243740_132571050216696_1114195264_o

Phát triển trí tuệ nguyên thủy

Khi đã không còn phiền não, tâm khám phá ra tính chất thật của mình và bắt đầu hoạt động với các lực trí huệ.

1.- Đại viên kính trí (Trí như gương)

Tinh túy của căn bản thức là nguyên lý Phật, cũng được gọi là Phật Tâm hay Phật Tính, có trong tất cả chúng sanh. Khi tất cả những dấu vết của mọi hình thức mê muội, dù tinh tế nhất, ngăn che Phật tính này đã được dẹp bỏ, thì khi đó trí như gương (đại viên kính trí) xuất hiện.

Tâm trở nên giống như một tấm gương sáng bóng trong đó xuất hiện rõ rệt mọi đối tượng mà nó biết.

Loại trí thức nguyên thủy này phát sinh vào cuối cấp Bồ tát thứ mười, sau khi việc thanh lọc tối hậu đã được thực hiện; lúc đó vị Bồ tát nhập kim cương định (định tam muội, Samadhi), được gọi như vậy vì kim cương là một vật cứng nhất, được gọi là bất hoại. Kim cương định tượng trưng cho mục tiêu và chính là Phật quả vô thượng, không còn gì hơn để tu tiến nữa, không còn gì để học nữa. Qua suốt mười cấp Bồ tát, vị Bồ tát đã vào định, nhưng những định đó không hoàn toàn thanh tịnh cho đến khi kim cương định xuất hiện.

Đại viên kính trí là toàn giác, là sự biết mà không tham dục.

Hiện tại trí thức của chúng ta đặt căn bản trên nhị nguyên. Đối với chúng ta, nếu có trái, thì phải có phải; có mặt trước thì phải có mặt sau. Chúng ta bị giới hạn trong những lý luận vụn vặt tương đối của mình như con chim bị nhốt trong lồng. Kim cương định khắc phục hoàn toàn khuynh hướng này và tâm được giải thoát trong sự mở rộng vô giới hạn của Đại viên kính trí, nhưng xâu xa hơn nhiều so với sự xổ lồng của con chim.

Đối với chúng ta, những người còn giam trong sự tham dục quen thuộc, thì loại tự do này không thể hiểu được, dù chúng ta có cố gắng hiểu, chỉ khi nào chúng ta thân chứng kim cương định thì chúng ta mới hiểu trọn vẹn sự bao la của Đại viên kính trí, là trí huệ vĩ đại nhất và được phát triển trọn vẹn nhất trong các loại tri thức nguyên thủy.

Không có tính nhị nguyên và ngã chấp, Đại viên kính trí là pháp thân hành động, mục tiêu của chúng ta. Đại viên kính trí trụ bất phân ly trong môi trường hoạt động của nó, là cõi không có một chút ô nhiễm nào (vô cấu nhiễm) không có lý luận vụn vặt của một tâm thức mê lầm.

2.-Bình đẳng tánh trí

Trước khi có sự chuyển hóa căn bản thức thành trí như gương, Mạt-na thức đã trở thành Bình đẳng tánh trí, và sự biến đổi này diễn ra trong địa vị Bồ tát thứ tám.

Chướng ngại, hay phiền não, gồm hai loại: chướng ngại quan niệm sai lầm, hay tà kiến và chướng ngại nội tại.

Những chướng ngại tà kiến có tính cách triết lý như ngã chấp, tin là có cái “ta” vĩnh cửu; hiểu lầm hoặc không đồng ý với Tứ Diệu Đế. Người bình thường có thể không có khả năng triết lý để có những ý kiến sai lầm đó, nhưng do không biết tính chất thật của căn bản thức Alaya, một cách vô thức người đó hành động như có cái ta”ta” thật, và đó là loại chướng ngại nội tại.

Hai loại chướng ngại này có thể được hủy diệt ngay khi vị Bồ tát nhập định : “dũng mãnh”. Định này cũng có thể được gọi là định quyền lực, vì không có gì có thể kháng cự được nó. Trong định này tâm phân biệt được khắc phục và bình đẳng tánh trí xuất hiện. Chúng ta không còn kiến chấp mình với người nữa. Tâm phân biệt này đã gây ra các cảm xúc đầy phiền não, và do đó tạo nghiệp xấu, động lực của luân hồi. Sự bám giữ vào cái ta tạo ra tính nhị nguyên, như ý niệm về những thái cực tốt và xấu, luân hồi và giải thoát,v.v… Bằng việc nhập định dũng mãnh, phần phiền não của ý thức được chuyển hóa, tính nhị nguyên phân biệt được giải trừ và thay vào đó là bình đẳng tánh trí.

