Hình tượng Chằn (Yeak) trong văn hóa Khmer được điêu khắc, chạm trổ tinh xảo và được đặt ở cửa chính diện.

Nét tinh hoa trong điêu khắc của những ngôi chùa Khmer Nam Bộ

Cũng như nghệ thuật điêu khắc ở các ngôi chùa, đình làng người Việt, nghệ thuật điêu khắc được các nghệ nhân Khmer đặc biệt quan tâm trong kiến trúc, xây dựng chùa Khmer ở Nam Bộ.

Bên cạnh các công trình kiến trúc Phật giáo Bắc tông mang đậm chất cổ kính và trầm mặc, thì những ngôi chùa Nam tông Khmer lại khoác lên mình một vẻ nguy nga, diễm lệ rất riêng, với những “cái đẹp” tô điểm thêm vào nét trang nghiêm, thanh tịnh, như chính tinh thần Phật giáo chứa đựng ở mỗi chi tiết bên trong.

Phía tường bên ngoài của ngôi chính điện được trang trí bởi những bức phù điêu với những nét khắc họa tinh xảo
Phía tường bên ngoài của ngôi chính điện được trang trí bởi những bức phù điêu với những nét khắc họa tinh xảo.

Trải dài theo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Trà Vinh, cho đến Tiền Giang, Bến Tre, nơi tập trung cộng đồng người Khmer sinh sống đông nhất, không khó bắt gặp được sự lộng lẫy của những ngôi chùa Phật giáo Nam tông, nổi bật giữa các hàng cây cổ thụ và nhiều ngôi nhà nhỏ chung quanh.

Nét tinh hoa trong điêu khắc 

Ở đồng bằng sông Cửu Long, những ngôi chùa Khmer, nghệ thuật điêu khắc là một bộ phận gắn liền với kiến trúc công trình, không chỉ làm tăng giá trị thẩm mỹ mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh theo quan niệm Phật giáo Tiểu thừa của người Khmer Nam Bộ.

Trong tổng thể kiến trúc xây dựng ở những ngôi chùa Khmer Nam Bộ, nghệ thuật điêu khắc được thể hiện rất công phu và phong phú về đề tài cũng như chất liệu thể hiện với nhiều hình dáng, hoa văn trang trí độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Khmer Nam Bộ truyền thống.

Những nghệ nhân Khmer đã vận dụng tất cả mọi phương tiện, chất liệu, như: Gỗ, đá, kim loại, xi măng… để điêu khắc trang trí cho ngôi chùa làm sao đẹp nhất, lộng lẫy nhất và trở thành biểu tượng của nghệ thuật truyền thống. Theo đó, chất liệu gỗ thường được dùng để điêu khắc tượng Phật, để chạm, khắc những phù điêu, hoa văn khung cửa, cánh cửa,… Về hoa văn có nhiều hình thức phối hợp lẫn nhau như hoa văn khắc chìm, khắc nổi bằng gỗ hay bằng đá, có loại được đổ khuôn đúc bằng xi măng, có loại đắp trực tiếp, cẩn, trám bằng nhiều chất liệu khác nhau.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, những ngôi chùa Khmer, nghệ thuật điêu khắc là một bộ phận gắn liền với kiến trúc công trình, không chỉ làm tăng giá trị thẩm mỹ mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh theo quan niệm Phật giáo Tiểu thừa của người Khmer Nam Bộ. Hình ảnh: Chùa Vàm Ray, Trà Vinh.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, những ngôi chùa Khmer, nghệ thuật điêu khắc là một bộ phận gắn liền với kiến trúc công trình, không chỉ làm tăng giá trị thẩm mỹ mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh theo quan niệm Phật giáo Tiểu thừa của người Khmer Nam Bộ. Hình ảnh: Chùa Vàm Ray, Trà Vinh.

Những nghệ nhân điêu khắc Khmer cho biết, cái làm nên sự khác biệt và tính độc đáo của nghệ thuật điêu khắc Khmer so với nghệ thuật điêu khắc của người Việt, người Hoa trong cùng khu vực cư trú là ở họa tiết, hoa văn trang trí và phong cách thể hiện mang đậm nét văn hóa Khmer truyền thông với những khung trang trí đủ hình đủ vẻ như: Vuông, bầu dục, tròn… thể hiện hình ảnh về các thiên thần, vũ nữ, rồng, rắn thần, chim thần, như các Tê-va-đa, Apsara, rắn Naga, Ha-nu-man, Pres Ram, thần Vi-sa-nus.

Ngoài hình ảnh về các nhân vật trong Phật tích, thần thoại, huyền thoại, các nghệ nhân điêu khắc cũng quan tâm đến cảnh vật xung quanh như cỏ cây hoa lá để thể hiện trong trang trí như: Hoa sen, hoa văn lửa, dây leo, hoa cúc, cây trúc, cây bồ đề… Trong đó hình ảnh hoa sen là một trong những mô típ được nhấn mạnh trong tất cả các ngôi chùa Khmer với những kiểu dáng cách điệu khác nhau, từ sen búp, sen nở hoa, đến sen dùng làm bệ tượng Phật. Bởi cũng như người Việt, người Khmer quan niệm hoa sen là biểu tượng cao quý của Phật giáo. Chính vì thế rất nhiều hình tượng hoa sen gắn với Đức Phật với những tư thế đứng, ngồi, nằm trên đài sen được các nghệ nhân điêu khắc Khmer công phu thể hiện.

