Vị trí thành Châu Sa trong vùng hạ lưu sông Trà Khúc

Bí ẩn thành cổ Châu Sa – Tòa thành đất duy nhất còn lại của người Chăm

“Châu Sa để dưới chân chờ mãi, Trấn chỉ sau lưng phía cẩm thành” Nguyễn Cư Trinh (1716 – 1767) Châu Sa hay thành Hời là tên một thành Chăm tọa lạc tại khu vực hạ lưu, tả ngạn sông Trà Khúc, nay thuộc xã Tịnh Châu, TP. Quảng Ngãi , tỉnh Quảng Ngãi.

Tòa thành cổ nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi 7 km về phía đông bắc, cạnh tuyến quốc lộ 24B, từ Quán Cơm (giáp quốc lộ 1) đi cảng biển Sa Kỳ; phía nam giáp sông Trà Khúc, phía bắc giáp sông Hàm Giang, phía đông giáp cánh đồng Dinh, phía tây giáp núi Bàn Cờ.

Trên khắp cõi Việt Nam, đây là thành đất duy nhất mà người Chăm còn để lại những dấu tích cho phép nhận diện khá rõ vị trí, quy mô, bố cục cũng như vai trò của tòa thành trong tổng thể vùng đất phía nam châu Amaravati của vương quốc Chăm.

Vị trí thành Châu Sa trong vùng hạ lưu sông Trà Khúc
Vị trí thành Châu Sa trong vùng hạ lưu sông Trà Khúc

Thành Châu Sa có 2 lớp thành: thành nội và thành ngoại. Thành nội hình chữ nhật, đắp bằng đất, hình dạng gần vuông (580 m x 540 m), cạnh dài nằm theo hướng bắc – nam. Chiều cao tường thành hiện đo được 4 – 6 m, chân thành rộng 20 – 25 m, mặt thành rộng 5 – 8 m. Quanh thành có hào nước rộng 20 – 25 m (Lê Đình Phụng, Thành Châu Sa, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học, 1988, tr.198 – 199.) Thành nội mở 5 cửa đông, tây, nam, bắc, và tây nam. Các cửa đông, nam và tây nam đều có công trình kiến trúc bằng gạch nhô lên cao, có thể là những vọng lâu. Quan sát cửa nam, nơi được đào đắp, gia cố công phu hơn các cổng thành còn lại, trong tổng thể khu thành và địa hình chung quanh, cho phép đoán định đây là cửa chính của thành Châu Sa.

Thành ngoại, kết hợp giữa các đoạn đào đắp với địa hình tự nhiên, khéo léo tận dụng các đồi núi thấp và các sông con, rạch nước, ao đầm vốn chằng chịt trong vùng. Thành ngoại chỉ đắp ba cạnh ở các phía tây, đông và bắc, trong đó cạnh thành tây và đông đắp kiên cố, cạnh thành bắc chủ yếu dựa vào núi non. Phía nam, nhìn ra sông Trà Khúc, không có bờ thành.

Điểm đặc biệt của thành Châu Sa là khoảng giữa thành nội và thành ngoại, về mạn nam, có 2 gọng thành hình càng cua đối xứng qua trục nam bắc. Gọng thành phía tây, bắt đầu từ góc tây nam thành nội, dài gần 700 m, còn phía đông, bắt đầu từ góc đông nam, dài chừng 500 m.

Tuy đắp bằng đất, nhưng thành Châu Sa có quy mô đáng kể, án ngữ một vị trí khá trọng yếu ở vùng đất phía nam châu Amaravati. Tầm nhìn chiến lược và sự khôn khéo của những người xây dựng tòa thành thể hiện ở sự kết hợp chức năng quân sự – phòng thủ, với vai trò dân sự – kinh tế. Sự tập trung dân cư bên trong thành – như các phát hiện khảo cổ học cho thấy, và việc nối kết hào thành với sông rạch tự nhiên, hình thành mạng lưới giao thông đường thủy, mặc nhiên tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương tại chỗ cũng như trao đổi hàng hóa, sản vật với bên ngoài, thông qua sông Trà Khúc và cửa Đại Cổ Lũy.

Một đoạn hào thành (Ảnh: Lê Hồng Khánh)
Một đoạn hào thành (Ảnh: Lê Hồng Khánh)

Từ Châu Sa nhìn về phía đông nam, bên hữu ngạn sông Trà Khúc là núi Phú Thọ, thành Hòn Yàng, thành Bàn Cờ và phòng thành Cổ Lũy. Đây là những tiền đồn, án ngữ và tạo thế ỷ dốc bảo vệ Châu Sa từ phía biển. Các nhà nghiên cứu cho rằng người Chăm xây dựng thành Châu Sa nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những cuộc dấy loạn, quấy phá của các tiểu quốc, giữ yên mạn nam kinh đô Indrapura, đồng thời sẽ là nơi có thể lui quân phòng thủ trong trường hợp bị các lực lượng quân sự mạnh hơn, từ phía bắc tiến công.

Sau cuộc hành quân Nam chinh năm 1471, thu phục vùng đất từ phía nam đèo Hải Vân đến quá đèo Cù Mông, vua Lê Thánh Tông đã cho thành lập Đạo thừa tuyên Quảng Nam, thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt (vùng đất ngày nay bao gồm gần hết các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và TP. Đà Nẵng), đặt thủ phủ (lỵ sở Tam ty) tại thành Châu Sa. Lúc bấy giờ, trong 13 đạo thừa tuyên của nước Đại Việt, 12 đạo có chức Án sát đứng đầu, riêng đạo thừa tuyên Quảng Nam đặt 3 ty (Tam ty) là Đô ty, Thừa ty và Hiến ty cai quản. Cách đây không lâu, người dân địa phương đã phát hiện tại thành cổ Châu Sa một con triện bằng đồng của Tam ty thời Lê. Con triện hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Như vậy, thành Châu Sa do vương quốc Chăm xây dựng, là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa của vùng Chiêm Lũy (Cổ Lũy) thuộc phần phía nam châu Amaravati, đồng thời là một trong những trọng điểm giao thương giữa vương quốc Chăm với các quốc gia trong khu vực, từ thế kỷ 9 – 10. Sau nhiều biến động của lịch sử, từ nửa cuối thế kỷ 15, nơi đây đã thuộc về triều đình phong kiến Đại Việt và được dùng làm thủ phủ của các cơ quan cai quản đạo Thừa tuyên Quảng Nam, trong đó có phủ Tư Nghĩa, nay là vùng đất tỉnh Quảng Ngãi.

Lê Hồng Khánh

Nguồn: Bí ẩn thành cổ Châu Sa – Tòa thành đất duy nhất còn lại của người Chăm