photo-2-155920147318583904567

Bởi vì tấm vải che tử thi không có túi

Vị tỷ phú truyền cảm hứng cho Bill Gates, Warren Buffett: Ở nhà thuê, không có ô tô, từ thiện toàn bộ tài sản 8 tỷ USD và triết lý ‘Tấm vải che tử thi không có túi!’

Tỷ phú Charles Francis Feeney – “Jame Bond của giới từ thiện” đã hoàn thành tâm nguyện “rỗng túi” khi về già của mình và đóng góp toàn bộ tài sản để làm từ thiện.

Bạn đã bao giờ thắc mắc rằng các tỷ phú của thế giới như Bill Gates, Warren Buffet hay Jeff Bezos dành bao nhiêu phần trăm trong tài sản của họ để làm từ thiện? Dưới đây là dữ liệu được công bố từ năm 2017:

Warren Buffett: 71,1%

Bill Gates: 22,2%

Mark Zuckerberg: 2,9%

Jeff Bezos: 0,1%

Nếu như nhà sáng lập Microsoft Bill Gates hay phù thủy đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán Warren Buffet được biết đến là những vị tỷ phú hào phóng bậc nhất thì cái tên Charles Francis Feeney lại kín tiếng hơn. Tuy nhiên, người đàn ông này có ảnh hưởng không hề nhỏ và chính là nguồn cảm hứng cho Warren Buffet hay Quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng Bill Gates.

Charles Francis Feeney: Từ vị tỷ phú kiếm hàng tỷ USD nhờ kinh doanh hàng miễn thuế…

Feeney sinh tại New Jersey trong thời kỳ Đại suy thoái và xuất thân từ gia đình trung lưu với cha mẹ là người Mỹ gốc Ireland ở Elizabeth, New Jersey. Ông tốt nghiệp Trường Quản trị khách sạn thuộc Đại học Cornell (Cornell University School of Hotel Administration) và bắt đầu sự nghiệp bán hàng miễn thuế cho nhân viên Hải quân Hoa Kỳ tại các cảng Địa Trung Hải vào những năm 1950.

Sau đó, Feeney cùng người bạn Robert Warren Miller mở rộng sang bán ô tô, thuốc lá và thành lập nên Tập đoàn Duty Free Shoppers (DFS Group) vào ngày 7 tháng 11 năm 1960. DFS bắt đầu hoạt động tại Hồng Kông rồi tiến sang châu Âu và các lục địa khác.

Hiện nay, DFS đang vận hành khoảng 420 cửa hàng miễn thuế tại 11 sân bay quốc tế, 20 cửa hàng trung tâm thành phố Galleria, cũng như các địa điểm nghỉ dưỡng trên khắp thế giới.

… đến người đàn ông vàng của làng từ thiện

Nếu cư dân mạng từng xôn xao với câu hỏi “Nhiều tiền để làm gì?” thì với Feeney, câu trả lời chắc chắn là: Để làm từ thiện!

Trong suốt cuộc đời mình, Feeney đã trao tặng số tài sản 8 tỷ USD thông qua Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies do ông sáng lập, tập trung vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế,… tại Mỹ, Úc, Nam Phi, Ireland và cả Việt Nam.

Tổ chức The Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương) được Feeney thành lập năm 1982. 2 năm sau, ông bí mật chuyển toàn bộ 38,75% cổ phần DFS của mình có trị giá khoảng 500 triệu USD vào The Atlantic Philanthropies.

Được mệnh danh là “Jame Bond của giới từ thiện”, ông đã từng cống hiến cho đại học Cornell 588 triệu USD, cho đại học California và Stanford số tiền lần lượt là 125 triệu USD, 60 triệu USD. Vị tỷ phú từng bỏ vốn 1 tỷ USD để cải tạo và xây mới 7 trường đại học ở New Ireland cùng hai trường đại học ở Northern Ireland. Ông cũng thành lập quỹ từ thiện để phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch cho trẻ em ở các nước đang phát triển.

Feeney đã xây cả ngàn tòa nhà khắp châu lục, nhưng tên của ông không hề xuất hiện trong bất cứ công trình nào, từ trên các viên đá ốp tòa nhà hay trong các văn bản. Trong nhiều năm, quỹ Atlantic Philanthropies của Feeney yêu cầu những người được hưởng lợi không được công khai sự tham gia giúp đỡ của họ.

