chay-rung-ruc-luc-rang-sang-2-nha-pho-chua-lang-bi-thieu-rui

Bài học từ đống tro tàn

Khi trung tâm tu học của đạo tràng bị thiêu rụi, Anam Thubten coi đó là một bài học về sự vô thường. Thay vì dằn vặt và đau khổ về những mất mát xảy ra, anh cho rằng nên chấp nhận điều ấy để lòng mình thư thái nhẹ nhàng.

Vào năm 2016, sau hơn hai năm tìm kiếm, Tăng đoàn của Thubten đã mua được một trung tâm tu học tuyệt đẹp ở Big Sur, để mọi người có thể tu học cùng nhau. Mảnh đất có những tòa nhà xinh đẹp và những cây sồi cổ thụ tỏa bóng mát tô điểm cho quang cảnh thêm tươi. Mọi người dành ra 6 tháng đầu năm 2016 để chuẩn bị cho các khóa sinh đến tu học. Một cặp vợ chồng chuyển đến ở trong một ngôi nhà và làm người coi sóc trung tâm. Chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau dự định về các khóa tu học cho các khóa sinh tham dự và kế hoạch thực hiện chúng.

Mùa hè năm ấy khi đang ở Pháp, tôi nhận được một cú điện thoại từ người bạn đồng tu  cho biết một vụ cháy rừng đang hoành hành tại Big Sur. Cặp vợ chồng trông coi trung tâm đã đi sơ tán. Trước tình hình đó, chúng tôi không thể làm được gì, không thể ngăn được vụ cháy rừng dữ dội đang xảy ra. Chúng tôi không thể khiến lửa ngừng cháy và gió ngừng thổi. Trung tâm tu học đã hoàn toàn bị cháy rụi.

Chỉ Là Ảo Tưởng

Lão Giáo có câu: “Có mười nghìn niềm vui và mười nghìn nỗi buồn.” Mặc dù đây là một chân lý sâu sắc và không thể tránh né, hầu hết chúng ta chỉ muốn chấp nhận một nửa sự thật. Chúng ta hoan hỷ với những niềm vui nhưng lại  không muốn đón nhận nỗi buồn. Nỗi buồn là bình thường, là lẽ tự nhiên, nhưng chúng ta lại cho đó là vấn đề, là trục trặc mà chúng ta cần phải giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở tự thân nỗi buồn, mà ở chỗ chúng ta không muốn chấp nhận chúng như là một phần tự nhiên trong cuộc sống. Chúng ta cố gắng thoát khỏi đau khổ và tìm kiếm hạnh phúc là mặt đối lập của buồn đau. Chính nỗ lực đi ngược lại quy luật tự nhiên này khiến chúng ta đau khổ. Đau khổ không chừa một ai. Cho dù là người khỏe mạnh hay ốm đau, giàu có hay nghèo hèn, được yêu thương hay cô đơn thì đau khổ vẫn đến. Đau khổ xuất phát từ sự bất an trong sâu thẳm tâm hồn con người khi cố gắng đi ngược lại với quy luật cuộc sống vốn chứa đựng cả hạnh phúc lẫn khổ đau.

Thực tế là chúng ta không có cách nào để dự đoán chính xác mọi thứ 100%. Không có sự an toàn nào tuyệt đối. An toàn tuyệt đối chỉ là một ảo tưởng lớn.

Khi được phép quay lại trung tâm tu học sau vụ hỏa hoạn, những gì chúng tôi phải chịu đựng và đối diện không chỉ là nỗi buồn mà còn là cả một quang cảnh hoàn toàn khác lạ. Nếu chúng tôi không muốn tin rằng trung tâm tu học, nơi từng là niềm vui giờ trở thành nỗi đau, thì việc đó vẫn xảy ra. Chúng ta muốn niềm vui nào cũng kéo dài mãi mãi, nhưng không cần phải nhìn quá xa thì ai cũng biết rằng không có điều gì trường tồn. Mọi thứ đều sẽ tan vỡ; mọi thứ đang thay đổi, biến hoại. Chúng ta không thể dựa mãi vào sự giàu có, bạn bè hay hoàn cảnh thuận lợi hiện có. Chúng ta thậm chí còn không thể dựa vào cơ thể hoặc tâm trí của chính mình. Sâu thẳm trong tâm hồn, chúng ta biết điều này. Đó là lý do tại sao chúng ta có quá nhiều cảm giác về sự bất an trong suốt cuộc đời.

Đức Phật đã giải thích vấn đề hóc búa này của con người bằng Tứ Diệu Đế – Bốn Sự Thật Cao Quý. Ngài dạy rằng tham ái là gốc rễ của đau khổ. Con người khao khát hạnh phúc, muốn được thoải mái và dễ chịu, và không muốn phải rơi vào tình trạng ngược lại. Chúng ta khao khát an ninh, muốn mọi thứ đừng bao giờ thay đổi để có được sự ổn định. Sự khao khát này là điều khiến cho những điều bất như ý trở thành đau khổ cho con người, ngay cả khi người ấy đang hưởng phúc lành với những điều kiện và hoàn cảnh vật chất thuận lợi hơn so với mặt bằng chung. Căn bệnh này đã ăn sâu vào trong con người. Sự khao khát an toàn chính là lòng khao khát sự thường hằng, là điều không thể đạt được nếu chưa Niết Bàn. Gốc rễ của sự khao khát an toàn chính là bản năng sinh tồn đã hình thành trong tâm sinh lý con người qua hàng triệu năm tiến hóa.

