm thái chật hẹp trong đó sự tiến bộ đến trí huệ toàn diện thì không thể được.

Giữ giới ba la mật là sự khước từ bất cứ điều gì dẫn mình và những người khác ra khỏi một trạng thái sáng tạo tích cực hay đức hạnh của tâm và là sự trau dồi bất cứ điều gì dẫn ra khỏi một trạng thái hủy hoại hay xấu xa của tâm. Chúng ta không thể chế định một bộ luật đạo đức cứng nhắc để hướng dẫn chúng ta bởi vì mỗi tình huống phải được tiếp cận với sự rỗng rang. Tuy nhiên, mười điều xấu được truyền thống kể ra cho sự chỉ dẫn căn bản những điều gì nên tránh và những cái ngược lại của chúng thì nên làm. Mười điều xấu là giết, trộm, tà dâm, nói dối, nói tầm phào, vu khống, nói lời thô nặng, tham lam, mang những quan điểm sai lầm, cố chấp. Nhận thức sự an vui cho mình và những người khác là hòn đá tảng nhờ đó hành động được phán xét. Từ chối quy ước là không đạo đức, trong khi tàn bạo, thô lỗ, và chướng kỳ chỉ là vô minh. Sự tận tụy mù quáng không nên che ám sự phân biệt giữa vô lễ và phương tiện khéo léo đôi khi biểu lộ như một tính khí dị thường. Không có sự chứng ngộ hay cái thấy thấu suốt nào dẹp bỏ giá trị của những lịch sự tao nhã trong tiếp xúc của con người hay những lời nói lễ độ phép tắc của ngôn ngữ thường tục, hay cho phép giẵm đạp người khác trên đường đi. Là khôn ngoan khi nhớ rằng những phong cách của những đẳng cấp tôn giáo không luôn luôn phản ảnh tinh thần của Pháp. Không có sự thực hành đạo đức sẽ có nguy hiểm lớn lao phải tái sanh trong một cảnh giới thấp kém hơn mà cần có sự trợ giúp bên ngoài mới gỡ ra được.

Nhẫn nhục ba la mật hay sự hoàn thiện kiên nhẫn là cái đối trị với giận dữ và những trạng thái tâm thức khác có nguồn gốc từ ác cảm. Tức giận sanh khởi do không thể thấy rằng sự mê lầm từ đó tức giận sanh ra trong những người khác thì đồng nhất với sự đau khổ riêng của mình. Tức giận sanh khởi khi những mong mỏi được hình dung trước đó không có. Nhẫn nhục là đức hạnh kiểm soát sự sanh khởi của cơn giận và làm tăng thêm sự thanh thản của tâm. Yếu tố kích thích tức giận là một tác nhân giúp đỡ cung cấp cơ hội để khảo sát bản tánh của tâm thức, nguyên nhân của xúc cảm và tính cách không có căn cứ nền tảng của thái độ. Nhẫn nhục cũng là sự chấp nhận những kết quả của tự hy sinh sở hữu, giàu có, thời gian, danh tiếng và thậm chí thân thể và tay chân. Nhẫn nhục là đôi xăng-đan mà người khôn ngoan mang vào chân hơn là phủ lớp da lên toàn bộ con đường. Trước hết không thể làm dịu mọi quấy nhiễu và gây hấn chỉ trừ nhẫn nhục với nỗ lực tập trung.

Tinh tấn ba la mật là đường bay tự do của năng lượng cao hủy diệt những lực lượng cản trở. Năng lượng này do xua đuổi mọi loại lười biếng. Sự trì trệ trí óc đưa đến buồn ngủ, mộng mị, và giấc ngủ, thất vọng và ngã lòng làm tê liệt và làm cho tâm đen tối nặng nề ; sự nghiện ngập quyền lực và giàu có gây ra sự say sưa nặng nề của lo nghĩ và đầu óc hẹp hòi, tất cả những sức mạnh kéo xuống này dễ dàng tiêu tan với năng lượng do sự trau dồi và chiều hướng sáng tạo của những ảnh hưởng của thiện nghiệp. Những bộc phát năng lượng cao thì không đủ ; người ta phải có sự nỗ lực kiên trì kháng cự lại bất kể lực lượng nào đối nghịch. Kiên trì còn cần trong sự huấn luyện tâm thức hơn trong sự huấn luyện thân thể bởi vì những khe rãnh tinh vi trong đó tâm thức chuyển động là kết quả của vô số hành vi tâm trí thâm căn cố đế và do đó đòi hỏi nhiều nỗ lực để khuôn đúc lại.

