548122_368480236560109_395773985_n-1

Nên làm theo 3 lời dạy của Đức Phật thay vì tìm người hợp tuổi xông nhà

Không thể phủ nhận rằng tập tục xông nhà ở nước ta đã có thời xa xưa.

Và ông bà ta cũng có câu: “ Có kiêng mới lành” để dạy rằng trong đời sống của mình chúng ta cần tránh làm một số hành động nhất định để cuộc sống của mình được bình an và yên ổn. Song đa phần chúng ta đều ngộ nhận câu nói này theo một xu hướng lệch lạc đó là phải tuân thủ theo một nghi lễ nào đó nếu không sẽ bị trời đất, thần linh giáng tội. Kỳ thực nếu nghĩ như vậy thì không những chúng ta nghĩ sai hẳn về nghĩa của câu nói trên, mà còn hiểu sai lời dạy của Chư Phật, hành theo con đường tà đạo. Vì thực tế nó là những ngộ nhận vô căn cứ.

Đơn cử việc xông nhà,đây là phong tục bắt nguồn từ Trung Quốc, và thường người chủ nhà sẽ lựa những người có độ tuổi phù hợp để đặt chân vào nhà vào mùng 1 Tết nhằm mang lại vận may cho cả gia đình. Nhưng có một thực tế rõ ràng rằng dù cho năm đó bạn có kiếm được người hợp tuổi đi xông nhà, thì trong năm không phải lúc nào bạn cũng gặp may, lắm lúc cả năm còn gặp xui xẻo . Thế nhưng thậm chí có những gia đình cũng chả cần phải coi tuổi ai hợp hay không, mà cả nhà đều cùng nhau ra ngoài và bước vào xông nhà, nhưng năm đó có khi họ lại làm ăn phất lên, nhưng cũng có khi thì bình thường, không có gì nổi bật. Điều đó đã chứng ming rằng, việc xông nhà chỉ là phong tục cổ hủ , mê tín. Và cũng chẳng có thần linh, trời Phật nào giáng tội cho bạn nếu chẳng may bạn tìm không ra người hợp tuổi xông nhà cho mình. Nếu theo cách lập luận này thì chẳng phải những người ở nơi hẻo lánh ít người qua lại sẽ phải gặp tai ương hay sao?

Kỳ thực từ thời xa xưa, tập tục xông nhà này vốn dĩ không bắt nguồn từ việc coi người hợp tuổi, mà nó bắt nguồn từ một sự lựa chọn rất hợp lý, người xưa quan niệm rằng người xông nhà đầu năm nên là một người rộng rãi thì gia đình dễ làm ăn kiếm được nhiều tiền. Người đó phải là người hiền lành, không nói lời cộc cằn thô lỗ có như thế gia đình mới êm ấm. Người đó phải là người khỏe mạnh để gia đình có một năm sung túc, dồi dào sức khỏe. Việc coi người hợp tuổi sau này là do con người bắt đầu tin vào tử vi và bị ảnh hưởng bởi nó mà không hề biết rằng tử vi cũng chính là một sự sáng tạo của con người. Nó chỉ mang tính tương đối và thiếu tính phổ quát, nên đúng với trường hợp này sai trường hợp khác, không đúng hoàn toàn. Nhưng kể từ lúc xuất hiện, con người cũng vì lo sợ mà tin còn có còn hơn không mà không chịu kiểm chứng xác thực, từ đó tốc độ lan truyền nhiều hơn. Việc lựa chọn người xông nhà theo tuổi là một sự mê tín. Nhưng những tiêu chuẩn để lựa chọn người xông nhà xa xưa không phải là vô lý hoàn toàn, mà nó có một ý nghĩa sâu xa hơn chúng ta nghĩ.

