alotin.vn_1404224319_2f7543c31c7bdd7ad482cc7e5a4e4c07

Đôi nét Đặc thù Văn hóa Miền nam

Dân tộc nào cũng có những nét đặc thù. Việt Nam ta cũng không khác. Nước Việt Nam dài và cong như chữ S, gồm 3 miền Bắc Trung Nam, có địa lý, lịch sử… hoàn toàn khác biệt nhau. Do đó, mỗi miền đất nước cũng mang những nét đặc thù.

Miền Nam tuy chỉ mới thành lập khoảng 300 năm, nhưng lịch sử đầy những thay đổi thăng trầm, tạo nên những nét đặc thù của vùng đất mới nầy.

Nói lịch sử Việt Nam có 4 ngàn năm là chỉ nói riêng phần lãnh thổ Miền Bắc Việt Nam, chủ yếu là vùng châu thổ sông Hồng, phần lãnh thổ đầu tiên của Tổ Tiên dân tộc Việt là Lạc Long Quân và bà Âu Cơ dựng nên, theo truyền thuyết. Thực ra thì không ai có thể biết rõ vào thời kỳ nào dân tộc Việt Nam đã đến định cư trên phần đất Bắc Việt ngày nay. Cũng không ai biết đã có dân tộc nào định cư trên phần đất trung châu Bắc Việt trước khi dân tộc Việt di cư đến, nhưng rất nhiều chứng cứ để có thể khẳng định là có dân tộc nào đó đã sinh sống ở phần đất Bắc Việt ngày nay nhiều ngàn năm trước.

Miền Bắc Việt Nam chỉ được tự trị như một quốc gia, có độc lập, có văn hoá, có kỷ cương… từ thời đại Lý Trần, tức chỉ mới 1000 năm trở lại đây. Điều nầy hoàn toàn thực và không có gì phải xấu hổ. Vinh quang hay giá trị của một dân tộc, không tuỳ thuộc vào con số thời gian dài, mà tuỳ thuộc vào phẩm chất… Nước Mỹ mới lập quốc có vài ba thế kỉ, các nước Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Canada, mới lập quốc chừng 200 năm, nhưng những nước nầy văn minh, hùng mạnh, giàu sang. Những điều nầy mới thực sự là quan trọng, chớ không phải thời gian lịch sử lâu dài mấy ngàn năm! Mấy ngàn năm lịch sử mà đen tối thì thật không thể bằng vài trăm năm cường thịnh, rực rỡ, vinh quang!

Miền Trung Việt Nam, 500 năm trước hãy còn là phần đất của dân tộc Chiêm Thành, một dân tộc từng có thời kỳ oanh liệt, hùng mạnh. Có lần vua Chiêm còn mang quân đánh vào tận đất Thăng Long là Thủ Đô của Việt Nam, nhưng sau đó, những biến động của lịch sử đã giúp cho Việt Nam chiếm cứ toàn bộ đất nước Chiêm Thành. Người Chiêm Thành hiện nay chỉ còn là nhóm người thiểu số, sống ở thôn làng hẻo lánh, xa xôi. Dấu tích Chiêm Thành ngày nay chỉ là những cái Tháp Chàm phần nhiều đổ nát, hoang sơ. Tháp Chàm mang những dấu tích văn hoá, tín ngưỡng khác hẳn với văn hoá, tín ngưỡng Việt Nam. Văn hoá, tín ngưỡng của người Chàm là văn hoá, tín ngưỡng Hồi Giáo có nguồn gốc từ Nam Dương, Mã Lai.

Hai châu Ô, Rí thuộc phần đất Quãng Trị, Thừa Thiên, ngày nay là quà Sính lễ của Vua Chiêm Thành xin cưới Huyền Trân Công Chúa đời nhà Trần.

Miền Nam có lịch sử khoảng 300 năm. Miền Nam là phần đất của dân tộc KHMER, có tên là Thuỷ Chân Lạp. Miền Nam có lịch sử lập quốc ngắn ngủi, nhưng dân số Miền Nam đã tăng nhanh, kinh tế cũng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là nông nghiệp, ngư nghiệp, các mặt văn hoá, giáo dục, xã hội cũng không ngừng phát triển.

