3 (2)

Người ta phải tu hành ra sao khi phát bồ đề tâm bên trong?

Công Chúa Tsogyal hỏi vị Thầy: Người ta phải tu hành ra sao khi phát bồ đề tâm bên trong?

Vị Thầy đáp: Có mười hai điểm để tu hành

1. CỐT TỦY

Cốt tủy là khơi dậy ý định giúp đỡ những người không nhận biết rằng bản tánh bẩm sinh, thực nghĩa, là không do tạo tác.

2. ĐỊNH NGHĨA

Không tuỳ thuộc vào những hành động “bên ngoài” của thân hay khẩu được gọi là “bên trong” vì chỉ khai triển trong tâm con.

3. SỰ PHÂN CHIA

Có hai dạng: nguyện và hạnh.

Ý nguyện là là mong muốn những chúng sanh chưa chứng ngộ bản tánh này có thể nhận ra nó. Chỉ ngồi và niệm điều này thì chưa đủ; con phải nỗ lực để tìm cách nhằm làm cho tất cả chúng sanh nhận ra nó.

Tsogyal, chừng nào con chưa thoát khỏi chấp nhị nguyên thì việc hành sẽ rất khó khăn

4. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA HÀNH GIẢ

Thêm vào những giải nghĩa trước, đặc tính của người dấn thân vào việc tu hành này là chỉ có một ít khái niệm tạo tác.

Tsogyal, hãy để tâm con được nghỉ ngơi!

5. ĐỐI TƯỢNG ĐỂ THỌ NGUYỆN

Con cần nhận từ một vị Thầy đã chứng ngộ bản tánh của hai vô ngã (cá nhân vô ngã và các pháp vô ngã) nhờ tu hành trong ba dạng trí tuệ (học, tư duy, thiền định), và vì vậy đã thoát khỏi tám mối quan tâm thế gian.

Tsogyal, một vị Thầy là thiết yếu để nhập môn giáo lý Đại Thừa.

6. NGHI LỄ THỌ NHẬN

Tự giải thoát khỏi ba khái niệm chủ thể, đối tượng, và hành vi, từ bỏ mọi hoạt động thế gian, như vậy con hãy cầu thỉnh được những hướng dẫn khẩu truyền chân thực.

7. NHỮNG LỢI ÍCH CỦA VIỆC TU HÀNH

Con sẽ vượt lên xa Tiểu Thừa và những con đường sai lầm. Nhờ vậy, con sẽ từ bỏ mọi tư duy ích kỷ và chấp bám nhị nguyên, và nhận ra bản tánh vô ngã.

8. LÝ DO TU HÀNH

Lý do tu hành khi phát bồ đề tâm bên trong là đem tất cả chúng sanh vào con đường chân thật, đó là bản tánh của hai vô ngã.

9. NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM CỦA KHÔNG TU HÀNH

Sự khuyết điểm của không tu hành là con sẽ đi lạc khỏi bản tánh vô ngã.

Với người thường mà tâm họ chưa được thay đổi nhờ một trường phái triết học, và với những người phi-Phật giáo đã đi vào một trường phái triết học sai lạc, bản ngã cá nhân được xem là người kiểm soát và kinh nghiệm ngũ uẩn, mười hai cơ sở giác quan và mười tám yếu tố cấu tạo. Ngoài ra khi coi bản ngã này là vĩnh cửu, bền vững, họ gắn bó với nó như bạn và thù, ta và người khác.

Tsogyal, con phải nhổ bỏ sự gắn kết này.

Mối nguy hiểm của việc ý niệm hóa chẳng hạn một bản ngã cá nhân là do thấy có một tự ngã và một thực thể bản ngã, những đối tượng sẽ xuất hiện như “cái gì khác”. Vì sự bám chấp nhị nguyên này, con sẽ xem những gì lợi ích cho “cái tôi” là bạn, và những gì tổn hại cho “cái tôi” là thù. Do đó, những kinh nghiệm của thương và ghét sẽ gây cho con phạm nhiều loại hành động bất thiện. Do những hành động này, con sẽ lang thang trong ba cõi thấp và khắp cả cõi luân hồi.

Tsogyal, nếu không loại trừ tâm thức xấu xa này; con sẽ không tìm thấy hạnh phúc.

Dạng người nào lên án bác bỏ bản ngã này? Nói chung, tất cả Phật tử đều phản bác. Nói riêng, những Thanh văn cực lực bác bỏ bản ngã. Dĩ nhiên, chúng ta đã nhập môn Đại Thừa cũng phản đối việc bám chấp bản ngã cá nhân.