Sở dĩ phải chọn người có tính rộng rãi xông nhà, là vì người này sẽ làm tấm gương cho những người còn lại trong gia đình học tập tính rộng rãi tốt bụng của họ. Mà người rộng rãi và thiện lương thường là người hay làm nhiều việc thiện, chăm bố thí, mà theo như lời Phật dạy, bố thí là nhân dẫn đến sự giàu có, may mắn, hành động thiện sẽ được đến quả lành, khi trổ quả người nhận sẽ gặp nhiều thuận lợi. Chọn người như vậy là để chúng ta noi theo họ học điều tốt này từ họ. Chọn người nói năng hòa nhã, không nói lời cáu gắt, gắt gỏng là để cách thành viên trong gia đình noi gương họ học nói lời nhã nhặn. Mà người hay nói lời hòa nhã, nhã nhặn, ít gắt gỏng hiển nhiên sẽ khiến người nghe dễ chịu, yêu mến, tình cảm khắt khít, nếu bắt chước người này hiển nhiên gia đình sẽ êm ấm trong ngoài. Chọn người khỏe mạnh, sức khỏe tốt dồi dào, có lối sống lành mạnh để những người trong nhà noi theo họ học cách ăn uống, giữ gìn sức khỏe, từ đó sức khỏe của các thành viên được tốt hơn. Qua đó chúng ta có thể thấy cách chọn người xông nhà của người xưa không phải mê tín. Nó hàm chứa một sự nhắc nhở chúng ta học tập những điều tốt từ ai đó để tự cải thiện vận mệnh cho chính mình. Và nó hoàn toàn phù hợp với những gì mà Chư Phật đã dạy: Tự chính chúng ta phải nỗ lực cải thiện chính cuộc sống của mình, chẳng có cái gì mới mẻ thay đồi xảy ra nếu như chúng ta không chịu cố gắng, hoàn thiện chính mình để thay đổi nó. May mắn, phước đức phải do chúng ta tự mình nỗ lực tích lũy qua hành động, không phải cầu xin mà được. Có làm mới có hưởng, có nhân mới có quả. Đừng nghĩ rằng chỉ cần chọn người hợp tuổi xông nhà sẽ có thể tránh được những quả xấu mà mình đã gieo từ trước, mà nó chỉ có thể giảm bớt nếu chúng ta chịu tích cực bổ sung nhiều các việc lành. Dưới đây là 3 lời Phật dạy mà chỉ cần chúng ta có thể áp dụng chúng một ngày cũng thôi cũng tích lũy được không ít phước đức, may mắn cho chính mình và gia đình

1.Năng bố thí, thực hành phóng sinh, giúp người nghèo khó

Phật từng dạy rằng: Những ai năng bố thí, giúp đỡ người nghèo khó là nhân để họ gặp nhiều may mắn trong cuộc đời và tái sinh trong những điều kiện thuận lợi, sung túc, không lo đói khổ. Do đó hãy giúp đỡ những ai có thể trong khả năng của mình, bố thí tiền của , và thậm chí dù bạn quá nghèo khó, chỉ hành động san sẻ với người nghèo khổ hơn mình hay cùng cảnh ngộ với mình một miếng ăn nhỏ thôi cũng đã là nhân để kiếp sau có thể thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Và không nhất thiết bố thí nào cũng bằng tài vật. Có những bố thí mà ngay cả người nghèo nhất cũng có thể làm được , đó là :

+ Bố thí bằng vẻ mặt: Ngươi có thể cho người khác vẻ mặt tươi cười niềm nở.

+Bố thí bằng lời nói: Ngươi có thể cho người khác những lời cổ vũ khích lệ, lời an ủi, lời khen ngợi, lời khiêm tốn và lời nói ấm áp.

+ Bố thí bằng tấm lòng: Hãy mở rộng tấm lòng và đối xử chân thành với người khác.

+Bố thí bằng ánh mắt: Hãy dùng ánh mắt thiện ý để nhìn người khác.

+Bố thí bằng hành động: Dùng hành động để đi giúp đỡ người khác.

+Bố thí bằng chỗ ngồi: Khi đi xe hay thuyền, có thể đem chỗ ngồi của mình tặng cho người khác.

+ Bố thì bằng nơi ở: Đem phòng ở trống không sử dụng cho người khác nghỉ ngơi.