Sự hiện diện của người Pháp cuối thế kỷ 19, kế đó là người Mỹ giữa thế kỷ 20, đã làm cho Miền Nam Việt Nam có nét đặc thù về văn hoá, xã hội, kinh tế, thương mãi, y tế, giáo dục, thông tin, khoa học, kỹ thuật…Vì Miền Nam là đất Chân Lạp ngày xưa, cho nên nhiều địa danh vốn là tên Khmer đọc trại ra thành tên Việt Nam, như Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng, Xà Tón, Năng Gù, Cái Răng, Cái Khế, Cái Thia, Cái Bè, Trà Ôn, Trà Cú, Trà Kiệu, Trà Bang… Người Khmer sinh sống ở Miền Nam như sắc tộc thiểu số. Họ thường sống quy tụ thành làng xóm, gần như biệt lập. Họ vẫn duy trì được ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo… Người Miên theo Đạo Phật, hệ phái Tiểu Thừa, giống như các hệ phái Phật Giáo Tiểu Thừa của các nước: Thái Lan, Lào, Miến Điện, Sri Lanka… Chùa chiền của người Miên cũng giống như chùa chiền các nước nầy. Gần như làng Miên nào cũng có một ngôi chùa với lối kiến trúc đặc biệt của người Miên, để người dân tới lễ bái Phật, các vị Sư Sãi tu hành và thường còn là trường học cho trẻ em. Đây là nơi truyền bá và duy trì ngôn ngữ, văn tự của cộng đồng người Miên.

Người Miên vẫn giữ được Phật Giáo Tiểu Thừa với những ngôi chùa Miên rất đặc thù, rất dễ nhận ra, nhưng người Việt đến đây thì không theo Phật Giáo Tiểu Thừa. Người Việt từ Miền Trung, Miền Bắc vào mang theo Phật Giáo Đại Thừa, xây dựng những kiểu chùa chiền và những hình thức tu hành của Bắc Tông, rải rác khắp miền Lục Tỉnh gần như nơi nào cũng có những chùa chiền Đại Thừa hoành tráng, đặc thù Việt Nam.

Ngoài Phật Giáo Đại Thừa, một Tông Phái Phật Giáo đặc thù Việt Nam đã xuất hiện vào thập niên 1940. Đó là Phật Giáo Hoà Hảo với vị Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, sinh quán tại làng Hoà Hảo, tỉnh An Giang. Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) không xây dựng chùa chiền mà xây dựng nhiều Giảng Đường để giảng đạo.

Cao Đài Giáo cũng là một tôn giáo rất đặc thù của miền Nam Việt Nam. Cao Đài Giáo không xây dựng Chùa Chiền, mà xây dựng nơi thờ phượng gọi là Thánh Thất Cao Đài, với kiến trúc rất đặc biệt, rất dễ nhận ra. Toà Thánh Cao Đài qui mô nhất, tiêu biểu nhất của Đạo Cao Đài là Toà Thánh Tây Ninh. Ngoài ra, rất nhiều tỉnh thành lớn khác ở Miền Nam như Bến Tre, Mỹ Tho, Long An… đều có những Thánh thất Cao Đài.

Ngoài những tôn giáo Á Đông, chủ yếu là Đạo Phật với những Tông phái Nam Tông, Bắc Tông, Thiền Tông, những tư tưởng Khổng Mạnh, Lão Trang chỉ ảnh hưởng bàng bạc trong văn học, nghệ thuật, văn chương, không hình thành tôn giáo riêng biệt.

Miền Nam Việt Nam còn là nơi hội tụ và truyền bá tôn giáo Tây Phương, tôn giáo rất xa lạ với người Việt Nam, vốn dĩ đã quá quen thuộc với Phật Giáo từ hơn ngàn năm qua. Tôn giáo do Tây Phương mang đến là Thiên Chúa, Tin Lành. Mạnh mẽ và phổ biến nhất là đạo Thiên Chúa thuộc Toà Thánh La Mã. Hình ảnh tiêu biểu nhất là ngôi nhà thờ to lớn, cao rộng, đẹp đẽ, có nét đặc thù kiến trúc Tây Phương, khác hẳn với chùa chiền Á Đông. Người Miền Nam theo đạo Thiên Chúa không nhiều, nhưng phần đông tín đồ Thiên Chúa Giáo sống ở thành thị lớn, nhiều người có học thức, giàu có. Trong thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hoà, họ có rất nhiều quyền thế, địa vị trong chính quyền cũng như ngoài xã hội.