Người ta khẳng định rằng những Thanh Văn chứng ngộ một phần bản tánh vô ngã của những hiện tượng và những vị Độc Giác Phật cũng không chứng ngộ điều đó hoàn toàn. Có nghĩa là các Thanh Văn khẳng định sai lầm sự hiện hữu của vật chất thay vì hiểu rõ sự vô ngã của những hiện tượng, và các Độc Giác Phật trụ trong tâm trống không thay vì hiểu nghĩa đúng đắn.

Tsogyal, chừng nào con chưa thoát khỏi những trường phái triết học thấp con sẽ không lĩnh hội được thực nghĩa.

Sự nguy hiểm của việc vọng tưởng ra cái ngã của những hiện tượng là, do sự khẳng định và bám chấp đó, con sẽ tạo ra những phiền não. Những điều này sẽ khiến con lang thang trong luân hồi. Đó là nỗ lực vô nghĩa, cho dù con cố gắng trong nhiều kiếp.

Loại người nào bác bỏ cái ngã của những hiện tượng? Nói chung tất cả người đi theo Đại Thừa đều bác bỏ nó. Nói riêng, nó là một dấu hiệu xấu nếu chúng ta đi vào cửa Kim Cương Thừa mà chấp vào thiên kiến, như những người theo phái Trung Đạo cũng bác bỏ nó.

10. NHỮNG ĐIỂM CẦN TUÂN THỦ

Con nên tu hành trong ý nghĩa vô ngã, về điều này có hai loại, Nguyện và Hạnh.

Ba điểm quan trọng của Nguyện phải tuân thủ như sau.

  1. Liên tục hình thành suy nghĩ về nguyện, Cầu mong tất cả chúng sanh luôn nhận ra ý nghĩa của vô ngã.
  2. Tu hành ngày ba thời, đêm ba thời trong sự tùy hỷ với những người khác đang thiền định về ý nghĩa của vô ngã.
  3. Luôn tự tu hành siêng năng không lạc khỏi ý nghĩa của vô ngã.

Thứ hai, hai điểm của hạnh phải tuân theo là bên trong và bên ngoài.

Bốn tu hành bên ngoài là:

  1. Không rời vị Thầy hay người bạn tâm linh đã giảng dạy ý nghĩa của vô ngã cho đến khi con nhận ra nó.
  2. Buông bỏ thiên kiến liên quan đến nơi chốn cư trú, xứ sở hay khu vực, đẳng cấp, thù và bạn.
  3. Học hỏi, tư duy và thiền định về giáo lý hiển bày sự vô ngã và tánh Không.
  4. Không cho mình là một tên tuổi, gia đình, hay thân thể.

Bốn tu hành bên trong là:

  1. Chớ hiểu tên gọi là sự vật, vì mọi nhãn hiệu và tên gọi của sự vật bên ngoài thì không hiện hữu trong tâm con.
  2. Hãy biết mọi sự và những sinh linh trong thế gian đều vô tự tánh, dù nó xuất hiện cũng chỉ như giấc mộng và huyễn ảo.
  3. Ngày ba thời, đêm ba thời tìm cho ra tâm bám chặt vào những đối tượng khác nhau, dù thật ra chẳng có thứ gì hiện hữu.
  4. Không lạc khỏi ý nghĩa của không có tên và không có những cực đoan. Thậm chí dù tìm kiếm tâm con, cũng chẳng tìm thấy bất cứ thứ gì.

Tự tu hành chuyên cần theo cách này là điều tối quan trọng. Nhờ hành theo lối này con sẽ tiêu diệt được những tâm thức xấu và thoát luân hồi.

11. ĐƯỜNG PHÂN CHIA GIỮA ĐƯỢC VÀ MẤT GIỚI NGUYỆN

Khoảnh khắc được giới nguyện nội bồ đề tâm là khi nhận được những hướng dẫn khẩu truyền từ vị Thầy con.

Lúc mất nguyện là khi con theo đuổi những bám chấp nhị nguyên thông thường không hiểu được sự không có tự tánh. Ngay lúc bị mất, con phải áp dụng sự đối trị!

12. PHƯƠNG PHÁP PHỤC HỒI NGUYỆN KHI BỊ TỔN HẠI

Tu hành không xao lãng những nghĩa vừa giải thích trên, con sẽ tự động cởi nút thắt của sự ràng buộc của bám chấp nhị nguyên.

GIÁO HUẤN DAKINI
Do YESHE TSOGYAL ghi lại và chôn dấu
Phát lộ bởi : NYANG RAL NYIMA OSER và SANGYE LINGPA

Nguồn: Người ta phải tu hành ra sao khi phát bồ đề tâm bên trong?