Thiền định ba la mật giữ cho tâm tỉnh táo cảnh giác và thăng bằng, thường trực trông nom trạng thái của tâm. Nó là chìa khóa để phát triển vừa cả bốn ba la mật trước bao gồm cách thức hành động của Bồ tát, vừa trí huệ phân biệt ba la mật theo sau, trí huệ này là sự thấu hiểu của Bồ tát. Thiền định là phương tiện nhờ đó năng lực tối hậu của thấu hiểu và năng lực tương đối của kiểm soát tâm được đạt đến. Thực hành thiền định bao gồm sự khai triển an định (śamatha) và quán chiếu (vipẳyan), nền tảng cho tiến bộ xa hơn. Những thực hành này bao gồm một sự rút tâm ra khỏi những vận hành của nó và những vướng mắc xúc cảm và những tạo tác ý niệm của nó. Như thế nó được đưa đến hợp nhất với nền tảng không thể giản lược nữa của mọi danh và sắc. Không tách biệt khỏi tánh Không thấm nhuần tất cả mọi vật, khởi lên một cảm nhận về tánh tự nhiên chung đồng, một trực giác về nhất thể với người khác, từ đó tuôn trào một dòng hoạt động bố thí, giữ giới, nhẫn nhục và tinh tấn. Âm sắc của cảm nhận kinh nghiệm này là niềm vui. Những thực hành tịnh hóa chuẩn bị, những giai đoạn của an định và quán chiếu, và những giai đoạn của cái thấy khi tâm trở nên tỉnh táo cảnh giác không ngừng trong phần thân bài của cẩm nang này như được diễn tả trong Kinh và những bản văn Trung Luận.

Sự hoàn thiện của trí huệ phân biệt xảy ra khi những tẩu tán của tưởng tượng, tạo tác ý niệm trí óc và mọi tư tưởng tan vào một trí huệ của phương tiện thiện xảo được dùng trong năm ba la mật kia. Sự thấu hiểu này không thể tách lìa với đối tượng tri giác được thấy một cách chi tiết trong thực tại sáng tỏ của nó. Tấm màn của những thành kiến và những phối hợp không thích đáng bị xé toạc bởi tập trung đi cùng một sự phán xét biện chứng. Mọi lý thuyết về vũ trụ bị hủy hoại bằng biện chứng Trung Đạo giảm trừ thành vô lý mọi chế tạo liên tục của trí óc khi nó đi từ một vị trí không thể biện hộ đến một cái khác. Cuối cùng, nó bị bắt buộc phải để mặc, cho phép cái thấu hiểu bẩm sinh của mọi tri giác khiến cho tâm giác ngộ phù hợp với sự hài hòa của toàn bộ hoàn cảnh.

Thực hành Thiền Định

Thiền định cần được thực hành đều đặn thường xuyên. Bình minh và hoàng hôn là những thời gian tốt nhất cho thiền định nếu người ta hài hòa với tiết điệu thiên nhiên. Trong thành phố, tốt hơn hãy đợi đến tối cho đến khi tiếng động ồn ào chậm lại. Sau khi thực hành đã tiến bộ, những thời một giờ buổi sáng và buổi chiều, có thể kéo dài thành những thời hai giờ, thêm một thời vào giữa ngày, hay lúc nào cuộc sống cho phép.

