Lá Bồ đề

Hình tượng cây trong Nghệ thuật Phật giáo

Có nhiều loài cây trong lịch sử đã đánh dấu những mốc son quan trọng trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: lúc Đức Phật đản sinh, thời điểm Đức Phật thành đạo và khi Đức Phật nhập Niết bàn. Đặc biệt, dưới gốc cây Bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng – Bodh Gaya, Ấn Độ, Thái Tử Tất Đạt Đa đã chứng đạt quả vị Phật giác ngộ tối thượng. Khác với nhiều biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo, hình tượng cây được khắc họa không theo các quy tắc cụ thể và có thể tùy biến theo phong cách của từng vùng, nhưng tựu chung đều mang tính biểu trưng tâm linh sâu sắc và mạnh mẽ. Hình tượng cây giống như cầu nối hợp nhất bất biến giữa thế giới vật chất và tâm linh.

1. Cây hoa Vô Ưu

Hoa Vô Ưu
Hoa Vô Ưu

Theo tập tục Ấn Độ cổ, Hoàng hậu Ma Da đã cùng đoàn tùy tùng trở về nhà cha mẹ để chuẩn bị sinh con đầu lòng. Khi ngang qua vườn Lâm Tỳ Ni, Hoàng hậu dừng lại để nghỉ ngơi và đi dạo. Bà thấy có một cây hoa Vô Ưu đang nở rộ, ngào ngạt hương thơm, bèn đưa tay vịn cành hoa. Ngay sau đó, Bà trở dạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa từ bên hông phải của mình. Kể từ đó, hình ảnh hoa Vô Ưu luôn được tái hiện trên các bức họa và tác phẩm điêu khắc về cuộc đời Đức Phật. Theo đó, Hoàng hậu Ma Da được mô tả trong tư thế uốn cong người rất thanh tao và cao quý (tiếng Phạn là Tribhanga). Xung quanh bà là các nữ hầu cận bên trái và nam hầu cận bên phải. Cánh tay của Hoàng Hậu đang vươn lên và nắm lấy một trong những chiếc lá hình tròn trên cành cây và từ bên phải xuất hiện hình tướng thu nhỏ với 32 tướng tốt và 80 vẻ tùy hình,  đó chính là Đức Phật Thích Ca.

Đức Phật đản sinh
Đức Phật đản sinh
“Vô Ưu” có nghĩa là không muộn phiền. Những đóa hoa Vô Ưu chỉ nở khi chúng ta sáng suốt hiểu biết tường tận sự vật, hiện tượng đúng như bản chất của nó tức là thấy rõ được vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn. Đóa hoa Vô Ưu nở rộ cũng có nghĩa là sự phát sáng của trí tuệ, trí tuệ đạt được do sự hiểu biết và trưởng dưỡng các phẩm chất của tâm giác ngộ hay trí tuệ do tu tập mà thành. Đó là phẩm chất: từ, bi, hỷ, xả, của sự thông hiểu về quy luật nhân quả, niềm khát khao giải thoát sinh tử, trở về với Bản tâm thanh tịnh, tinh tấn thực hành Bồ tát đạo.

2. Cây B đ

Hoàng tử Tất Đạt Đa lớn lên trong hoàng cung với cuộc sống giàu sang nhưng Ngài luôn đau đáu phải tìm con đường giải thoát nỗi khổ của kiếp nhân sinh. Thái Tử sớm giác ngộ về tính giả tạm của hạnh phúc thế gian và có ý chí xuất gia cầu đạo giải thoát, tìm con đường cứu vớt chúng sinh. Ngài lặng lẽ từ biệt vợ con, rời bỏ cung điện xa hoa để khám phá sự thật về cuộc sống và khổ đau vào một đêm tĩnh lặng. Lúc đó Ngài tròn 30 tuổi. Sáu năm tu hành khổ hạnh trôi qua, Ngài vẫn không thể đạt được giác ngộ, cho đến khi Ngài ngồi dưới gốc cây Bồ đề thiền định  suốt 49 ngày đêm và thành tựu  Phật quả tối thượng. Do vậy, cây bồ đề trở thành loài cây nêu biểu cho trí tuệ giác ngộ hay bồ đề tâm.

Lá Bồ đề
Lá Bồ đề
Về bản chất, Bồ đề tâm là sự hợp nhất của tâm từ bi và trí tuệ hiểu biết. Trưởng dưỡng tâm từ bi chính là phát triển trí tuệ hiểu biết chân chính, là trưởng dưỡng trái tim rộng mở, cho phép bạn hòa nhập, yêu thương và cảm thông với tất cả mọi người, mọi chúng sinh. Khoảnh khắc Đức Phật chứng ngộ chân lý cứu kính vô thượng dưới cội cây Bồ đề được mô tả trong rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc, và các bản kinh chép tay, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á. Một tác phẩm điêu khắc tại Thái Lan theo phong cách mỹ thuật Phật giáo thời kỳ Mon-Dvaravati (phát triển từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 9) khắc họa Đức Phật an tọa tĩnh tại trong tư thế kiết già dưới tán cây bồ đề.
Đức Phật thành đạo
Đức Phật thành đạo

3. Cây Sa la

Khoảnh khắc cuối cùng trước khi Đức Phật nhập Niết bàn được khắc họa dưới tàng cây Sa la ở Kushinagar – Bihar ngày nay. Kinh Đại bát Niết bàn miêu tả lúc Đức Phật nhập diệt như sau:

“Lúc đó, đúng giữa đêm, Đức Như Lai nằm trên giường thất bảo trong rừng Sa la nhập tứ thiền yên lặng mà Niết bàn. Liền đó, bốn cặp cây Sa la: Cặp hướng đông, cặp hướng tây, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàng, cặp hướng nam, cặp hướng bắc, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàng, che giường thất bảo trùm lên thân Như Lai. Những cây Sa la đó, tất cả lá biến thành sắc trắng như bạch hạc, nhánh lá, hoa trái và thân cây thảy đều rụng rớt nứt nẻ, dần dần khô héo gãy rớt.”

