swayambhu-leisure-1

Huyền thoại Đại Bảo Tháp Bodha

Giới thiệu

Huyền thoại Đại Bảo Tháp là một truyền thuyết Tây Tạng nói về những điều như luân hồi, tôn sùng, tai họa và tái sinh. Đây là một phương tiện của người Tây Tạng dùng để hướng dẫn hành giả trên con đường tâm linh, con đường bắt đầu bằng tia chớp khai thị về điều khả hữu tối hậu và chấm dứt bằng thực hiện viên mãn. Những lời dạy được trình bày trong truyện giữa Đạo sư Liên Hoa Sanh và các đệ tử, diễn ra trong không khí huyền ảo của chùa Samyeling xây theo kiểu Mandala (đồ hình) vũ trụ, ngôi chùa cổ nhất trong số những tự viện tôn nghiêm của Tây Tạng. Trong nhiều thế kỷ, truyện này đã được dùng trong những cuộc lễ để hóa giải thói quen xao động cũng như hôn trầm bằng cách quán tưởng cả âm lẫn nghĩa của truyện được kể. Để biết hiệu quả của phép quán âm này, hành giả phải tự thân chứng.

Truyện này được xếp vào loại kinh sách gọi là Thos drol (đọc là Terdol), nghĩa là bằng cách quán âm thanh và hiểu nghĩa trọn vẹn lời kể, người ta sẽ giác ngộ, thoát khỏi sự trói buộc của phiền não và những ý niệm sai lầm về vũ trụ vạn pháp.

Nếu còn một chút nghi ngờ, một chút bảo thủ thì sẽ không có kết quả. Người nghe phải tin tưởng hoàn toàn vào năng lực của lời kể và trí huệ chân xác của Đạo sư – người kể truyện này, dù lý trí có thể không theo dõi nổi những tình tiết trong truyện, và dù những gì không được viết lại có thể bộc lộ nhiều hơn những gì được viết, nhưng người nghe có thể thoát khỏi những tư tưởng phê bình thành kiến, chật hẹp, gây những cảm xúc rắc rối, bằng cách làm cho tâm trí của mình rộng mở, có khả năng giải quyết bằng trực giác những mâu thuẫn. Trong Phập pháp, những lời của Đức Phật được viết ra coi là thiêng liêng như chính Ngài, thì mỗi chữ viết của vị Lama (Đạo sư, tu sĩ Tây Tạng) được coi như chân lý. Một hành giả khi đọc kinh sách, người đó đọc mà không phê phán, không thêm bớt, không suy diễn hay thay đổi một ý nghĩa nào, mà cứ để cho lời văn kinh cứ tự tạo nên một khuôn mẫu tư tưởng định hình trong tâm trí, và tin tưởng rằng mẫu tư tưởng này sẽ đem lại kết quả tốt. Óc phê phán chỉ làm tăng tính ích kỷ, và tính này có thể được hóa giải hay biến đổi bằng tụng kinh hay niệm chú. Loại văn Thos drol này khi đọc sẽ có tác dụng hướng dẫn cũng như giác ngộ người nghe.

Huyền thoại này không có giá trị nhiều đối với một người nghiên cứu lịch sử Tây Tạng, mặc dù trong truyện có chứa nhiều sự kiện lịch sử, nhưng với tính cách coi thường thì những sự kiện tiêu biểu xác thực của cốt truyện vẫn không được họ xem trọng. Chỉ có hai điều được coi trọng, đó là trạng thái – tính chất lúc xảy ra sự kiện – và tính đồng nhất của ẩn dụ (nghĩa bóng, ám chỉ). Trong Văn học Phật giáo Tây Tạng, lịch sử được coi như tương ứng với việc tu tiến trên con đường tu đạo Bồ tát; địa lý được coi là tương ứng và tượng trưng cho cấu trúc và địa hình của tâm trí; mỗi tiểu sử là một bản hướng dẫn phương pháp tu đắc Phật quả; và triết học thì diễn tả các linh thị thuộc những cấp tu chứng khác nhau của một hành giả. Trong khi khoa học Tây phương giúp con người phát triển và khống chế môi trường vật chất để giải quyết những vấn đề thường trực như thực phẩm, chỗ ở, y phục, và cũng để thỏa mãn những dục vọng của mình, thì nền văn hóa của xứ tuyết Tây Tạng đã hướng dẫn con người cách hòa hợp các nguyên tố trong thân tứ đại của chính mình (Thiền định), thực hiện tâm từ bi phát sinh từ sự hòa hợp đó, cũng như các kinh nghiệm về ngoại vật với giác thức đơn sơ cùng với sự giao thức đơn sơ cùng với sự giao tiếp tự nhiên và liên tục.

