11

Những Điều Cốt Yếu của Pháp Tu Đại Thủ Ấn

Đức Lạt-ma Kong Ka nói:

“Tu tập thiền định Đại Thủ Ấn này, trước hết nên được một Đạo sư đức hạnh đầy đủ khai thị cho. Mục đích của sự khai thị Đại Thủ Ấn là làm cho người đệ tử nhận ra Tỉnh Giác Rỗng Lặng Tịch Chiếu của Tự Tâm mình. Chỉ sau khi nhận ra “tính giác không có gì bên trong” bẩm sinh này, người đệ tử mới có thể tu tập đúng Đại Thủ Ấn. Cho đến khi đã làm được như vậy, họ sẽ thấy khó thoát khỏi sự ràng buộc chủ-khách và đưa tâm họ lên đến cảnh giới không phân biệt và không dính mắc. Để phát triển thâm sâu Tỉnh Giác Rỗng Lặng Tịch Chiếu này, họ nên thường tu tập những chỉ dẫn cốt yếu cống hiến dưới đây.

“Ai có thể an trụ tâm mình trong Tự-tỉnh-thức thanh tịnh này mà không bị phân tán thì có thể làm được bất cứ điều gì. Tu tập Đại Thủ Ấn, nên ngừng phân biệt, buông bỏ những suy nghĩ do thói quen “chấp nhận cái này” và “từ chối cái kia”, và cố gắng đạt cảnh giới mà

Chánh Định (Samadhi) và các hoạt động trở thành một. Cho đến khi làm được như thế, trước hết nên đặt nặng sự thiền định tĩnh lặng, và rồi áp dụng Tỉnh thức Đại Thủ Ấn như một luyện tập phụ cho những sinh hoạt hành ngày.”

Có ba điều cốt yếu trong tu tập Đại Thủ Ấn: quân bình, buông xả, và tự nhiên.

Quân bình có nghĩa cân bằng thân, khẩu và ý. Cách cân bằng ý là không bám hay nương tựa vào bất cứ cái gì. Đây là cách tối thượng để thuần hóa thân, hơi thở [khí], và tâm”.

Buông xả có nghĩa là thư giãn tâm, để mọi sự vật đi, cởi bỏ tất cả ý niệm, suy nghĩ. Khi toàn thể thân và tâm trở nên thư giãn, người ta có thể ở trong trạng thái tự nhiên, không gắng sức, tự nhiên không phân biệt mà không phân tán.

Tự nhiên có nghĩa là không lấy hay bỏ bất cứ thứ gì: trong lời nói, hành giả không tạo ra một nỗ lực dù mong manh nhất thuộc bất cứ loại nào. Họ để cho các giác thức và tâm tự chúng ngừng lại hay trôi đi, không trợ giúp cũng không hạn chế. Tu tập tự nhiên này là không dụng công mà tự phát.

“Những điều nói trên có thể tóm lược như vầy:

Cốt tủy của quân bình là không bám.

Cốt tủy của buông xả là không giữ.

Cốt tủy của tự nhiên là không dụng công.”

NĂM THÍ DỤ VỀ KINH NGHIỆM ĐẠI THỦ ẤN

Có năm thí dụ diễn tả kinh nghiệm đúng về Đại Thủ Ấn:

        Một tinh cầu như hư không mênh mông vô tận. Tỉnh Giác phổ hiện như trái đất rộng lớn.

        Tâm vững vàng như núi.

        Tỉnh Giác tự ngộ trong sáng như ngọn đèn.

        Thức thanh tịnh, trong như pha lê và rỗng lặng không có ý nghĩ phân biệt.

Kinh nghiệm Đại Thủ Ấn cũng có thể diễn tả như sau:

        Như bầu trời không mây, tinh cầu rộng lớn và không chướng ngại.

        Như đại dương không sóng, tâm vững vàng không ý nghĩ phân biệt.

        Như ngọn đèn sáng trong đêm không gió, tỉnh giác trong sáng, vững vàng.

Tu tập Đại Thủ Ấn, hãy giữ thân và tâm thư giãn và nhẹ nhàng, không gắng sức; hãy thôi nghi ngờ, lo âu và giữ thăng bằng.

Trong tu tập Đại Thủ Ấn, hãy đồng nhất tất cả những gì mình gặp với Tánh Không Bất Sinh, ở lại trong tự nhiên và thư giãn.

Giữ thân thư giãn và nhẹ nhàng không ám chỉ sự từ bỏ tất cả mọi sinh hoạt, mà là nên thực hiện những hoạt động này một cách suông sẻ, thư thả, và tự phát.

