C8-4c9mU0AADEzb

Cùng tích lũy 600 triệu biến Mani nhân tháng Saga Dawa

Hôm nay là một dịp đặc biệt bởi vì theo truyền thống chúng ta cùng trì tụng chân ngôn Lục tự đại minh hàng năm vào tháng tổ chức kỷ niệm thời khắc Đức Thế tôn thành đạo. Chúng ta cùng trì tụng chân ngôn vì lợi lạc của hết thảy chúng sinh, đặc biệt hướng tâm tới các chúng sinh trên trái đất này đang bị tham sân chi phối. Đức Shantideva đã dạy rằng, chúng ta ai ai cũng đều không muốn khổ đau nhưng chúng ta lại cứ tạo ra những nhân khổ đau cho mình và người, chúng ta cứ tạo ra vô số tham ái và các phiền não trong dòng tâm của chính mình. Đức Phật đã dạy rằng: Không được làm những việc bất thiện dù là nhỏ nhất, không khởi bất kỳ một dòng tâm bất thiện nào dù là nhỏ nhất, hãy nuôi dưỡng những tâm thức thiện lành. Những hành động mang lại an lạc cho người là những đức hạnh và thiện lành. Những suy nghĩ, lời nói và hành động mang lại khổ đau cho người là bất thiện.

Nếu chúng ta thực sự mong nguyện tất thảy chúng sinh đều được tự do khỏi khổ đau, chúng ta cần thấu hiểu rằng một tâm thức hoang dã, thiếu rèn luyện là nguồn cội của bất an, trong khi một tâm thức có sự rèn luyện sẽ mang lại an lạc. Hòa bình trên thế giới phụ thuộc vào tâm từ bi của mỗi người. Các quan điểm triết học của các trường phái tôn giáo có khác nhau nhưng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm từ bi. Ở đây chúng ta là những người thực hành theo truyền thống giáo pháp của Đức Phật từ hơn 2600 năm về trước. Đức Phật đản sinh trong một gia đình hoàng tộc. Ngài đã rời bỏ địa vị quyền lực, sang giàu và thực hành khổ hạnh trong sáu năm. Ở đây có một tôn tượng ngài trong tướng tu khổ hạnh. Khi còn trẻ tôi đã nhớ nhìn thấy bức hình ngài tại Bồ Đề Đạo tràng.

Tôi cho rằng nên đặt một tôn tượng này nơi đây để nhắc nhở chúng ta về sự nỗ lực và phi thường mà ngài đã trải qua trên hành trình tới giác ngộ tối thượng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã luận giảng lại con đường mà đức Phật đã thành đạo. Đức Phật đã thiền tại gốc cây Bồ đề, ngài chiến thắng Ma vương và tận trừ mọi phiền não. Khi thành Đạo, ngài đã dạy rằng: “Ta đã thành tựu Pháp vị cam lồ thâm sâu, vi diệu, tịch tĩnh và bất khả tư nghì. Nhưng nếu ta truyền trao giáo pháp cho đại chúng ngay lúc này thì sẽ chẳng ai có thể thấu hiểu được.” Tuy nhiên 49 ngày sau, Đức Phật đã truyền trao giáo pháp lần đầu tiên tại Sarnath, ngài luận giảng về Tứ Thánh đế, chân lý về khổ, nguồn gốc nỗi khổ, chân lý về diệt khổ và đạo lộ tiến tới giác ngộ. Đây là nền tảng toàn bộ giáo pháp của Đức Phật.

Giống như bệnh tật phải được phát hiện và tìm phương thuốc chữa trị, và cần y tá trợ giúp người bệnh, đức Phật đã dạy rằng khổ đau phải được nhận diện và phải được tận trừ, do đó ngài đã dạy về Khổ, Tập, Diệt và Đạo đế. Ngay khi phát hiện ra khổ đau và nhân của khổ đau, quý vị sẽ thấu hiểu được bản chất của tham, sân, si. Khi biết được rằng các phiền não này có thể được tận trừ, quý vị sẽ thấy rằng đó chính là con đường mà ta cần phải thực hành mỗi ngày để tiến tới giác ngộ giải thoát. Các truyền thống Phật giáo khác nhau cũng có các quan điểm triết học khác nhau và người thực hành cần phải học để thấu hiểu.