Tập trung có thể hoàn thành rất nhanh bằng cách loại trừ những xao lảng bên ngoài. Tiếng ồn cần gạt ra ngoài, áo quần nhẹ, nhiệt độ không nóng không lạnh, và những xao lảng về thị giác phải được giảm tối đa. Thiền định trở nên khó khăn khi tâm bị ám ảnh bởi những vấn đề xúc cảm hay những vấn đề cuộc sống. Tốt hơn là bắt đầu thực hành khi tâm tương đối thoát bớt lo âu xao lảng. Thiền định sẽ tiến bộ nhanh hơn trong một môi trường thiên nhiên. Sa mạc, núi non, biển hay bất cứ nơi nào cho một cảm thức không gian bao la là lý tưởng cho thực hành.

Thiền định cần được thực hành trong một tư thế thoải mái nhất. Dù tư thế hoa sen toàn phần là tốt nhất để thư giãn hoàn hảo thân thể và hệ thần kinh, những thói quen ăn uống, ngủ và thể thao ở Tây phương chỉ cho phép ít người dùng được tư thế này. Phật pháp không nhấn mạnh sự cần thiết sự thành thạo của thân thể. Tuy nhiên, lưng phải thẳng và mạng thần kinh ở bụng phải ưỡn ra và thư giãn. Hãy đặt chân theo tư thế nào thoải mái cho một giờ thiền định bất động. Một gối đệm dưới mông để giảm đau và cho phép chân được nhiều dễ chịu hơn. Hai bàn tay đặt trên đùi hay đặt lên nhau ở dưới rốn. Quan trọng là những bắp thịt của thân thể được thư giãn. Hai mắt mở hé tập chú vào khoảng một thước rưỡi đàng trước, nhưng nếu có cái để thị giác xao lảng thì nhắm lại. Hãy thở tự nhiên. Tập trung vào hơi thở là một thực hành thiền định riêng phần nó thì trở thành một xao lảng trong kỹ thuật được trình bày ở đây. Nếu mũi bị bịt, bấy giờ hơi thở qua miệng. Thở bằng miệng làm phát triển những phẩm tính của cổ họng.

Khi ngồi thoải mái một thái độ thiền định sẽ phát sanh. Đặc biệt ngay khi thức dậy, tâm còn lờ đờ, không muốn khởi đầu cái gì và cần bôi trơn. Bấy giờ cần những thực hành sùng mộ. Trước hết, phát tâm quy y :

Con quy y Phật.

Con quy y Pháp.

Con quy y Tăng.

(Lập lại ba lần)

Đây là thể thức truyền thống được những người học đạo dùng khắp thế giới Phật pháp để làm tiêu tan tính chấp ngã vào trong hình ảnh toàn thiện tối cao. Quy y Phật nghĩa là buông bỏ mọi chấp ngã và là sự tiêu tan của mọi ham muốn và thành kiến vào tánh Không-an lạc (Không và Lạc), nó là bản tánh của hiện hữu. Quy y Pháp nghĩa là đi theo con đường mà Bồ tát phải giẵm bước từ sự thức tỉnh ban đầu của ngài cho đến thực tại, đến sự biểu lộ của hành động và đức hạnh hoàn hảo. Thực hành theo những lời dạy của Guru như được viết ra trong những kinh điển hay do nhận được từ miệng một vị thầy. Quy y Tăng nghĩa là phát lộ cho thế giới thấy những nguyện vọng và những hoàn thành của mình và liên hệ với những người khác theo Bồ tát nguyện làm lợi lạc thường xuyên cho chính mình và những người khác. Đọc tụng và tư duy ý nghĩa của Phật, Pháp và Tăng có hiệu quả đánh thức lại nguyện vọng để giữ được một sự nhìn thấy thoáng qua. Nó sẽ làm mạnh động cơ cho thiền định và phương cách đã được quyết định để đạt đến đó. Nó sẽ làm nhớ lại tình huynh đệ với những hành giả thời quá khứ, hiện tại và tương lai có cùng quyết định như vậy. Nếu sự đọc tụng những câu này chỉ là một hình thức, thiền định sẽ không có kết quả, trong khi thiền định thành công sẽ cho những lời này năng lực hứng khởi và thiêng liêng.