Sự thật, bình đẳng tánh trí đã được định tới một mức nào đó trong bảy cấp Bồ tát đầu tiên, nhưng chỉ ở địa thứ tám khi vị Bồ tát nhập định dũng mãnh thì bình đẳng tánh trí mới hoàn hảo.

3.- Diu quan sát trí

Khi tâm trí còn mê muội, ý thức vẫn còn (thức thứ sáu trong tám thức) bị ô nhiễm bởi vô minh, tạo ra những tà kiến và tri thức nhị nguyên về những đối tượng của lục thức. Đó là điều kiện phát sinh tạp niệm. Do vô minh, ý thức có tính chất hẹp và giới hạn. Bằng pháp thiền định “ảo thuật”, vị Bồ tát nhận ra rằng mọi vật không khác gì những ảo tưởng do một nhà ảo thuật tạo ra, không có gì là có thật để bám giữ. Khi đó ý thức mới thoát khỏi mọi chướng ngại, các pháp có thể được quan sát cùng một lúc mà những tính chất riêng của chúng vẫn được ghi nhận.

Giáo lý của Đức Phật thường nói tới mộng huyễn, ảo ảnh và trò ảo thuật để chỉ tính chất giả ảo của kinh nghiệm thế gian của con người. Lúc đầu, chúng ta chỉ hiểu ý tưởng này bằng lý luận và những tiến trình tư tưởng khác, nhưng Bồ tát ở bát địa và cửu địa hiểu sâu xa hơn về tính giả ảo này bằng khả năng nhập định ảo thuật. Sự trực nhận này làm cho vị Bồ tát thoát khỏi sự gò bó của thức thứ sáu.

Một thí dụ về sự chật hẹp của ý thức còn vô minh : khi chúng ta đưa cánh tay lên, tay của chúng ta sẽ không đụng trần nhà; hành động của chúng ta bị giới hạn bởi ý tưởng cánh tay của mình ngắn mà trần nhà thì quá cao.

Do ý chí dũng mãnh, thoát khỏi những ý tưởng hạn hẹp như vậy, Milarepa có thể đi xuyên qua tường nhà. Bức tường là một ảo ảnh và do hiểu trọn vẹn điều này, bức tường không còn là một chướng ngại vật trên lối đi của ngài.

Diệu quan sát trí, một trong các tri thức nguyên thủy, tuy xuất hiện ở địa thứ tám nhưng liên quan nhiều hơn tới địa thứ chín. Cũng như các loại tri thức nguyên thủy khác, chỉ khi nào kim cương định làm cho căn bản thức biến thành Đại viên kính trí thì Diệu quan sát trí mới hoạt động trọn vẹn. Diệu quan sát trí nhận biết cùng lúc mọi vật với tính chất riêng của chúng, một cách rõ ràng, phân minh, không lẫn lộn với những vật khác.

Bình đẳng tánh trí và Diệu quan sát trí là tính chất của Báo thân của chư Phật. Báo thân của chư Phật hiển lộ trên các cõi tịnh, cõi tái sinh của các Bồ tát có tâm thanh tịnh. Những vị Bồ tát này trong sạch hơn người phàm tục, cũng như con người trong sạch hơn con chó. Sự thanh tịnh này làm cho các Bồ tát thọ hưởng lợi ích từ hoạt động của các Báo thân Phật, mà người thường không thể có được.

Một khi vị Bồ tát đã dẹp bỏ được sự rối loạn bởi phiền não bằng thiền định dũng mãnh, Bình đẳng tánh trí sẽ xuất hiện. Trí này cung cấp môi trường không rối loạn để Diệu quan sát trí hoạt động, và từ đó phát sinh các cõi tịnh để những người đã tạo nghiệp tốt có thể tái sinh ở các cõi này. Ở đó họ sẽ được nghe giáo lý Đại thừa và do đó đẩy nhanh việc tiến tới giác ngộ của mình.

