0133336_james-harrison

Người đàn ông với cánh tay vàng cứu 2 triệu trẻ em trong nửa thế kỷ hiến loại máu hiếm

Mang biệt danh “người đàn ông với cánh tay vàng”, cụ ông 81 tuổi người Úc James Harrison xác lập kỷ lục với 1.173 lần hiến máu, cứu được tính mạng của 2,4 triệu trẻ sơ sinh.
Bước ngoặt cuộc đời đã khiến ông quyết định đến với sứ mệnh cứu người cao cả bắt nguồn từ chính ca phẫu thuật năm 1951, khi cậu bé Harrison lúc đó 14 tuổi phải tách bỏ một bên phổi và cần truyền tới 13 đơn vị máu.
Tâm niệm tính mạng mình đã được cứu sống nhờ những người tốt bụng không quen biết, Harrison đã quyết tâm sẽ trở thành một người hiến máu tình nguyện khi đủ 18 tuổi theo luật pháp Úc quy định lúc đó. Và ông đã giữ đúng lời hứa bất chấp chứng sợ kim tiêm của bản thân, cũng như phải lặn lội đường xa từ nhà mình ở bang New South Wales đến trung tâm hiến máu của Hội Chữ thập đỏ Úc.
Máu hiến tặng của Harrison bắt đầu mang sứ mệnh kỳ diệu hơn khi các bác sĩ phát hiện nó mang kháng thể cực hiếm có thể là chìa khóa cho vấn đề hết sức nhức nhối liên quan tới hàng ngàn ca sẩy thai, thai chết lưu hoặc trẻ sơ sinh bị khiếm khuyết về não mỗi năm ở Úc mà không rõ nguyên nhân.
Cho tới năm 1967, các bác sĩ nước này mới khám phá ra rằng những trẻ sơ sinh bị như vậy là do mắc phải bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh (Haemolytic Disease of Newborn, gọi tắt là HDN). Bệnh này xảy ra khi người mẹ có máu Rh- lại mang thai một đứa trẻ có máu Rh+ và sự không đồng bộ khiến máu của người mẹ tạo kháng thể chống lại hồng cầu của thai nhi gây bệnh tán huyết.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định có thể ngăn chặn chứng HDN bằng cách tiêm cho người mẹ một liều thuốc điều chế từ huyết tương của người hiến máu mang một loại kháng thể cực hiếm. Ông Harrison đã không do dự khi các nhà nghiên cứu tìm đến ông và mời tham gia vào chương trình nghiên cứu mang tên “Anti-D”. “Họ muốn tôi làm “chuột bạch” trong thí nghiệm này và tôi đã hiến máu liên tục kể từ đó” – ông Harrison kể lại. Không lâu sau đó, các nhà nghiên cứu đã phát triển một loại thuốc tiêm trực tiếp kháng thể anti-D sử dụng huyết tương của ông Harrison. Liều thuốc đầu tiên được tiêm cho một thai phụ ở Bệnh viện Royal Prince Alfred năm 1967.
Kháng thể anti-D này giúp người mẹ có máu Rh- không tạo kháng thể chống lại hồng cầu thai nhi và nhờ đó thai nhi có thể chào đời khỏe mạnh. Huyết tương của ông đã được dùng để tạo nên hàng triệu liều anti-D trong hơn 60 năm qua, theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ Úc. Ước tính vị “ân nhân” này đã giúp khoảng 2,4 triệu trẻ sơ sinh trên nước Úc chào đời vô sự.
Khi hiến máu lần thứ 1.101 vào năm 2015, ông Harrison tâm sự với đài CNN rằng: “Có lẽ năng khiếu duy nhất của tôi là hiến máu tình nguyện”.
Tại Trung tâm hiến máu, ông chào hỏi những y tá đã quá quen biết với ông. Như mọi khi, ông vẫn nhìn đi chỗ khác khi họ tiêm mũi kiêm lấy máu vào cánh tay ông. Khi một phóng viên hỏi rằng ông có nghĩ việc mình đang làm là rất can đảm không, ông chỉ nhắm mắt và lắc đầu.
Mặc dù vậy, rất nhiều người vẫn cho rằng Harrison là một điều kỳ diệu. Ông dần được đặt cho biệt hiệu “người đàn ông có cánh tay vàng” cùng với rất nhiều huân chương ghi nhận công hiến máu của Nhà nước Úc.
Các nhà khoa học vẫn không chắc vì sao cơ thể ông Harrison lại sản xuất ra loại kháng thể anti-D cực hiếm ấy một cách tự nhiên nhưng họ tin rằng điều này có liên quan đến quá trình truyền máu cho ông trong ca phẫu thuật năm ông 14 tuổi.
Nguồn :
https://www.dailymail.co.uk/news/article-1259627/Man-golden-arm-James-Harrison-saves-2million-babies-half-century-donating-rare-blood.html
https://www.youtube.com/watch?v=ssIF9jXZBhI