Giữ tâm thư giãn và nhẹ nhàng không ám chỉ làm tâm ngu si hay vô cảm, mà nên cố gắng làm cho tỉnh- thức sáng láng của nó trở nên sắc bén hơn.

Đồng nhất mọi sự vật với Tánh Không Bất-Sinh có nghĩa là ai đã chứng ngộ Tự Tỉnh giác và có thể duy trì nó, nên cố gắng để mọi sự vật mình gặp và kinh nghiệm tự chúng giải thoát trong Tánh Không.”

NĂM CÁCH LẠC MẤT ĐẠI THỦ ẤN

(1) Một người sẽ tri giải sai lầm Tánh Không như là sự đoạn diệt của cả những đức hạnh và ác hạnh nếu họ không biết rằng hiện hữu và Tánh Không, trong bản tánh, là đồng nhất, và điều này bao gồm tất cả sự thật và luật lệ luân lý. Sự hiểu lầm này làm lạc mất cái Thấy của Đại Thủ Ấn. Mặt khác, nếu một người chỉ có một loại tri kiến nào đó về chân lý này, nhưng không thể kinh nghiệm nó một cách thân thiết, người đó được coi như lạc mất sự chứng ngộ Đại Thủ Ấn.

(2) Nếu một người không biết rằng sự tu tập Đại Thủ Ấn [Con Đường], trong bản tánh, không khác với sự thành tựu Đại Thủ Ấn [Quả] và rằng tất cả những công đức kỳ diệu đều chứa trong sự tu tập, thì họ có thể nghĩ rằng tu tập đi trước và Chứng ngộ đến sau, như vậy Giác ngộ là sản phẩm của tu tập. Điều này có lẽ đúng ở bình diện hàng ngày, nhưng chừng nào còn quan tâm đến cái Thấy, chừng ấy có thể nói là họ đã đi lạc đường.

(3) Nếu một người có thể tạo nỗ lực chân thật trong tu tập Đại Thủ Ấn, mà không có niềm tin vững chắc không thay đổi nơi giáo lý, thì chắc hẳn họ đang ấp ủ che dấu một hy vọng rằng một ngày nào đó họ có thể có được một giáo lý cao hơn cả Đại Thủ Ấn. Đây cũng là một dấu hiệu lạc mất Đại Thủ Ấn.

(4) Kẻ nào không biết rằng cái chữa trị và cái được chữa trị, trong bản tánh, là một giống nhau, vì bám vào ý niệm cho rằng tu tập Pháp [cái chữa trị] và dục-vọng- phiền-não [cái được chữa trị hay cái phải được chữa trị], là hai đối tượng tuyệt đối khác nhau. Đây cũng là lạc mất cái Thấy của Đại Thủ Ấn.

(5) Trong tu tập Đại Thủ Ấn, về phần của hành giả yoga, luôn luôn có khuynh hướng cải chính nhiều lỗi. Ai thấy mình luôn luôn sửa các lỗi thì hầu như đã đi lạc Đường.

BA KINH NGHIỆM CHÍNH CỦA ĐẠI THỦ ẤN

 Trong tiến trình tu tập thiền định, hành giả sẽ gặp ba kinh nghiệm chính. Đó là: Cực Lạc, Chiếu Sáng, và Không-phân-biệt.

(1) Trong kinh nghiệm Cực Lạc, một vài người cảm thấy một cảm giác sung sướng to lớn bao trùm toàn thân và nó không suy giảm ngay cả trong nghịch cảnh, chẳng hạn như trong thời tiết cực lạnh hay cực nóng. Một vài người cảm thấy cả thân và tâm đều biến mất, họ cực kỳ hân hoan – và thường bật cười. Một vài người có thể cảm thấy đầy hứng khởi và nhiệt tình, hoặc cực kỳ bình an, bằng lòng và hạnh phúc. Sự ngây ngất xuất thần có thể trở thành rất to lớn và kịch liệt đến độ họ có thể trở nên không ý thức về ngày và đêm.

(2) Trong kinh nghiệm Không-phân-biệt, một vài người có thể cảm thấy tất cả sự vật trở thành trống rỗng, hay có thể thấy sự trống rỗng của thế giới; những người khác kinh nghiệm tất cả sự vật là không có tự thể, hay thân và tâm đều không hiện hữu; trong khi những người khác nữa thực sự hiểu chân lý Tánh Không [Sunyata].” *

* Trong nguyên văn tiếng Anh, không thấy diễn tả kinh nghiệm Chiếu sáng. ND.