2. Học cách nói năng hòa nhã, quyết tâm không nói lời thô ác

Mặc dù hậu quả của lời nói có thể không hiển hiện ngay lập tức như thông qua hành động, song một lời nói thô ác cũng đủ khiến cho bạn khơi gợi lòng sân hận, thù hằn từ một người nào đó. Và từ đó rắc rối sẽ không ngừng ập lên đầu của bạn. Đức Phật từng dạy rằng mọi vật đều nương nhau mà xuất hiện, không ai trong chúng ta là tồn tại một cách độc lập với những người khác, sinh vật khác do đó việc tránh nói những lời thô ác, kích động sân hận thù ghét từ người khác, nó đồng nghĩa với việc chúng ta tự gieo thêm rắc rối, khó khăn cho cuộc sống của mình. Chớ có suy nghĩ rằng; Tại trời sinh tính của chúng ta như vậy? Mà tính cách của chúng ta là chúng ta tự hình thành thông qua những thói quen, nhận thức của mình, nó hoàn toàn có thể thay đổi được vấn đề là chúng ta có đủ quyết tâm hay không mà thôi! Đâu thể nào một ai đó cứ hễ mở miệng ra là nói những lời khó nghe mà bắt người khác luôn phải thông cảm, hiểu cho mình mà không được bực bội đúng không?

3. Kềm chế không nổi sân với người khác

Kỳ thực, khi gặp quá nhiều khó khăn, hay bị một ai đó nói những lời trái tai,… xúc phạm chúng ta sẽ khó mà không nổi giận. Kỳ thực là chả ai có thể biết được cơn giận của mình từ đâu chạy đến, và nổi lên khi nào. Chỉ biết được rằng mỗi cơn giận đến là một lần chúng ta cảm thấy khó chịu cùng cực, bực bội, muốn làm gì đó cho hả lòng hả dạ. Điều đó cho thấy rằng cái cơn giận này chả biết có giúp ích gì cho chúng ta hay không, chứ nếu ngẫm nghĩ sẽ chỉ thấy toàn tai hại.Đức Phật từng dạy người có lòng sân giận như người cầm đuốc đi ngược gió, sẽ phải chịu kết cục bị bỏng tay. Trước hết có thể thấy rõ ràng là cơn giận khiến chúng ta mệt mỏi, khó chịu, trong khi chúng ta đang rất bình thường, thoải mái. Kế đến khi cơn giận bốc lên cao, chúng ta bị mờ lý trí, sẵn sàng làm mọi thứ bất chấp hậu quả tự hại chính mình, hại người, gây lên nghiệp xấu. Do đó chúng ta nên cố gắng không nổi sân với người khác, họ nói lời xấu, thì tự họa lãnh lấy hậu quả, chả liên quan gì chúng ta cả mà chúng ta phải nổi giận rồi chịu quả báo xấu vì họ.

Trở lại câu nói: “ Có kiêng mới có lành” chúng ta nên hiểu rằng kiêng ở đây nghĩa là cấm kỵ, không nên làm, nó hàm chứa một lời nhắc nhở chứ không phải hàm chứa ý nghĩa đe dọa như chúng ta vẫn hay nghĩ. Và kiêng ở đây là kiêng kỵ, không nên làm những gì điều sai trái, có thế cuộc sống mới bớt rắc rối, được an lành. Ví như một người quá nhiều các mối quan hệ, tham dục, mê sắc, quan hệ với nhiều phụ nữ, thì làm sao anh ta có thể có được cuộc sống êm ả? Sớm hay muộn gì người này cũng tự chuốc họa. Kiêng ở đây còn được hiểu là nên chừng mực, không nên quá mức, quá giới hạn sẽ gây ra hậu quả không tốt dù là trong bất kỳ việc gì ví như ăn quá nhiều thì sinh béo bụng, sinh bệnh, quan hệ nhiều thì rắc rối, nói nhiều không đúng lúc thì gặp họa,….

Nguồn: Sưu tầm