Ý NGHĨA CỦA BẢO THÁP

Chủ đề nhất quán của truyện này là Đại Bảo Tháp, biểu tượng của Phật quả. Bảo tháp tượng trưng cùng lúc: Chân lý tối hậu và Chân lý tương đối, tức Chân đế và Tục đế. Về mặt Chân lý tối hậu, Bảo tháp không thể bị hủy diệt hay vi phạm. Bảo tháp là nền tảng tinh thần, thấm nhập tất cả, trong đó có bản thể của mọi vật. Đó là cõi Chân như. Căn tính của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Đó là cõi vô biên, đơn nhất vĩnh hằng. Trước khi Bồ tát bỏ những chướng ngại về tri kiến của mình và diệt những phiền não vô số cản trở sự tự chứng nghiệm, thì Chân lý tối hậu vẫn chỉ là Phật quả chưa chứng đắc. Chỉ dùng lý trí không thôi thì không thể đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối vì đó là tinh túy của tâm trí. Tâm trí hữu vi và phân biệt không thể biết được sự đơn nhất không thể diễn tả. Cái đơn nhất này là không thể nghĩ bàn và là Trống không hoàn toàn. Nó vô nhiễm, vượt mọi phê phán và thách đố mọi mô tả. Nó được gọi là Chân Không Pháp Giới.

Về mặt Chân lý tương đối, Bảo tháp tượng trưng sự biểu lộ của các pháp hữu vi trong không gian và thời gian, chịu sinh, lão, bệnh, tử (tức là thể xác con người và vũ trụ vạn vật). Trong tính chất tương đối của vạn pháp, có ba cõi được phân biệt là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Dục giới là cõi một Bồ tát có thể tự biểu lộ với các hoạt động, và những hoạt động này được Bồ tát chọn lọc để làm cho mình tiến về hướng giải thoát. Cõi Sắc giới là một biển ba động (rung động): càng ở tầng thấp thì càng rung động mạnh. Nhạy cảm với những rung động khổ và sướng nhỏ nhất, trực giác mỹ cảm tạo ra sự hòa hợp trong hình dạng của một vị Thần (hay vị Trời) để được biểu lộ bằng chất của cõi Sắc giới. Cõi Vô sắc gồm các mức độ khác nhau của Tính Không, tiến lên với Chân lý tối hậu hay Chân không. Vậy Chân lý tối hậu và Chân lý tương đối không thể phân chia, được tượng trưng bằng Đại Bảo Tháp.

XÂY DỰNG PHẬT QUẢ

Người đàn bà làm nghề nuôi gà Shamvara có ý định xây Đại Bảo Tháp, chắc chắn là phải tạo sự toàn hảo bản thân. Con đường bà đi theo bắt đầu bằng sự thành tín tôn sùng Đức Phật và kết thúc bằng việc không còn chút phân biệt giữa người làm và việc làm (năng sở), giữa tư tưởng và lời nói hay hành động, giữa ý nguyện và thực hiện. Con đường đi từ phiền não đến giác ngộ viên mãn này lại mang cho bà phần thưởng trong Tam Bảo Phật Quả.

Tam Bảo là Phật thân, Phật ngôn và Phật tâm. Phật thân là sự thành tựu hoạt động trong các cõi. Phật than làm cho thân và tâm có thể phản ứng tức khắc với các sự việc một cách tự tin và tự chủ. Người đạt được Phật thân là người có thể thực hiện được tiềm năng trong mọi hoàn cảnh và là tấm gương của lối sống cao thượng nhất. Để đạt được Phật thân, hành giả phải hành động vô vị kỷ và thành tâm tu tập; mỗi hành động đều là một sự dâng cúng cho Đại Bảo Tháp (Viên ngọc như ý). Người thực hiện mọi lời cầu nguyện. Phật ngôn là sự đạt được tiếng nói nội tâm (Phật âm, vị Thầy), trong sự rung động tinh thuần phát biểu phẩm tính của kinh nghiệm và hướng về hành động hoàn hảo bằng mệnh lệnh chân xác. Hành giả đạt được Phật ngôn sau khi đã diệt trừ mọi động lực vị kỷ trong sự giao tiếp với người khác cũng như mọi ý nguyện vị kỷ. Ở đây Đại Bảo Tháp tượng trưng sự thiêng liêng mà tất cả các vị thần khác đã tan hòa trong đó, tham học với ánh sáng và lửa. Phật tâm là sự đạt được tâm thức giảm thiểu mọi cảm thức tới trạng thái Trống Không tinh yếu của nó, liên tục trụ trong Chân Như Pháp Giới (bản thể của các pháp), nơi phát xuất tâm từ bi. Ở đây, Đại Bảo Tháp trở thành Pháp thân.

Người nào có ý nguyện nhập môn đạo pháp Đại thừa thì phải phát Bồ đề tâm nguyện giải thoát chúng sinh khỏi phiền não và vô minh. Để đạt được mục đích này, hành giả phải tự hoàn thiện, và sự phát triển tâm linh này được tượng trưng bằng việc xây dựng Đại Bảo Tháp. Đức Quán Thế Âm là tâm từ bi thiêng liêng và là căn bản của sự thành tựu Bồ tát nguyện (nguyện độ chúng sinh, dứt phiền não, học vô số pháp môn, thành tựu đạo vô thượng). Ngài là đấng hộ trì của Tây Tạng; các cõi Phật của Ngài được tượng trưng bằng điện Potala ở thủ đô Lhasa, chỗ ngự của Đức Đạt Lai Lạt Ma, một hóa thân của Ngài và thay Ngài trị vì Tây Tạng. Trong tranh và tượng, Ðức Quán Thế Âm được trình bày với một ngàn tay, trong mỗi lòng bàn tay là một Huệ nhãn (Thiên thủ Thiên nhãn). Ngài luôn luôn hoạt động để giải thoát chúng sinh khỏi những chướng ngại và vô minh. Ngài hủy diệt những hình ảnh không có sự sống và làm sinh động những tiềm năng trong con người. Trong huyền thoại này, nữ hành giả Shamvara là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm và việc xây dựng Đại Bảo tháp tượng trưng cho việc thực hiện Bồ tát nguyện. Hoạt động của Shamvara làm cho ánh sáng của Tháp tỏa ra xua tan bóng tối của thời Mạt pháp.