Năm 2016, Feeney đã tặng 7 triệu USD cuối cùng đến Đại học Cornell, nhằm hỗ trợ sinh viên làm công tác dịch vụ cộng đồng. Điều này cũng chính thức giúp ông hoàn thành được ước nguyện “rỗng túi” khi về già và khát vọng “cho đi trong khi còn sống” của cả đời mình.

Từ vị tỷ phú keo kiệt với chính mình: không nhà, không xe…

Đến năm 1980, Feeney bắt đầu nhận thấy những ảnh hưởng mà số tiền, tài sản lớn mang lại cho gia đình và cố gắng đảm bảo những đứa trẻ của ông vẫn hiểu được giá trị của sự chăm chỉ.

Vị tỷ phú khi ấy cảm thấy như sự giàu có của mình bắt đầu đè bẹp cuộc sống gia đình và trở nên khó chịu với những thứ vật chất xa xỉ, dư thừa như nhà, xe hơi, tiệc tùng hay kỳ nghỉ sang trọng. Khi đi khắp thế giới, nhìn thấy sự khốn khổ mà rất nhiều người đang phải sống mỗi ngày, nỗi niềm, trăn trở của ông lại ngày một lớn thêm.

Chính điều này đã thúc giục ông tối giản hóa cuộc sống của mình đồng thời cống hiến tiền của, sức lực cho các dự án từ thiện.

Feeney “keo kiệt” với bản thân đến mức hiện tại, ông và vợ chỉ đang sống trong một căn hộ cho thuê ở thành phố San Francisco nước Mỹ. Ông chưa từng mặc quần áo hàng hiệu, kính mắt rất cũ kỹ, đồng hồ đeo tay cũng chẳng hợp thời. “Jame Bond của giới từ thiện” không thích món ăn đắt tiền và tự gọi mình là “kiểu người hạnh phúc với một chiếc bánh kẹp phô mai và cà chua nướng”. Ông thậm chí không có ô tô riêng, ra ngoài thường đều đi bằng xe buýt, sử dụng vé máy bay hạng thường và túi vải để đi làm.

Mặc khác, nếu bạn cùng Feeney đến một quán rượu nhỏ uống bia, ông nhất định sẽ cẩn thận kiểm tra đối chiếu hóa đơn. Nếu bạn ở lại nhà vị tỷ phú này, trước khi ngủ, ông ấy nhất định sẽ nhắc bạn tắt đèn.

… đến triết lý: Tấm vải che tử thi không có túi!

Nhiều người không khỏi thắc mắc trước phong cách sống dị thường, dửng dưng với khối tải sản cả tỷ USD của ông. Sau khi việc từ thiện vốn được giấu kín bị tiết lộ, nhiều nhà báo, phóng viên đã mang câu hỏi này đến với vị tỷ phú.

Đây là lời giải đáp từ chính Feeney: “Một con hồ ly thấy bồ đào trong vườn kết trái đầy, muốn vào trong ăn một chầu no bụng, nhưng giờ nó mập quá, không chui vào được. Thế là ba ngày ba đêm nó không ăn không uống để thân thể gầy xuống, cuối cùng cũng chui vào được! Ăn no nê, cảm thấy thỏa mãn, nhưng khi nó muốn rời đi, lại không chui ra được. Bất đắc dĩ đành phải giở trò cũ, lại ba ngày ba đêm không ăn uống. Kết quả, lúc nó đi ra, bụng vẫn giống như lúc đi vào.”

“Chỗ Thượng Đế ở không có ngân hàng, mỗi người đều là trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời.”, ông từ tốn nói.

Nhưng vì sao ông quyên góp hết toàn bộ gia tài của mình? Câu trả lời của ông đơn giản và ngoài dự đoán của mọi người! Feeney nói: “Bởi vì tấm vải che tử thi không có túi.”

Người đàn ông ấy, dành phần lớn 88 năm cuộc đời cùng toàn bộ khối tài sản của mình để cho đi, để giúp cuộc sống của những số phận khó khăn trở nên tươi sáng hơn. Hành động cao cả ấy chắc chắn đã, đang và sẽ mãi là nguồn cảm hứng, động lực tích cực không chỉ cho những người giàu có và nổi tiếng mà còn chạm đến lòng trắc ẩn trong mỗi chúng ta.

Theo T.Dương

Nhịp Sống Kinh Tế