mua-xuan-xom-thuong

Y báo và chánh báo

Pháp môn thiền hành là một phương pháp thực tập để dừng lại. Chúng ta trông đợi mỗi người trong khóa tu nắm vững được pháp môn thiền hành và thực tập mỗi ngày. Sự thực tập của ta rất liên quan đến sự thực tập của người khác, vì khi thấy ta thực tập đi từng bước vững chãi và thảnh thơi thì người khác cũng được nhắc nhở. Chúng ta phải nhắc nhở nhau. Chúng ta phải tạo hoàn cảnh cho nhau. Chúng ta có đức tin rằng nếu thực tập thiền hành, chúng ta sẽ chuyển hóa được thân tâm của chúng ta. Vì vậy cho nên dù chỉ được ở bảy ngày ở Làng thì chúng ta cũng thực tập thiền hành trong bảy ngày cho thật đàng hoàng, để rồi khi trở về trú xứ, chúng ta có thể tiếp tục được.

Đánh răng là hạnh phúc

Trong mỗi động tác của đời sống hàng ngày, chúng ta cũng đều thực tập chánh niệm. Thiền tập ở Làng Mai không phải chỉ được thực hiện trong thiền đường mà còn được thực hiện trong nhà bếp, vườn rau, phòng tắm, cầu tiêu… Bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào chúng ta cũng có thể thực tập được chánh niệm. Khi đánh răng chẳng hạn, chúng ta phải thực tập chánh niệm, và đánh răng như thế nào để trong khi đánh răng, chúng ta thấy không những răng sạch và thơm mà tâm chúng ta cũng sạch và thơm. Chúng ta phải có hạnh phúc ngay trong khi đánh răng, chứ ta không đánh răng hối hả để đi ngồi thiền hay để đi ngủ. Có cái bàn chải đánh răng, có kem đánh răng, có nước từ vòi nước chảy ra, có thì giờ để đánh răng, đó là những điều kiện của hạnh phúc. Và khi đánh răng, ta đánh răng như thế nào để cho hạnh phúc có thật và mỗi cử động của bàn tay đều có thể đem lại hạnh phúc. Bàn chải chà nhè nhẹ vào răng, bên trong cũng như bên ngoài và tạo ra cái hạnh phúc rất lớn, chỉ vì ta có ý thức rằng ta còn có răng.

Các sư em như Thuần Nghiêm hay Định Nghiêm đâu có thể tin được rằng một ngày nào đó mình sẽ là một bà già móm không còn răng. Ta cứ tưởng chuyện đó chỉ xảy ra cho người khác chứ đâu có thể xảy ra cho mình. Tôi thế nào cũng phải rụng răng, tôi không thể nào tránh thoát sự rụng răng. Một ngày nào đó ta sẽ không còn răng. Răng của tôi đã thưa ra rồi. Nướu của tôi đã yếu rồi. Tôi đang đi dần tới sự rụng răng. Vì vậy cho nên khi bàn chải đánh răng còn chà xát được vào những cái răng còn vững thì tôi thấy còn hạnh phúc. Tôi còn có thể nhai cơm cháy được, có thể ăn bánh mì dòn tan được. Nhưng đừng tưởng tình trạng sẽ được như vậy hoài.

Khi đánh răng với ý thức về vô thường như thế, với chánh niệm, ta thấy đánh răng đem lại rất nhiều hạnh phúc, vậy tại sao ta phải hối hả đánh răng cho mau xong? Trong những động tác khác của đời sống hàng ngày cũng vậy. Ta đem chánh niệm chiếu rọi vào và ta có thể tìm thấy hạnh phúc trong khi ta làm những chuyện đó. Quét nhà hay lau cầu tiêu đều có thể đem lại hạnh phúc. Khi ta an trú trong chánh niệm và thực tập như vậy thì định lực, niệm lực và hạnh phúc của ta có mặt. Ta được bao bọc bởi năng lượng của Bụt và năng lượng của chính ta tỏa chiếu ở xung quanh. Và những sư anh, sư chị, sư em xung quanh ta sẽ cảm nhận được điều đó, và điều này giúp họ rất nhiều.