Người theo đạo Thiên Chúa có cuộc sống khá hài hoà với những người theo các Đạo Giáo khác, tuy tín ngưỡng khác nhau, hình thức thờ phượng khác nhau, lễ lạc khác nhau, nhưng không thấy có xung đột tôn giáo đáng kể trong xã hội miền Nam. Những sự bách hại đạo Thiên Chúa của vua quan triều đình nhà Nguyễn trong thời kỳ đầu của việc truyền bá đạo Thiên Chúa tại Việt Nam. Chính sách kỳ thị và đàn áp đạo Thiên Chúa của triều đình nhà Nguyễn đem lại nhiều tai hại cho đất nước. Khi người Pháp thiết lập nền đô hộ Miền Nam Việt Nam, thì đạo Thiên Chúa bành trướng ở những nơi thị tứ như Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ… Ngày lễ lớn của đạo Thiên Chúa như lễ Giáng Sinh, không chỉ giáo dân đạo Thiên Chúa mừng lễ, mà người dân theo tôn giáo khác cũng tham gia lễ hội một cách vui vẻ, tưng bừng.

Bản tính hiền hoà, chơn chất của người Miên cộng với giáo lý từ bi, hỉ xả của đạo Phật đã làm cho người Miên tại Nam Việt Nam có cuộc sống thật trầm lặng. Tương tự thôn làng của người Chàm ở Miền Trung, thôn làng của người Miên ở Miền Nam thường xa cách với thôn làng của người Việt, thường ở những nơi hẻo lánh, xa xôi, không thuận tiện giao thông cho nên đời sống của họ khá khép kín, chậm phát triển. Họ gần như chỉ sống bằng nghề nông, không có lợi tức gì đáng kể. Họ thường là những người nghèo khổ, vất vả. Những người Miên sống gần thành thị thường nhanh chóng đồng hoá với ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam, cho nên du khách đến thăm viếng Miền Nam, dù đã dạo khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng ít khi trông thấy người Miên với văn hoá Miên, ngôn ngữ Miên!.

Người Hoa, trái lại là một sắc tộc đặc thù tại Miền Nam Việt Nam. Cộng đồng người Hoa là những di dân ồ ạt bằng thuyền đầu tiên của nhân loại. Họ là những thuyền nhân, mà danh từ bình dân Việt Nam gọi họ là “người Tàu”. Ý nghĩa giản dị, họ là những người lạ đến bằng tàu. Điều nầy khá tương tự như cuộc vượt biên bằng thuyền của người Việt sau biến cố 1975. Người Việt vượt biên bằng thuyền nầy cũng được gọi là “Boat People”. Từng đoàn người Hoa lũ lượt chạy loạn. Phần nhiều họ là những quan lớn của triều đình nhà Minh. Họ và gia đình phải chạy trốn chiến tranh và ty nạn chính trị. Vì Minh triều tan rả, Trung Hoa bị người Mãn Thanh xâm chiếm. Họ tự gọi nhau là người Minh Hương. Họ may mắn được các chúa Nguyễn chấp nhận cho định cư và cho quyền khai phá đất đai hãy còn hoang vu thưa người của Miền Nam Việt Nam. Người định cư thành công và nổi tiếng nhất là Mạc Cửu ở Hà Tiên.

Người Hoa tuy là định cư ở Việt Nam, nhưng họ vẫn sống thành cộng đồng gắn bó với nhau. Họ thường lập những Bang Hội đồng hương để giúp đỡ lẫn nhau. Kết quả là gần như gia đình người Hoa nào đến Việt Nam sinh sống cũng thành công, giàu có, sung túc. Người Hoa ở thành thị phải học nói tiếng Việt để giao tiếp với người Việt Nam, nhưng phần lớn họ vẫn cố duy trì ngôn ngữ, văn hoá, truyền thống của người Trung Hoa. Hầu như ở thành thị nào họ cũng có trường học Trung Hoa để dạy chữ Hán cho con em của họ, khiến cho mặc dù ở Việt Nam có khi lâu hàng trăm năm mà họ vẫn giao thiệp với nhau bằng ngôn ngữ, văn tự Trung Hoa. Có thể nói là người Hoa ở Miền Nam đã dựng lên rất nhiều tiểu quốc Trung Hoa trên phần đất họ định cư. Chợ Lớn có thể coi là một Trung Hoa khác ở Việt Nam.

