chuaadida_full_truyen-tich-thien-su-hoa-than-dau-thai-thanh-vua

Thiền sư Từ Đạo Hạnh qua tài liệu Mộc Bản Triều Nguyễn

Trong lịch sử Phật giáo của Việt Nam và thế giới, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, để nối tiếp nguồn Chánh Pháp thiêng liêng tại cõi ta bà ác trượt này, đã có không ít các vị Bồ Tát, Thánh Tăng, hay Thiền sư thị hiện vào cõi Người để giáo độ và nhiếp hóa chúng sinh.

Cách mà các vị chọn xuất thân và công cuộc hoằng hóa rất khác nhau, khi nghiên cứu lại lịch sử thì hành trạng của các vị ấy mỗi người một vẻ, có lẽ là vì do trí tuệ của các Ngài mà các Ngài chọn cách để giáo hóa chúng sinh. Gần đây nhất, tại chính đất nước của chúng ta đã chứng kiến một sự kiện chấn động Thế giới và chuyên môn của Khoa học, đó là sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu – để lại xá lợi Tim kim cang bất khả xâm phạm, minh chứng sống cho công phu tu tập, lòng yêu nước bất diệt và tình yêu thương chúng sinh mênh mông của Bồ tát.

Tìm về lịch sử, đặc biệt là về các Vị danh Tăng tại Việt Nam, có một vị Thiền sư nổi tiếng thời nhà Lý đó là Ngài Từ Đạo Hạnh, mà hành trạng của Ngài lại rất nhiều điểm kì lạ, thú vị. Hơn thế, trong các tư liệu chính thống, kinh sách lại có rất ít bài viết nói về Ngài. Và khi nói về về sự tu tập và hoằng hóa của Ngài, lại càng ít sử liệu liên quan. Chúng ta đa phần chỉ nghe nhiều tục truyền về Thiền sư Từ Đạo Hạnh qua lời kể dân gian, hay các điển tích của Ngài còn lưu dấu tại các vùng kinh Bắc một thời.

Và trong những khó khăn để kết tập và sưu tập lại những chứng cứ, sử liệu về Thiền sư, tôi may mắn tìm được một tích truyện về ngài, được khắc trong Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Quyển 3, mặt khắc 16 và 17, Mộc Bản triều Nguyễn. Hiện được lưu trữ và bảo quản tại Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia IV – Cục Văn Thư và Lưu trữ Nhà Nước.

Câu chuyện về Ngài qua sử liệu như sau:

“Mùa hạ, nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất (Thạch Thất là tên huyện, tức là huyện Ninh Sơn ngày nay, tên núi là Phật Tích. Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng: tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác). Trước là phu nhân của Sùng Hiến Hầu là Đỗ thị đã có mang, đến đây trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Sau đó phu nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán. Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy. Hàng năm, mùa xuân, cứ đền ngày mồng 7 tháng 3, con trai, con gái hội họp ở chùa, là hội vui có tiếng một vùng. Người đời sau ngoa truyền là ngày giỗ của sư (xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng ấy lại đắp tượng lại thờ như cũ, hiện nay hãy còn).”

Cuộc đời và hành trạng giáo hóa độ sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, như là một dấu son chói lòa trong lịch sự Phật giáo của Việt Nam và thế giới.

Những điều đặc biệt trong cuộc đời của các vị, không chỉ để chúng sinh tôn kính về giới đức, gương hạnh, mà còn là những câu hỏi, câu đố thách thức giới Khoa học rằng…có những điều trên cõi Đất của chúng ta, không phụ thuộc vào nguyên tắc Hóa học hay Vật lý. Có những điều, vượt rất xa tầm hiểu biết của loài Người, khi thấy, khi học, hay nghiên cứu những điều đó, đặc biệt là trong Phật giáo, giới Khoa học nên mở lòng chấp nhận, và nghiên cứu tìm hiểu, chứ không phải những gì có trước mắt ta, ta không giải thích nổi, không chứng minh được… ta gạt nó sang một bên, quy về phạm trù tâm linh huyễn hoặc siêu hình, mà nói là Khoa học chưa chứng minh được.

Sự tự tại sống và chết của một thiền sư, một Thánh tăng hay của những người Cư sĩ tu tập tốt trong thiền định, hành trì giới luật đã thọ…là một điều hết sức bình thường. Lại nói đến Ngài Từ Đạo Hạnh, qua sử liệu của Tài liệu Mộc Bản, ta thấy được rằng, việc sinh và tử đối với các Vị ấy rất nhẹ nhàng, như sở nguyện mà chọn nơi tái sinh để tiếp tục con đường giáo hóa.

Trong suốt dòng lịch sử phát triển của nước ta, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, đất nước và con người. Có khi lui về như một vị Hộ Pháp giấu mình âm thầm gia hộ khi non sông thái bình thịnh trị, có lúc vươn lên, sốc nổi để giành lấy điều thiện, bảo vệ chơn lý, gìn giữ Đạo Pháp và gìn giữ luôn tâm hồn bao người dân Việt, để cùng nhau sống, phụng sự, hy sinh và tu tập đi về Giác Ngộ mà Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta, đã vì lợi ích của Chư thiên và loài Người mà Thị hiện, tuyên dạy Chánh Pháp để mở ra một con đường bất tử.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

*Tư liệu, thông tin ảnh: Trung Tâm Lưu Trữ QUốc Gia IV

Hai bản SCAN thuộc Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia IV – Cục Văn Thư và Lưu trữ Nhà Nước, Bộ Nội Vụ cung cấp. 

“Q3 là Quyển 3, MK là Mặt Khắc” nằm trong Mộc bản sách Đại việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 16, 17.

Khánh Quản, Trần Thị Minh