Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay đảnh lễ Đức Tăng thống Thái Lan tại Vesak 2018

Thủ tướng Bhutan nói về cống hiến của Phật giáo

Bhutan được thế giới biết tới vì đã đem lại cái nhìn mới trong việc đánh giá hạnh phúc của con người, qua khái niệm Tổng hạnh phúc quốc dân – GNH, thay vì Tổng thu nhập quốc nội – GDP. Giác Ngộ trích dịch giới thiệu bài phát biểu của Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay, khách mời thuyết trình cho chủ đề chính của Đại lễ Vesak lần thứ 15 tại Vương quốc Thái Lan, về chủ đề “Cống hiến của Phật giáo cho sự phát triển của nhân loại”.

Nền tảng tinh thần của Bhutan và những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại

Tôi cảm thấy rất vinh dự được hiện diện nơi đây dù cho bản thân tôi không phải là một học giả Phật học hay một nhà lãnh đạo tinh thần. Thế nhưng, tôi tin rằng, sự hiện diện của mình hôm nay, dù rằng nhỏ bé, liên quan mật thiết đến sự thật rằng tôi là một công dân của Bhutan, vương quốc Phật giáo Kim Cang thừa cuối cùng trên thế giới. Phật giáo đã được chúng tôi xem là quốc giáo của Bhutan từ thế kỷ thứ VIII. Trong suốt khoảng thời gian ấy, Phật giáo góp phần rất lớn trong việc định hình nên lối sống, văn hóa cũng như quản trị nhà nước.

Ba người thầy vĩ đại đã để lại dấu ấn tâm linh sâu sắc nhất ở đất nước của chúng tôi chính là Đức Phật, Đức Guru Rinpoche và Đức Zhabdrung Rinpoche. Guru Rinpoche được xem như vị Phật thứ hai vì Ngài đã có công mang Phật giáo đến với Bhutan và những vương quốc nhỏ trong dãy Himalaya vào thế kỷ thứ VIII. Zhabdrung Rinpoche, một Đại sư, đã thành lập nên đất nước của chúng tôi vào năm 1626 với mong muốn điều hành đất nước dựa trên những lời dạy của Đức Phật, từ đó, đem đến lợi ích cho mọi công dân.

Là một đất nước Phật giáo Kim Cang thừa, những học viện Phật giáo tư thục lẫn công lập nơi đây rất phát triển và có tầm ảnh hưởng lớn. Nhà nước lẫn những vị cư sĩ đều dốc lòng ủng hộ cho tu sĩ nơi đây. Xã hội Bhutan vẫn mang trong mình một niềm tin sâu sắc đối với giáo lý của Phật giáo Kim Cang thừa và lối sống của người dân hầu hết đều thiên về mặt tâm linh. Tu viện và nơi ở dành cho những người ẩn tu rất phổ biến. Mọi người đều dành một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày cho những hoạt động tôn giáo.

Theo như kết quả từ một cuộc khảo sát quốc dân về việc sử dụng thời gian vào năm 2015, trung bình một người dành khoảng 36 phút một ngày cho việc trì chú, cầu nguyện hoặc ngồi thiền. Con số này tăng lên đến khoảng 2 giờ 25 phút đối với những người trên 60 tuổi. Điều này cho thấy, người dân dành nhiều thời gian cho những hoạt động tâm linh hơn khi họ trở nên lớn tuổi.

Lãnh đạo

Sau khi đã trình bày sơ lược về nền tảng tinh thần của Bhutan, để tiếp tục với chủ đề “Cống hiến của Phật giáo đối với sự phát triển nhân loại”, tôi muốn trình bày ngắn gọn về sức ảnh hưởng của Phật giáo Kim Cang thừa đến sự phát triển con người ở Bhutan nói riêng và nhân loại nói chung.

Là một đất nước thấm nhuần triết lý Phật giáo Kim Cang thừa, sự phát triển của nhân dân đất nước Bhutan được hình thành trên hai yếu tố chủ đạo: phong cách lãnh đạo và người lãnh đạo. Và sức ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo đến hai yếu tố này đã góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người.