Người Hoa cũng triệt để giữ gìn lễ nghi, phong tục gốc của họ. Những ngày lễ lớn của Trung Hoa như Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán cũng đã trở thành những ngày lễ chính thức của người Việt Nam, với những hình thức y hệt như người Trung Hoa. Mỗi năm tới ngày lễ Tết Trung Thu, dù chỉ là Trung Thu của Trung Hoa chớ không phải Trung Thu của Miền Nam, nhưng vào dịp nầy, cả người Hoa và người Việt đều vui vầy ăn bánh Trung Thu, treo đèn Trung Thu. Thậm chí ngày nay, khi sinh sống ở nước ngoài, ngày rằm tháng tám Tết Trung Thu của Trung Hoa đã là ngày đầu Xuân của nước Úc, không có chút dấu vết nào của mùa Thu, nhưng cả người Hoa lẫn người Việt đều giữ phong tục tập quán cũ, cũng mừng lễ Trung Thu, cũng ăn bánh Trung Thu, cũng treo lồng đèn Trung Thu. Cả vị Thần người Trung Hoa tôn kính nhất, là đức Quan Thánh Đế Quân, tức nhân vật anh hùng Quan Công trong truyện Tam Quốc Chí, họ lập Miếu, Chùa thờ Quan Thánh khắp nơi. Quan Công cũng được người Việt Nam tôn kính và thờ phượng theo, có người còn thờ ông Quan Công ngay trong nhà.

Nêu lên điều nầy cũng như nhiều điều khác nữa về ảnh hưởng của lễ nghi, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Trung Hoa đối với người Việt ở Miền Nam Việt Nam, chúng tôi không hề có ý chê bai, kỳ thị gì hết. Chúng tôi trân trọng giữ gìn những cội nguồn, văn hoá của dân tộc, quốc gia mình. Chúng tôi không chủ trương kỳ thị những nền văn hoá khác. Những gì nêu ra ở đây chỉ là những nhận xét khách quan về nét đặc thù của văn hóa Miền Nam Việt Nam như tựa của bài viết nầy.

Chẳng những không kỳ thị mà chúng tôi còn tán thành sự hội nhập những nền văn hoá của dân tộc khác trên thế giới. Phải có tâm tư khoan ái với người khác, chúng ta mới có hoà bình, mới không hận thù, mới có hợp tác, tiến bộ và có tình thương. Chúng ta may mắn sống tại nước Úc, có chủ trương tôn trọng mọi nền văn hoá khác nhau, có chánh sách nhân đạo, “đa văn hoá”. Chúng ta nên tiếp nhận và phát huy những cái hay, đẹp của mọi nền văn hoá khác. Chúng ta không thể chỉ tôn trọng văn hoá, tín ngưỡng của riêng mình mà không tôn trọng văn hoá, tín ngưỡng của người khác.

Việt Nam đã du nhập nhiều phong tục, văn hoá, tín ngưỡng của người Trung Hoa. Chúng ta không chống lại sự du nhập, nhưng muốn được tốt hơn, thì chỉ nên du nhập những cái tốt, không nên du nhập những cái xấu. Thực tế, người Việt du nhập quá nhiều phong tục tập quán không còn thích hợp. Những lễ nghi như ma chay cầu kỳ, cử kiêng ngày tháng, bói toán, dị đoan, đốt tiền vàng bạc… là những điều cần nên sửa đổi.

Có phong tục, tập quán không còn thích hợp nhưng vì căn cơ, trình độ con người mà phải duy trì, thì cũng nên đơn giản. Điều quan trọng là phải hiểu ý nghĩa của nó, học hỏi những ích lợi thay vì chỉ duy trì sự dị đoan, mê tín. Thí dụ: Thờ ông Quan Công là thờ đức tính “Trung Hiếu Tiết Nghĩa” của ông. Chúng ta học hỏi và tôn trọng những đức tính nầy, chớ không phải thờ ông Quan Công để nhờ ông phò hộ cho mua may, bán đắt, làm giàu… Vì nếu như vậy là hối lộ Thần Thánh, mà Thần Thánh thì không thể hối lộ. Nhất là ông Thánh Quan Công, một người thành Thánh vì những đức tính “Trung Can Nghĩa Khí” hơn người.

Người Pháp đến Việt Nam đã mang lại thay đổi về nhiều mặt cho người Việt Nam, đặc biệt là Miền Nam Việt Nam. Về văn tự, thì người Pháp và các nhà truyền đạo Thiên Chúa đã giúp đỡ việc hình thành chữ Việt ngày nay, loại chữ viết theo mẫu tự La Tinh, vô cùng tiện lợi. Cứ hãy tưởng tượng, nếu không có các Giáo Sĩ Thiên Chúa Giáo vì nhu cầu truyền Đạo, đã sáng chế chữ Việt theo mẫu tự La Tinh, thì chữ viết của Việt Nam ngày nay sẽ như thế nào? Chữ Việt với mẫu tự La Tinh, nhưng lại có ngữ nghĩa Hán Việt và Việt Nôm đã hình thành một văn tự vô cùng độc đáo, một ngôn ngữ tổng hợp tinh hoa ngôn ngữ Đông Tây, có tiềm năng phát triển rất lớn, có khả năng trở thành một ngôn ngữ lớn trên thế giới.

