Chuong-trong-bat-nha

Âm vang tiếng trống tự ngàn xưa

Một tiếng trống, tiếng chuông ngân vang là một sự giải thoát về cả tâm trí và tâm hồn khỏi những phiền muộn. Tiếng trống không ai, không bi mà có sức mở, sức giải thoát tự nhiên.

“Mập non búp chè xanh
Làng đồi xanh tán cọ
Trống hội giục bước chân
Cờ phướn bay trong gió”

Từng hồi trống đều đặn, khỏe khoắn vang lên trong không gian tĩnh lặng. Hòa cùng tiếng trống, tiếng chuông, tiếng khánh,… len lỏi qua từng mạch thời gian, rồi để lại trong tiềm thức người dân về ý nghĩa sự tồn sinh. Không biết tự lúc nào, tiếng trống đã ăn sâu vào nếp người của người dân đất Việt và không thể thiếu trong những bài kinh, tiếng kệ nhà Phật, trong những lễ hội dân gian và đời sống tâm linh của mỗi người. Sau những lần có cơ duyên được tham gia các sự kiện Phật giáo tại các ngôi chùa, tôi đặc biệt ấn tượng với tiếng trống khi trầm khi bổng, lúc nhanh lúc chậm, nhịp điệu giòn giã gây xao xuyến lòng người.

Trống được sử dụng trong chùa chiền, đền thờ và các tu viện cho đến ngày nay với mục đích thông báo các thời khắc sinh hoạt và thời gian thiền định. Thời đức Phật còn tại thế, Ngài dùng trống để tập hợp tăng chúng bố tát, nghe thuyết pháp… Sau này, Phật giáo Trung Quốc còn tiến thêm bước nữa trong việc sử dụng trống trong sinh hoạt thiền môn. Đó chính là phối hợp nhịp điệu, âm thanh của tiếng trống hòa cùng những lời tán tụng, phổ thành nhạc điệu, gọi là “kỹ nhạc cúng dường; trang nghiêm đạo tràng”; dùng âm thanh làm phật sự, trợ giúp đại chúng phát tâm thành kính với Tam bảo.

Trống sử dụng trong chùa chiền và tự viện có hai loại:

– Trống lớn (Dân gian quen gọi là đại cổ, hay trống đại): được đánh vào những sự kiện lớn của Phật giáo, gọi là trống Bát nhã.

– Trống nhỏ (Dân gian quen gọi là tiểu cổ, hay trống cơm): dùng để đánh mỗi khi tụng kinh nên cũng được gọi là trống kinh. Trống ngoài việc dùng đánh khi tụng kinh hàng ngày vào hai thời công phu khuya và chiều trong các tự viện thì còn có rất nhiều thể điệu khác nhau khi dùng trong tang lễ, chẩn tế cô hồn.

Tác dụng của tiếng trống
Từ góc độ khoa học…

Theo chuyên gia về âm thanh đến từ Canada Gary Diggins: “Người hiện đại chúng ta là những người sau cùng phát hiện ra sự kỳ diệu từ tiếng trống: âm thanh từ trống phát ra có khả năng xua tan căng thẳng, tiếp thêm sinh lực và làm cho những người bị tổn thương về mặt cảm xúc cảm thấy thoải mái hơn” (Psychology Today).

Nghiên cứu lâm sàng trên con người đã ghi nhận được vô số lợi ích đáng kể từ tiếng trống trầm hùng. Tiếng trống giúp cải thiện trí nhớ, giảm stress và tăng cường hệ thống miễn dịch, điều trị bệnh trầm cảm và hỗ trợ cho điều trị bệnh ung thư. Dưới đây là 3 kết quả nghiên cứu về lợi ích của tiếng trống:

– Nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí Cardiovascular Medicine cho thấy tiếng trống có thể làm hạ huyết áp và giảm lo lắng.

– Nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí bệnh Huntington, tiếng trống giúp các bộ phận trong não hoạt động tốt hơn.

– Nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí PloS ONE tiếng trống giúp giảm căng thẳng và nồng độ cortisol trong máu.

Trong truyền thống Đại thừa, trống và chuông thường xuyên được sử dụng để thông báo việc thiền định hàng ngày để cúng dường. Trống, chuông, chiêng… được sử dụng khi tụng kinh nhằm giúp đại chúng tập trung tâm trí và có tác dụng thư giãn tinh thần.
(Nguồn: Minh Tiến dịch theo Buddhist Door)

…đến ý nghĩa tâm linh

Nói về trống (trống đại) thì đây là một trong những loại nhạc khí được sử dụng rộng rãi thường làm bằng đá, cây, đồng,… Tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng mà nó có công năng khác nhau nhưng riêng ở Phật giáo tiếng trống tượng trưng cho chánh Pháp và là âm thanh truyền tải giai điệu thuần khiết cho đời sống tâm linh. Đây cũng chính là một trong những phương tiện để nhắc nhở người con Phật luôn sống bằng lòng chân thật, không giả dối, cảm thông, chia sẻ,…

“Một tiếng trống, tiếng chuông ngân vang là một sự giải thoát về cả tâm trí và tâm hồn khỏi những phiền muộn. Tiếng trống không ai, không bi mà có sức mở, sức giải thoát tự nhiên. Mỗi khi tiếng trống được gióng lên, đánh lên thì như đưa con người ta trở về với chánh Pháp, với sự an lạc giống như ngôn ngữ của đức Phật khi ngài thuyết giảng có thể thu phục lòng người, đưa tâm họ đạt đến an tịnh, thanh tao.

Không giống như tiếng chuông xoáy sâu vào lòng người nghe bằng sự ngân vang lan tỏa, tiếng trống thúc giục lòng người bằng từng tiếng cắc – tang – tùng liên hồi, tạo thành những chuỗi âm thanh trầm bổng, mạch lạc nhưng không réo rắt, đinh tai, đưa hồn người theo từng cung bậc cảm xúc”.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, tiếng trống đã hằn sâu vào đời sống tâm linh và tinh thần của người dân đất Việt. Dù đi ngược về xuôi hay ở bất cứ nơi đâu, ai ai cũng sẽ nhớ mãi đến tiếng trống trầm hùng, âm vang, trang nghiêm, nổi lên trước giờ đánh trống u minh hay những tiếng trống rộn ràng, mạnh mẽ, long trọng trong những ngày lễ hội mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta.

Bát nhã hội,
Thỉnh Phật thượng đường.
Đại chúng đồng văn,
Bát nhã âm.
Phổ nguyện pháp giới,
Đẳng hữu tình,
Nhập Bát nhã,
Ba la mật môn.

(Hội Bát nhã,
Thỉnh Phật lên tòa,
Đại chúng đều nghe:
Âm Bát nhã.
Nguyện khắp pháp giới,
Chúng hữu tình,
Nhập Bát nhã,
Chứng Ba la mật.)

Kim Tâm

Nguồn: Âm vang tiếng trống tự ngàn xưa