Sự nhấn mạnh trong Đại thừa là ‘cho những người khác’. Sợi dây cứu nạn từ những cõi thấp lên những cõi cao hơn chỉ dứt khi một người trèo ích kỷ sợ rằng sợi dây sẽ không chịu nổi số người khổ đau đang bám vào nó. Trước lúc thực hành, công đức nó phát sanh được hồi hướng cho những người khác.

Tất cả hành động tích cực mà sự thực hành này phát sanh, tôi hồi hướng cho lợi lạc của những người khác. Sự ngăn che có thể có tính ích kỷ chấp ngã trong thời gian thiền định đã bị loại bỏ.

Sau hai thực tập sùng tín này người ta bắt đầu thiền định được nói trong bản văn, việc khảo sát hình ảnh tham muốn. Điều này có thể được làm mà không tham khảo bản văn, nó đã được nghiên cứu và tư duy thấu suốt trước đó. Tốt nhất là có một nền tảng rõ ràng về ý nghĩa của những ‘bộ phận cấu thành thân tâm’ và những từ khác được dùng trong A tỳ đạt ma (Abhidharma) để diễn tả tiến trình tri giác khiến thiền định có thể tiến hành nhanh hơn. A tỳ đạt ma chứa đựng sự luận giải thêm liên hệ đến những chức năng của tâm thức mà những thế hệ hành giả đã khám phá. Người học đạo hiện thời có đầy đủ thuận lợi từ sự thừa hưởng truyền thống.

Một thời kỳ thiền định kịch liệt ban đầu trong ba tháng sẽ đủ để đặt nền cho hành giả vào ý nghĩa của thiền định. Hai tuần đầu của thực hành được dành cho sự phân tích hình ảnh tham muốn, điều này dẫn đến quán chiếu vào bản chất hợp tạo của mọi sự. Hai tuần thứ hai dành cho sự tham thiền về vô thường, hai tuần thứ ba để tham thiền về khổ và hai tuần thứ tư tham thiền về không có bản chất (vô tự tánh) và vô ngã. Tháng còn lại cần được dùng để khai triển sự thấu hiểu về cái nào trong bốn cái này đã sanh ra lợi lạc nhất trong khi chuẩn bị cho tập trung và thiền quán.

Lúc bắt đầu thực hành này, thời thiền sẽ hoàn toàn bao gồm phân tích và tham thiền về Bốn Tướng của hiện hữu theo điều kiện : tất cả hiện hữu vốn là hợp tạo, trống không một bản chất thường trụ, vô thường và do đó là nguồn gốc của khổ. Khi tập trung khai triển thành một chánh niệm tỉnh giác, cái hiểu trí thức mở đường cho chứng ngộ, điều kiện tiên quyết cho những thay đổi bền vững trong thái độ và tính khí. Những thay đổi trong cái thấy nói trong bản văn sẽ chỉ ra tiến bộ của hành giả. Những kết quả sẽ biểu lộ vào những lúc khác nhau cho những cá nhân khác nhau, tùy theo những chướng ngại bên trong và những hoàn cảnh bên ngoài của hành giả. Khi quán chiếu bắt đầu đi sâu vào chứng ngộ, thời gian dành cho tham thiền về Bốn Tướng sẽ từ từ giảm.

Khi sự thiền định suy lý này chấm dứt trong sự thành tựu một loại tỉnh giác khác về thực tại và dòng tư tưởng truyền đạt cái nhìn thấy mới mẻ này đã tan biến, thiền an định bắt đầu vào tập trung. Cái này gọi là samatha trong tiếng Sanskrit và zhi-gnas (đọc là zhinay) trong tiếng Tây Tạng. Nó là thiền định trên chính bản thân cái tâm, bắt đầu với sự cố định và chấm dứt trong nhập định nhất tâm như được diễn tả trong Chín Cấp Bậc Thiền Định được liệt kê về sau trong bản văn. Khi thực hành tập trung này phát triển, sẽ có thể ở trong một trạng thái nhập định hoàn toàn cho toàn bộ một thời thiền hay bao lâu tùy theo ý muốn. Tập trung tạo ra yên tĩnh và thanh thản, đó là nghĩa của chữ zhi-gnas của Tây Tạng.