Xin nói đôi chút về phong cách lãnh đạo mang hơi thở Phật giáo Kim Cang thừa của Vương quốc Bhutan. Hình mẫu lãnh đạo đến từ nhà Phật đã ảnh hưởng mạnh đến Quốc vương cũng như những nhà lãnh đạo trong nước. Theo dòng lịch sử, khắp châu Á, những bậc minh vương đều phấn đấu theo hình tượng của một vị Phật hoàng. Ví dụ điển hình là các bậc Chuyển luân Thánh vương (Chakravartin), một bậc Thánh vương cai trị toàn cầu. Khái niệm này về một vị Phật hoàng đã tạo cảm hứng cho các quốc vương của Bhutan. Họ phấn đấu để sống và cai trị trên tinh thần của một bậc giác ngộ, tuân theo “Mười bổn phận của Vua” được tìm thấy trong những pháp thoại của Đức Phật.

“Mười bổn phận của Vua” đó là lòng từ bi, bố thí, sự chính trực, sự khổ hạnh, tâm không tà niệm, bất bạo động, sự kiên nhẫn và sự quân bình đều áp dụng được cho mọi nhà lãnh đạo. Xa hơn là những đức tính chủ đạo trong Bát-nhã Tâm kinh bao gồm sự rộng lượng, tính kỷ luật, lòng kiên nhẫn, sự bền bỉ, chánh niệm và tuệ giác cũng được áp dụng. Chuyển luân Thánh vương, một dẫn chứng về Phật hoàng, là hiện thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, trăm tay ngàn mắt. Ngài tỏa chiếu hào quang, nhìn thấy chúng sinh chìm trong biển khổ và gieo duyên để chúng sinh đến được bờ giải thoát. Những bậc minh quân ảnh hưởng bởi triết lý về các Chuyển luân Thánh vương được mong đợi sẽ hoàn thành tâm nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Trong Phật giáo Kim Cương thừa, một nhà lãnh đạo phải có ít nhất ba phẩm chất là bi, trí và dũng. Một nhà lãnh đạo, dù là quân vương hay chúa tể đều phải có kiến giải sâu sắc về khổ đau và con đường đến với an lạc.  Những kiến thức và điểm mạnh khác sẽ không mang lại lợi lộc gì nếu thiếu từ bi và trí tuệ. Chỉ có từ tâm mới hướng người lãnh đạo làm lợi cho mọi chúng sanh. Trong một thế giới ngày càng đa dạng về chuyên môn và tri thức, một nhà lãnh đạo không thể thông thạo được mọi lĩnh vực. Nhưng bất kể người đó có chuyên môn gì, yêu cầu cơ bản nhất phải là tâm từ bi. Lãnh đạo có tình thương với mọi chúng sanh là điểm tinh hoa của triết lý lãnh đạo của nhà Phật. Phẩm chất lãnh đạo đó được biểu hiện qua các đời vua đã góp phần xây dựng phong cách lãnh đạo mang tính khai sáng ở Bhutan.

Chính sách

Bất kể chế độ lãnh đạo nào, kể cả Phật giáo, dù có mang tính khai sáng đến mức nào đi chăng nữa, chỉ có thể có được sức ảnh hưởng lâu dài khi tầm nhìn của người lãnh đạo được xây dựng thành một thể chế chính trị. Trong việc phát triển xã hội, mọi giá trị mà con người mong muốn cần được lưu giữ trong cơ cấu quản trị và phát triển, với các chính sách và mục tiêu rõ ràng cùng với cách thức đánh giá lại những mục tiêu và chính sách ấy.

Trong một quốc gia mà Phật giáo là quốc giáo, giá trị căn bản cho các chính sách phát triển nên phù hợp với giáo lý về kinh tế, xã hội, văn hóa và tâm linh. Tuân theo lời dạy cơ bản của Phật giáo: vạn vật khao khát được hạnh phúc, giá trị quan trọng nhất của Bhutan là hạnh phúc tâm linh, mà không phải giá trị vật chất như GDP. Trong quan niệm của đạo Phật, hạnh phúc của mọi chúng sinh nên dựa trên cuộc sống tinh thần lành mạnh.