So với địa ngục và cõi súc sanh thì thế giới loài người ít khổ hơn. Là con người chúng ta có thể biết những lời Phật dạy và thực hành để đạt giác ngộ. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta đã tạo nhiều thiện nghiệp trong quá khứ nên bây giờ nhận được những quả tốt này. Do vô minh, phần lớn kiếp sống của chúng ta được dùng để làm những việc xấu và hậu quả là tái sinh trong những cõi thấp, nếu không có hoạt động từ bi của chư Phật và chư Bồ tát tạo điều kiện tốt cho sự tiến hóa tâm linh của chúng sinh.

Nhờ có sự chuyển hoá tâm phiền não và phàm trí thành Bình đẳng tánh trí và Diệu quan sát trí, các ngài có quyền năng tạo ra các cõi thanh tịnh, như cõi Cực lạc của Phật A Di Đà, nơi vãng sanh của những người đã tạo phước đức. Những cõi này vẫn thuộc về vũ trụ ảo giác của thực tế tương đối, nhưng cao siêu hơn sáu cõi luân hồi bất tịnh.

4.- Thành stác trí

Trong giai đoạn kiến đạo ngay khi trí huệ phát sinh thì Tiền ngũ thức nhãn, nhĩ. tỷ, thiệt, thân bắt đầu chuyển hóa, và sau khi hành giả đắc kim cương định, khả năng của các thức này sẽ phát triển trọn vẹn và trở thành Thành sở tác trí.

Với trí thức nguyên thủy này, một vị Phật đã giác ngộ viên mãn có thể tự ý tạo lập các thế giới vật chất về năm đại : địa, thủy, hỏa, phong, không và xuất hiện trên thế gian như một vị Phật lịch sự (như Phật Thích Ca), dạy chúng sinh đạo giác ngộ. Đây là một hoạt động của hoá thân Phật. Nhưng trước khi đó, vị Bồ tát cũng có thể dùng Thành sở tác trí trong việc tạo những điều kiện thuận lợi cho chúng sinh bất tịnh tạo thiện nghiệp để có thể tích lũy những khuynh hướng tốt do đó sẽ được tái sinh vào một thế giới trong thời gian Hóa thân đó xuất hiện.

Chư Phật và Bồ tát đã thuần thục nhiều pháp thiền quán sâu xa, trong đó có Bi quán. Định lực của pháp này có thể tự nhiên làm phát sinh tâm từ bi nơi một con chim hay một con côn trùng tình cờ có ở gần đó, gieo một hạt giống tốt sẽ chín thành quả tái sinh trong cõi cao hơn cho sinh vật đó, để nó có thể tạo nghiệp tốt và tiến tới giác ngộ. Trong một con vật, từ bi là phẩm tính tự nhiên của tâm nó. nhưng nó cần ảnh hưởng bên ngoài phát sinh từ định lực của một vị Phật để kích thích nó và gieo một hạt giống tốt. Bằng những cách như vậy chư Phật, Bồ tát dùng Thành sở tác trí  của ngài tạo cảnh giới cho tất cả chúng sinh có thể kinh nghiệm trong giây lát khi tấm màn vô minh được vén mở và chúng có thể tiến thêm vài bước trên đường đạo.

5.- Pháp gii trí

Chư Phật có một thân nữa gọi là thân tinh túy vì thân này là yếu tính của ba thân kia và của bốn loại trí thức nguyên thủy nói trên. Trí thức của thân này là trí pháp giới, cõi bản thể năng động của các pháp, hàm ý không có sự tạo ý niệm của tất cả các thức, và được phối hợp với trí huệ. Việc chuyển hóa tâm đã hoàn tất, vị Phật giác ngộ viên mãn đắc tứ thân và ngũ trí tương ưng với các thân đó.

Tóm lại, khi không biết về tính chất thật của căn bản thức, trí phiền não nhận lầm căn bản thức là bản ngã phân biệt với những ngã khác. Ý thức ô nhiễm diễn dịch theo nhị nguyên những thông tin nhận được qua Tiền ngũ thức, làm phát sinh tiến trình tạo ý niệm, coi tất cả các vật đối tượng bên ngoài cũng như bên trong của dòng tâm thức là có thật.

Do chấp các hiện tượng là có thật, tâm tạo nghiệp lệ thuộc luật nhân quả và sinh ra các hình thức đau khổ. Vậy thế gian khổ có nguồn gốc là vô minh.

Khi nhận biết căn bản thức (Alạida) là Phật tính.

Mạt-na thức (thức thứ bảy) sẽ được chuyển hóa thành Bình đẳng tánh trí, còn ý thức (thức thứ sáu) trở thành Diệu quan sát trí và Tiền ngũ thức sẽ hoạt động một cách thanh tịnh như Thành sở tác trí. Nhờ có kim cương định, căn bản thức chuyển trọn vẹn thành Đại viên kính trí.