Hình tượng Chằn (Yeak) trong văn hóa Khmer được điêu khắc, chạm trổ tinh xảo và được đặt ở cửa chính diện.
Hình tượng Chằn (Yeak) trong văn hóa Khmer được điêu khắc, chạm trổ tinh xảo và được đặt ở cửa chính diện chùa. Hình ảnh: Chùa Vàm Ray, Trà Vinh.

Các nghệ nhân điêu khắc cho biết, làm nghề điêu khắc trước tiên đòi hỏi phải có năng khiếu và được đào tạo qua trường lớp một cách bài bản, nhuần nhuyễn. Phải có con mắt tinh tường, am hiểu sâu sắc, rành rọt về ý nghĩa, nguồn gốc xuất xứ của các loại hoa văn. Đặc biệt với tượng Phật vừa phải khắc cho thật đẹp, vừa phải khắc đúng theo hướng của “tam tạng kinh” chứ không chỉ khắc giống là được.

Tinh thần Phật giáo của người con Khmer

Trong kho tàng di sản kiến trúc ở đồng bằng sông Cửu Long, ngôi chùa Khmer có một vị trí hết sức quan trọng bởi ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật và xã hội của nó trong đời sống tinh thần của người dân. Đối với đồng bào Khmer, chùa không chỉ đơn thuần là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là niềm tự hào, là công trình kiến trúc duy nhất cất giữ, trưng bày các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật của các nghệ nhân dân gian Khmer và là nơi lưu giữ, truyền bá những tinh túy trong đời sống văn hóa – xã hội của cộng đồng.

Nếu với người Kinh, có nhiều cách để thể hiện những mẫu kiến trúc bắt mắt, như các tòa nhà dân cư, cao ốc chọc trời… thì với người Khmer, ngôi chùa là công trình kiến trúc duy nhất mà các nghệ nhân dân gian Khmer trưng bày, cũng như lưu giữ các tác phẩm điêu khắc và sự sáng tạo mỹ thuật của mình. Thật vậy, ở những phum sóc, người Khmer bằng lòng với cuộc sống bình dị trong những nếp nhà tranh đơn sơ, để lấy những gì giá trị nhất của mình hướng về ngôi chùa. Chùa vì vậy cũng là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động chính của người Khmer, như một trung tâm sinh hoạt tôn giáo và cộng đồng, nơi dạy học, lưu giữ các thư tịch cổ, các tác phẩm lịch sử – văn hóa – mỹ thuật của người Khmer xa xưa.

 

 

Những ngôi chùa Nam tông Khmer với cái đẹp từ kiến trúc đến tư tưởng như vậy, xứng đáng là một trong những nét văn hóa tiêu biểu, góp phần tô điểm cho văn hóa Phật giáo Việt Nam thêm nhiều gam màu tích cực và đầy ý nghĩa
Những ngôi chùa Nam tông Khmer với cái đẹp từ kiến trúc đến tư tưởng như vậy, xứng đáng là một trong những nét văn hóa tiêu biểu, góp phần tô điểm cho văn hóa Phật giáo Việt Nam thêm nhiều gam màu tích cực và đầy ý nghĩa. Hình ảnh: Chùa Tà Pạ, An Giang.
Hình ảnh: Chùa Rạch Giồng, Cà Mau
Hình ảnh: Chùa Rạch Giồng, Cà Mau

Điều đặc biệt hơn cả là mỗi người con trai Khmer từ nhỏ đã được vào chùa, cho đi tu để có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt, tích thiện và cao hơn là đạt giải thoát, Niết-bàn. Theo họ quan niệm, thanh niên tu học đến bậc Sa-di là để đền ơn cha, đến bậc Tỳ-khưu là để đền ơn mẹ. Hơn thế nữa, việc xuất gia còn là cơ hội để được học hành nhiều hơn khi tiếp nhận cả chữ Khmer và chữ Việt, từ đó nâng cao thêm trình độ, có chùa còn tạo điều kiện cho các nhà sư trẻ học bổ túc văn hóa, ngoại ngữ, tin học, hội họa,…

Qua đó có thể thấy, ngôi chùa Nam tông Khmer với cái đẹp từ kiến trúc đến tư tưởng như vậy, xứng đáng là một trong những nét văn hóa tiêu biểu, góp phần tô điểm cho văn hóa Phật giáo Việt Nam thêm nhiều gam màu tích cực và đầy ý nghĩa. Bởi lẽ đó, chúng ta càng cần phải nâng cao ý thức gìn giữ, để không chỉ bảo tồn mà còn phát huy được các giá trị văn hóa – lịch sử của nó.