Y báo theo chánh báo

Trong đạo Bụt chúng ta có nói tới hai thứ quả báo. Quả báo tiếng Anh là retribution. Một làchánh báo và một là y báo. Chánh báo tức là thân và tâm của chúng ta. Y báo là hoàn cảnh của chúng ta. Ví dụ trồng hoa hướng dương thì ta sẽ gặt hoa hướng dương. Gặt hoa hướng dương tức là báo. Trong quá khứ ta đã sống như thế nào, đã có những hành động nào về thân, miệng và ý, cho nên hôm nay ta có cái thân thể như thế này và cái tâm thức như thế này. Đó gọi là chánh báo. Hình hài, thân thể, sức khỏe và tâm tư ta là chánh báo của ta. Và cái hoàn cảnh bao quanh chánh báo đó gọi là y báo. Y là chỗ mình nương tựa vào. Hoàn cảnh tiếng Anh gọi là environment. Ta đừng tưởng hoàn cảnh nằm ở bên ngoài. Hoàn cảnh cũng do mình tạo ra. Tại vì cả hai đều là báo hết cho nên chánh báo cũng là mình mà y báo cũng là mình.

Làng Mai này là cái mà quý vị đã tạo ra trong quá khứ, vì vậy cho nên hôm nay nó ôm lấy quý vị, nó làm thành cái môi trường trong đó quý vị đang sống. Nếu trong quá khứ ta đã không có gieo trồng những hạt giống Làng Mai thì ngày hôm nay ta đã không ngồi ở đây và ta đã không được bao bọc bởi hoàn cảnh này. Cho nên hoàn cảnh này là y báo của ta. Do hành động trong quá khứ, ta đã tạo ra chánh báo và y báo của ta, và cả hai đều là ta cả. Ta có bổn phận phải nâng cao chất lượng của cả hai cái. Ta nâng cao chất lượng của thân thể, làm cho thân thể mạnh khỏe và vững chãi hơn. Ta nâng cao chất lượng của tâm thức để cho tâm ta nhẹ nhàng, vững chãi và an lạc hơn. Và ta nâng cao chất lượng của hoàn cảnh để cho sự tu tập có nhiều thuận duyên hơn.

Giữa chánh báo và y báo có sự liên hệ mật thiết, ta không thể tách rời hai cái ra được. Cái gọi là ngã có dính líu tới cái mà ta tưởng là phi ngã. Ngã và phi ngã thực ra là một. Chúng ta không thể chia ra giới hạn giữa ta và không ta, giữa chánh báo và y báo, giữa con người ta và hoàn cảnh. Ví dụ ở đây có một người đang chia xẻ cùng một y báo với ta. Ta trở nên một thành phần y báo của người đó. Thành ra, ta vừa là chánh báo của ta mà vừa là y báo của người sư anh của ta. Vì vậy phẩm chất tu học của ta có liên hệ tới phẩm chất tu học của người sư anh của ta. Ta thấy không còn ranh giới giữa chánh báo và y báo. Ta là chánh báo của ta, nhưng đồng thời cũng là y báo cho người sư em của ta. Vì vậy cho nên xây dựng cho ta hay xây dựng cho người sư em của ta cũng là xây dựng cho cái y báo của cả hai.

Có thể trong một giây phút nào đó, ta có cảm tưởng là y báo này không thích hợp cho ta, ta muốn đi tìm một hoàn cảnh khác, thì ta nên nhớ rằng y báo luôn luôn đi theo chánh báo như bóng theo hình. Chúng ta đi đâu thì cái loại y báo đó cũng đi theo. Đi đâu ta cũng sẽ gặp những điều kiện tương tự. Tốt hơn hết là chúng ta nên chuyển hóa thân tâm của ta để tìm cách chuyển hóa cái y báo của ta ngay bây giờ và ở đây và chấm dứt hành động chạy quanh.