KINH NGHIỆM THỜI GIAN

Khi đọc huyền thoại Đại Bảo Tháp, chúng ta nên biết thời gian và nơi chốn của truyện này. Trong Giáo pháp, thời gian vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tượng trưng. Thời gian được chia thành nhiều kiếp (kalpa) liên tiếp nhau. Chúng ta đang sống trong Hiền kiếp, hay thời may mắn, vì trong kiếp này sẽ có một ngàn vị Phật xuất hiện ở thế gian để hóa độ chúng sinh. Mỗi kiếp có ba thời gian (yuga). Trước hết là thời Chánh pháp, có tính chất trong sạch hoàn toàn, không có trở ngại gì cho việc đắc Phật quả viên mãn. Thứ nhì là thời Tượng pháp, ở thời này người ta sống tới tám ngàn tuổi. Thứ ba là thời Mạt pháp, trong thời này lúc đầu người ta thọ một trăm tuổi, sau đó giảm dần xuống còn mười tuổi.

Trong thời Tượng pháp, các vị Phật giáo hóa loài người, nhưng việc này trở nên khó khăn dần, cho đến thời Mạt pháp thì giáo lý tinh thuần của các Ngài không còn được nghe nói tới nữa. Đại Bảo Tháp được xây dựng trong thời Phật Ca Diếp, khi kiếp người dài hai mươi ngàn năm và loài người vẫn còn được biết về giáo pháp tinh thuần. Hai ngàn năm trăm năm trước, khi con người thọ một trăm tuổi, Đức Phật Thích Ca xuất hiện dạy giáo pháp và giáo pháp này sẽ tồn tại trong những giai đoạn đầu của thời Mạt pháp.

Thời Mạt pháp (Kaliyuga, thời đen tối) là thời gian trước khi thế giới hủy diệt. thời đại này có năm điều: Tuổi thọ giảm, lối sống vị kỷ và xấu xa, tham lam và keo kiệt, các học thuyết duy vật xuất hiện và hỏa hoạn tiêu diệt thế giới. Huyền thoại này tiên tri rằng sự rung động của thời này sẽ làm hư hại cấu trúc của Đại Bảo Tháp; truyện cũng báo trước về các dấu hiệu báo trước sự suy thoái và hủy diệt của lối sống sống cao thượng. Khi thời hắc ám này tiến dần đến chỗ tận diệt thì giáo pháp của Đức Phật sẽ không còn. Huyền thoại nói rằng nếu các Bồ tát tại thế (các Phật tử) không học và thực hành giáo lý Mật giáo (Tantra) thì hình thức bên ngoài của Đại Bảo Tháp sẽ bị hủy diệt một cách tối hậu và không thể tránh được, dù công đức được tích lũy trong các kiếp trước làm cho họ vẫn dũng mãnh trong việc diệt trừ tham, sân, si.

Việc giảm tuổi thọ có thể được hiểu theo hai mặt vật chất và tâm trí cùng với luật luân hồi. Về mặt vật chất, sự giảm thọ có thể được hiểu là thể xác được sinh trưởng, già cỗi, bệnh tật và chết chóc, rồi trở về với tứ đại. Về mặt tâm trí, kinh nghiệm sống là một dòng liên tục, biến đổi với mỗi khoảng khắc kinh nghiệm. Đời sống tâm trí của một kinh nghiệm (một người hay một vật) được gọi là một “pháp”, là một phần nhỏ của một phần lớn “Pháp” (Dharma, luật vũ trụ). Các “pháp” khác nhau về tuổi thọ tùy theo mức độ tập trung của tâm thức. Trong thời Mạt pháp, các tình cảm độc hại như tham, sân, si, ganh tỵ làm cho người ta mất sự tập trung tinh thần, tâm trí tán loạn, vừa theo đuổi những vật nó thích vừa chạy khỏi những vật nó ghét. Vì vậy, khi nhịp độ sống tăng thì tuổi thọ giảm.

Về mặt tâm trí, một kiếp là một đơn vị thời gian (một niệm) bên trong tâm trí hay tinh thần. Một kiếp có thể được kinh nghiệm trong đại định, thoát khỏi các lực vật – chất – hóa nặng nề của các chuyển động và năng lượng vật chất. Một thời đại được kinh nghiệm khi mức độ rung động tăng lên. Khi thời Mạt pháp tiến đến chỗ kết thúc, mức độ rung động, tức là những niệm được huân tập trở nên cực tiểu cho đến khi sự tăng tốc độ và sự phân chia nhỏ các phần tử thời gian gây ra hỏa hoạn hủy diệt tất cả các sắc tướng. Phật Di Lặc, hiện thân của từ bi, sẽ xuất hiện trên thế gian trong khoảng thời gian này, và tuổi thọ của con người sẽ là 84.000 năm.