Lý tưởng về một chính phủ dựa trên cả khoa học và Phật giáo của Bhutan được áp dụng vào thực tiễn dựa theo chỉ số GNH (Gross National Happiness), tạm dịch là Tổng hạnh phúc quốc dân, được lập nên bởi vị vua thứ tư (1972-2006). Mô hình GNH được áp dụng lên các chương trình và kế hoạch phát triển trọng điểm. Sự đa chiều của GNH bao hàm cả những nhu cầu ngoại và nội tâm của loài người. Sự tăng trưởng của GNH, và các chính sách, chương trình hỗ trợ, được dựa trên 9 khía cạnh của GNH. 9 khía cạnh này lần lượt là:

1. Tinh thần khỏe mạnh

2. Quỹ thời gian cân đối

3. Tính cộng đồng

4. Sự đa dạng và bảo tồn văn hóa

5. Sự đa dạng và bảo tồn hệ sinh thái

6. Sức khỏe

7. Giáo dục

8. Quản lý tốt

9. Mức sống hoặc điều kiện vật chất.

Có sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc giữa những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của chúng ta, cũng như giữa cuộc sống của ta và những chúng sinh khác. Các chính sách phát triển tập trung vào sức khỏe, giáo dục, quản trị tốt và điều kiện sinh hoạt của người dân thường được đề cao. Thế nhưng, dưới góc nhìn Phật giáo, sức khỏe nội tâm, cách sử dụng thời gian, tính cộng đồng, bảo tồn bản sắc dân tộc và hệ sinh thái cũng không kém phần quan trọng cho một cuộc sống lành mạnh và trọn vẹn.

Đức vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck từng nói rằng GNH là “phát triển dựa trên giá trị”. Hầu như các giá trị căn bản của GNH được dựa trên các nguyên lý Phật giáo. Chẳng hạn, các chỉ số đo lường của GNH bao gồm cả các cung bậc cảm xúc như lòng từ bi, sự thỏa mãn về cuộc sống và sự tĩnh tâm. GNH còn bao hàm cả mức độ căng thẳng và sức khỏe tinh thần của người dân. Thời gian thiền định và cầu nguyện hàng ngày cũng được tính trong thước đo GNH.

Hạnh phúc không chỉ xuất phát từ những điều kiện vật chất mà còn khởi nguồn từ nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Cũng như vạn vật phát triển hài hòa với nhau, khởi nguồn của hạnh phúc không nên chỉ giới hạn ở một số điều kiện. Cuộc sống cần sự đa dạng. Con người cần những yếu tố như xã hội, tâm lý, kinh tế và văn hóa, những thứ không thể đánh đổi bằng đồng tiền. Khi những điều kiện trên được thỏa mãn, hạnh phúc sẽ tự động theo sau.

Mô hình GNH được bổ trợ bằng các chỉ số tổng hợp để theo dõi sự ảnh hưởng từ các chính sách và chương trình của chính phủ. Thế nên, việc áp dụng mô hình GNH phụ thuộc rất nhiều vào kết quả và nhận xét từ các cuộc khảo sát.

Mô hình GNH hiện nay được áp dụng để đánh giá và chỉ đạo các chương trình và kế hoạch của chính phủ, bỏ qua những doanh nghiệp tư nhân. Nguyên do là GNH không thể nào hiệu quả nếu những doanh nghiệp và tập đoàn tư nhân không phản ảnh đúng bản chất của nó. Trên toàn thế giới, GDP được tạo ra hầu hết bởi những công ty lớn chứ không phải chính phủ, kết quả là những công ty đó thường nắm quyền nhiều hơn nhà nước. Những gã khổng lồ kinh tế này ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, cộng đồng, văn hóa và khí hậu.