Thiết kế y báo

Trong thời đại chúng ta, chúng ta nói rất nhiều tới hoàn cảnh, tới sinh môi. Chúng ta biết rằng sinh môi và hoàn cảnh có ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc của thân tâm, tức là của chánh báo. Người kiến trúc sư vẽ ra một kiểu nhà phải có những kiến thức về khoa học, phải biết về những nhu yếu của cơ thể, của tâm hồn con người để có thể tạo ra môt ngôi nhà trong đó con người cảm thấy thoải mái. Có khi chúng ta bước vào một căn nhà mà thấy ngộp thở, chúng ta thấy những khối bê tông rất nặng, chúng ta cảm thấy tù túng và chúng ta nghĩ rằng nếu phải sống trong ngôi nhà đó, chúng ta sẽ không có hạnh phúc.

Người kiến trúc sư phải thấu rõ nhu yếu của sinh lý, tâm lý, nhu yếu của kinh kế và xã hội của con người để có thể làm ra một ngôi nhà trong đó người cư trú cảm thấy thoải mái và an lạc. Kiến trúc sư phải là một người chuyên môn thiết kế y báo. Chúng ta biết rằng mỗi thành phố lớn có một công viên, ít nhất phải có một công viên, như New York City có Central Park. Nếu là một nhà thiết kế đô thị, chắc chắn ta phải để một công viên trong thành phố, tại vì nếu không có công viên, dân trong thành phố đó sẽ chết bí, không những đứng về phương diện cơ thể mà còn đứng về phương diện tâm hồn nữa. Có những lúc không đi vào công viên được, chúng ta thấy ngộp thở muốn chết. Cho nên những nhà thiết kế đô thị cũng phải biết về khoa học sinh lý, khoa học tâm lý, về những nhu yếu tinh thần và thể chất của con người. Những nhà chuyên môn thiết kế những trục giao thông cũng vậy. Thiết kế thế nào để sự liên lạc giữa các đô thị và vùng quê được dễ dàng, có những con đường có thể đi từ đô thị về miền quê một cách mau chóng. Chúng ta biết rằng cứ mỗi cuối tuần những con đường ở thành phố Paris đi ra ngoại ô đều bị ứ đọng, tại vì nhu yếu thoát ra khỏi thành phố của thị dân rất lớn.

Chúng ta biết rằng sự an vui, hạnh phúc của chánh báo tùy thuộc rất nhiều vào lề lối chúng ta tổ chức y báo của chúng ta. Những nhà kiến trúc, những nhà chuyên môn thiết kế đô thị và những người trông coi sắp đặt lãnh thổ phải có kiến thức vững chãi về những nhu yếu đích thực của con người. Con người có những nhu yếu gọi là nhu yếu đích thực. Có những nhu yếu không phải là nhu yếu đích thực mà chỉ là những thèm khát hay ham muốn. Chúng ta ai cũng có nhu yếu đích thực, chúng ta phải khám phá ra đâu là nhu yếu đích thực của chúng ta và khi chúng ta thực hiện được những nhu yếu đích thực đó, tự nhiên chúng ta có sức khỏe, có sự an vui về cơ thể cũng như về tinh thần. Nhưng trong đời sống hiện đại, ít người trong chúng ta thấy được những nhu yếu đích thực trong chúng ta tại vì chúng ta chỉ sống bởi sự ham muốn. Chúng ta ham muốn cái này, chúng ta ham muốn cái kia, mà những đối tượng của sự ham muốn đó không phải là nhu yếu đích thực.

Một kiến trúc sư mới có thể nghĩ ra chuyện để làm thỏa mãn những ham muốn, tức là những nhu yếu không đích thực của chúng ta. Ví dụ khi chủ nhà về, ông ta chỉ cần nói với cánh cửa rằng: ‘‘Ta đây, ta là chủ nhà này đây’’ thì cánh cửa tự động mở ra, còn nếu một người khác nói thì vì giọng nói đó không phải là giọng nói của ông chủ nên cánh cửa sẽ không bao giờ mở. Khỏi cần lấy chìa khóa ra, khỏi cần lắp vô và khỏi cần mở. Bây giờ nền kiến trúc mới đang đi về hướng đó. Chúng ta không cần giặt áo quần nữa vì đã có máy giặt. Cà-phê, chúng ta cũng không cần làm nữa, chỉ cần thiết kế cho đúng giờ thì có cà-phê uống. Đó là nhu yếu của thời đại.