Không nên xem một kinh nghiệm nào trong những kinh nghiệm trên là hoàn hảo và đầy đủ, cũng không nên bám vào bất cứ kinh nghiệm nào. Trong các kinh nghiệm đó, kinh nghiệm Không-phân-biệt là quan trọng nhất và không có lỗi. Một vài kinh nghiệm về Chiếu Sáng và Cực Lạc có thể có tính cách dẫn dắt rất sai lầm và còn nguy hiểm nữa.

Chỉ dẫn sâu xa nhất trong tất cả những chỉ dẫn khẩu truyền của Đại Thủ Ấn là chỉ dẫn này:

Hãy ném đi toàn bộ chấp trước và bản tánh sẽ lập tức hiện ra.

Cốt lõi của tu tập Đại Thủ Ấn gồm hai điều: không dụng công và không sửa sai. Tuy nhiên, nên biết không sửa sai có nghĩa là gì. Jetsun Milarepa giải thích điểm này rất rõ ràng: Về tu tập không sửa sai, nên hiểu ba điều: Nếu không sửa sai các tạp niệm và đam mê dục vọng, người ta sẽ rơi vào các cõi thấp hơn. Nếu không sửa sai Cực Lạc, Chiếu Sáng, và Không-phân-biệt, người ta sẽ rơi vào Ba Cõi Sinh tử Luân hồi.1 Chỉ Tự Tâm nội tại là không cần sửa sai.

Bất cứ lúc nào trong ngày, trong khi thiền hay sau khi thiền định, nên cố gắng không để mất bản tánh. Nói cách khác, nên cố gắng mang kinh nghiệm thiền định vào các sinh hoạt hàng ngày. Hoàn toàn có thể hiểu rằng một người có thể bị phân tán trong công việc làm hàng ngày, như vậy là quên mất bản tánh, nhưng họ nên luôn luôn cố gắng mang lại tỉnh-thức, và nếu thành công, bản tánh sẽ lập tức hiện ra trở lại.

Nên cố gắng không để mất Tự-tỉnh-thức dù ngày hay đêm. Tu tập Đại Thủ Ấn trong khi ngủ và trong mộng cũng cực kỳ quan trọng. Ai không thể làm được như vậy một cách đúng đắn, nên tránh tất cả những sinh hoạt và tu tập thiền định Đại Thủ Ấn một cách không gián đoạn trong năm hay sáu ngày, rồi nghỉ một ngày trước khi tiếp tục trở lại. Không nên thất vọng nếu không thể giữ Tỉnh-thức sống động cả ngày. Nỗ lực liên tục và kiên trì là chính yếu. Ai có thể làm như vậy chắc chắn sẽ mở rộng Tỉnh thức và sự Chứng ngộ của mình.

LÀM SAO TU DƯỠNG ĐẠI THỦ ẤN QUA NGHỊCH CẢNH

Sau khi nhận ra Bản tánh, nên tiến hành tu tập cái gọi là những bài tập ứng dụng. Tức là nói một người nên ứng dụng một vài hoàn cảnh đặc biệt để làm tăng thêm sự Chứng ngộ.

(1) Dùng phân tán và những tư tưởng phân biệt để tăng thêm Chứng ngộ:

Đây không có nghĩa là quán xét bản tánh của những tư tưởng phân biệt, cũng không thiền định về Tánh Không, cũng không phải chú tâm đến sự phân tán, mà ám chỉ giữ Tỉnh-thức trong sáng – bản tánh của những tư tưởng phân biệt – sống động. Sự Tỉnh thức này trong trạng thái tự nhiên của nó là Đại Thủ Ấn. Nếu ban đầu có những khó khăn lớn, nên cố gắng vượt qua chúng và hòa hợp những tư tưởng phân biệt vào đường Đạo.

(2) Dùng những phiền-não-dục-vọng để tăng thêm Chứng ngộ:

Đôi khi bạn nên vì mục đích mà khởi động những phiền-não-dục-vọng, chẳng hạn như ái dục, oán hận, ganh tị…, và quan sát chúng một cách sâu xa. Bạn không nên theo, bỏ, hay sửa sai chúng, mà một cách rõ ràng và tỉnh thức ở lại trong trạng thái thư giãn và tự nhiên. Trong lúc ngủ ngon, bạn nên cố gắng hòa hợp Tỉnh thức với vô thức mà không gắng sức. Đây là cách tốt nhất để biến vô thức thành ánh sáng.

(3) Dùng sự xuất hiện của ma quỉ để tăng thêm Chứng ngộ:

Bất cứ khi nào có ma quỉ đáng sợ xuất hiện, bạn nên dùng thiền định Đại Thủ Ấn về sợ hãi. Đừng cố xua đuổi sợ hãi mà ở lại trên đó một cách rõ ràng và thư giãn. Trong khi làm như thế, nếu ma biến mất, bạn nên thử một lần nữa triệu gọi ngay cả những con ma đáng kinh sợ hơn và lại dùng Đại Thủ Ấn với chúng.

