5Yamas-e1349396589413-800x568

Ý nghĩa Chư Tôn trong nghệ thuật Kim Cương Thừa

Nghệ thuật Mật giáo là cánh cửa trở về tự tính tâm. Những bức hoạ trong thế giới nghệ thuật huyền diệu này bắt nguồn từ trí tuệ bản lai của truyền thống Phật giáo qua nhiều thế kỷ, những bức họa này diễn tả sự nội chứng tâm linh sâu kín nhất của loài người. Đồng thời, hoàn toàn siêu vượt ra ngoài phạm vi xuất xứ của chúng. Những bức họa này là sự biểu đạt nguyên sơ về linh kiến giải thoát, phản chiếu tiềm năng sâu kín nhất nơi mỗi người: Đó chính là sự giải thoát giác ngộ.

Trong đạo Phật có một thuật ngữ riêng để chỉ cảnh giới tịnh độ của chư Bồ tát hiền hoà cũng như các chư tôn phẫn nộ này, đó là Báo thân Sambhogakaya (có nghĩa là “hiện thân của đại hỉ lạc”). Chiêm ngưỡng và thiền quán về những bức họa linh thiêng và những hình ảnh chư tôn phẫn nộ này sẽ giúp chúng ta viên mãn trong cuộc sống cũng như trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi chết. Khi mà những trạng thái của ý thức của con người tồn tại được thể hiện qua hình ảnh chư tôn, ngay lập tức trở thành biểu tượng của giai đoạn chuyển tiếp mà người Tây Tạng gọi là Bardo (có nghĩa là trạng thái trung gian). Chính trong giai đoạn này, thần thức sẽ chuyển tiếp trước khi thay đổi hoàn toàn sang một thể thức khác, một con người khác, ở một nơi khác và tại một thời điểm khác.

Các Bồ Tát và chư tôn được thờ phụng trong đạo Phật hoàn toàn không tách rời với cuộc sống và những kinh nghiệm hàng ngày của con người, mà đó chính là sự phản ánh các trạng thái ý thức khác nhau. Đức Phật, các Tara và chư Bồ tát hiền hoà khác tượng trưng cho các trạng thái ý thức siêu việt, trong khi đó chư tôn phẫn nộ biểu trưng cho những khuynh hướng bên trong như: Thù hằn, đố kị, tham lam và tội lỗi. Khi chúng ta không biết đến những năng lượng tiềm ẩn hay còn gọi là phần tối trong con người mình thì chúng sẽ bộc lộ một cách bệnh hoạn. Nhưng khi chúng ta chủ động nhìn nhận chúng một cách có ý thức thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận và bao dung hơn với chính bản thân mình cũng như với người khác.

Đó cũng là lúc chúng ta có thể chuyển hóa những năng lượng tiềm ẩn bên trong con người mình thành năng lực sáng tạo. Tương tự như vậy, chư bản tôn hỷ lạc mà chúng ta thường thấy trong tư thế song vận đại lạc tướng thường nêu biểu cho sự chuyển hoá năng lượng của sự đam mê thành sức mạnh tỉnh thức tinh thần.

Nói cách khác, đây là sự kết hợp hài hoà giữa năng lượng dương tính và năng lượng âm tính, nhân tố cốt lõi tạo thành vũ trụ và thế giới. Mục đích tối thượng của cuộc hành trình tâm linh sẽ đưa chúng ta đến đại hỷ lạc được miêu tả trong những biểu tượng mang tính tâm linh.

~ Theo Drukpavietnam