ca tru 4

Gìn giữ di sản Ca Trù trên quê hương Đất Tổ

Mảnh đất cội nguồn của dân tộc luôn tự hào bởi đang lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có di sản Ca Trù. Trải qua năm tháng với những biến cố thăng trầm, Ca Trù vẫn luôn được người dân Đất Tổ gìn giữ với mong muốn di sản “hồi sinh.”

ca tru

Ca Trù (hay còn gọi là hát ả đào, hát cô đầu…) là loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX trở về trước; gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng và triết lý sống của người Việt. Ca Trù có 3 lối hát chính là hát cửa đình, hát chơi và hát thi. Tham gia biểu diễn Ca trù thường có ít nhất 3 người là đào nương hay ca nương (người hát theo lối nói và gõ phách lấy nhịp), kép (nhạc công đệm đàn đáy cho người hát) và quan viên (người điểm trống chầu). Năm 2009, Ca Trù được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Tại Phú Thọ, Ca Trù tồn tại song hành với hát Xoan, hát Ghẹo và phát triển mạnh vào thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Hiện Phú Thọ là 1 trong 17 tỉnh, thành phố nằm trong vùng lan tỏa của di sản này. Để bảo tồn và phát huy giá trị của Ca Trù sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, Phú Thọ đã thực hiện việc hỗ trợ cho nghệ nhân cao tuổi; tăng cường tổ chức các lớp truyền nghề; đồng thời có cơ chế quản lý, tổ chức và kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ Ca Trù trên địa bàn tỉnh.

Qua công tác kiểm kê di sản của ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch từ năm 2017 trở về trước, Ca Trù được nắm giữ, thực hành tương đối đều đặn ở thôn Trinh Nữ, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh (nay là xã Bình Phú, huyện Phù Ninh) và một số nhóm hát Ca Trù, Câu lạc bộ hát Dân ca trong tỉnh như: Câu lạc bộ Dân ca thành phố Việt Trì, Câu lạc bộ Lạc Hồng…

Gặp gỡ và trò chuyện với đào nương Nguyễn Thị Hạnh – một trong những truyền nhân của cố nghệ nhân Ca Trù Phạm Thị Bang ở xã Bình Phú, huyện Phù Ninh (người duy nhất của tỉnh Phú Thọ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian thể loại Ca Trù), chị cho biết: Ca Trù là loại hình nghệ thuật có lời lẽ, ca từ uyên bác giống như âm nhạc thính phòng của phương Tây; ít lời mà nhiều nghĩa, giàu chất thơ, giàu cảm xúc, trầm ngâm, sâu lắng. Kỹ thuật hát công phu, đòi hỏi đào nương phải nắn nót, chau chuốt từng chữ. Khi hát, đào nương không cần há to miệng, không đẩy mạnh hơi từ buồng phổi mà ém hơi trong cổ, ậm ự mà lời ca vẫn rõ ràng, tròn vành rõ chữ.

ca tru 2

“Do sự thay đổi của đời sống xã hội, sự phát triển của các loại hình văn hóa giải trí hiện đại và vì “kén” người nghe nên một vài năm gần đây, Ca Trù ở Phú Thọ hay ở nhiều địa phương khác không còn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán thính giả. Hoạt động của các nhóm hát, câu lạc bộ Ca Trù cũng không thường xuyên như trước. Song bởi tình yêu với di sản, một số đào nương, kép đàn Ca Trù của tỉnh vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động trình diễn, thực hành di sản tại một số sự kiện văn hóa ở trong và ngoài tỉnh” – chị Hạnh chia sẻ.

Năm nay đã gần 70 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm, bà Nguyễn Thị Vọng (ở xã Bình Phú, huyện Phù Ninh) – cũng là một trong những học trò của cố nghệ nhân Ca Trù Phạm Thị Bang vẫn dành một tình yêu son sắt với Ca Trù và luôn đau đáu một nỗi niềm gìn giữ di sản. Bà Vọng tâm sự: Những người biết hát Ca Trù ở địa phương chúng tôi nay không còn nhiều, có người mất do tuổi cao sức yếu, có người đi làm ăn xa, bươn chải đủ nghề để kiếm sống… Nhưng dù đi đâu hay làm gì, chúng tôi vẫn có một mong muốn thiết tha là làm sao để Ca Trù “hồi sinh” và giành lại chỗ đứng trong lòng khán giả.

ca tru 3

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lịch – Trùm phường Xoan An Thái (xã Phương Lâu), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca thành phố Việt Trì chia sẻ: Ca Trù vốn là một loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống với những kỹ năng phức tạp, đòi hỏi người học phải thực sự khổ luyện mới có thể thành thục trong nghề nên không nhiều người có thể theo học được. Số nghệ nhân có khả năng truyền dạy Ca Trù hiện đang có nguy cơ mai một, số thành viên biết hát Ca Trù trong các câu lạc bộ, nhóm hát cũng không còn nhiều. Bởi thế, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp có cơ chế chính sách để phát triển đội ngũ kế cận nhằm tiếp tục thực hành, truyền dạy và bảo tồn di sản Ca Trù trên quê hương đất Tổ.

Mặc dù thời gian qua tỉnh Phú Thọ đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ di sản Ca Trù, song di sản này đang phải đối mặt với những thách thức lớn của đời sống đương đại. Do vậy, trong thời gian tới rất cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là trong công tác tham mưu với tỉnh để xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản Ca Trù.

Trong đó cần quan tâm đầu tư nguồn lực để duy trì có hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ và nhóm hát Ca Trù; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân về di sản Ca Trù và trách nhiệm bảo tồn di sản; đồng thời khuyến khích những ca nương, kép đàn trẻ học hỏi và tham gia truyền dạy Ca Trù cho các thế hệ sau. Từ đó nhân tình yêu và thắp sáng ngọn lửa đam mê nghệ thuật Ca Trù trong trái tim của mọi người, để Ca Trù cùng với Hát Xoan, Hát Ghẹo sống mãi với thời gian.

Thanh Hòa

Nguồn: Gìn giữ di sản Ca Trù trên quê hương Đất Tổ