(4) Dùng bi mẫn và buồn phiền để tăng thêm Chứng ngộ:

Vì phân tích đến kỳ cùng, sự sống và luân hồi ám chỉ đau khổ, một Phật tử nên có tâm đại bi vì tất cả chúng sinh. Khi chiêm nghiệm sự đau khổ của con người, tâm đại bi sẽ khởi dậy, nên thực hành thiền định Đại Thủ Ấn về nó. Khi làm thế, cả Trí và Bi sẽ phát triển.

(5) Dùng bệnh tật để tăng thêm Chứng ngộ:

Bất cứ khi nào bị bệnh, bạn nên thực hành thiền định Đại Thủ Ấn về bệnh ấy. Bạn cũng nên quan sát thâm nhập bản tánh của bệnh nhân và chứng bệnh, như thế loại trừ sự nhị nguyên của chủ và đối tượng.

(6) Dùng cái chết để tăng thêm Chứng ngộ:

Ai có thể tu tập Đại Thủ Ấn như đã được chỉ dẫn sẽ không bị bối rối hay sợ hãi khi chết xảy ra. Rồi họ sẽ có thể đồng nhất, không sợ hãi, tất cả những thị kiến và kinh nghiệm xảy ra trong quá trình chết. Thoát khỏi bám chấp và những ước mong, lúc bấy giờ họ có thể hợp nhất Ánh Sáng Mẹ và Con2 thành một toàn thể vĩ đại.

NHỮNG SAI LẦM TRONG TU TẬP ĐẠI THỦ ẤN

 (1) Nếu sự tu tập Đại Thủ Ấn của một người chỉ khép kín trong nỗ lực định tâm thì những hoạt động của tất cả sáu thức sẽ bị ngừng lại, hay lu mờ. Đây gọi là tu tập kiểu “đóng băng” và là một khuynh hướng rất nguy hại trong thiền định Đại Thủ Ấn, cần phải tránh.

(2) Ai xao lãng Tỉnh thức trong sáng mà chỉ trụ trong Vô-phân-biệt sẽ không nghe hay không thấy gì khi chạm trán với sắc, thanh, hương và vị… Đây là lỗi lầm vì đã trở nên trì độn.

(3) Khi niệm cuối đã qua, niệm kế chưa đến, khoảnh khắc hiện tại, lúc này, rất là kỳ diệu nếu có thể ở lại trong đó; nhưng nếu làm như thế mà không có tỉnh thức trong sáng, sẽ rơi vào lỗi trì độn.

(4) Ai có thể giữ Tỉnh thức trong sáng nhưng lại nghĩ không có gì hơn nữa trong Đại Thủ Ấn thì cũng rơi vào lầm lỗi.

(5) Nếu chỉ tu dưỡng Cực Lạc, Chiếu Sáng, và Không-phân-biệt mà không tu tập soi quán tâm, thì không thể coi là tu tập đúng Đại Thủ Ấn.

(6) Ai phát triển sự ghét bỏ những hiện tướng thì coi như đã đi lạc.

(7) Ai tập trung vào sự Tỉnh-thức của mình và tu dưỡng Tự Tâm rỗng-lặng-tịch-chiếu là họ tu tập Đại Thủ Ấn đúng. Tuy nhiên, sự dụng công tập trung này có khuynh hướng cản trở tính tự phát và tự do của tâm linh, không có sự tự phát và tự do thì khó khai mở Tâm bao la, Tâm giải thoát. Vì thế, không bao giờ nên quên tu tập buông xả, bao la và tự phát.

Vậy thì, thế nào là tu tập Đại Thủ Ấn đúng?

[Đáp:] Tâm bình thường [T.T.:Thal.Ma.Ces.Pa.] chính là tu tập đúng. Tức là, để cho tâm bình thường ở trong trạng thái tự nhiên của nó. Nếu thêm hay bớt bất cứ cái gì cho tâm này, thì nó không phải là tâm bình thường mà gọi là tâm-vật [T.T.: Yul.]. Không có chút ý định hay dụng công dù là mong manh nhất để tu tập, nhưng cũng không bị phân tán phút giây nào, là tu tập tâm tự nhiên đúng. Vì thế, bao lâu còn có thể giữ được Tỉnh thức của mình, thì dù làm gì, bạn vẫn đang tu tập Đại Thủ Ấn.

Du – Già Tây Tạng
Giáo lý và Tu tập
(Đại Thủ Ấn và Sáu Yoga của Naropa)