dan-nam-giao-gia-tri-van-hoa-dac-sac-trieu-nguyen-1049-1

Độc đáo Đàn và Lễ tế Nam Giao qua tài liệu lưu trữ

Đàn và Lễ tế Nam Giao là một nét văn hóa cung đình độc đáo và đặc sắc dưới triều Nguyễn, chứa dựng giá trị lịch sử, văn hóa cùng giá trị nhân văn độc đáo.

      Đàn Nam Giao triều Nguyễn (thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế) là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm. Đây là đàn tế duy nhất còn hiện hữu khá nguyên vẹn ở Việt Nam, cũng là đàn tế duy nhất còn tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế. Kiến trúc độc đáo của Đàn tế và nghi thức của Lễ tế Nam Giao triều Nguyễn được ghi chép trong rất nhiều tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn.

     Các triều đại quân chủ Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của hệ tư tưởng Nho giáo, nhà vua được xem là Thiên tử, tuân theo mệnh trời để trị vì dân chúng. Chính vì vậy, việc làm lễ Tế Nam Giao (tế trời đất) luôn được các triều đại phong kiến coi trọng. Dưới triều Nguyễn, lễ tế Nam Giao là nghi lễ quan trọng hàng đầu, được xếp vào hàng Đại tự, được tổ chức long trọng dịp đầu xuân.

Đàn tế Nam Giao Triều Nguyễn được xây dựng dưới triều vua Gia Long, hoàn tất năm 1807. Đàn Nam Giao triều Nguyễn là một tổ hợp các công trình kiến trúc độc đáo gồm Giao đàn, Trai cung, Thần trù và Thần khố. Trong khuôn viên hình chữ nhật 390m x 260m, khu Đàn tế được bao phủ bởi rừng thông xanh mướt, bốn mặt khuôn viên đều trổ cửa theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trong đó cửa Nam là cửa chính, trước mỗi cửa đều xây bình phong bằng đá. Đàn Nam Giao gồm 3 tầng bằng gạch xây chồng lên nhau, cấu tạo và kích thước của các tầng rất hài hòa và cân đối với các dạng thức và màu sắc khác biệt.

  Tầng trên cùng là Viên đàn, xây hình tròn (tượng trưng cho Trời) gồm 5 án thờ: chính giữa thờ Trời (Hiệu Thiên Thượng Đế) và Đất (Hoàng địa kỳ), các án còn lại thờ Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế, Thế tổ Cao Hoàng Đế, Thánh Tổ nhân Hoàng đế, Hiến Tổ chương Hoàng đế. Đàn cao 6 thước 8 tấc, chu vi 30 trượng 3 thước 5 tấc, bốn mặt có thềm: phía Nam 15 bậc, các hướng còn lại đều 9 bậc.

    Tầng giữa là Phương đàn hay còn gọi là Tùng đàn, xây hình vuông cao 2 thước 5 tấc, vuông 72 trượng, bốn mặt thềm đều 5 bậc. Tầng này có 8 án tòng tự (8 vị được dự thờ). Ở phía bên trái: Án thứ nhất thờ Mặt trời (Đại Minh), án thư nhì thờ vì sao, án thứ 3 thờ các thần Mây, thần Mưa, thần Gió và thần Sấm, án thứ tư thờ thần Thái Tuế và thần Nguyệt Tướng. Ở phía phải: án  thứ nhất thờ Mặt trăng (Dạ Minh), án nhì thờ thần Núi, thần Biển, thần Sông và thần Chằm, thần các núi Hiệu Trường, Khải Vận, Hưng Nghiệp và Thiên Thụ đều thờ ở án này; án thứ 3 thờ thần giữ lăng tẩm, mộ phần; án thứ 4  thờ các thần kỳ trong nước.

     Tầng dưới cùng xây hình vuông, cao 1 thước 9 tấc, vuông 130 trượng 7 thước, bốn mặt thềm đều 4 bậc.

     Ba tầng đàn, xung quanh đều xây lan can, tầng thứ nhất tô màu xanh, tầng thứ 2 tô màu vàng, tầng thứ 3 tô màu đỏ. Khoảng đất vuông ngoài đàn đều trồng cây thông, xung quanh xây tường đá, bốn mặt đều mở 3 cửa rộng. Phía Đông Bắc ngoài tường là Nhà kho, Nhà bếp, Kho Tế khí và Nhà Sát sinh; phía Tây Nam là Trai Cung, mở 2 cửa trước sau, xung quanh xây tường gạch, trồng nhiều cây thông.

