phat-giao-cham-pa 2

Phật giáo ở Vương quốc Champa

NHỮNG CỨ LIỆU VỀ PHẬT GIÁO Ở VƯƠNG QUỐC CHAMPA

Trong bối cảnh văn hóa phương Đông, thay vì trình bày mối quan hệ có tính chất khá toàn diện giữa hai nền văn minh lớn ở đây, thì người ta lại thường muốn nhấn mạnh đến vai trò của tôn giáo như một lối dẫn quan trọng tạo nên hiện tượng này: “Một điều chắc chắn, tôn giáo là nguồn gốc chủ yếu trong sự tiếp xúc giữa Ấn Độ – Trung Quốc và Phật giáo là trọng tâm cho những giao lưu giữa con người và tư tưởng hai nước. Nhưng Phật giáo không chỉ giới hạn trong phạm vi tôn giáo, mà còn tác động trên các lĩnh vực thế tục khác như khoa học, toán học, văn chương, ngôn ngữ, kiến trúc, y khoa và âm nhạc”.(1)

Will Durant khi nghiên cứu văn minh Trung Hoa đã từng có nhận xét: Ở thế kỷ III và IV, đạo Ky Tô làm thay đổi văn hóa và nghệ thuật các xứ trên bờ Địa Trung Hải thì cũng vào khoảng đó. Đạo Phật thực hiện được một cuộc cách mạng trong đời sống Trung Hoa về tín ngưỡng và thẩm mỹ quan. Đạo không vẫn còn giữ trọn quyền thế trong khu vực chính trị, còn đạo Phật kết hợp với đạo Lão chiếm ưu thế về nghệ thuật, kích thích các nghệ sĩ Trung Hoa, bằng các đề tài, biểu tượng, phương pháp và hình thẻ từ Ấn Độ truyền sang (2).

Ở Đông Nam Á, Phật giáo đã tỏa rộng ảnh hưởng nhanh chóng và đầy tính thuyết phục của mình qua tuyến thương mại biển: Trong bối cảnh Ấn Độ, câu hỏi đặt ra cũng là một cách giải thích sự bành trướng hệ thống thương mại chưa từng thấy trong thời sơ sử. Thời kỳ hậu Mauryan được ghi nhận bởi sự tăng lên về mặt số lượng các trung tâm đô thị và của cảng ở bán đảo Ấn Độ; với một vùng duyên hải mở rộng, mạng lưới trao đổi ven biển và thương mại từ rất lâu thường được xem như chất xúc tác trong sự thay đổi xã hội (3).

Thật ra, những chuyến hàng hải dài ngày, các tu viện Phật giáo chính là nơi cung cấp nhân lực quan trọng cho thương nhân đường biển và các nhóm thuộc nghề nghiệp khác. Với sự hiểu biết của các tu sĩ được đào tạo từ các tu viện có thể đáp ứng được những yêu cầu về giao dịch bằng văn hóa, cũng như những kiến thức về cộng đồng, hoặc có tổ chức hay tham gia vào những buổi lễ Uposatha cho những người cầu nguyện vào ngày 14 – 15 mỗi tuần trăng (4).

Như vậy, con đường truyền bá Phật giáo đến các vương quốc có ở Đông Nam Á trong đó có Champa đã hình thành từ những thế kỷ đầu Tây lịch. Các triều đại trong lịch sử những tiểu quốc Chăm đã tiếp nhận Phật giáo bằng nhiều cách và theo từng mức độ khác nhau.

Nếu phục hưng hình ảnh của dòng chảy Phật giáo ở các tiểu quốc Chăm qua bi ký, di tích và các tác phẩm điêu khắc thì chúng ta có thể thấy chúng trải dài nhiều thế kỷ.

Giai đoạn từ thế kỷ IV cho đến thế kỷ VII hệ thống các tác phẩm điêu khắc và di tích đã phản ảnh sự xuất hiện khá phổ biến của hệ phái Tiểu thừa (Hinayana). Từ thế kỷ thứ VIII trở về sau, hệ phái Đại thừa (Mahayana) hoạt động mạnh hơn. Phật viện Đông phương ở Thăng Bình – Quảng Nam dựng vào cuối thế kỷ IX (875) là một di tích Phật giáo quan trọng nhất ở Đông Nam Á (5). Nét son rực rỡ nhất trong quá trình phát triển Phật giáo ở vương quốc này phải nhắc đến triều đại Indrapura (thế kỷ IX-X).

Ngoài thánh địa Phật giáo Đông Dương ở Quảng Nam khẳng định vai trò quan trọng của Phật giáo vào thời kỳ này, hàng loạt những di tích đồng đại với nó trải dài từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Bình và phía Nam lan tận Quảng Ngãi (thành Châu Sa) đã tự nói lên điều đó.

Di tích Đại Hữu, Mỹ Đức và động Phong Nha ở Quảng Bình là những chứng cứ đầy thuyết phục về vai trò và vị trí của Phật giáo trong giai đoạn này.

