Lumbini 1

Vườn Thánh Địa Lumbini – Nepal

Khi ông mặt trời đi sang nửa trái đất bên kia, mặt trăng đã bắt đầu tung ánh sáng hòa với ánh sáng của những bóng đèn điện làm cho vườn thánh địa Lâm Tỳ Ni (Lumbini) – Nê Pan đã lung linh, lộng lẫy, bát ngát mênh mang lại càng thêm lung linh, lộng lẫy, bát ngát mênh mang hơn, ai đã vào đây cứ nghĩ như đi lạc vào cõi tiên.

Vừa đưa chúng tôi đi, thầy Thích Trung Định – Tiến sỹ phật học – Trưởng đoàn hành hương Phật tích vừa kể cho chúng tôi nghe về Vườn thánh địa Lâm Tỳ Ni (Lumbini) – Nepal

Vườn thánh địa Lâm Tỳ Ni (Lumbini) – Nepal chính là nơi sinh của Đức PhậtLâm Tỳ Ni  thuộc quận Rupandehi thuộc Cộng hòa dân chủ liên bang Nepal nằm cách biên giới Sonauli Ấn Độ khoảng 36 km.

Lâm Tỳ Ni tọa lạc dưới chân dãy Himalaya. Cách 25 km về phía đông của kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa, nơi được cho là đức Phật đã sống đến 29 tuổi. Lâm Tỳ Ni có một số ngôi chùa và đền thờ trong đó có đền thờ Hoàng hậu Mada. Ngoài ra tại đây còn có ao Puskarini hoặc Holy, nơi Hoàng hậu Mayadevi (Mada) đã làm lễ nhúng nước trước khi sinh ra Siddhartha Gautama (Tất đạt đa), người sau này trở thành Phật Thích Ca và đã khai sinh ra Phật giáo.

Theo tục lệ truyền thống thời bấy giờ; khi Hoàng hậu Mayadevi (Mada) đang trên đường trở về nhà cha mẹ để sinh con đầu lòng thì Hoàng hậu Mayadevi (Mada) đã hạ sinh ra Đức Phật tại đây. Các tấm phù điêu ở đây mô tả cảnh Hoàng hậu Mayadevi (Mada) với tay phải cầm một nhánh của cây Sala (Shorea) với một đứa trẻ sơ sinh đứng thẳng trên những cánh hoa senxung quanh đầu đổ một vầng hào quang hình bầu dục, với sự xuất hiện của các chư thiên của nhà trời đến tán thán và rải hoa cúng dường.

Thân phụ của ngài Siddhartha Gautama (Tất đạt đa) là quốc vương Catilave (Kapilavashi) thuộc họ Cồ Đàm (Gau ta ma) trong dòng họ Thích Ca (Sha kya). Theo truyền thuyết khi chuẩn bị mang thai Đức Phật hoàng hậu Mayadevi (Mada) có lần nằm mộng thấy bốn vị đại thiên vương khiêng bà cùng chiếc gường đến dãy Himalaya rồi đặt trên đỉnh núi thiêng Kailasah. Thình lình một con Voi trắng xuất hiện trên chiếc vòi là một bông sen trắng. Con Voi đi ba vòng xung quanh chiếc giường và húc nhẹ như muốn chui vào bụng. Hoàng hậu kể cho nhà vua nghe, quốc vường liền mời các tu sĩ Bà La Môn danh tiếng đến nhờ đoán mộng. Họ tâu rằng: “Hoàng hâu sẽ sinh hoàng tử. Nếu lớn lên Hoàng tử vẫn lưu lại cung điện sẽ thành minh quân cai trị đất nước thật rộng lớn và giàu đẹp. Còn nếu rời bỏ cung điện mà đi tu thì sẽ đắc đạo dẫn dắt mọi chủng sinh ra khỏi bến mê”.

Tương truyền khi được sinh ra tại đây Đức Phật đã đứng vững thăng bằng trên hai chân, mặt hướng về phía Bắc đi bảy bước, mỗi bước đi của đức Phật đều được đỡ bởi một tòa sen phía dưới, Ngài nhìn khắp cả bốn phương, một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất và nói rằng: “Ta là đấng Vô Thượng Đạo Sư của Trời Người“(Thiên thượng thiên hạduy Ngã độc tôn). Trên hư khôngnhạc trời chúc tụng, mưa hoa Mạn-đà-la cúng dường, chim trên cành ca hót líu lo, hoa trên cây vừa nở vừa rơi để đón chào đấng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ứng hiện.

Từ vườn thánh địa Lâm Tỳ Ni, tin Hoàng hậu Ma Gia vừa hạ sanh Thái tử truyền về kinh thành làm nức lòng người, cờ xí rợp trời, trống kèn vang dậy, dòng người đi về Lâm Tỳ Ni đông vui như trẩy hội. Vua Tịnh Phạn (Siddhartha Gautama) vô cùng vui mừng, đích thân nhà Vua đến Lâm Tỳ Ni rước Hoàng hậu và Thái tử về cung, rồi đức vua cho mời các thầy đạo sĩ đến coi tướng cho Hoàng tử. Tất cả đều nói rằng, Hoàng tử có đủ cả 32 tướng tốt, trên đời không ai sánh bằng. Đức vua đặt tên cho Hoàng tử là Tất Đạt Đa, cũng phong Hoàng tử làm Thái tử nối ngôi.

Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa sinh ra được bảy ngày thì Hoàng hậu Mayadevi, thân mẫu của Ngài qua đời. Ngài được vua cha trao cho bà dì Maha Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati Gotami) nuôi nấng, dạy dỗ theo lời trăng trối của Hoàng hậu.

Vì đước Vua muốn Thái tử Tất Đạt Đa nối nghiệp mình, Vua cha đã cho nhiều người danh tiếng dạy dỗ cho Ông rất kỹ lưỡng, cho Ông hưởng đầy đủ vinh hoa phú quý, nhất là không để Ông tiếp xúc với cảnh khổ của cuộc đời.

Năm lên 17 tuổi, Ông kết hôn với công chúa Da du đà la (Yaśodharā) của thị tộc Koli

Các dục lạc không thể giữ chân Ông. Mặt khác nhân duyên không thể tránh khỏi, sau bốn lần ra bốn cửa thành và thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một vị tu sĩ, ông đã phát tâm tu hành quyết định sống cảnh không nhà của một tu sĩ để trở thành: Đấng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác

Ngoài vườn thánh địa Lâm Tỳ Ni nơi đây cũng còn phần còn lại của cung điện Ca Tỳ La Vệ.

Thầy Thích Trung Định chỉ cho chúng tôi biết nơi sinh của Đức Phật, cả đoàn đi ai cũng cảm độngnếu không có hàng rào bảo vệchắc chắn ai cũng muốn hôn mãnh đất, viên gạch nơi đã dâng Đức Phật kính yêu cho chúng taĐức Phật đã vì nhân loại, vì con người mà hy sinh tất cả.

Lâm Tỳ Ni là một khu vườn xinh đẹp và đầy màu xanh nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal, đã bị bỏ quên trong nhiều thế kỳ. Năm 1895, Feuhrer, một nhà khảo cổ học nổi tiếng người Đức đã phát hiện các trụ cột lớn tại đây trong khi ông đi đến các vùng đồi thấp của dãy núi Churia. Tiến hành thăm dò và khai quật khu vực xung quanh người ta phát hiện một ngôi đền bằng gạch và đá sa thạch điêu khắc những cảnh sinh thành của Đức Phật. Vào năm 1996 một phát hiện khảo cổ quan trọng về một cột đá mà vua A Dục vào năm 249 TCN đã dùng để đánh dấu vị trí nơi sinh của Đức Phật vào 2600 năm trước.

Thánh địa Lâm Tỳ Ni ngày nay được biết đến, thiết tưởng chúng ta phải kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ đến công ơn của vua A Dục (Ashoka). Hai mươi năm sau ngày đăng quang lên ngôi hoàng đếVua A Dục đã đích thân đi chiêm bái đảnh lễ các Thánh tích và chính Vua đã sai người dựng một trụ đá để ghi dấu nơi Đức Phật đản sanh. Nhờ đó vào năm 1806, Vườn Lâm Tỳ Ni được tìm thấy do ông Furere, sau khi thâu thập đủ chứng cứ lịch sử, nhất là tìm gặp trụ đá của vua A Dục dựng, ông Furere tuyên bố: “Chỗ này là vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sanh”, rồi sau đó được chính phủ Nepal công nhận, và từ đó Lâm Tỳ Ni được biết như hiện nay.

Trụ đá do vị Vua Hộ Pháp dựng, hiện nay vẫn còn tốt đẹp và được xem như một biểu tượng linh thiênghằng ngày, hàng ngàn Phật tử vẫn thường dâng hương lễ bái và tụng niệm bên trụ đá ấy. Trên trụ đá có khắc dòng chữ: “Đây là chỗ Đức Gautama đản sanh”. Trong ký sự Tây du của mình, ngài Huyền Trang có miêu tả thêm rằng: “Đầu trụ đá có hình con ngựa rất mỹ thuật và trơn láng”, nhưng hiện nay, hình con ngựa tuyệt đẹp ấy vẫn chưa tìm thấy. Trên thân trụ đá có khắc dòng chữ Brahmi, lược dịch như sau: “Vua Pryadarsi, được các vị thiện thần kính mến và ủng hộthân hành đến đảnh lễ tại chỗ này, sau khi lên ngôi được 20 năm. Chỗ này là nơi đản sanh của đức Sakyamuni. Vua truyền lệnh cho dựng một trụ đá tại đây để đánh dấu nơi đức Thế Tôn xuất thế. Vua truyền lệnh dân làng Lumbini được miễn đóng thuế nghi lễ và chỉ chi trả một phần tám thuế lợi tức mà thôi”. Chính trụ đá này chỉ rõ cho chúng ta biết chắc chắn chỗ này là nơi Đức Phật đản sanh.

Trước khi thăm dò và khai quật nhiều năm hai vị danh tăng Trung Hoa là Pháp Hiển (337 – 422) và Huyền Trang (602 – 664) cũng đã ít nhiều đã ghi lại những dấu tích về Lâm Tỳ Ni trong các tác phẩm để đời của các Ngài sau những lần chiêm bái quê hương Đức Phật. Và cũng nhờ vào các bộ “ký sự” của hai vị sư này, vào năm 1896 (khoảng 2500 năm sau) nhà khảo cổ người Nepal đã khai quật và phát hiện “sắc dụ Asoka” (trụ đá A Dục) trên vùng đất có tên “Rummindei” sau gần mười thế kỷ Lâm Tỳ Ni hoang phếđiêu tàn và rơi vào quên lãng, kể từ ngày các thánh địa Phật giáo bị tàn phá, khủng bố dưới bàn tay những kẻ cuồng tín Hồi giáo xâm chiếm Ấn Độ vào cuối thế kỷ thứ 11 đầu thế kỷ thứ 12.

Đảnh lễ xong, chúng tôi đi quanh cột đá để tỏ lòng biết ơn. Thầy Thích Trung Định nói: “Phật tử khắp nơi trên thế giới mãi mãi biết ơn trụ đá này. Đây là trụ đá biết nói. Chính nhờ cột đá này vào năm 1896 nhân loại mới biết rằng Đức phật là nhân vật lịch sử, là người có thật, có sinh, có tử”.

Rồi thầy kể cho chúng tôi nghe thời gian Đức Phật Thích Ca Mầu Ni sống ở đây đến 29 tuổi khi Ngài quyết định sống cảnh không nhà của một tu sĩ.

Ở thánh địa Lâm Tì Ni nơi mà Đức Phật được sinh ra có những vườn cây Sala (Vô Ưu) hoa nở trắng, những cây Bồ đề cổ thụ tỏa bóng, dưới góc cây những bầy sóc quẩn quanh nhỡn nhơ. Đặc biệt ở đây còn có đền thờ hoàng hậu Mayadevi (Mada) được xây dựng khoảng thế kỷ thứ ba trước công nguyên, bên trong còn có phiến đá khắc họa sự tích Đức Phật được sinh ra. Ỏ đây còn có hồ Pushhkarni hình chữ nhật kè gạch đá rất đẹp, nơi hoàng hậu Mayadevi (Mada) đã tắm trước khi lâm bồn và cũng là nơi mà hoàng tử Tất Đạt Đa (Đức Phật vĩ đại sau này) được tắm lần đầu tiên sau khi sinh ra. Thật không ngờ nước hồ Pushhkarni sau bao nhiêu năm vẫn xanh thắm, vẫn trong veo, vẫn rất quê hương cội nguồn. Ở đây còn có một bức phù điêu kể chuyện hoàng hậu Mayadevi (Mada) sinh nở. Tay phải Bà giơ lên cao quá đầu níu một cành Sala (Vô Ưu). Bà đã sinh ra Đức Phật trong tư thế đứng như vậy – Chúng ta ai ai cũng biết đẻ đứng là tập quán của Ấn Độ cổ đại.

Chia tay Vườn thánh địa Lâm Tỳ Ni đoàn chúng tôi ai cũng bịn rịn, ai cũng xem Lâm Tỳ Ni rất thân thiết như là máu thịt của mình, hình như không ai muốn chia tay Lâm Tỳ Ni

“Người về sao được mà về

Nghĩa nhân vướng vít tứ bề ruột đau”

Ngày nay Lâm Tỳ Ni đã có hơn 20 nước được cấp đất xây chùa. Người dân địa phương gọi đây là liên hiệp quốc Phật giáo với kiến trúc các chùa đặc trưng của từng nước.

Từ năm 1997, UNESCO chính thức công nhận Lâm Tỳ Ni là di sản văn hoá thế giớitiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo Lâm Tỳ NiVì vậy chính quyền Nepal đang đầu tư vào Lâm Tỳ Ni, làm cho Lâm Tỳ Ni thay da đổi thịt hàng ngày. Phật tử đến đây lễ Phật ngày càng đông. Từ 5h30 khi trời còn tối om, tại khu đền Maya Devi đã có cả trăm Phật tử chiêm bái. Người thì nghiêm trang thờ lạy gốc cây bồ đề, người thì lầm rầm đọc kinh dưới trụ đá Ashoka. Nhiều người đến đây còn mang theo lá vàng đến dán lên bức tường dưới tượng lâm bồn, phía trên dấu chân Phật.

Lâm Tỳ Ni không chỉ đón nhận Phật tử đến chiêm bái, mà ngày càng có nhiều khách du lịch từ khắp thế giới đến tham quan và tận hưởng không gian tĩnh lặng, khung cảnh thơ mộng nguyên sơ.

Mai Trọng Giới