     Từ khi Đàn tế được xây dựng xong cho đến cuối thế kỷ 19, hàng năm Triều Nguyễn đều tổ chức lễ tế Nam Giao vào mùa Xuân. Lễ tế Nam Giao lần đầu tiên được Vua Gia Long tổ chức vào ngày 27 tháng 3 năm 1807. Từ năm 1886 đến năm 1890, triều đình Huế không tổ chức lễ tế Giao. Bắt đầu từ năm 1891, cứ 3 năm Triều đình tổ chức lễ tế Nam Giao một lần. Lễ tế Giao cuối cùng của triều Nguyễn là vào ngày 23 tháng 3 năm 1945. Như vậy, đã có tất cả 98 buổi đại lễ Nam Giao được tổ chức dưới triều Nguyễn.

     Lế Tế Nam Giao được tổ chức có quy mô lớn và hết sức long trọng vào mỗi dịp đầu xuân. Sử sách còn ghi chép chi tiết về lễ Tế Giao ở các triều vua nhà Nguyễn.

 Sau Tết Nguyên Đán, Khâm Thiên Giám – cơ quan trông coi lịch pháp dưới Triều Nguyễn sẽ chọn ra một ngày tốt để dâng vua phê chuẩn. Sau đó, Triều đình sẽ tiến hành các công việc chuẩn bị cho lễ tế Nam Giao.

     Lễ Tế Giao năm Kỷ Hợi 1839 (năm Minh Mạng thứ 20) với sự tham gia của trên 4000 người (có năm lên tới 7,8 ngàn người): Trung đạo 1300 người, Tiền đạo 630 người, Hậu đạo 630 người, bày hàng ở đàn sở và Trai Cung 640 người, bày ở 2 đường tả hữu 300 người, ứng trực đàn sở 300 người, thủy sư trên các thuyền 300 người.

     Trong lễ tế Nam Giao, có thể đích thân nhà vua đứng làm chủ tế, hoặc giao cho quan Khâm mệnh Đại thần thay mặt làm chủ tế. Trong ngày tế, Vua đội mũ Cửu long, mặc áo bào vàng, đeo đai ngọc, xiêm vàng; các quan dự đều mặc triều phục; lễ tế có chuông, trống, nhã nhạc đều theo hiệu lệnh.

     Sách “Đại Nam chính biên đệ nhỉ kỷ” đã mô tả lễ tế Giao như sau: Trước một ngày, hữu ty chuẩn bị lỗ bộ đại giá. Đến giờ, vua ra cửa Hữu Túc, điện Càn Nguyên nổi chuông nổi trống. Kiệu đi đến cửa Hữu Đoan, phát 9 tiếng ống lệnh. Quan thủ thành, mặc phẩm phục quỳ đưa. Khi kiệu qua sông đến bờ Nam, chuông trống ngừng. Đến cửa Bắc của Đàn, quan bồi tế mặc phẩm phục quỳ đón. Ở Trai cung nổi chuông. Giá đến Trai cung thì chuông ngừng. Đến ngày tế, trước khi mặt trời mọc 7 khắc, Khâm Thiên giám báo giờ, ở Trai cung nổi chuông. Khi kiệu đến cửa Tây của Đàn, chuông ngừng. Vua lên Đàn làm lễ, Lễ xong về Trai cung. Các quan làm lễ khánh thành. Khi kiệu trở về, ở Trai cung nổi chuông, đến cửa Bắc của Đàn, các quan quỳ đưa. Chuông ngừng. Đến cửa Thể Nguyên, phát 9 tiếng ống lệnh, ở điện Càn Nguyên nổi chuông nổi trống. Đến cửa Tả Đoan, quan Thủ Thành quỳ đón. Đến Cửa Túc Môn, chuông trống ngừng.

    Lễ Tế Nam Giao là để hiện vai trò “Thiên tử” của nhà vua, để chính danh với thiên hạ và để gửi gắm những ước mơ, khát vọng của con người với thần linh về một thế giới thái bình, no ấm, con người sống hài hòa với tự nhiên. Đây là một nét văn hóa cung đình độc đáo và đặc sắc dưới triều Nguyễn, chứa dựng giá trị lịch sử văn hóa cùng giá trị nhân văn độc đáo.

     Với việc Đàn tế Nam Giao Triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới vào năm 1993, khu di tích đã được trùng tu, tôn tạo, đồng thời Lễ Tế Nam Giao đã được nghiên cứu và phục dựng trong các kỳ Festival Huế, trở thành lễ hội văn hóa độc đáo chỉ riêng có ở Cố Đô./.

Tham khảo:

1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Mộc bản triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 28, quyển 31.

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Mộc bản triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 17, quyển 70,  quyển 199.

3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Mộc bản triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, quyển 1.

4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Phông Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, hồ sơ 5943.

5. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Đàn­_Nam_Giao (triều_Nguyễn).

Nguyễn Thị Việt – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV