Bhutan

Kỳ lạ đất nước coi trọng chỉ số hạnh phúc hơn cả phát triển kinh tế: Giàu có sao sánh bằng sự viên mãn?

Ở rìa phía đông của dãy Himalaya, nép mình giữa Ấn Độ và Tây Tạng, là quốc gia nhỏ bé Druk Yul, còn được gọi là Vương quốc Bhutan. Trong tiếng Bhutan, cái tên này có nghĩa là “Vùng đất của Rồng Sấm”. Không chỉ nằm ở vị trí đặc biệt, quốc gia này còn sở hữu muôn vàn điều kỳ lạ mà ít ai biết đến.

Với niềm tự hào dân tộc mãnh liệt và quyết tâm bảo vệ các giá trị truyền thống, Bhutan đã đóng cửa với thế giới bên ngoài trong nhiều thế kỷ. Quốc gia này chỉ mở cửa cho khách du lịch vào những năm 1970 và đã quyết định thực hiện một cách tiếp cận độc đáo nhằm phương Tây hóa, tạo ra một khái niệm gọi là “Chỉ số hạnh phúc quốc gia”.

Nhưng đừng để cái tên này đánh lừa. Đây không chỉ là thước đo mức độ người dân cười nhiều hay ít, mà còn là một cách tiếp cận toàn diện để phát triển con người bền vững giống như sự giàu có mang lại.

Thủ tướng đương nhiệm của Bhutan, ông Lotay Tshering cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi ở Bhutan rất độc đáo; nền dân chủ của chúng tôi cũng vô cùng, vô cùng khác biệt… do đó chúng tôi thấm nhuần rất mạnh mẽ các giá trị dân tộc và không đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia”.

“Khi chúng ta nói đến Chỉ số hạnh phúc quốc gia, đó không phải là loại hạnh phúc ‘Ha ha Ho ho’ như chúng ta thường nghĩ,” thủ tướng Lotay giải thích. “Nó có nghĩa là sự thỏa mãn, kiểm soát tâm trí hay kiểm soát những mong muốn trong cuộc sống của bạn. Đừng ghen tị với người khác, hãy hạnh phúc với những gì bạn có, hãy là một xã hội nơi có nhiều hơn cả hạnh phúc để sẻ chia.

Ông nói thêm: “Quốc vương của chúng tôi gọi Hạnh phúc quốc gia là sự phát triển đi cùng các giá trị. Nếu chính sách không làm gia tăng chỉ số hạnh phúc, nếu chính sách không thân thiện với môi trường, nếu chính sách sẽ không đảm bảo rằng nó sẽ mang lại hạnh phúc cho người Bhutan, thì chính sách đó sẽ không bao giờ được phê duyệt trong nước”.

Chỉ số hạnh phúc quốc gia (GNH)

Trung tâm Nghiên cứu về Bhutan và GNH chịu trách nhiệm điều hành các cuộc điều tra về Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia của Bhutan. Họ đặt câu hỏi như “Hôm qua bạn cảm thấy hạnh phúc thế nào?” và “Bạn có thường xuyên ngồi thiền hay không?”.

Họ tiến hành đo lường chỉ số hạnh phúc của 9 lĩnh vực chính sau mỗi 5 năm, đó là hạnh phúc tinh thần, sức khỏe, giáo dục, quản trị, sinh thái, việc sử dụng thời gian, sức sống cộng đồng, văn hóa và mức sống. Cho đến nay đã có 2 cuộc khảo sát được thực hiện (vào năm 2010 và 2015), một cuộc điều tra khác sẽ được thực hiện vào năm tới.

Cuộc khảo sát năm 2015 đã tiến hành khảo sát hơn 7.000 người Bhutan từ khắp đất nước.

 Bà Tshoki Zangmo, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm này cho biết: “Các yếu tố khó khăn hơn như mức sống, sức khỏe, việc tiếp cận với y tế hoặc giáo dục, v.v., đều đang được cải thiện ở Bhutan”.

“Nhưng các lĩnh vực nhẹ hơn như sức khỏe tâm lý hoặc chỉ số tin cậy mà chúng ta có với cộng đồng đang chuyển xấu đi. Các chỉ số tin cậy trong khu vực đô thị trong nước cũng giảm xuống.”

Thực tế, Bhutan không phải là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Quốc gia này đứng thứ 95 trong số 156 quốc gia theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2019. Phần lớn trong số đó vẫn đang giải quyết đói nghèo và nỗ lực mang lại sự công bằng về kinh tế và xã hội.

Phần lớn dân số nông thôn sống dựa vào sinh hoạt nông nghiệp trong vùng núi cao dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Địa hình gồ ghề, lũ lụt thường xuyên và sạt lở đất cản trở sự phát triển; kết nối giữa đô thị và nông thôn kém. Ti vi chỉ được biết đến từ năm 1999 và thành phố thủ đô vẫn chưa có đèn giao thông.

“Có một sự hiểu lầm khác, rằng Bhutan được cho là quốc gia hạnh phúc nhất”, bà Tshoki nói. “Tôi không nghĩ đất nước chúng tôi là hạnh phúc nhất.”

“Nhưng điều khiến Bhutan khác biệt so với các quốc gia khác là tầm nhìn của chúng tôi rất rõ ràng. Tầm nhìn của chúng tôi là đạt đến một trạng thái nơi các xã hội có tất cả các điều kiện thuận lợi, không chỉ các khía cạnh kinh tế mà cả các khía cạnh khác, như môi trường, cộng đồng, tiếp cận với y tế và giáo dục, v.v.”, bà nói thêm.

Thủ tướng Loyta khẳng định: “Khi nói đến mạnh hơn, điều đó không có nghĩa là sức mạnh cơ bắp. Nó là sức mạnh tinh thần, sức mạnh của các tế bào thần kinh của bạn.”

Tương lai của Bhutan

Bhutan 1

Bhutan có thể không xếp hạng cao nhất về chỉ số hạnh phúc, nhưng quốc gia này đã đạt được những thành tựu lớn. Hàng ngàn ki-lô-mét đường đã được xây dựng và lắp đặt đường dây điện thoại. Thủy điện chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế.

Ngân hàng Thế giới gọi Bhutan là một câu chuyện thành công về phát triển, với mức độ giảm nghèo cùng cực và cải thiện bình đẳng giới, cũng như môi trường chính trị và kinh tế ổn định.

Thủ tướng Lotay cho biết: “Chỉ trong 3 đến 4 thập kỷ qua, tuổi thọ của chúng tôi khi sinh đã tăng từ gần 50 lên hơn 70. Nhờ vào hiện đại hóa, nhờ vào khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng cải thiện, đã có nhiều thực phẩm bổ dưỡng hơn và nhận thức về sức khỏe cũng tốt hơn từng ngày, cũng có nhiều người Bhutan sống lâu hơn.”

Nhờ vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa bản địa của đất nước, du lịch sinh thái ở nước này phát triển mạnh. Để quản lý tốt hơn điều này trong khuôn khổ duy trì hạnh phúc quốc gia, Bhutan áp dụng thuế du lịch sinh thái 250 đô la một ngày cho mỗi người, số tiền này được sử dụng để bù đắp tác động môi trường của hàng ngàn du khách. Nó đã thành công đến nỗi Bhutan khẳng định rằng đất nước của họ không chỉ trung tính với carbon, mà còn là âm tính.

Nước này từ lâu đã hợp tác với Quỹ Động vật hoang dã Thế giới để bảo vệ động vật hoang dã bản địa ở nhiều công viên. Túi nhựa đã bị cấm từ năm 1999. Thuốc lá đã bị cấm từ năm 2005, Bhutan trở thành quốc gia không khói thuốc đầu tiên trên thế giới. Hiến pháp của Bhutan quy định rằng ít nhất 60% cả nước vẫn nằm dưới tán rừng. Ông Lotay cho biết, hiện giờ con số này đã đạt mức 70%.

Bất chấp nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vị Thủ tướng tin chắc rằng những ưu tiên đó sẽ không thay đổi đối với người dân Bhutan.

“Khi chúng ta biết rằng sự giàu có tiền tệ và của cải vật chất sẽ không chuyển thành những gì bạn thực sự muốn trong cuộc sống, như sự an tâm và hạnh phúc, thì tại sao chúng ta phải coi đó là mục tiêu chính của cuộc sống?

“Chúng ta phải nghĩ đến các thế hệ tiếp theo. Đó là lý do tại sao về mặt kinh tế chúng tôi có thể không làm tốt, nhưng tất cả những gì chúng tôi làm được sẽ đảm bảo được duy trì bền vững cho các thế hệ mai sau.”

Minh Hà

Theo Trí thức trẻ/CNN