Theo quan điểm này, Bhutan đã cho ra đời chứng nhận kinh doanh GNH cho các doanh nghiệp và tập đoàn ở Bhutan. Với sáng kiến về GNH, chúng tôi bắt đầu chào đón bất cứ tập đoàn nước ngoài nào sẵn sàng tham gia phong trào này. Các doanh nghiệp bình thường có thể củng cố lợi nhuận, doanh thu và sự tăng trưởng mà quên đi những mối quan tâm quan trọng khác. Thế nhưng, một công ty với quan điểm GNH có thể giảm thiểu sự đau khổ và khuyến khích sự vui vẻ của công nhân và con người nói chung. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp đó không được tàn phá hành tinh cũng như không được khơi dậy lòng tham của con người. Giá trị Phật giáo đối với môi trường và chúng sinh đã hình thành nên giá trị cốt lõi của GNH về sự toàn vẹn sinh thái ở Bhutan. Trong cách nhìn của Phật giáo, không chỉ con người, mà vạn vật đều khao khát hạnh phúc, cũng như sự lợi lạc, bình an và hòa bình. Con người phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, không chỉ vì hạnh phúc của riêng chúng ta mà còn vì lợi ích của những chúng sinh khác.

Khi nhìn lại lịch sử phát triển của con người về nhân quyền và tự do, chúng ta có thể thấy việc bảo vệ nhân quyền đang ngày được phát triển mạnh mẽ hơn. Do đó, những sinh mạng bị mất đi vì chiến tranh, giết chóc hoặc khủng bố đã giảm thiểu một cách đáng mừng. Nhưng sự thật đó lại không được như vậy đối với đời sống của những con vật, dù cho là giống thuần chủng hay loài hoang dã. Số lượng những con vật bị giết trên thế giới, thường là theo những cách thức tàn bạo nhất, đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Theo thống kê, hàng năm, có 66 tỷ gia súc và 84 tỷ những loài khác bị giết hại. Loài vật cũng có khả năng chịu đựng như con người. Chúng cũng có tâm lý, hành vi và sự tiến hóa như chúng ta. Tình trạng một lượng lớn động vật bị giết hại đáng được sự quan tâm của nhân loại.

Ở Bhutan, Phật giáo đã hun đúc cách ứng xử của người dân đối với môi trường và động vật. Bhutan tuy là một trong những nước nhỏ nhất thế giới nhưng lại là một trong những quốc gia thực hiện cam kết mạnh mẽ nhất về việc bảo tồn. Đất nước hạnh phúc là một điểm nóng đa dạng sinh học. Ở quốc gia nhỏ bé này, với hệ sinh thái vi khí hậu cực lớn, ta có thể tìm thấy được 5.000 loài thực vật, 200 loại động vật có vú và 700 loài chim. Đất nước chúng tôi đã dành khoảng 51% diện tích cho thiên nhiên và môi trường hoang dã.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã ghi vào Hiến pháp là sẽ duy trì tối thiểu 60% lãnh thổ là rừng. Hiện nay, khoảng 72% diện tích đất là rừng bao phủ. Bhutan là đất nước đầu tiên tuyên bố sẽ cân bằng lượng carbon thải ra. Cả quốc gia mỗi năm chỉ thải ra 2,2 triệu tấn khí carbon nhưng những khu rừng lại có thể loại trừ được gấp ba lần số lượng khi đó. Những nỗ lực bảo tồn này sẽ không thể thực hiện được ở Bhutan nếu không có sự đồng thuận quốc dân dựa trên những giá trị của Phật giáo.

Phật giáo và sự phát triển của nhân loại

Quay trở lại chủ đề chính của chúng ta, “Cống hiến của Phật giáo đối với sự phát triển nhân loại”. Giáo pháp của Đức Phật hoàn toàn xoay quanh việc con người nên sống như thế nào. Trong đó, bao gồm việc sự tồn tại của chúng ta bị đánh đố bởi vô thường và vô ngã. Trong vô số những lời dạy của Đức Phật, những điều về luân thường đạo lý luôn có sự liên quan mật thiết đến sự phát triển của con người. Theo Ngài, con người chỉ thật sự phát triển khi họ tìm ra hướng đi dẫn đến sự chấm dứt khổ đau. Ngài dạy rằng, muốn thật sự chấm dứt đau khổ, chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết cũng như khả năng phân tích tâm lý. Con người thường không thấy được bản chất thật sự của cuộc sống, điều này được gọi là thiếu hiểu biết hay chính xác hơn là vô minh. Nghĩa đen của vô minh chính là “không nhìn thấy”, hiểu theo nghĩa rộng hơn, nó còn có nghĩa là không nhận thức được sự phụ thuộc lẫn nhau của vạn vật trong vũ trụ.