Ngày xưa có những người ra bờ sông để giặt lụa như nàng Tây Thi. Thiếu nữ giặt áo ở bờ sông là một hình ảnh rất đẹp. Các cô có thể đùa giỡn với nhau, khoát nước vào nhau…, những cái đó bây giờ ta không thấy nữa, vì nhà nào bây giờ cũng có máy giặt và máy sấy. Chúng ta đi tìm cái gọi là tiện nghi nhưng nhiều khi chúng ta đi quá xa. Có những cậu bé ăn thịt bò mà chưa bao giờ thấy con bò. Có những cô bé ăn cá mà chưa bao giờ thấy cá, nghĩ rằng cá là một cái gì hình vuông vì con cá bán ở siêu thị hình vuông. Và sự kiện những chai sữa tìm tới nhà mình mỗi sáng không còn là một cái gì làm cho cậu bé ngạc nhiên nữa. Cậu nghĩ rằng chuyện sữa xuất hiện mỗi bữa sáng trước cửa nhà mình là một chuyện dĩ nhiên trên đời. Trong khi đó thì những nhu yếu đích thực của chúng ta thì chúng ta không có để mà thỏa mãn.

Nhu yếu giả tạo

Vì vậy cho nên trong nếp sống hằng ngày của chúng ta, chúng ta phải thường xuyên dùng chánh niệm soi chiếu để thấy được những cái gì là nhu yếu đích thực, và cái gì chỉ là những hình ảnh và những đối tượng của ham muốn mà chúng ta quả thật không cần tới. Kỹ nghệ quảng cáo của thời đại mới tạo ra cho chúng ta những ý niệm về những cái chúng ta cần. Trong khi đó chúng ta thật sự không cần những cái đó. Khi quảng cáo người ta phải nói dối trong khi họ biết rằng những điều họ nói không phải là sự thật mà họ vẫn cứ nói, tại vì mục đích của họ là bán hàng.

Có một Phật tử tham dự khóa tu, trước khi thọ giới đã lên tâm sự với tôi: ‘‘Con thấy khó mà tiếp nhận giới thứ tư – giới thứ tư tức là nói sự thật – tại vì nếu con nói sự thật thì con có thể mất việc. Phận sự của con là đi bán hàng cho hãng, và con phải nói về những cái hay và cái đẹp của món hàng con bán, nhưng con không được nói tới những cái hại khi người ta sử dụng món hàng con bán. Nếu con nói sự thật thì ông chủ sẽ không cho con làm nữa.’’

Có hãng quảng cáo truyền hình và máy vi tính của họ như sau: ‘‘Chúng tôi đưa con người gần lại với nhau’’ (We bring people together), nghe rất hấp dẫn. Ý nói là nhờ có truyền hình, nhờ có máy vi tính mà người ta tới được với nhau. Điều đó ta chỉ cần nhiếp tâm quán chiếu một chút thì ta sẽ thấy không đúng. Máy truyền hình không đưa con người tới với nhau. Ví dụ hai cha con kia, một người đi làm về, một người đi học về, ăn cơm xong mở máy truyền hình ra. Hai cha con suốt ngày đã không được gần nhau, không được nói chuyện với nhau, không được tâm sự với nhau. Cả hai chỉ còn lại một chút thì giờ trước khi đi ngủ, vậy mà lại mở máy truyền hình ra để rồi cả hai ‘‘dán’’ mắt vào máy truyền hình, thì thử hỏi cái máy truyền hình đó có đem hai cha con tới gần với nhau không hay chia rẽ hai cha con với nhau? Quảng cáo thì rất hay nhưng sự thật thì ngược lại.