Người Pháp cũng đã tạo ra những cơ hội lớn cho Miền Nam Việt Nam nhanh chóng vươn lên thành một vùng đất văn minh, trù phú, ấm no. Nhiều đường xá, cầu cống được xây dựng, nhiều ngành nghề, thợ thuyền chuyên môn được đào tạo, nhiều người Việt Nam được học Pháp ngữ, được tiếp xúc với những ánh sáng văn minh Tây Phương, đặc biệt là việc xây dựng các trường học, các bệnh viện, mở ra các ngành học y khoa thực dụng tân tiến Tây phương, chăm sóc sức khỏe của người dân. Về tâm lý, thì không có dân tộc nào muốn làm nô lệ, không ai muốn đất nước mình lệ thuộc ngoại bang. Ai cũng mong muốn độc lập, tự do, hạnh phúc. Người Pháp tuy mang tiếng là Thực Dân xâm lược đất nước chúng ta, nhưng nếu có một chút can đảm, công tâm, chúng ta có thể thấy trên thực tế, (một thực tế có người không công nhận), là người Pháp đã mang lại cơ hội để mở mang, đem đến tiến bộ, văn minh cho người Việt Nam.

Điều đáng tiếc không hẳn là việc Pháp đã đô hộ Việt Nam, mà là điều người Việt Nam đã không biết nắm lấy thời cơ, vận hội, một cách kịp lúc, để hưng thịnh quốc gia. Sự thần phục triệt để Thanh triều của Vua Quan nhà Nguyễn là một sai lầm nghiêm trọng. Sự ù lì, không thức tỉnh để canh tân, cải cách, không học hỏi văn minh Tây Phương của triều đình Huế theo lời kêu gọi của nhà ái quốc Phan Chu Trinh là một sai lầm nghiêm trọng. Nếu như Việt Nam không có tiếp xúc với Tây Phương và vẫn yên lành dưới chế độ quân chủ nhà Nguyễn cho đến bây giờ thì xã hội, đất nước, con người Việt Nam sẽ ra sao? Tuyệt đại đa số người Việt sẽ là những nông dân, tay lấm chân bùn, nhưng có thể ngày ngày họ vẫn vui vẻ hát hò “Ai bảo chăn trâu là khổ, không, chăn trâu sướng lắm chứ”; bá quan văn võ triều đình thì ngày ngày vẫn vào chầu vua, quỳ lạy và tung hô “vạn tuế, vạn vạn tuế”, còn vị Hoàng Đế An Nam thì khỏe quá, tam cung lục viện, cung tần mỹ nữ, sáng chiều hết ngự thiện, tới ngự trò, tha hồ ăn uống, vui chơi, hưởng thụ, cha truyền con nối ngai vàng!

Tiếp theo người Pháp là người Mỹ ở Miền Nam Việt Nam sau hiệp Geneva 1954. Không bàn về yếu tố chính trị, những yếu tố đầy phức tạp và dễ bất đồng quan điểm, chỉ bàn riêng về mặt văn hoá, kinh tế, thì người Mỹ đã mang đến cho Miền Nam Việt Nam cơ may để có thể phát triển và xây dựng Việt Nam phú cường. Đây hoàn toàn không phải là những điều võ đoán, vẽ vời. Sự hiện diện và giúp đỡ của người Mỹ đã giúp cho nhiều quốc gia phát triển. Đại Hàn, Đài Loan là thí dụ cụ thể. Không có sự giúp đỡ của người Mỹ thì hai quốc gia nầy không thể phát triển vượt bực như ngày nay. Người Nhật có tinh thần ái quốc cực cao. Họ bị Mỹ đánh bại trong thế chiến thứ II, bị 2 trái bom nguyên tử tàn phá gần như hoàn toàn hai thành phố lớn Hirhosima, Nagashaki, nhưng vẫn có thể hợp tác với Mỹ để rồi nhanh chóng xây dựng, phát triển đất nước hùng mạnh, phú cường.