Hai di tích Đại Hữu và Mỹ Đức đã được Trường Viễn Đông Bác Cổ khảo sát và tổ chức khai quật khảo cổ học từ đầu thế kỷ XX (1925). Số lượng các di tích và di vật quan trọng mà các nhà khoa học bấy giờ đã mô tả và thống kê, cũng có thể giúp chúng ta hình dung hình ảnh Phật giáo ở tiểu quốc Chăm cực Bắc đương thời:

  1. a.      Di chỉ Đại Hữu:

– Nhóm tháp gồm 3 đơn nguyên kiến trúc gạch mặt bằng có hình vuông cạnh 3,5m. Bi ký ở di tích này đã thông tin cho chúng ta biết sự hiện diện của một bức tượng Ratna – Lokesvara bằng bạc quý giá cùng với một địa điểm hành hương Ratnapura (6).

– Tượng Padmapani (Bồ-tát Liên Hoa) cao 0,97m tạc trên đá sa thạch, là một trong những kiệt tác về nghệ thuật điêu khắc Chăm (7).

– Tượng Phật bằng đồng có giá trị nghệ thuật cao đang được trưng bày ở Bảo Tàng Lịch sử TP. HCM (BTLS TP. HCM).

– Tượng đồng pha bạc thể hiện chân dung ngài Quán Thế Âm (Avalokitesvara) trong hình tượng nam, đang trưng bày ở BTLS TP. HCM.

b.    Di tích Mỹ Đức:

– Phế tích của 3 ngôi tháp gạch có cùng kích thước với cụm tháp ở Đại Hữu.

– Tượng Quán Thế Âm có hình dạng nam nhân tạc trên sa thạch (đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet Pháp).

– Tượng Quán Thế Âm có hình dạng nữ nhân (trưng bày tại Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng, đầu tượng đã bị đánh cắp năm 1988).

– Một số tượng Phật nhỏ đúc bằng đồng (14cm, 13cm, 17cm).

– Một số mảnh bia đá văn tự Sanskrit nói về đấng cứu khổ Quán Thế Âm.

c.    Động Phong Nha:

Mặc dù đây là một di tích Phật giáo quan trọng đã được phát hiện từ đầu thế kỷ XX qua việc tìm thấy những bệ thờ bằng gạch, nhất là những tượng Phật bằng đất nung có kích thước rất nhỏ dùng để đeo hoặc mang trong mình có niên đại thế kỷ XIX – X.

Vào tháng 3 năm 2008, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều dấu tích chữ viết, theo lối Sanskrit phối hợp với dạng chữ Chăm cổ, trên thành động nhũ đá Phong Nha.

Với những phát hiện mới và quan trọng này, đã hé lộ nhiều thông tin đáng quan tâm để có thể công bố chính xác, cần có thời gian giải mã những yếu tố Chăm có kết hợp trong lớp văn tự, mà hiện nay không mấy ai còn hiểu thấu đáo.

Trên vùng đất phía cực Bắc vương quốc Chăm, còn một số di tích khác như Lạc Sơn, Kẻ Nai, Kẻ Đôi, Đồng Chùa, Chùa Hang, Ròn… đều để lại nhiều hiện vật như tượng Phật, Bồ-tát, văn bia… góp phần làm sáng tỏ vị trí quan trọng của Phật giáo ở vùng đất này.

Từ những phát hiện trên, chúng ta có thể nói rằng Phật giáo ở Chămpa đã từng có mặt đa dạng từ Nguyên thủy, Đại thừa và kể cả Mật tông và tư tưởng Kim Cương thừa/Vajrayana từng được truyền bá tại vương quốc này mà bia An Thái (Quảng Nam), có niên đại đầu thế kỷ X, đã đề cập đến.

Những tác phẩm điêu khắc Phật giáo tìm thấy ở Quảng Bình cũng như ở Đồng Dương (Quảng Nam), mang những ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Hoa (nhất là từ miện Hoa Nam, bao gồm Vân Nam, Tứ Xuyên…) mà nhiều nhà nghệ thuật đã chỉ ra. Chúng là những tác phẩm được sáng tác tại bản địa nhưng mang những yếu tố ngoại lai trong kỹ thuật chế tác cũng như thủ pháp tạo hình (9).

Chú thích:

1. “Passage to India” in The New York Review of Book, Volume 51, No 19, December 2002, tr. 2 (bản dịch Đỗ Kim Thêm).

2. Will Durant [Nguyễn Hiến Lê dịch] (1997): Lịch sử văn minh Trung Hoa. Hà Nội, NXB Văn Hóa, tr.191.

3. Himanshu P. Ray (1994): The Winds of Change Buddhism and Maritime Links of Early South Asia . Delhi, Oxford University Press, Bombay Calcutta Madras, p 121.

4 , S . Dutt (1962): Buddhist Monks and Monasteries of India. London, p. 104.

5. Trần Kỳ Phương. Di tích Phật giáo Champa tại Quảng Bình, bản đánh này của tác giả tr. 4

6. Tấm bia này được khắc dưới triều vua Jaya Simhavarman (thế kỷ X)

7. Pho tượng này vốn được trưng bày ở Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng và đã bị mất cắp một phần năm 1988.

8. Chúng tôi được mời tham dự trong thành phần của đoàn khảo sát gồm TS. Thành Phận, TS. Trần Đình Lâm (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, GS TS Takashima Jun, PGS. TS Sawada Hideo, TS. Shine Toshihiko, Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Châu Á và Châu Phi thuộc Đại học Tokyo Nhật Bản.

9. Trần Kỳ Phương, sđd, tr.9

Nguyễn Hữu Thông 

Trích: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 57