Bây giờ vị Phật giác ngộ đã thực hiện được Pháp thân phát xuất Báo thân và Hóa thân. Vị Phật có khả năng hành động một cách tự tại vô ngại vì lợi ích của chúng sanh trong các cõi tịnh cũng như bất tịnh, trong khi vẫn luôn luôn trụ trong Thân Tinh Túy, là tổng thể yếu tính của ba thân trên, với trí pháp giới, hay tri thức nguyên thủy của pháp giới, tức là cõi năng động, nguồn gốc của các pháp.

Hiện tại, những kinh nghiệm của chúng ta phát xuất từ sự rối loạn hay mê muội của tâm. Nhưng chúng ta có thể tự nhận ra những thành phần của tâm. Căn bản thức là tâm thức vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi chúng ta bất tỉnh hay ngủ. Sự tương tục này làm cho chúng ta nhớ mình là ai khi hồi tỉnh hay thức dậy, dù rằng trong trạng thái đó bảy thức kia tạm thời ngưng hoạt động. Chúng ta có thể quan sát dễ dàng sự vận hành của năm thức đầu, và nếu cẩn thận, chăm chú hơn một chút, chúng ta cũng có thể biết về cách hoạt động của ý thức và Mạt na thức. Tâm khoảnh khắc (thuộc ý thức, thức thứ sáu) thì khó nhận ra hơn, trừ khi chúng ta có thể làm cho tâm của mình an tĩnh.

Các loại tri thức nguyên thủy chỉ có thể được biết bằng kinh nghiệm trực tiếp. Khi tâm vẫn còn rối loạn với những hoạt động của nó thì cúng ta chỉ có thể biết lơ mơ về những tri thức này, và vì không hiểu trọn vẹn nên sự hiểu biết này càng sai lầm.

Trước khi có sự thanh lọc các tiến trình hoạt động của tâm thì tri thức của chúng ta chỉ có tính cách vụn vặt và không đúng sự thật. Qua kinh sách ghi lời của Đức Phật, chúng ta đều biết truyện ngụ ngôn nổi tiếng người mù xem voi. Mấy người mù chưa hề biết con voi là gì, họ chỉ có thể trực tiếp biết bằng kinh nghiệm riêng của mình, và những kinh nghiệm khác nhau của họ tùy thuộc vào những phần thân thể của con voi mà họ sờ vào. Người mù rờ vào chân voi nói rằng con voi lớn và thẳng như một thân cây; người nắm cái tai thì tả con voi giống như một cái quạt; người rờ vào vòi thì giải thích con voi có thân dài và uốn éo như một con đĩa khổng lồ. Họ đều không sai nhưng không hoàn toàn đúng, và vì vậy họ không đồng ý kiến với nhau. Cũng vậy, chúng ta đang ở trong cảnh người mù rờ voi đối với những sự thật của thế gian cũng như đối với sự hiểu biết của chúng
ta về các loại tri thức nguyên thủy hay trí huệ. Sự hiểu biết của chúng ta chỉ là vụn vặt, không trọn vẹn, cho đến khi chúng ta giác ngộ viên mãn.

Công việc của chúng ta là làm cho tâm an tĩnh và thân nhập tính chất thật của nó, để rốt cuộc có thể nhập vào các loại định và cùng lúc dẹp bỏ sự mê muội bằng cách tạo nghiệp tốt, trong đó việc tốt nhất là phát triển tâm từ bi, pháp đối trị mạnh nhất cho tính ngã chấp. Trong tiến trình thanh lọc này chúng ta cần phải có đức tính kiên trì để đi từng bước một qua các giai đoạn của đạo pháp tiến tới việc nhận ra Phật tánh của chính mình.

Dù có rửa bao nhiêu, than vẫn đen, nhưng chúng ta thì không như vậy; trí huệ hay tri thức nguyên thủy là thành phần căn bản nhất của thực thể chúng ta, là tấm kính chỉ cần lau chùi cho sạch bụi là sự trong sáng của nó sẽ trở lại.

Shamar Rinpoche

Nguyên tác Tây tạng: Shamar Rinpoche
Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
Việt dịch: Lục Thạch
Hiệu đính: Lê Trung Hưng

Nguồn: Phát triển trí tuệ nguyên thủy