Trong thời đại chúng ta, tin tức dồn dập bay tới mỗi ngày. Mỗi giờ đồng hồ đều có bản tin mới, có khi mỗi mười lăm phút lại có bản tin mới. Chúng ta có thể ngồi suốt ngày để nghe tin tức, nhưng việc ngồi nghe những tin ấy đâu có đưa ta tới gần với nhau đâu? Những nhu yếu kia đâu phải là những nhu yếu đích thực. Chúng ta phải làm việc như trâu như ngựa để có đủ tiền mà thỏa mãn những nhu yếu không chính đáng đó, những ham muốn đó. Và xung quanh ta, tức là trong y báo của chúng ta, người ta tạo ra những ý niệm về hạnh phúc, những ý niệm giả tạo về nhu yếu để chúng ta chạy theo và để chúng ta không thấy được những nhu yếu đích thực của chúng ta.

Là người tu, chúng ta phải đề cao sự tỉnh thức, đề cao chánh niệm, để biết rằng hạnh phúc của mình là ở chỗ mình có thể thỏa mãn được những nhu yếu đích thực của mình. Ta đừng chạy theo những cái mà người ta cố mô tả là hạnh phúc, mà kỳ thực chỉ là những nhu yếu giả tạo có tác dụng làm hư hoại cái thân và cái tâm của ta. Trong khung cảnh tu học, ta phải biết nhận định đâu là những nhu yếu đích thực cho sức khỏe hình hài và sức khỏe tâm linh của ta, và ta chỉ muốn xây dựng những điều kiện để thỏa mãn những nhu yếu đó mà thôi.

Cố nhiên là ở tại một trung tâm tu học chúng ta cũng muốn có những tiện nghi. Ai mà không muốn có tiện nghi! Nhưng mà những tiện nghi nào đích thực là tiện nghi? Chúng ta ở đây, chúng ta đâu có cần nói với cánh cửa rằng: Tôi đây, sư cô Tuệ Nghiêm đây, hãy mở cửa cho tôi vô. Chúng ta không cần bàn chải đánh răng bằng điện. Chúng ta cũng không cần dao cắt cà-rốt bằng điện. Chúng ta phải tỉnh táo lắm mới được. Chúng ta không nên nhìn theo người khác, và chúng ta không nói rằng: người khác có cái đó mà tôi không có cái đó thì tôi không có hạnh phúc. Đau khổ của con người phát sinh ở chỗ nhìn người khác và mong ước có được những cái người khác có mà mình đang không có. Không chắc những cái người khác đang có đã làm cho người ấy có hạnh phúc. Có thể những cái người khác có đang làm cho họ thất điên bát đảo.

Tiện nghi

Cách đây mấy năm ở tại Làng Mai, xóm Thượng cũng như xóm Hạ, mỗi mùa Đông trong khi chúng ta đi từ cư xá này qua cư xá khác thì guốc của chúng ta dính toàn bùn. Đi đâu cũng có bùn hết. Một thiền sinh ở Hoa Kỳ qua bên này tu học ba tháng, trước khi về lại Mỹ đã đem theo một vật để kỷ niệm Làng Mai: một gói bùn ở Làng Mai. Bây giờ đây chúng ta đã trải đá một số đường, nhưng may mắn thay, chúng ta vẫn còn có những con đường đất. Nếu chúng ta đã không từng đi trên những con đường đất có bùn thì làm sao chúng ta thấy có hạnh phúc được đi trên những con đường trải đá. Cho nên tại Làng Mai, chúng ta đừng nên trải đá hết tất cả những con đường. Chúng ta phải để lại một ít những con đường bùn lầy, cái đó sẽ đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Cái đó rất quan trọng.

