Ông Gregory tốt nghiệp đại học năm 2008

‘Người rừng’ trở thành giảng viên đại học

AUSTRALIAĐến bây giờ, tiến sĩ Gregory Smith (65 tuổi) vẫn không thể quên những ngày tháng làm “người rừng”, sinh tồn bằng cách ăn bọ cánh cứng, giun, thằn lằn…

Gregory đi vào rừng lúc trời chạng vạng, mưa mỗi lúc nặng hạt, mặc cho những con đỉa hút máu chân mình. Anh không còn nơi nào khác để đi. Một lúc sau mưa tạnh, Gregory có thể nhìn thấy những ngôi sao trải dài trên bầu trời. Cuối cùng ông ngủ thiếp đi.

Sớm mai thức dậy, ông lặng người. Không có tiếng nói, tiếng ồn xe cộ,  không có ai dòm ngó, chỉ có âm thanh nhẹ nhàng của núi rừng.

Đó là ngày đầu tiên Gregory vào rừng. Ông ăn thịt một con trăn. Ngày hôm sau ông ăn bất cứ thứ gì bò trước mặt mình. “Tôi đã ăn bọ cánh cứng, sâu, ấu trùng. Tôi bắt đầu săn tắc kè, thằn lằn”, ông nói. Có những lúc, Gregory nghĩ mình có thể chết trong rừng.

Sinh ra trong một gia đình có người cha bạo lực ở Tamworth, bang New South Wales, Australia, Gregory thường xuyên bị ngược đãi về thể chất, tinh thần. “Có những hình phạt khủng khiếp”, bà Wendy Smith, một trong năm anh chị em của ông Gregory nói.

Người mẹ cũng không bảo vệ và quan tâm các con. Năm 1965, bà đưa lũ trẻ đến một trại mồ côi, cho chúng ở đó 6 tuần. Đón về được 5 tháng, bà lại vứt các con vào trại. Năm ấy Gregory 10 tuổi.

Cậu bé bị tổn thương ở trại trẻ. Có những lần bị nhốt tới 8 tiếng vì “không tuân thủ nội quy”. Khi 15 tuổi, Gregory ra vào các trại giáo dưỡng như cơm bữa. Cậu bị gắn mác “có IQ thấp và rối loạn tính cách vị thành niên”.

Thời 20 tuổi, cuộc đời Gregory là một thảm họa: vô gia cư, nghiện rượu và nổi khùng trước những khiêu khích nhỏ nhất. Ông trải qua 20 năm tiếp theo trong kịch bản tồi tệ, từ nghiện ngập, tan vỡ hôn nhân, cháy nhà, vào viện tâm thần và gặp tai nạn xe hơi gần chết.

Gregory ở những năm 30 tuổi.ABC.

Gregory ở những năm 30 tuổi. Ảnh: ABC

Năm 1989, Gregory lang thang trên một con đường nhỏ giữa nhữnng ngọn đồi gần Mullumbimby. “Con đường đất này dường như là lựa chọn tốt nhất vào thời điểm đó”, ông kể. Thế là ông đi vào Công viên quốc gia Goonengerry, rồi sống vạ vật như thế khoảng 10 năm.

Sau vụ tai nạn năm 1999, ông được điều trị tâm thần. Vào một buổi chiều năm đó, Gregory được xuất viện và ngồi trên ghế đá công viên bên cạnh sông Tweed. Ba lô chứa đầy thuốc lá, cần sa và rượu. Lúc đó, ông 45 tuổi.

Với số tiền bồi thường rất cao, Gregory có thể tiếp tục đi con đường nghiện ngập và cái chết, hoặc chọn con đường khác, dù ông không biết sẽ đi như thế nào. Dòng suy nghĩ cuồn cuộn đổ về. Ký ức đau khổ, giận dữ, bất hạnh, những mâu thuẫn giằng xé. “Cả đời tôi chỉ đi chiến đấu với kẻ khác, nhưng lúc ấy tôi đấu tranh với chính mình và quyết định ‘Tôi phải trở thành con người khác”, ông hồi tưởng.

Gregory đứng dậy và bỏ đi để chiếc ba lô lại phía sau.

Năm 2002, ông đăng ký một khóa học ở Southport TAFE để tốt nghiệp cấp 3. “Ông ấy đã khóc và sau đó tiếp tục học lên cao hơn”, bà Pamela Lyon, giáo viên của Gregory kể lại.

Thời ấy Gregory sống trong ôtô và làm bài tập về nhà trên cồn cát. Cuối năm 2003, ông tốt nghiệp phổ thông trung học ở tuổi 48. Năm năm sau ông tốt nghiệp Đại học Southern Cross, chuyên ngành Xã hội học, bởi muốn hiểu tại sao bản thân căm ghét xã hội.

Người đàn ông không thể biết trước được lựa chọn đã đưa ông đi xa thế nào. Một lần làm nghiên cứu ông vô tình đọc được báo cáo của Thượng viện về “Những người Úc bị lãng quên”. Báo cáo nói rõ về tình trạng lạm dụng tâm lý, tình dục, thể chất với 500.000 trẻ em trong và ngoài gia đình từ thế kỷ 20. “Tôi bị choáng váng. Đó chính là tôi”, Gregory nói.

Để hoàn thành luận văn, ông đã phỏng vấn những người giống mình ở trại trẻ mồ côi. Ông tốt nghiệp hạng ưu và tiếp tục lấy bằng tiến sĩ. “Không phải lúc nào tôi cũng biết cách kể câu chuyện của mình. Chính nhờ giáo dục, cụ thể là xã hội học mà tôi biết cách làm việc đó”, ông nói.

Gregory bắt đầu công việc giảng dạy ở Đại học Southern Cross và có một chỗ ở cố định. Từ lúc này ông mới thôi nghĩ mình là một kẻ tâm thần xã hội. Ông đóng khung bức thư vị bác sĩ từng chẩn đoán mình bị tâm thần treo bên cạnh học vị tiến sĩ. “Môt chất xúc tác đưa chúng lại gần nhau”, ông nói.

Từ đó, mỗi năm một lần Gregory và ba trong số năm anh chị em của mình thuê một căn nhà gần bờ biển thuộc Woolgoolga. Họ ăn cá, khoai tây chiên, cùng nhau trò chuyện. Đó là khoảng thời gian yên bình họ cố dành cho nhau để bù đắp tuổi thơ dữ dội.

Ông Gregory giờ có một mảnh đất nằm trong khu rừng rộng hơn 10 hecta gần thành phố Grafton. Sở hữu một mảnh đất có nghĩa là giờ ông có một nơi để về. “Ngay cả khi chỉ là một cái lều đặt trên đất, không ai có thể đá tôi ra khỏi đó”, ông nói. Ông cũng có một người vợ và đã xuất bản một cuốn hồi ký về cuộc đời thần kỳ của mình.

“Hôm nay tôi không nghĩ mình là một kẻ tâm thần xã hội. Hôm nay tôi không phải sống mòn. Tôi đã là một con người khác, sống tốt nhất có thể”, ông nói.

Bảo Nhiên (Theo ABC)