d9bc1e14918fda64937cc4bc36cff571

Tạng thư sống chết cuốn sách kinh điển của Phật giáo Tây Tạng

TT – Cái chết thường được nhiều người xem là điểm cuối cùng của sự sống. Cái chết là nỗi ám ảnh, và “thế giới bên kia” là một hố đen bất khả tư nghì. Nhưng có một quan niệm khác, xem cái chết là một phần tự nhiên của sự sống. Khi hiểu tường tận về cái chết, con người sẽ sống tốt đẹp hơn, có tình thương và trách nhiệm với suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình hơn.

Nói về sự chết như sự sống, có lẽ không ai có thẩm quyền hơn Sogyal Rinpoche, một bậc thầy của truyền thống Kim cương thừa Tây Tạng với Tạng thư sống chết. Sogyal Rinpoche đã giới thiệu sáng rõ và đầy cảm hứng về thực tập thiền định, về nghiệp và tái sinh, về cách chăm sóc và tình thương dành cho người sắp chết, về những thử thách và phần thưởng của con đường tâm linh thật sự.

The Tibetan book of living and dying(bản tiếng Anh) ra mắt độc giả vào năm 1992 và kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 vào năm 2012.

Năm 2000, bản tiếng Việt do cố dịch giả Thích Nữ Trí Hải chuyển ngữ với nhan đề Tạng thư sống chết, cố tình lược bỏ một số phần trong nội dung nguyên bản và phổ biến hạn chế, phi lợi nhuận. Sau đó, tác phẩm này được một số nơi tự ý in ấn phổ biến dưới hình thức kinh doanh, không thông qua thỏa thuận tác quyền với tác giả, dịch giả và nhà xuất bản cũng như tùy tiện thay đổi cấu trúc văn bản, nhan đề tác phẩm.

Năm 2012, đại sư Sogyal Rinpoche và Rigpa Fellowship đã tổng duyệt tác phẩm ấn bản Anh ngữ, chỉnh lý và bổ sung một số nội dung mới, cập nhật những thông tin cần thiết. Phiên bản này sau đó được sử dụng chính thức, thống nhất từ nội dung đến hình thức trên toàn thế giới.

Ấn bản tiếng Việt do Công ty cổ phần văn hóa Thiện Tri Thức thực hiện, Nhà xuất bản Hồng Đức vừa ra mắt bạn đọc, với nội dung đã được hiệu đính, bổ sung và cập nhật theo bản Anh ngữ, được sự đồng ý và giám sát của chính tác giả, Rigpa Fellowship, Nhà xuất bản Harper Collins, và người đại diện hợp pháp của cố dịch giả Thích Nữ Trí Hải.

Cuốn sách đã trở thành tác phẩm kinh điển về đề tài tâm linh, được dịch ra 35 ngôn ngữ, có mặt ở 81 quốc gia với số lượng ấn bản lên đến gần 4 triệu bản, tính vào thời điểm cuối năm 2013.

Hoàng Độ