Mức độ cuối cùng của chín cấp bậc thiền định là hoàn thành sự thực hành tập trung vào quán chiếu thanh thoát. Cái này gọi là vipẳyan hay lhag-mthong (đọc là lhak-tong), đây là một tâm trong sáng với một quán chiếu sắc sảo vào bản tánh của thực tại. Chính trạng thái này có thể được tiếp tục suốt những thời kỳ hoạt động xen kẽ trong cuộc sống. Yên tĩnh và trong sáng cho phép tâm thoát khỏi thế giới của tham muốn và là căn cứ của thiền định cao hơn được diễn tả trong bản văn thứ hai có tựa đề “Những Giáo Huấn về Thực Tại Tối Hậu của Trung Đạo”.

Những chướng ngại hàng đầu trong Thiền Định và những cách đối trị của chúng 

Những khó khăn để thành tựu một tinh thần sắc bén và thích nghi dành cho thiền định thì thay đổi tùy theo những vấn đề cá nhân. Một người bạn kinh nghiệm có thể cố vấn cho những khó khăn đó, nhưng có năm trở ngại chính yếu cho sự tập trung tâm thức thường quấy nhiễu người mới bắt đầu.

Thứ nhất là lười biếng, uể oải. Thiền định không thể bắt đầu trừ phi có đủ năng lực ra khỏi giường vào lúc thực hành. Nước lạnh và thể dục có thể khơi dậy năng lượng cần thiết để ngồi và bắt đầu một thể thức điều phục. Lười biếng tiếp tục quấy rầy hành giả trong khi thiền định. Cho đến khi năng lượng bên trong đem lại lợi lạc, ý chí thô là cần thiết để vượt qua những thử thách của giấc ngủ hay một chấm dứt sớm. Cho đến khi nào những phần thưởng của sự kiên trì làm mạnh mong muốn ở lại trong thực hành, lười biếng luôn luôn hiện diện để kéo tâm thức xuống dưới ngưỡng của sự áp dụng đúng mức. Chính lười biếng xúi giục người ta bỏ cuộc với sự hứa hẹn những phần thưởng lớn hơn trong một thiên đường lạc thú nào đó và lười biếng làm tâm lầm lạc tin vào hiệu quả của giấc ngủ như là món thuốc vạn năng.

Cái đối trị cho lười biếng là thái độ cố gắng do nguyện vọng và niềm tin. Nghe một bạn đạo hay một vị thầy có kinh nghiệm thực hành bàn về hoàn cảnh con người theo trải nghiệm cá nhân và có dịp may thấy những kết quả thiền định nơi người khác có thể rất hiệu lực trong việc cung cấp nguyện vọng thực hành tiếp tục như yêu cầu. Những kinh điển là nguồn khác cho niềm tin trong thực hành. Bất cứ cái gì làm tăng thêm mong ước thiền định đều cần trau dồi mỗi lúc có cơ hội khiến cho sự lười biếng được thay thế bằng khuynh hướng tự nhiên theo đuổi những mục tiêu nhằm duy trì nỗ lực đạt đến Phật quả.

Chướng ngại thứ hai là không nhớ những giáo huấn. Ngồi xuống trong một tư thế thoải mái mà không có bản văn giải thích thể thức thì rất dễ quên những chi tiết của thực hành thiền định. Còn dễ hơn nữa là xuyên tạc những giáo huấn chính xác vì cảm hứng cá nhân. Hình ảnh của đối tượng phân tích, tướng trạng của dòng thức, hình thức của sự quán tưởng, tâm cứ trốn thoát, bất cứ đối tượng thiền định nào cũng cần sanh ra trong tâm một cách thường xuyên. Quên đối tượng của thiền định làm cho thực hành thành không có ích lợi, tuy nhiên sự quên này rất thông thường trong những giai đoạn thực hành ban đầu. Hãy nhớ rằng việc kiểm soát chặt chẽ quá là một hao phí năng lượng. Không nên chán nản vì không nhớ những giáo huấn. Cái đối trị là sự kiên trì do nguyện vọng nâng đỡ, sự kiên trì này sẽ phá tan đám mây lười biếng. Trí nhớ sẽ cải thiện khi thiền định tiến bộ.