Tứ Thánh đế được Đức Thế tôn truyền trao trong lần chuyển pháp luân thứ nhất. Lần chuyển pháp luân thứ hai tại Rajgir, ngài truyền trao các giáo pháp về Bát Nhã và luận giảng sâu rộng về Kinh điển. Lần chuyển pháp luân thứ ba, Đức Phật luận giảng về bản chất căn bản của tự tâm là ánh quang minh. Đức Phật có thể luận giảng giáo pháp tùy theo căn cơ, trình độ của mỗi chúng sinh bởi vì ngài đã thành tựu viên mãn Tam thân Phật là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Ngài đã luận giải có các tầng mức khác nhau của thức, thức giác quan, thức vi tế có thể trải nghiệm trong giấc mơ và thức vô cùng vi tế có thể trải nghiệm trong những giấc ngủ sâu hay trong ánh quang minh trong thời điểm chết. Một số người có trải nghiệm dòng thức vô cùng vi tế ở thời điểm chết và bước vào giai đoạn nhập định dù cho cái chết về mặt lâm sàng đã diễn ra, khi ấy cơ thể họ vẫn tươi mềm. Ngài chỉ ra rằng, sự luận giảng sâu sắc về bản chất tịnh quang của dòng tâm thức mang lại sự kết nối giữa Hiển giáo và Mật giáo. Những phương pháp định tâm nơi một đối tượng và hình ảnh một đức Phật là phương pháp vô cùng uy lực. Trong Tantra, các hành giả quán tưởng tự thân mình chính là một vị Phật. Ngài có dẫn lời của Lama Nyengon Sungrab đưa ra sự phân biệt rõ ràng giữa những giáo pháp nền tảng giành cho số đông đại chúng hay giáo pháp Hiển giáo với Mật giáo chỉ giành cho những đối tượng đã có dòng tâm thức chín muồi.

Truyền thống Nyingma phân biệt giáo pháp của Đức Phật thuộc về các dòng truyền thừa quảng đại với những bảo tạng thuộc dòng truyền thừa gần phát lộ từ những quan kiến thanh tịnh của các bậc thành tựu giả. Ngài cũng cho biết rằng quán đỉnh mà ngài đang truyền trao bắt nguồn từ quan kiến thanh tịnh của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5. Trong đó có những thực hành thuộc thứ lớp bên ngoài, thứ lớp bên trong và vô cùng bí mật. Ngài có luận giải thêm rằng khi ngài thụ nhận các giáo pháp này từ ngài Tagdag Rinpoche cùng với hai thầy giáo thọ của mình khi ngài còn trẻ. Trong suốt khoảng thời gian này, ngài đã trải nghiệm những giấc mơ vô cùng vi diệu. Sau khi nhận quán đỉnh, ngài nhớ lại một giấc mơ rất rõ ràng rằng, ngài Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 đã hiện ra từ bức Thangka treo trên tường và đã tới quàng cho ngài một chiếc kata màu vàng rất dài. Ngài Đạt Lai Lạt ma đời thứ 14 và ngài Đạt Lai Lạt ma đời thứ 5 có sự kết nối đặc biệt bởi  vì tôi đang lãnh đạo người Tạng trong một thời đại vô cùng khó khăn.

Tiếp theo đó, ngài truyền trao quán đỉnh Đức Quan Âm Tứ Thủ. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng truyền trao Bồ tát giới và Mật giới cho thính chúng. Ngài luận giảng kỹ càng về Bồ tát giới, đặc biệt nhấn mạnh tâm nguyện sống và thực hành để lợi ích chúng sinh. Nếu chỉ trợ giúp chúng sinh và mọi người về phương diện vật chất, cơm ăn, thức uống thì còn rất hạn chế. Người thực hành phải phát nguyện giữ trọn vẹn các giới luật, nguyện không làm tổn hại, vấy bẩn giáo pháp của Như Lai và cần giúp đỡ, hướng dẫn mọi người tránh làm điều ác, làm hết thảy điều lành và dần hành trì để tiến tới những quả vị giác ngộ. Với Mật giới, ngài nhấn mạnh người hành trì không phải đi khoe khoang ra bên ngoài, phải giữ trong sự bí mật giữa mình với bậc thầy.

Bổn phận của tôi ngày hôm nay đã xong và bây giờ mọi thứ phụ thuộc vào tất cả quý vị. Quý vị sẽ phải cùng nhau trì tụng đủ 600 triệu biến Mani và nhận các viên Pháp dược Mani. Khi tham gia trì tụng, hãy phát nguyện mạnh mẽ rằng qua sự gia trì của Đức Avalokiteshvara, tất thảy chúng sinh sẽ được đạt tới quả vị toàn giác. Sự thụ nhận giáo pháp online có thể được phép nếu người thụ nhận thực sự phát nguyện giữ giới nghiêm mật, biết định tâm thực hành theo đúng các chỉ dẫn và có tín tâm với sự thực hành.

La Sơn Phúc Cường
Bài dịch theo trang Dalailama.com và một số ghi chép nhớ được từ lễ quán đỉnh Avalokiteshvara của đức Đạt Lai Lạt Ma. Mọi sai sót xin được sám hối trước ngài, Tam bảo và Hộ pháp.