ĐỨC PHẬT SỐNG

Trong thời Mạt pháp, người ta cũng có những cơ hội để thoát khỏi sự hủy diệt gần kề. Các giáo lý của Tiểu thừa và Đại thừa là quan trọng, nhưng không đủ để chống lại các lực cảm xúc đang tăng mạnh. Trong khi đó, Kim Cương thừa có những phương tiện để khắc phục tính hành động theo bản năng xấu của con người. Giáo lý Tiểu thừa dạy sự chối bỏ hoàn toàn xúc cảm (đam mê); Đại thừa đề ra đối trị và hóa giải xúc cảm; trong khi Kim Cương thừa dạy sự hiểu biết về tình cảm bằng phương pháp tương tự, dùng tình cảm có kiểm soát.

Huyền thoại này cũng tiên tri về một vị Tulku. Trong Kim Cương thừa, Tulku là người giác ngộ trong giai đoạn cuối cùng của thời Mạt pháp và được gọi là Tantrika, một hành giả đã đạt được tri kiến về bản thể thanh tịnh của các pháp. Ngài có khả năng hóa hiện để xoa dịu, chỉ dạy, khuất phục hoặc để làm gương cho sự kiềm chế các sự hắc ám đang khống chế tâm trí con người. Quả Phật của Ngài sẽ có tính chất của toàn thể Phật tính; nền tảng đức hạnh của Ngài sẽ vững chắc như Người Giác Ngộ của thời Giáo pháp (Dharmayuga), và khả năng phân biệt tốt xấu của Ngài sẽ thật thiện xảo như một vị Độc giác Phật của Truyền thống Tiểu thừa. Ngài sẽ dũng mãnh chỉ dạy những cách tận dụng thân người quý báu để tạo ra sức sống, ánh sáng và tình yêu.

PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG

Vào lúc dâng hiến Đại Bảo Tháp, sự phát tâm thanh tịnh của những người xây Tháp là mong được tái sinh. Việc hồi hướng này sau đó đã có kết quả. Những người con trai của người nuôi gà – vị Bồ tát đã xây dựng Bảo Tháp – đã trưởng thành trong đạo pháp qua các kiếp làm những người thiết lập Đạo pháp Nội tâm của Tây Tạng trong thời Mạt pháp. Bằng ẩn dụ Đại Bảo Tháp, những người này được cho thấy nguyên nhân năng lực tâm linh của họ, phương tiện để duy trì năng lực này và những chướng ngại cản trở năng lực này phát triển. Kim Cương thừa trình bày nhiều phương pháp “xây Bảo Tháp”. Với phương pháp yoga thân thể, Hathayoga, thân thể trở nên dễ thích ứng tới mức độ dị thường, các phản xạ trở nên tức khắc, và cảm giác trở nên rõ rệt hơn. Pháp niệm chú làm tâm thức của hành giả nhạy bén với cõi của quỷ thần. Các môn Thiền định và Minh sát quán làm cho hành giả nhạy cảm với những ý nghĩ nào phát khởi trong tâm thức và tăng cường trí quan sát sự vật. Những phương pháp tu tập này, được tượng trưng bằng việc xây dựng Đại Bảo Tháp, sẽ làm cho hành giả đạt được ý nguyện.

Không có một vị hộ trì nào trên con đường đạo để quyết được hành giả nào sẽ đạt được mục tiêu. Chỉ có ý định giác ngộ của hành giả từ một hạt giống, lớn mạnh thành ý nguyện như một thân cây và các cành, đạt thành tựu như lá và quả. Đây là tiến trình phát triển tinh thần phổ quát cho mọi hành giả ở mọi nơi. Khi niệm khởi đầy trong tâm trí, sự rối loạn và giằng co tư tưởng làm cho người ta không thể phát triển một ý tưởng đơn độc nào, dù tốt hay xấu, đến chỗ chiếm ưu thế để nhất định theo đuổi một mục tiêu gì. Trong sự an tĩnh của tâm trí, một ý tưởng đơn nhất sẽ có ảnh hưởng lớn.

TIÊN TRI

Tại Samyeling, ngôi chùa đầu tiên được xây ở Tây Tạng, Đạo sư Liên Hoa Sanh (Padma Sambhava, Orgyen Rinpoche), vị Thầy Mật giáo vào thế kỷ thứ VIII có quyền năng hóa độ lớn, đã dạy vua Trison detsen, vị vua bảo hộ Mật giáo ở Tây Tạng trong thời kỳ đầu tiên và hai mươi lăm đệ tử thân cận. Đây là những vị sáng lập cựu phái Nyingma. Hai chương đầu của Huyền thoại Đại Bảo Tháp kể sơ lược về lịch sử Tây Tạng vào buổi đầu, còn ba chương cuối thì tiên tri về lịch sử lúc sau này, như cuộc xâm lăng của người Mông Cổ, việc Hồi giáo đến Ấn Độ và sự hủy diệt của Vajrasana (Kim cương tọa, nơi Đức Phật ngồi khi Ngài giác ngộ, bây giờ được gọi là Bothgaya, hay Bồ đề Đạo tràng). Một sự kiện đáng ghi nhớ là trong những cơn bão vào năm 1969, đỉnh của Bảo Tháp bị phá hủy vì cơn sét đánh trúng, và người con của vị tu sĩ trụ trì chúa Samyeling bị bắt vì buôn bán đồ thờ tự đánh cắp ở các chùa trong thung lũng Kathmandu, Nepal.