Theo như lý thuyết của Phật giáo Kim Cang thừa, con người trải nghiệm cuộc sống thông qua ba cánh cửa: thân, khẩu và ý. Tịnh hóa tam nghiệp chính là nền tảng của việc phát triển con người trong Phật giáo Kim Cang thừa. Về thân, thân thể con người trực tiếp điều khiển mọi hành động. Nếu như chúng ta muốn phát hiện ra năng lượng sức mạnh của bản thân và chuyển hóa chúng, ta phải thực hành rất nhiều bài tập liên quan đến cả tinh thần và thể chất như yoga, tập hít thở hay ngồi thiền.

Âm thanh và tiếng nói là một dạng trải nghiệm khác của con người. Âm nhạc, tiếng tụng niệm, trì chú và những âm thanh của tự nhiên có sức ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức cũng như sự an lạc của con người. Sự phát triển của con người cũng phải dựa rất nhiều vào những âm thanh có khả năng chữa lành vết thương của chúng ta, nhất là về mặt tinh thần. Nhưng trên hết, trong một xã hội mà quyền lực thuộc về tay truyền thông, chúng ta càng nên hiểu rõ hơn tầm quan trọng trong giao tiếp.

Về ý, ở mọi trường Phật học, bài học đầu tiên mà mọi học sinh phải trải qua chính là khiến cho tâm mình tĩnh lặng và hoàn toàn chánh niệm. Tâm trí con người nên được giải phóng khỏi những tạp niệm mà chúng ta luôn nghĩ tới. Và bước quán tưởng cuối cùng, theo như Phật giáo Kim Cang thừa, chính là vô niệm, muốn tới được đây đòi hỏi nhiều thế hệ luyện tập vì vô niệm đòi hỏi khả năng quán tưởng phi thường.

Một hành giả với thượng căn sẽ biết những phương pháp có thể khiến cho thân, khẩu và ý của con người đạt được tiềm năng cao nhất. Thế nhưng, những cư sĩ bình thường, theo Phật giáo Kim Cang thừa, có thể thực hành thập thiện nghiệp và tránh xa thập ác nghiệp. Đây chính là thước đo của sự phát triển con người. Nó còn được áp dụng để đánh giá xã hội ở một số vùng thuộc Himalaya.

Trong Phật giáo, sự phát triển bao gồm cả về vật chất lẫn tinh thần, với điều kiện người đó phải tìm cho mình một lối sống đúng đắn. Lối sống này bao gồm những nhu cầu chính đáng. Sự chính đáng của những nhu cầu này có thể được xác định bằng cách đánh giá khách quan công dụng của chúng và không được mang tính tương đối. Nguyên nhân lớn nhất của thoái hóa và những hệ lụy liên quan chính là ở tinh thần của con người.

Mục tiêu của Phật giáo là giúp con người nhận ra và phát triển chánh niệm. Để làm được điều đó, ai cũng phải vượt qua một quá trình gian khổ đối diện với ba thứ độc. Ba thứ độc này thường được minh họa qua hình ảnh: lợn đen, rắn xanh và gà trống đỏ. Thế nhưng, giải quyết ba thứ độc này không còn được xem là vấn đề cá nhân nữa. Những nhà phê bình xã hội đã chỉ ra rằng chúng ta sống trong một xã hội mà tham, sân, si đang dần được thể chế hóa thông qua các doanh nghiệp, hệ thống sản xuất vũ khí và sự dẫn lối sai lầm của cả truyền thông lẫn nền công nghiệp quảng cáo.

HDI

Chúng ta cũng nên dành lời khen ngợi cho Chương trình Phát triển con người của Liên Hiệp Quốc cùng những mục tiêu được đặt ra của chương trình từ những năm 1990 đến nay. Những yếu tố quan trọng nhất trong Chỉ số Phát triển Con người (chỉ số này được Chương trình Phát triển con người của Liên Hiệp Quốc dùng để xếp hạng các quốc gia khác nhau) là thu nhập, tuổi thọ và trình độ văn hóa.