Đức Phật nhập Niết bàn
Đức Phật nhập Niết bàn

Sa la là loài cây đã phủ hoa xuống trắng rừng để cúng dường kim thân Đức Phật lần cuối cùng, kính tiếc giã biệt một bậc Thầy của trời và người. Những cánh hoa trắng bay khắp rừng như cùng nói nghĩa của các pháp vô thường, khổ, không.

Trước đó, Đức Phật yêu cầu thị giả thân cận nhất của mình là Đức Ananda đặt Ngài nằm hướng đầu về phương Bắc giữa hai cây Sa la. Tại đó, Đức Phật nằm trên giường thất bảo, các đệ tử trung thành của Ngài quỳ xung quanh. Câu nói cuối cùng của Đức Phật là: “Hỡi các đệ tử, Ta khích lệ các người, mọi pháp hữu vi đều biến hoại. Hãy tận lực chuyên cần”. Thế rồi Đức Thế Tôn im lặng. Ngài lặng lẽ nhập định, tuần tự trải qua các cấp thiền từ thấp tới cao, rồi cuối cùng chủ động nhập Niết bàn.

Cây Sa la
Cây Sa la

Đức Phật đã chọn rừng cây Sa la để nhập diệt, bởi đó là nơi mà bảy lần trong tiền kiếp Người đã nhập diệt. Và trong vô tận của chân thường, chân lạc, chân ngã và chân tịnh, vẫn còn đó sắc trắng của những đóa Sa la tán xuống…, Người cũng như hoa vẫn thường tại thế!

Khi tìm hiểu vai trò đặc biệt của hình tượng cây trong kinh điển Phật giáo, không mấy ngạc nhiên khi thấy rằng các loài cây gắn liền với lịch sử cuộc đời  Đức Phật Thích Ca và sự giác ngộ của Ngài. Biểu tượng cây Bồ đề và cây Sa la chính là sự hợp nhất giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối, giữa quy luật vô thường của thân tứ đại và sự giác ngộ tối thượng nơi Ngài. Đức Phật đản sinh trong hình tướng loài người với thân vật chất không thường hằng, bất hoại và Ngài đã đạt tới chứng ngộ tâm linh cao nhất – Khi Đức Phật  thị hiện Niết bàn, Ngài rũ bỏ thân tứ đại và hoàn toàn  giải thoát thể nhập vào Pháp thân bất biến.

4. Cây Quy y Phúc điền Truyền thừa Thượng sư trong Thangka Phật giáo

Trong Kim Cương thừa, cây Quy y Phúc điền Truyền thừa Thượng sư là đối tượng để hành giả hướng tới đỉnh lễ, cúng dàng, thỉnh cầu, tích lũy phúc đức, trí tuệ, tư lương. Khi đỉnh lễ và quán tưởng hình ảnh cây Quy y với tâm chí thành tha thiết, hành giả đang gieo trồng và nuôi dưỡng những hạt giống của trí tuệ và tình yêu thương lên thửa ruộng công đức mà Chư Phật và các bậc giác ngộ đã tạo sẵn cho mình. Cũng vì vậy mà cây Bồ đề Quy y còn được gọi là cây Phúc điền Quy y.

Các bức tranh vẽ cây Quy y Phúc điền Truyền thừa Thượng sư khắc họa cõi Tịnh Độ với mặt đất vàng ròng, rộng rãi bằng phẳng, cây cối xanh tươi vi diệu trang hoàng ngọc báu. Ở giữa hồ nước tám công đức của cõi Tịnh Độ mọc lên cây Như Ý, cành lá thứ lớp trang nghiêm, trăm hoa đua nở, quả thơm đầy khắp. Cây có một thân thẳng đứng trông giống như một chiếc ô chia thành năm nhánh, bốn nhánh tỏa ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, nhánh chính giữa ở trung phương hướng thẳng lên trên. Toàn bộ sáu đối tượng của Quy y, bao gồm: Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng) và Tam Căn bản (Hải hội chư Phật Bản tôn – Không Hành mẫu – Thượng sư Truyền thừa) được thể hiện trong hình tượng cây Quy y này. Đây chính là một Mandala hoàn hảo, là tinh túy của toàn bộ Truyền thừa được cô đọng bằng hình ảnh, là hiện thân của Tam Bảo và Tam Căn bản với bậc Kim Cương Thượng sư trong Pháp tướng Đức Phật Kim Cương Tổng Trì ở vị trí trung tâm.

Cây Quy y Phúc điền Truyền thừa Thượng sư
Cây Quy y Phúc điền Truyền thừa Thượng sư

Khi hành giả Kim Cương thừa thực hành thiền định quán tưởng về cây Quy y Phúc điền Truyền thừa Thượng sư, lễ lạy sám hối và trì tụng bài kệ Tứ Quy y, họ có thể chuyển hóa và phát triển cả ba khía cạnh thân, khẩu, ý giác ngộ trong chính mình. Thân hành giả đỉnh lễ cây Phúc điền, khẩu tán tụng các lời kệ Quy y, ý phát tâm Bồ đề. Niềm tin chí thành tha thiết phát nguyện Quy y sẽ giúp hành giả thoát khỏi luân hồi khổ não, đạt được giải thoát giác ngộ tối thượng.

Ngun: Drukpa Vit Nam

Trích: Hình tượng cây trong Nghệ thuật Phật giáo