Dân Tây Tạng thường giải đoán các chương về sự tiên tri của Huyền thoại phổ thông này. Họ coi những sự kiện đó là nói về mức độ sa đọa của con người trong thời Mạt pháp, và diễn dịch những tiên tri về việc Trung Hoa chiếm Tây Tạng, gây hấn với Ấn Độ ngày nay như đã trở thành sự thật. Thật vậy, nếu không có sự xuất hiện của vị Tantrika để ngăn chặn sự suy thoái của thời Hắc ám thì lời tiên tri về Tây Tạng bị tàn phá và những lời tiên tri về những đoàn người Tây Tạng tỵ nạn ở miền Bắc Ấn Độ đã trở thành hiện thực. Các đền chùa và kinh sách bị đốt. Những địa chủ còn giữ tài sản của họ và các tu sĩ bị giết. Niềm tin của những người Tây Tạng lưu vong được bổ trợ bằng lời tiên tri rằng nếu Đại Bảo Tháp được phục hồi, họ sẽ trở về tổ quốc và trong 60 năm sẽ có hòa bình và thịnh vượng.

BẢO VẬT Ở BODHA

Bảo Tháp (Stupa) hiện tại ở Bodha, nơi mà người Tây Tạng gọi là Jarungkhasor, tọa lạc giữa thung lũng Kathmandu, với các rặng núi bao quanh, giống như một viên ngọc ở giữa một mandala thiên nhiên. Đây là tâm điểm của tất cả sự rung động trong thung lũng. Nhiều người ở những nơi xa xôi như biên giới Đông bắc và rặng Hindu – Kusl ở miền Tây, hành hương đến Bảo Tháp, làm lễ ở trước và xung quanh Tháp. Không ai biết là Đại Bảo Tháp đã có từ thời nào, và mỗi người hành hương, du tăng, khất sĩ, học giả hay thương gia trên đường từ Ấn Độ qua Nepal đến Tây Tạng đều cầu nguyện trước Tháp để được an toàn khi vượt hy Mã Lạp Sơn hay khi đi qua những thung lũng đầy giặc cướp. Cả bốn phái Tây Tạng đều tôn kính Đại Bảo Tháp. Ngôi chùa ngày nay ở cạnh Tháp Bodha là của phái Gelukpa (phái Mũ vàng), nhưng huyền thoại được tất cả các tín đồ dọc ở Tháp và phổ biến trong tất cả những người nói tiếng Tây Tạng là của phái Nyingma (phái Mũ đỏ). Đây là một Terma, văn bản ghi những lời của Đức Liên Hoa Sanh bằng mật tự Terma, và được vị Dakini (thiên nữ), người phối ngẫu của Đạo sư là Đức bà Yeshey Tsogyal cất giấu. Trong thời Đại sư tại thế, có hang ngàn Terma được cất giấu ở những chỗ bí mật như hang, khe đá, song suối, trong các chùa, trong các pho tượng và các Tháp, để được tái khám phá, giải mã và chuyển giao, khi người ta cần có thêm giáo lý để chữa những bệnh tinh thần của một thời đại, đặc biệt là thời Mạt pháp này. Bằng cách này, mọi người ở mọi thời không chỉ nhận được những giáo lý tốt, mà còn làm sống lại những truyền thống cổ, luôn luôn hợp thời, mà Đức Liên Hoa Sanh đã soạn theo kinh nghiệm thực hành hoàn hảo của chính Ngài. Nơi nào có các hành giả thiền định, nơi nào người ta cầu khẩn các vị thần, nơi nào có tâm trí giác ngộ, thì nơi đó có thể tìm thấy các Terma.

Terma “Huyền thoại Đại Bảo Tháp” này được một nữ tu sĩ tìm thấy bên trong pho tượng Mahavairocana (Phật Đại Nhật) ở tầng trên của chùa Samyeling. Mahavairocana tượng trưng cõi thanh quang vô tận của tâm thức viên mãn, còn tầng trên của chùa có ý nghĩa là trung tâm của mandala (Pháp giới), đơn nhất và không hình thể. Toàn thể chùa Samyeling là một mandala vũ trụ, tương ứng với mandala đồ hình và mandala nghi lễ trong mỹ thuật, chữ viết và kiểu thức trình bày. Terma này được cất giấu trở lại trên mặt Tây nam của tòa sư tử nơi Tháp Đỏ, vì lúc đó không phải là thời gian thích hợp để tiết lộ huyền thoại này. Tháp Đỏ ám chỉ sự mông muội do dục vọng, là đề tài quán tưởng được thanh lọc bằng cách đọc huyền thoại này. Mặt Tây Nam của tòa sư tử có ý nghĩa rằng truyện này sẽ khiến cho người đọc tin tưởng đến cõi Thanh Tịnh của Đạo sư Liên Hoa Sanh ở núi Mầu Đồng Zangdokperi.

Phướn (cờ) chiến thắng E MA HO!!

Đảnh lễ các Đạo sư

Thuộc ba dòng

Thân Phật!

Đảnh lễ Phật

Vô Lượng Thọ

Trong Pháp thân!

Đảnh lễ Bồ Tát

Quán Thế Âm

Trong Báo thân!