Ba yếu tố này hoàn toàn tương hợp với Phật giáo, bao gồm cả thu nhập vì nó đại diện cho quá trình phát triển vật chất – điều có liên quan mật thiết đến sự an lạc của con người. Nhưng chúng ta cũng phải luôn ghi nhớ rằng, nhà Phật nhấn mạnh quá trình phát triển vật chất đi đôi với quá trình phát triển tinh thần và đạo đức. Báo cáo về Phát triển con người năm 1993 đã nhấn mạnh rằng “không có một mối quan hệ trực tiếp nào giữa thu nhập và sự phát triển của con người”. Không cách thức logic nào có thể khiến người có thu nhập cao có thể có một tiêu chuẩn sống cao, hay xa hơn nữa là mức độ hạnh phúc cao. Đây cũng là nội dung của GNH.

“Nền kinh tế vừa đủ” của Thái Lan

Lý thuyết “Nền kinh tế vừa đủ” được hình thành và phổ biến rộng rãi nhờ vào vị vua quá cố đáng kính của Thái Lan. Đây cũng là một ví dụ điển hình cho sự phát triển con người mang yếu tố Phật giáo. Ba yếu tố của nền kinh tế này bao gồm tính hợp lý và tự miễn dịch, sự điều độ và lòng kiên cường là liều thuốc để con người có thể có một cuộc sống toàn diện, và sẽ tuyệt vời hơn nếu người ta kết hợp ba yếu tố trên với trí tuệ và lòng chính trực. Đức vua quá cố của Thái Lan đã từng nói rằng “Tri túc chính là biết điều độ. Nếu một người biết cách cân chỉnh những khát vọng cá nhân của mình, người đó sẽ ít mong cầu hơn và từ đó ít lợi dụng người khác cho những mong cầu của mình”. Mục đích của “Nền kinh tế vừa đủ” là tạo nên sự hòa hợp và an lạc cho tất cả mọi người trong xã hội.

Lời kết

Ví dụ về “Nền kinh tế vừa đủ” của Thái Lan, cùng với mô hình GNH của Bhutan, đã cho thấy sự khác nhau giữa các quốc gia khi đưa giáo lý Phật giáo vào xã hội đương đại. Hiện nay, có rất nhiều quốc gia khác cũng đang thực hiện điều tương tự dựa theo điều kiện đất nước của mình. Phật giáo ngày càng lan rộng trong nửa thế kỷ qua, kéo theo mong muốn áp dụng giáo lý cho các khía cạnh khác nhau của sự phát triển con người.

Chúng ta có thể thấy giáo lý nhà Phật đang được áp dụng cho các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân sự, các tổ chức cộng đồng, các cơ quan tôn giáo, tổ chức phi lợi nhuận, các trường đại học, doanh nghiệp, diễn đàn và rất nhiều các loại hình tổ chức khác. Phật giáo một lần nữa lại gắn liền với xã hội và tập trung vào việc xây dựng những lợi ích chung. Những đóng góp to lớn của Phật giáo trong lĩnh vực sức khỏe toàn diện, bảo tồn môi trường, cải thiện chính sách cai trị, giải quyết xung đột, cải cách truyền thông và nâng cao nhận thức tiêu dùng chính là những minh chứng lớn nhất.

Tôi muốn kết thúc bài phát biểu của mình bằng tuyên bố chúng ta đang phải đối mặt với một tương lai đầy thử thách và khó khăn với những cuộc chạy đua vũ trang, sự sụp đổ của hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, nghiện ngập, bất bình đẳng, xung đột và sự thống trị mang tính công nghệ của con người. Thế nhưng, là một người Phật tử, chúng ta luôn phải tâm niệm rằng không có gì là bất biến và mọi sự đều có thể vãn hồi. Những dự định trong tương lai chỉ là những khả năng có thể xảy ra và chúng ta có thể thay đổi tương lai bằng những ý định và giá trị tốt đẹp.

Phật giáo đã và đang đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển toàn diện của con người và khuyến khích mọi người cùng chung tay thực hiện sứ mệnh cao cả này. Chúng ta đang đứng ở trung tâm của sự biến chuyển liên tục của hướng và hướng này có thể được duy trì ở trạng thái cân bằng nhờ vào giới, định, tuệ của chúng ta.

Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay

Thanh Tâm trích dịch

Theo Giacngo.vn