Chúng ta có tiện nghi nhưng không nên đẩy cái tiện nghi ấy tới mức quên lãng. Chúng ta đã từng vào những ngôi chùa mà từ ngoài đường đi vào sân đều được đúc xi-măng hết, không thấy một cọng cỏ mọc. Nó sạch quá cho đến nỗi chúng ta không còn cảm thấy thoải mái. Chúng ta mong ước rằng Làng Mai sau này đừng có cảnh mà từ trước cổng đi vào đều có lát gạch, lát đá hay là đúc xi-măng. Chúng ta thường ao ước rằng chúng ta sẽ có lò sưởi trong tất cả các phòng – lò sưởi trung ương (central heating). Có thể là mai mốt những lò sưởi củi của chúng ta sẽ bị liệng đi hết, và chúng ta sẽ khỏi phải cưa củi, khỏi phải thức dậy nửa đêm bỏ củi vào lò, khỏi phải nhen lửa, và chúng ta sẽ quên đi cái hạnh phúc là trong phòng có hơi ấm. Nếu đi vào phòng mà thấy lạnh và ta tự đốt lò lên cho phòng ấm thì ta mới thấy có hạnh phúc. Quý vị có nhớ những lúc bước vào phòng mà ngửi thấy hương thơm của củi trong lò hay không? Ở tại Làng Mai, đôi khi chúng ta có cảm tưởng rằng ta thiếu nhiều tiện nghi, nhưng dưới ánh sáng của sự quán chiếu, chúng ta nên đặt câu hỏi: chúng ta có nên duy trì những cái thiếu tiện nghi đó không hay là chúng ta lấy những cái ấy ra hết để tất cả trở thành có tiện nghi? Câu trả lời rất rõ ràng: chúng ta không nên.

Nhu yếu đích thực

Tại vì nếu chúng ta làm cho cái gì cũng trở thành tiện nghi hết thì chúng ta sẽ mất hết hạnh phúc. Cố nhiên là chúng ta có cái tập khí là hay so sánh và hay than phiền là người khác có điều kiện này mà mình không có điều kiện này và vì vậy chúng ta bực bội, chúng ta ganh tỵ, chúng ta tức tối và do đó chúng ta không có hạnh phúc. Chúng ta nên nhớ một điều là khi chúng ta đang ở trong cùng một môi trường – một cái y báo – chúng ta phải quán chiếu để thấy rằng những nhu yếu đích thực của chúng ta có được thỏa mãn trong môi trường đó hay không, chứ đừng nghĩ tới những ham muốn, những tiện nghi mà người khác đang có và ta đang không có.

Trước hết chúng ta thấy rằng ở Làng Mai có không khí tốt, xóm Thượng cũng như xóm Hạ có những nẻo thiền hành rất đẹp. Đó là những tiện nghi có thể thỏa mãn những nhu yếu đích thực của chúng ta mà người kia, người ta ganh tỵ, cũng chỉ có bằng ta chứ không có hơn ta, tại vì người ựấy cũng chỉ có cái không khí đó mà thôi. Không khí người đó thở không có phẩm chất cao hơn không khí mà ta thở đâu, và những con đường thiền hành người đó đi, ta cũng có quyền đi. Ta hoàn toàn bình đẳng với người đó. Người đó có thì giờ để vào tham dự buổi thiền tọa sáng, đi kinh hành và tụng kinh thì ta cũng có thì giờ tham dự thiền tọa sáng, đi kinh hành và tụng kinh. Ta với người đó hoàn toàn bình đẳng. Người đó mỗi tuần được nghe hai bài pháp thoại và được dự vào hai buổi pháp đàm thì ta cũng có quyền nghe hai bài pháp thoại và dự hai buổi pháp đàm. Người đó có quyền đi thiền hành với đại chúng mỗi ngày một lần, ta cũng có quyền đi thiền hành với đại chúng mỗi ngày một lần.