Đảnh lễ Đạo sư Liên Hoa Sanh

Trong Hóa thân Từ bi!

Chương I : Xây dựng và dâng hiến Đại Bảo Tháp

Đây là sự tích Đại Bảo Tháp Jarungkhasor, nơi chứa Pháp thân vốn là Tâm của chư Phật và chư Bồ Tát thuộc tam thế quá khứ, hiện tại, vị lai và mười phương. Vào năm Thân, ngày mùng mười, tháng Thân, trong gian giữa của Đại tự Samyeling (nghĩa là tự tại, bất biến, bất khả tư nghì), Trison detsen, vị vua rất mộ đạo, cùng hai mươi lăm đệ tử của Đạo sư tập họp để làm lễ điểm đạo Tối Mật Tâm Lama Orgyen Rinpoche, tức Đạo sư Orgyen Liên Hoa Sanh cao quý, được mời ngồi trên bảo tọa chín lớp nệm. Vua Trison detsen dâng lên Đạo sư một ly rượu bằng vàng cùng các món sơn hào hải vị, hai mươi mốt viên lục ngọc lấy từ chuỗi ngọc mà nhà vua đang đeo trên cổ, năm ly vàng, bảy bát vàng, tám tấm lụa đẹp và rất nhiều món quý báu khác.

Phục lạy một ngàn lần vị Thầy của mình, Đức vua nói: “Thưa Đại sư! Tôi sinh ra ở xứ Tây Tạng man rợ của bọn khỉ mặt đỏ này. Tôi đã mời Hiền giả Bồ Tát Shantirakshita xứ Zahor và Ngài, đạo sư Liên Hoa Sanh, Sư trưởng xứ Orgyen, để đem Giáo pháp đến xứ này. Tôi đã xây Đại tự Samye để làm nơi thờ phụng Tam Bảo, nơi chứa công đức của chúng sinh, ngôi chùa vô song của Nam Thiệm Bộ Châu (cõi Diêm phù đề, Jambudvipa). Tôi đã đạt được những công hạnh này. Trong cái xứ dã man như một hòn đảo bong tối này, Giáo pháp của Tam Bảo tỏa ra như mặt trời sáng sớm trên đỉnh núi, mọi người được nghe giảng về Tôn giáo thiêng liêng như họ đã nghe trong thời Hoàng kim khi Phật Ca Diếp giáo hóa ở xứ Ma Kiệt Đà, trung tâm của thế gian.

Khi Phật Đại Ca Diếp thuyết pháp thì nữ thí chủ Jadzima và bốn con trai của bà xây Bảo Tháp Jarungkhasor ở quận Maguta, vương quốc Nepal. Thưa Đại sư! Nếu Ngài có thể nói cho chúng tôi biết, do công đức xây Tháp, những người này được hưởng nghiệp quả tốt nào, thì chúng tôi, những người đã xây ngôi chùa Samye vĩ đại này và biết cách cầu nguyện, có thể vững tâm và tin tưởng vào tương lai. Để cho chúng tôi được thành tâm, chúng tôi cầu khẩn Ngài nói đầy đủ về kết quả của việc xây ngôi Đại Bảo Tháp đầu tiên đó.

Đại sư Liên Hoa Sanh nói: “Thưa Đại vương, xin hãy nghe cẩn thận và ghi nhớ lời nói của tôi! Tôi sẽ kể cho Ngài sự tích Tháp Jarungkhasor. Trong vô số kiếp trước, Đức Bồ Tát Ma-ha-tát Quán Thế Âm lập đại nguyện dưới chân vị thầy của Ngài, Đức Phật A Di Đà, là Ngài sẽ giải thoát chúng sinh khỏi sự đau khổ của thế gian này. Và sau khi đã giải thoát vô số chúng sinh, Ngài lên đứng trên nóc Điện Potala, nghĩ rằng chúng sinh tất cả không ngoại trừ đều đã được giải thoát. Nhưng trông xuống sáu cõi luân hồi Ngài thấy vẫn còn nhiều sinh vật đang lăn trôi sinh tử trong các cõi thấp như ruồi trên đống rác. Nghĩ rằng không thể giải thoát tất cả chúng sinh khỏi biển khổ của thế gian này, Ngài khóc, và dùng ngón trỏ quệt hai giọt nước mắt, Ngài cầu nguyện rằng cả hai giọt nước mắt này cũng có thể giúp đỡ chúng sinh trong tương lai để họ thoát khổ. Lời cầu nguyện được trở thành sự thật, hai giọt nước mắt biến hóa và đầu thai làm hai người con gái của Indra, vua của ba mươi ba cõi Trời. Hai người này được gọi là nữ thần Purna (Viên Mãn) và Apurna (Không Viên Mãn). Một lần, Apurna hái trộm mấy bông hoa, vi phạm luật của các vị thần và bị phạt phải tái sinh vào cõi người, ở quận Maguta, xứ Nepal, trong nhà của người nuôi gà Ansu và vợ là Purna. Nữ thần có tên là Shamvara (Người nuôi gà). Lớn lên bà ăn nằm với bốn người đàn ông đều thuộc giai cấp hạ tiện, với bốn người này bà sinh ra bốn con trai: Đứa con trai thứ nhất là của người nuôi cừu, đứa thứ hai là của người nuôi heo, đứa thứ ba là của người nuôi chó, và đứa thứ tư là của người nuôi gà.