Lười biếng và quên là hai chướng ngại chính yếu cho việc bắt đầu thực hành. Sau khi sự áp dụng đã tăng đến điểm tập trung, hai khuynh hướng khác phải bị loại bỏ. Chướng ngại thứ ba và là cái đầu tiên trong hai khuynh hướng tự chuốc lấy thất bại này là sự tê liệt của tâm. Cái này thậm chí có vẻ là một loại samadhi nhưng nó hoàn toàn không sinh ra tác dụng gì. Đối tượng của thiền định vẫn thường trực trong tâm, không xao lảng khởi lên và trạng thái này có thể được lầm cho là sự bình an của tâm. Người mới học có thể chắc chắn rằng không có sự xao lảng của tư tưởng, cảm nhận hay cảm giác nào, thì bấy giờ chỉ là sự ù lì hơn là yên tĩnh đang chiếm ngự. Không có gì có thể có được trong một trạng thái buồn ngủ của an định. Chướng ngại thứ tư (cái thứ hai của khuynh hướng này) là không ở yên. Tâm lang thang thường trực trong một trạng thái kích động bị hấp dẫn bởi những sắc tướng chiếm cứ tâm. Những xao lảng, phóng dật ngự trị. Tri giác có thể rất trong sáng và bén nhạy nhưng đối tượng của tập trung thì giống như một ngọn lửa đèn sáp đối với một con bướm đêm bay vòng quanh. Cái đối trị cho cả hai tình huống này là sự hiện diện của tâm. Sự chú tâm sẽ ngăn chặn vừa sự lọt vào tê liệt bên trong hay một lơ đễnh đến cái hấp dẫn bên ngoài. Cảnh báo hai khuynh hướng này và giữ tâm liên tục chú ý vào những hiểm nguy của cực đoan nào, hoặc ù lì hay không ở yên, chúng ngăn chặn không cho những quả của thiền định chín được.

Chướng ngại thứ năm là sự mạnh mẽ quá độ trong tập trung. Cánh cửa của thanh thản không cách gì có thể bắt ép được. Như một đám đông hoảng sợ làm tổn hại chính mình khi nó cố mở đường qua một lối thoát nhỏ, cũng vậy tâm bị bầm giập và thương tổn khi nó bị ép buộc sớm quá đến một mục tiêu chỉ có thể đạt đến bằng thư giãn, buông lỏng. Khi cố gắng giải thoát áp lực của sự sa lầy phía dưới thức, sự trấn áp mạnh mẽ những con quái vật của trí óc thì cũng không có tác dụng như sự sản xuất ra chúng. Bình thản và kiên nhẫn sẽ đem lại những kết quả nhanh và giá trị nhất. Luôn luôn có một điểm quân bình phát lộ Trung Đạo gần gũi nhất với thực tại và sự thành tựu tự do trọn vẹn.

Rất dễ để nhớ những tên của những chướng ngại này nhưng khó mà nhận ra chúng khi chúng xảy ra trong thực hành. Trí óc, sợ nó phải chết, sẽ tạo ra những lý lẽ rất tinh vi lầm lạc chống lại thiền định đúng đắn cũng như những bác bỏ dễ dàng nhất và đơn giản nhất đối với thực hành. Nói với một người bạn đạo hiểu biết và giải thích được những kinh nghiệm gặp trong thiền định là điều có giá trị lớn lao. Một khi một chướng ngại được nêu tên và xác định rõ ràng, thì sự phá hoại của nó sẽ giảm nhiều. Nếu nó vẫn không được phân biệt rõ, đám mây đe dọa vẫn bí mật nằm trong tối tăm, thì không có tiến bộ được hoàn thành trong thực hành.

Trích: Yên Tĩnh Và Trong Sáng – Đức Lama Mipham Rinpoche

Người dịch: Trùng Hưng, NXB Thiện Tri Thức 2004