Nói tóm lại, nếu chúng ta thắp sáng ngọn đèn chánh niệm thì chúng ta thấy rằng khung cảnh của chúng ta có đủ những điều kiện để chúng ta làm thỏa mãn những nhu yếu đích thực của chúng ta, cái đó là quan trọng, còn những chi tiết khác không quan trọng, và tất cả tùy thuộc nhận thức của chúng ta. Ví dụ chuyện ngồi thiền hay là thiền hành, đó là thức ăn hằng ngày của chúng ta. Nếu chúng ta coi đó là bổn phận hay là sự bắt buộc thì sự ngồi thiền hay thiền hành trở thành không dễ chịu. Cũng như chuyện đánh răng. Bắt buộc phải đánh răng trước khi đi ngủ hay là được đánh răng trước khi đi ngủ, cái đó tùy thuộc vào nhận thức của chúng ta. Có một sư em được giao phó một ít công việc để giúp con nít đói ở nhà được sư chị căn dặn rằng: Em nên làm việc có chừng mực thôi để còn có thì giờ mà tham dự vào những buổi thiền tọa, thiền hành và pháp đàm, chứ đừng có dùng hết thì giờ để làm chuyện giúp con nít đói mà bớt đi sự tham dự thực tập hằng ngày. Sư em trả lời: Chuyện thiền hành và thiền tọa là sự sống hàng ngày của em, làm sao em bỏ được. Câu nói làm cho sư chị ấm phổi và ấm tim. Thiền hành, thiền tọa, thiền tập là sự sống, là thức ăn của mình chứ không phải là điều bắt buộc. Thái độ đó làm cho thầy, làm cho các sư anh và sư chị rất sung sướng.

Có một sư em khác ngồi sắp hết tất cả những cuộn băng giảng của thầy trong mười năm qua gom lại thành từng khóa: khóa mùa Đông, khóa mùa Hè, khóa mùa Xuân, khóa bên Đức, khóa bên Anh, khóa bên Mỹ, v.v.. Và sư em làm việc từ tám giờ rưỡi sáng cho đến sáu giờ chiều, không chịu đi nghỉ ngơi gì hết. Thầy hỏi: ‘‘Ở Xóm Hạ con làm việc mấy giờ mà tới đây con làm việc từ sáng tới chiều?’’ Sư em nói: ‘‘Trong khi con soạn những bộ băng như vậy, con thấy là con đang đi thăm cái gia tài của con, và con khám phá bao nhiêu châu báu chất chứa từ bao nhiêu năm nay. Có những khóa mà con chưa được học, như khóa Đại Tạng Nam Truyền. Ngày xưa sư chị con sau khi học xong khóa Nam Truyền này đã xin đi xuất gia. Thấy bộ băng Nam Truyền này, con cảm động quá, con thấy đó là một kho tàng của con, thành ra trong khi làm việc con thấy con không có cảm giác mệt mỏi gì hết.’’

Y báo ở đây cũng vậy. Y báo đẹp hay không đẹp, thuận lợi hay không thuận lợi, thích hợp hay không thích hợp cho ta, một phần lớn là do cách thức ta tiếp nhận. Nếu có tri giác sâu sắc và cởi mở hơn, ta sẽ khám phá ra rằng trong môi trường đó ta có thể thỏa mãn những nhu yếu đích thực của thân tâm ta, và tự nhiên ta cảm thấy hạnh phúc và an toàn trong cái hoàn cảnh đó, và ta quyết định cùng nhau xây dựng cho cái y báo đó càng ngày càng đẹp để nuôi dưỡng ta, và tư tưởng rời bỏ chốn này đi tìm chốn khác sẽ không bao giờ nẩy sinh nữa.