Một điều nữa là chúng ta cũng không thích điều gì bất ngờ. Chúng ta muốn mọi thứ được đặt dưới sự kiểm soát để có thể dự đoán được mọi điều trong cuộc sống. Nhưng sự thật là không có dự đoán nào chính xác 100% và không có sự an toàn nào là tuyệt đối. An toàn tuyệt đối chỉ là một ảo tưởng lớn. Điều mâu thuẫn là khi chúng ta nỗ lực làm mọi thứ để có sự an toàn tuyệt đối thì chính nỗ lực và mong muốn ấy khiến chúng ta trở nên bất an, mất đi sự an nhiên, bình an và niềm vui trong tâm hồn. Chúng làm cho chúng ta trở nên thui chột, khiến con tim chúng ta khép chặt lại và vì thế mà chúng ta không thể trải nghiệm tình yêu vô điều kiện. Con người sợ phải mất đi cuộc sống này và chính nỗi sợ hãi đó khiến chúng ta chưa bao giờ được sống một cách đúng nghĩa. Vì mong muốn được an ninh tuyệt đối, chúng ta che chắn, khép chặt và biến cuộc đời của mình ngột ngạt như chốn lao tù.

Sự chú tâm đơn thuần

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể thực hành theo lời Đức Phật dạy; gọi là sự chú tâm đơn thuần. Đây là việc thực hành nhìn sâu vào tất cả mọi thứ – không tâm thiên vị, không định kiến, không sợ hãi, không dè chừng. Chỉ đơn giản là chú ý đến trải nghiệm thuần khiết. Khi chúng ta nhìn sâu vào sự vật với tâm buông xả rỗng rang như thế, sự thật của vô thường được tiết lộ. Ta sẽ thấy rõ ràng rằng không có gì là chắc chắn, vĩnh cửu ỡ cõi đời này. Tất cả mọi sự đều chảy đi như dòng nước và thay đổi. Sự thật vượt thời gian này có mặt ở mọi nơi, mọi sự việc. Chúng ta có thể thức dậy và nhận ra không chỉ là mối liên kết chặt chẽ giữa sự thật về cái chết và sự tỉnh giác của chúng ta. Chúng ta có thể tìm thấy sự thật siêu lý qua bản chất vô thường của sự vật. Cái thấy biết đó không bắt ta phải thoát ra hay chạy trốn khỏi cuộc đời này, mà trái lại thâm nhập sâu vào mọi thứ: sự sống, sự tồn tại, sự sinh ra, cái chết.

Bất an là sự thật siêu lý

Sự thiệt hại tại trung tâm tu học của đạo tràng ở Big Sur là một bài học sâu sắc đối với tôi, thậm chí còn cho tôi cảm nhận sâu xa hơn cả khi đọc kinh sách. Khi chúng ta thấy mình hoàn toàn bất lực trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, ta không thể làm gì ngoài chấp nhận sự thật của vô thương. Đây là khía cạnh sâu sắc của sự bất an. Nếu chúng ta chấp nhận sự thật rằng cuối cùng thì không có gì cho ta dựa vào được, rằng không có gì trong vũ trụ này là thường hằng, ngay cả thân này của chúng ta thì không có gì còn tồn tại ngoài chữ không rỗng rang ấy. Sự trống rỗng tràn ngập trong mọi thứ. Đức Phật gọi nó là Pháp.

Chúng ta có thể tìm thấy sự giải thoát, pháp, sự thức tỉnh ngay trong những vô thường của cuộc sống, trong sự tồn tại thoáng qua của chúng ta. Nhờ những mất mát, đổi thay và biến hoại mà vô thường mời gọi chúng ta mở rộng lòng ra đến vô cùng, không giới hạn, không khép chặt.

Chúng ta không cần phải đợi cho sự giác ngộ đến với chúng ta. Chúng ta không cần phải tạo  sự giác ngộ. Chúng ta có thể thâm nhập vào sự giác ngộ đơn giản bằng cách cho phép mọi thứ tan rã, cho đến khi mọi thứ còn lại là vũ trụ bao la vô bờ bến. Nếu chúng ta có đủ tự tin rằng “điều này cũng sẽ qua”, chúng ta có thể bắt đầu hiểu đúng bản chất thật và sống với tinh thần ấy. Và rồi chúng ta có thể cho đi mọi thứ trước khi chúng biến mất, tiêu hoại. Chúng ta sẽ đạt đến trạng thái không có hy vọng và không còn sợ hãi nữa.

Việt dịch: Diệu Liên Hoa

Anam Thubten – Lion’s Roar