Với nghề nuôi gà, Shamvara đã dành dụm được nhiều tiền của để nuôi các con tử tế, trở thành những người có học. Sau này, khi đã giàu có, bà nghĩ: “Nhờ nghề của mình, nay đã gây dựng các con thành những gia chủ đáng kính. Bây giờ mình đã giàu có thì cũng nên giúp đỡ mọi người bằng cách xây một Đại Bảo Tháp, nơi chứa Tâm của chư Phật, cũng là nguồn gốc thiêng liêng của mình. Cái Tháp sẽ là nơi chiêm bái cho vô số chúng sinh và là nơi giữ xá lợi của các Như Lai. Nhưng trước hết mình phải xin phép Maharaja (Đại vương)”.

Nghĩ như thế xong, bà đến yết kiến vị Maharaja, phục lạy và nhiễu quanh Ngài, rồi quỳ xuống, chắp tay nói: “Thưa Đại vương! Tôi là một người nuôi gà hèn hạ. Một tay tôi đã nuôi bốn đứa con trai của bốn người cha bằng lời tức nghề nghiệp của tôi và đã lập gia đình cho chúng nó. Xin Ngài cho phép tôi được xây một Đại Bảo Tháp để làm nơi chiêm bái cho vô số chúng sinh, nơi thọ nhận Tâm của chư Phật, và là nơi chứa Xá lợi của các Như Lai. Tháp sẽ được xây với tiền của mà tôi để dành được từ khi các con trai bắt đầu sống tự lập”.

Một vị vua vĩ đại thì không bao giờ quyết định vội vã một điều gì, vì vậy trước khi trả lời, nhà vua nghĩ: “ Người nuôi gà này là một người đàn bà hạ tiện, đã dành dụm đủ tiền của để nuôi lớn bốn đứa con hoang cho đến lúc trưởng thành, và bây giờ bà ta lại muốn xây một Đại Bảo Tháp. Thật là kỳ diệu”.

TRUYỀN THUYẾT VỀ ĐẠO SƯ LIÊN HOA SANH 4

Samvara và 4 người con hoàn thành tâm nguyện

Nghĩ như thế xong, nhà vua cho phép người đàn bà nuôi gà xây Tháp. Shamvara rất vui mừng và phục lạy nhà vua, nhiễu quanh Ngài nhiều vòng, rồi trở về nhà. Thế là người đàn bà với bốn người con trai, một lừa, một voi bắt đầu việc xây dựng Đại Bảo Tháp. Họ mang đất đá tới địa điểm, đổ nền, xây tường lên đến tầng thứ ba. Lúc này dân Nepal kéo tới, họ ganh ghét người đàn bà nuôi gà thấp hèn vì bà ta đã làm nhục họ bằng công trình lớn lao của mình. Họ hỏi nhau là nhà vua, quan tể tướng và những người giàu có, danh giá sẽ xây dựng cái gì nếu một mụ đàn bà nuôi gà hạ tiện có thể xây một cái Tháp như vậy. Cho là mình bị nhục mạ và bị thiệt hại, họ đến xin nhà vua cho ngừng việc xây Tháp. Họ thưa với Ngài rằng: “Tâu Hoàng thượng! Ngài không nên cho phép xây Tháp. Nếu người đàn bà nuôi gà hèn hạ này có thể xây một Đại Bảo Tháp như vậy, thì Đức vua, các quan, và những người giàu có trong xứ này phải xây dựng cái gì? Nếu cho xây Tháp thì mọi người chúng ta đều phải nhục nhã. Tốt hơn là nên bắt họ mang đất đá về chỗ cũ. Không nên cho người đàn bà này xây Tháp”.

Vị Vua vĩ đại trả lời: “Hãy nghe ta nói! Người đàn bà nuôi gà hạ tiện này đã để dành được đủ tiền của nuôi bốn đứa con hoang và đã tích trữ đủ tiền để xây Bảo Tháp này. Ta coi đây là một công trình tuyệt diệu. Ta đã chấp thuận để bà ta làm công việc này. Là một vị vua, ta chỉ nói một lần thôi”.

Có nhiều người khác cũng cản trở việc xây tháp, nhưng không thành công. Vì vậy Đại Bảo Tháp này được gọi là Jarungkhasor, nghĩa là khi đã được phép xây dựng thì mọi trở ngại đều có thể được khắc phục. Việc xây dựng được tiếp tục cả mùa hè lẫn mùa đông trong bốn năm, cho đến khi Tháp được làm đến phần cổ.

Lúc đó người đàn bà hạ tiện nhận thấy mình sắp chết, nên gọi bốn người con trai và các gia nhân của họ lại rồi nói: “Hãy làm cho xong Đại Bảo Tháp này, là biểu tượng thiêng liêng của ta và là nơi chiêm bái cho người phàm tục cũng như chư thiên. Đặt xá lợi của chư Phật vào trong Tháp này rồi làm lễ dâng hiến Bảo Tháp này cho thật long trọng. Đây là ý nguyện của ta, và khi các người làm đúng thì ý nguyện của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai sẽ được thực hiện. Vâng lời mẹ, các con hãy làm tròn mục đích dầu trài qua nhiều kiếp”.