Đừng rước giặc vào nhà

Khi chúng ta vẽ một vòng tròn rất nhỏ nằm trong một vòng tròn lớn, thì cái hình tròn nhỏ là chánh báo nằm trong và hình tròn y báo bao quanh. Ta biết rằng đây chỉ là một cách vẽ, nó không hoàn toàn đúng, tại vì y báo như thế nào là do cách mình nhận thức, và vì vậy tâm mình (chánh báo) cũng đang bao trùm y báo. Chính mình đã sinh ra cái y báo này. Chính nhận thức của ta đã tạo ra y báo và cũng chính nhận thức của ta đang nâng cao phẩm chất của y báo ấy cùng với sự cọng tác của những người khác. Vì vậy cho nên y báo nằm trong ta hay nằm ngoài ta đó là câu hỏi. Cũng như trong nhà kia có một máy truyền hình. Chúng ta thường nói là cái nhà bao trùm cái máy truyền hình, nhưng kỳ thực cái máy truyền hình bao trùm lên cái nhà. Tại vì sao vậy? Bởi máy truyền hình là một y báo có thể làm cho cái nhà trở nên rất ồn ào, không cho người trong nhà có cơ hội trở về với nội tâm. Máy truyền hình thường là dụng cụ lôi kéo ta đi ra khỏi ta. Vì vậy cho nên cái máy truyền hình bao trùm lên cả cái nhà và tất cả mọi người trong nhà phải chịu đựng nó.

Ban đầu chúng ta thấy cái nhà chứa cái máy truyền hình, nhưng nhìn cho kỹ thì cái máy truyền hình đang chứa cái nhà. Cái máy truyền hình giống như con ngựa gỗ vĩ đại đi vào thành phố Troie, nó làm cho thành phố này rơi vào tay quân giặc. Vua nước Ngô tên là Phù Sai, nước rất lớn. Có một nước khác tên là Việt. Vua Việt là Câu Tiễn. Việt vương Câu Tiễn có một người đẹp tên là Tây Thi. Câu Tiễn đã đành lòng đem Tây Thi mà cống hiến cho vua Ngô. Nụ cười, tiếng khóc của Tây Thi ghê gớm lắm. Vua Ngô tưởng rằng đã chiếm được Tây Thi cho mình, cho gia đình, cho quốc gia mình, nhưng chính Tây Thi ngồi trong lòng Ngô đã làm cho nước Ngô tan nát, và Việt vương Câu Tiễn đã chiến thắng được nước Ngô. Cái máy truyền hình cũng vậy.

Chúng ta mua máy truyền hình về nhà với mục đích đem niềm vui, hạnh phúc cho ta và cho các con ta, nhưng thật ra chúng ta đã đem giặc vào nhà mà không biết. Bởi chính cái máy truyền hình đó phá tan nhà cửa của ta, nó chuyên chở vào tâm mọi người trong nhà tất cả những lực lượng phá hoại của các đài truyền hình. Các đài truyền hình đã tạo ra cho chúng ta những đối tượng ham muốn, chúng ta chạy theo những thứ đó, chúng ta bỏ những người thương của chúng ta, chúng ta bỏ những nhu yếu đích thực của chúng ta. Chúng ta chạy theo những ham muốn đó, cha chạy theo đường cha, mẹ chạy theo đường mẹ, con chạy theo đường con, và tuy sống chung trong một nhà nhưng chúng ta không thật sự gần gũi nhau. Mỗi người đi tìm một nẻo hạnh phúc khác nhau, và bóng dáng hạnh phúc đó có thể lại do những đài truyền hình tạo ra.

Vậy thì tại sao anh dám quảng cáo rằng cái máy truyền hình của các anh chế tạo ra có thể đưa người ta tới với nhau? Sự thật nó làm chuyện ngược lại. Ở Làng Mai chúng ta cũng có vài cái máy truyền hình nhưng vì chúng ta chỉ dùng chúng để nghe băng pháp thoại thôi thì quân giặc đâu có làm gì ta được. Chúng ta được chánh niệm giữ gìn. Chúng ta bắt mấy cái máy truyền hình của chúng ta tu chung với chúng ta: chúng chỉ được nói và nghe pháp thoại thôi.

Máy truyền hình tuy nằm ở trong nhà nhưng kỳ thực nằm ở ngoài nhà. Hoàn cảnh của chúng ta tuy nằm ở ngoài nhưng kỳ thực đã do chính chúng ta tạo ra. Thoải mái hay không thoải mái, hạnh phúc hay không hạnh phúc, cái đó tùy thuuộc nơi nhận thức của chúng ta về hoàn cảnh của ta.

Theo Langmai.org