a43460cc50c657e0a3eaf2231f04948e

Câu chuyện cảm ứng gia trì từ Tôn tượng Đức Phật Thích Ca Bát Tuế Đẳng Thân

Người dân vùng Himalaya vẫn thường truyền lại cho nhau nghe câu chuyện về người đàn ông tên là Ben đến từ Kongpo ở miền Đông. Ông là một người sống rất đơn giản và có trái tim trong sáng, nhân hậu. Từ bé đến lớn, ông đã nghe kể rất nhiều về tôn tượng Đức Phật Thích Ca Bát Tuế Đẳng Thân (Jowo Rinpoche) – một tôn tượng linh thiêng của Đức Phật lúc Ngài 12 tuổi, được cất giữ trong nhà thờ chính tại Lhasa. Tương truyền tôn tượng ấy được tạc lúc Đức Phật còn tại thế. Ben không biết được đấy là Phật hay người thường, và quyết đi đến tận nơi để chiêm bái tôn tượng Phật Thích Ca Bát Tuế Đẳng Thân và hỏi cho ra lẽ. Phải mất nhiều tuần lễ hành hương ông mới đến Lhasa.

Lúc vừa tới nơi ông rất đói, và khi vào đền thờ, ông thấy một pho tượng Phật rất lớn, trước mặt là dãy đèn bơ và bánh đặc biệt làm để cúng dàng Đức Phật. Ông nghĩ ngay đấy là những gì tôn tượng Phật Thích Ca Bát Tuế Đẳng Thân thọ thực: “Chắc hẳn bánh này là để nhúng vào bơ trong đèn, còn đèn thì phải cháy để cho bơ khỏi đông cứng lại. Ta hãy làm như kiểu tôn tượng Phật Thích Ca Bát Tuế Đẳng Thân làm”. Thế là ông nhúng bánh vào đĩa bơ mà ăn, rồi nhìn lên tượng Phật dường như cũng đang mỉm cười từ bi với ông. Ông nói: “Ngài thật tốt bụng làm sao. Con vào ăn thức ăn người ta cúng cho Ngài mà Ngài cũng chỉ mỉm cười. Gió thổi đèn tắt hết, Ngài cũng mỉm cười… Nhưng bây giờ con phải kinh hành quanh điện thờ để cầu nguyện và chứng tỏ tâm chí thành của con lên Ngài. Vậy kính xin Ngài làm ơn giữ giùm con đôi ủng cho đến lúc con trở lại”. Nói xong, ông cởi bỏ đôi ủng cũ dơ bẩn để lên bàn thờ trước mặt pho tượng, rồi đi ra ngoài.

Khi Ben đang tản bộ quanh ngôi điện khổng lồ, thì người giữ đền trở về và hoảng hồn trông thấy kẻ nào đã ăn mất đồ cúng và để một đôi ủng dơ bẩn trên bàn thờ. Ông ta giận dữ cầm lấy đôi ủng ném ra ngoài, nhưng bỗng nghe một tiếng nói từ pho tượng phát ra: “Ðừng. Hãy để lại chỗ cũ. Ta đang canh chừng giùm Ben của xứ Kongpo”.

Sau đó Ben trở lại để lấy ủng. Nhìn lên gương mặt pho tượng, vẫn nụ cười an lạc đang tỏa chiếu xuống ông. “Ngài thật đúng là một vị Phật từ bi. Con xin thỉnh mời Ngài xuống chỗ chúng con để chơi ạ. Con sẽ chuẩn bị mẫm cỗ thịnh soạn cúng dàng trai tăng lên Ngài”. Lần thứ hai, pho tượng Phật Thích Ca Bát Tuế Đẳng Thân lại cất tiếng, hứa sẽ đi thăm Ben.

Ben trở về nhà ở Kongpo, kể cho vợ nghe mọi sự, dặn nàng hãy canh chừng để đón Phật Thích Ca Bát Tuế Đẳng Thân vì không biết chừng nào Ngài đến. Năm ấy trôi qua, một hôm vợ ông chạy về nhà báo tin đã trông thấy một cái gì sáng rực như mặt trời, đang ở dưới nước. Ben bảo nàng pha trà, và vội vã chạy ra sông. Ông thấy Jowo Rinpoche đang lấp lánh trong nước, và nghĩ có lẽ Ngài đã rớt xuống sông và đang chết đuối. Ông lao ngay vào nước vớt Ngài lên. Khi họ cùng trở về nhà Ben, vừa đi vừa trò chuyện, họ đi ngang một tảng đá to, Jowo Rinpoche nói: “Thực sự là ta không thể vào nhà được”. Nói xong, Ngài biến mất vào tảng đá. Cho đến ngày nay vẫn còn hai nơi hành hương danh tiếng ở Kongpo: một là Jowo Ðá, gương mặt trên đá, ở đấy người ta có thể trông thấy hình dạng một vị Phật; và Jowo Sông, ở đấy hình dạng Phật có thể thấy dưới sông. Người dân vùng núi Himalaya vẫn truyền nhau nghe về năng lực ban ân phúc gia trì và chữa bệnh của hai nơi này cũng giống như tại ngôi đền thờ pho tượng Jowo Rinpoche ở Lhasa. Chính nhờ niềm tin trong sáng không bợn nhiễm mà Ben không còn nhìn thấy Jowo Rinpoche là một pho tượng bất động mà đó chính là hiện thân sống động của Đức Phật luôn ở bên ông trong mọi khoảnh khắc cuộc sống!

Nguồn: “Tạng thư sống chết” NXB Hồng Đức, 2014