capture_76

Đưa thiền vào lớp học mang lại môi trường nuôi dưỡng tài năng của trẻ

Cho trẻ tập thiền không giống với giờ học tập đọc hay văn học. Tập đọc là một hoạt động mang tính thụ động. Trẻ có thể hiểu được câu chuyện đang đọc qua ngôn ngữ, nhưng khi tập thiền theo hướng dẫn, trẻ được tham gia một cách chủ động. Tập đọc và đọc một bài thiền có công dụng khác nhau. Học tập đọc là điều cần thiết bởi qua đó các em có thể học hỏi và biết cách đánh vần, nhưng tập thiền lại cho phép tâm trí được tự do khám phá.

Vì sao nên dạy thiền trong lớp học?

Sau đây là một số nhận xét của các chuyên gia tâm lý học được trích trong cuốn Moonbeam – cuốn sách hướng dẫn thiền dành cho trẻ em của tác giả Maureen Garth:

“Từ khi bắt đầu dạy thiền, chúng tôi nhận thấy rằng một số em đã nhanh chóng trở nên thư giãn và tĩnh lặng trong suốt thời gian thực hiện bài thiền. Một số em khác lại hay cựa quậy. Các em không thể ngồi yên và khó mà nhắm mắt lâu được”.

“Những em đạt tới trạng thái thiền sâu và giữ được trạng thái đó thường chính là những học sinh khá giỏi. Những em hay cựa quậy thường là những em không có khả năng tập trung lâu và thường khó chú tâm trong lúc học”.

“Những em gặp khó khăn trong học tập nhất đã tiến bộ dần. Các em trước đó chưa thể suy tính trọn vẹn các quá trình giờ đã làm được. Những câu chuyện của các em trở nên chất lượng hơn và tận dụng trí tưởng tượng phong phú hơn đáng kể”.

“Cần vận dụng bất cứ phương pháp nào để giải phóng tâm trí của trẻ. Chúng ta thường phải chấp nhận bị ràng buộc bởi những giới hạn trong cuộc sống, nhưng tâm trí ta cần được tự do và chủ động. Việc giải quyết vấn đề sẽ trở nên dễ dàng hơn khi tâm trí ta có thể nhìn xa trông rộng thay vì bị bó hẹp trong một không gian mà đôi khi chúng ta thường giới hạn bản thân”.

Những đứa trẻ hiếu động đã cải thiện được khả năng tập trung

Giáo sư Makoto Shichida từng là một giáo viên dạy lớp 2. Bà thường dành 5 đến 10 phút mỗi sáng để dẫn dắt các em học sinh bước vào bài tập thiền và yêu cầu các em kể lại những gì các em đã nhìn thấy hoặc cảm thấy. Khoảng 3 tuần sau, 90% các em nhìn thấy hình ảnh rõ nét chuyển động. Khi đã đạt được những kết quả rõ rệt, bà bắt đầu sử dụng những hình ảnh đó trong giờ học ngôn ngữ thông qua hoạt động kể chuyện. Bà đã giúp các em thỏa sức sáng tạo những câu chuyện riêng của chúng. Mặc dù những bức tranh trong sách giáo khoa là cơ sở để cho các em tưởng tượng nên những hình ảnh và nội dung câu chuyện, các em còn có khả năng sáng tạo những hình ảnh chuyển động và thay đổi những cảnh vật xung quanh mà sách không hề mô tả. Từ các hình ảnh có được, các em bắt đầu viết thành những câu chuyện. Câu chuyện các em viết rất tươi sáng, đầy hi vọng, thể hiện tình cảm yêu thương các em dành cho thiên nhiên và con người. Các giáo viên khi đến dự giờ của bà đều cảm nhận rằng chỉ với 5-10 phút thiền định trong giờ học, lớp học không còn bị phân tán thành các nhóm riêng rẽ vì các em luôn biết thấu hiểu người khác bằng cả trái tim.

Bà cũng chia sẻ đã gặp nhiều em bé rất hiếu động, các em không có khả năng tập trung, thường ra khỏi chỗ vào giữa giờ học để đi vệ sinh hoặc ra khỏi lớp vì lý do khát nước. Tuy nhiên, các em bé này thường có khả năng ghi nhớ rất tốt. Nhiều em có thể nhớ được các bài thơ rất dài hoặc các thứ mà các em yêu thích. Với bài tập quán tưởng em là một cây gậy, cầu vồng, đèn bơ, hay hoa sen…., các em đã học được cách thư giãn và điềm tĩnh hơn. Các em tham gia các hoạt động hào hứng, không hề tỏ ra chán nản hay hiếu động quá mức. Các kết quả đánh giá năng lực trí tuệ sau đó đã cho thấy tất cả các em học sinh hiếu động sau quá trình thực hành quán tưởng đều nằm trong số 7% học sinh thuộc top đầu. Điều đó cho thấy hoạt động thiền trong lớp học mang lại hiệu quả tốt đẹp như thế nào.

Makoto Shichida