Việt Nam, dĩ nhiên là vì nhiều nguyên nhân, bỏ lỡ nhiều cơ may để có thể trở thành một quốc gia tiên tiến, phú cường. Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ may và lại hứng chịu quá nhiều thảm hoạ tai ương của những sai lầm do thành kiến, nghi kỵ, hận thù, chiến tranh. Việt Nam lãng phí bao nhiêu sinh mạng cho cuộc chiến tranh vô bổ, cũng như thời gian, công sức cho những trò chơi máu lửa, đao binh tàn tệ, khổ đau. Việt Nam trả giá quá nhiều, quá cao cho cuộc chiến tranh quốc – cộng. Bây giờ thì Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất hơn 30 năm rồi, nhưng chưa có được những gì mà dân tộc vẫn hằng mong ước, cầu nguyện. Đó là tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc, phú cường…

Việt Nam không thể chỉ ngồi nhìn hiện tại khó khăn, không thể chỉ quay nhìn quá khứ đau khổ để ngậm ngùi. Thái độ nầy hoàn toàn vô ích. Việt Nam phải nhìn về tương lai, trễ nhưng còn hơn là không làm gì cho quốc gia, dân tộc. Nhìn về tương lai, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để xây dựng đất nước, để phát triển quốc gia, để thăng tiến. Việt Nam có một khối nhân lực, 80 triệu người trong nước không phải là con số nhỏ. Việt Nam có nhiều triệu người Việt tại hải ngoại, gồm nhiều nhân tài, rất ưu tú. Việt Nam có tài nguyên: rừng núi, sông rạch, đồng bằng, biển cả… và quặng mõ dưới thềm lục địa ở biển Đông. Việt Nam có nhiều cơ may đang chờ, nhưng quan trọng nhất chính là tư tưởng, thái độ của người Việt lãnh đạo đối với dân tộc, quê hương…

Việt Nam là danh xưng của dân tộc, không phải là người nầy người nọ, phe nầy phe kia. Việt Nam là tất cả “đồng bào” cùng một bọc, của Tiên Mẫu Âu Cơ, của Cha Rồng Lạc Long Quân. Người Việt Nam có chịu nhìn nhau như anh em ruột thịt, cùng một dòng máu Việt Nam? Người Việt Nam nhìn nhau là “đồng bào”, nhưng phải là “đồng bào” từ sâu tận đáy lòng chân thật, con tim chân thành, chớ không phải là trên chót lưỡi, đầu môi như trong quá khứ: nghi kỵ, chia rẽ, hận thù, ân oán, đấu tranh…Người Việt Nam nhìn nhau là cùng một “dân tộc”, nhưng phải bằng tất cả tâm linh minh triết, giác ngộ, nhân ái, thì mới hy vọng có được ngày mai tốt đẹp, hạnh phúc, ấm no…

Thực tế, hiện nay Việt Nam chưa thực hiện được điều quan trọng nầy, vì có nhiều trở ngại, khó khăn. Người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, vẫn còn mang nặng bóng tối của quá khứ: thành kiến, nghi kỵ, hận thù, ân oán… Làm sao để cái tâm của người Việt Nam có thể mở ra, cái trí sáng suốt. Đó là bài toán vô cùng khó khăn cho người Việt Nam. Hiện trạng, Việt Nam là con bịnh nặng trầm kha, gần như bất trị. Món thuốc thông thường không thể trị con bịnh Việt Nam, phải cần có món thuốc kỳ diệu mới mong cứu được. Món thuốc kỳ diệu chữa trị con bệnh Việt Nam chỉ có thể là món thuốc tâm linh. Phương tiện tiền tài, vật chất là cần thiết, nhưng tâm linh, tư tưởng là yếu tố tinh thần có khả năng to lớn. Tâm Linh có khả năng rất lớn để chữa trị con bịnh Việt Nam. Hạt giống bồ đề Tình Thương, Bác Ái, Từ Bi, Tha Thứ, Hoà Ái, Công Bằng nẩy mầm trong lòng người. Ánh Sáng của Giác Ngộ, Minh Triết, Tình Thương, Tha Thứ soi sáng tâm trí tất cả mọi người. Đây không phải là suy nghĩ vẫn vơ, mà là điều luôn luôn mong ước, luôn luôn nguyện cầu, luôn luôn cố công đóng góp phần mình, với tất cả tâm trí mình cho dân tộc, cho đất nước Việt nam.

BS Theresa Nguyễn Thị Thu Thủy