Đức Phật Thích Ca

Nguồn gốc và truyền bá Giáo lý Đức Phật – Cuộc đời Đức Phật

Không phải ai cũng nghĩ giống nhau. Họ có những nhu cầu, ảnh hưởng, và khuynh hướng riêng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, ngay cả về tôn giáo. Như một bậc đạo sư trí tuệ, Đức Phật đã dùng nhiều phương tiện giáo huấn đa dạng đáp ứng theo nhu cầu căn cơ khác nhau của từng chúng sanh. Bây giờ, chúng ta sẽ nhìn vào sự phát triển của hai truyền thống chính của Phật Giáo, Pāli và Phạn (Sanskrit) ngữ. Trước hết, chúng ta bắt đầu với những câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Cuộc đời của Đức Phật

Trong quan điểm chung của hai truyền thống, Thái tử Sĩ Đạt Đa (Siddhārtha Gautama), thuộc dòng họ Thích Ca (Sakya), sinh ra khoảng thế kỷ thứ năm hoặc thứ sáu trước Tây Lịch (b.c.e.) và lớn lên tại nơi mà ngày nay gọi là biên giới giữa Ấn Độ (India) và Nepal. Từ lúc thơ ấu, ngài đã có thiện tâm và luôn xuất sắc trong các môn học và nghệ thuật. Thái Tử sống một cuộc đời được trong bảo bọc trong cung điện trong thời niên thiếu. Khi còn thanh niên, ngài mạo hiểm ra dạo ngoài thành cung điện. Khi vào thị trấn, ngài thấy một người bệnh, một người già, và một xác chết, khiến ngài suy nghiệm về bản chất khổ của cuộc sống. Khi nhìn thấy một vị ẩn sĩ du hành, ngài đã nhận ra được đường lối có thể giải thoát khỏi vòng luân hồi. Năm hai mươi chín tuổi, Siddhārtha Gautama rời khỏi cung điện, bỏ trang phục hoàng gia, để nhập vào lối sống hành khất.

Ngài theo học phương pháp thiền định với các đại thiền giả trong thời đó và đạt được các thiền định cao, nhưng ngài thấy rằng các thiền định cao này vẫn không dẫn đến sự giải thoát. Trong sáu năm, ngài tu khổ hạnh trong rừng, và nhận ra rằng, hành hạ thân không thể chế ngự được tâm. Sau đó, ngài đã chọn đường tu trung đạo, giữ thân lành mạnh để có nhu cầu cần thiết cho sự tu tập tâm linh.

Khi ngồi dưới gốc cây bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ ngày nay (Bodhgaya, India), ngài nguyện sẽ không đứng dậy cho đến khi nào đạt được toàn giác. Vào ngày trăng tròn của tháng Tư âm lịch, ngài đã hoàn thành tiến trình loại bỏ các kiết sử, phát triển các thiền chứng, trở thành bậc toàn giác (sammāsambuddha, samyaksaṃbuddha) vào lúc đó, ngài ba mươi lăm tuổi. Bốn mươi lăm năm tiếp theo, Đức Phật giảng dạy thông điệp giải thoát cho bất cứ những ai đến tìm giải thoát.

Đức Phật dạy tất nam, nữ không phân giai cấp, chủng tộc, và lứa tuổi. Nhiều đệ tử chọn từ bỏ cuộc đời cư sĩ vào cuộc sống tăng lữ, từ đó tăng đoàn được thành lập. Các vị đệ tử chứng pháp, trở thành các bậc giáo thọ trí tuệ, truyền bá giáo pháp khắp Ấn Độ. Trong những thế kỷ tiếp theo, Phật pháp được lan rộng về phía nam đến Tích Lan; vào phương tây nước Afghanistan ngày nay; phía đông bắc đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; Đông Nam Á, Nam Dương; phía bắc Trung Á, Tây Tạng và Mông Cổ. Trong những năm gần đây, nhiều trung tâm Phật giáo đã thành lập tại Âu Châu, Mỹ Châu, các nước cộng hòa Xô Viết cũ, Úc Châu, và Phi Châu.

Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn đối với giáo lý và cuộc đời của Đức Từ Phụ Thích Ca. Ngài thông suốt các hoạt động của tâm và dạy cho ta biết là quan điểm sẽ ảnh hưởng đến kinh nghiệm chúng ta. Quả của những kinh nghiệm khổ đau, hạnh phúc gây ra từ sự vô minh và phiền não là từ trong tâm chúng ta chứ không phải do người khác tạo ra. Tương tự, giải thoát và giác ngộ cũng là trạng thái của tâm, không phải do môi trường bên ngoài.

Đức Dalai Lama 14 và Ni Sư Thubten Chodren

Việt dịch: Ni Sư Thích Giới Hương và Tỳ Kheo Thích Đạo Tỉnh, cộng tác với ban biên tập Prajna Upadesa Foundation

Trích: Một Bậc Đạo Sư, Nhiều Truyền Thống