Nói xong, bà trút hơi thở cuối cùng. Chiêng trống được đánh lên và các vị thần hóa hiện một cơn mưa những bông hoa, bầu trời xuất hiện ánh sáng cầu vống. Do công hạnh xây Đại Bảo Tháp, người đàn bà nuôi gà hèn mọn Shamvara đắc quả Phật và có danh hiệu là Chamsi Lhamo Pramsha. Bốn người con trai làm theo đúng ý nguyện của mẹ mình để đáp công ơn dưỡng dục và để tạo công đức, họ làm nốt phần trên của Tháp. Dùng voi và lừa để tải gạch đá tiếp tục công việc trong ba năm nữa, trước khi hoàn thành tòa Tháp, như vậy tất cả là bảy năm. Xá lợi bất hoại của Cổ Phật Đại Ca Diếp được đựng trong cây sự sống và đặt vào bên trong Tháp. Sau khi lễ dâng Tháp đã được tổ chức long trọng với những bông hoa cúng rải khắp nơi, Đức Phật Đại Ca Diếp cùng với các Bồ Tát tháp tùng Ngài xuất hiện trên các tầng trời ở trước Đại Bảo Tháp. Vây quanh họ là chư Phật, Bồ Tát mười phương và vô số các La Hán, năm dòng Như Lai (Ngũ Trí Như Lai), các Thiên Vương ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) và vô số các vị thần hiền hòa cũng như phẫn nộ đông như hoa mè không thể kể xiết xuất hiện để rải hoa, làm vinh dự cho cuộc lễ bằng sự hiện diện quý báu của họ. Chiêng được đánh lên, các vị thần làm một trận mưa hoa, hương thơm tỏa ra khắp nơi. Đất rung chuyển ba lần. Hòa quang vô lượng của trí huệ thiêng liêng từ than của chư Phật làm mờ ánh mặt trời và chiếu sang ban đêm trong năm ngày liền”.

Samaya Gya Gya Gya Con dấu niêm phong ba lần


Chương II : Đức Liên Hoa Sanh nói về những lời cầu nguyện được linh ứng

Vua Trison detsen lại nói với Đạo sư Liên Hoa Sanh: “Thưa Đại sư! Tôi xin Ngài nói về những lời cầu nguyện mà những người có tín tâm đã nói trước Bảo Tháp tuyệt diệu Jarungkhasor này, và kể cho chúng tôi biết các việc linh ứng của Tháp đối với những lời cầu nguyện đó”.

Đạo sư Liên Hoa Sanh nói: “Đại vương hãy nghe tôi nói! Trong lễ dâng hiến Bảo Tháp, sau khi hoa đã rải và mọi người thấy những cảnh kỳ diệu, tập hội lớn chư Phật và Bồ Tát đồng thanh nói với các nhà hảo tâm và các tín đồ rằng: “Nghe đây, những người may mắn được sinh ra lúc này. Do tấm lòng thanh tịnh có ý nguyện xây Đại Bảo Tháp này, vật chứa Pháp thân bất khả phân với Tâm của các đấng Chiến Thắng trong đời quá khứ, hiện tại và vị lai, do việc làm tốt này, bất cứ lời cầu nguyện nào của các người cũng được thành tựu hoàn hảo”.

Bốn người con trai của người đàn bà nuôi gà quá cố nói với nhau: “Vì ý nguyện giác ngộ của mẹ già chúng ta nên mới có việc xây dựng cái Tháp này, nhưng theo lời của mẹ lúc lâm chung, chúng ta đã hoàn thành công trình này và được hân hoan trông thấy tôn nhan của chư Phật, Bồ Tát. Do công đức này xin cho bất cứ lời nguyện nào của chúng ta cũng trở thành sự thật, vì vậy không nên cầu nguyện những điều nhỏ mọn”.

Người con trưởng con của người chăn cừu, nghĩ tới một ước vọng lớn mà anh ta sẽ cầu nguyện: “Trong vương quốc man rợ và đầy băng tuyết ở phương bắc là những rặng núi tuyết phủ và những thung lũng ngập nước, chỗ trú của những loài chim nước vào mùa hè là một cánh đồng băng giá mênh mông vào mùa đông. Có lời tiên tri rằng nước sẽ thôi ngập lụt, sau khi Bồ Tát Quán Thế Âm, chúa tể vũ trụ, đã đến để dạy cho người dân tri kiến của Thích Ca Như Lai thì Phật pháp sẽ được hoằng truyền khắp xứ này. Mình sẽ cầu nguyện cho xứ Tây Tạng không gì có thể so sánh được, cả chư Phật ba đời cũng không bằng”.

Rồi chư Phật mười phương và chư Bồ Tát biến thành một tia sang nhập vào trong Đại Bảo Tháp. Từ đó về sau Bảo Tháp được người thế gian gọi là “Chư Phật Hợp Nhất”.

Ngay lúc đó, một con ong đậu lên cổ con trai của người chăn cừu, chích anh ta một phát đau điếng. Anh ta lấy tay đập con vật làm cho nó chết. Nhưng vì có tâm từ bi vô hạn, anh cầu nguyện: “Khi tôi sinh ra làm vị vua tôn giáo ở xứ băng tuyết của người man rợ, nguyện con côn trùng này tái sinh làm hoàng tử thực hành Giáo pháp”.

Con lừa tải vật liệu xây Tháp nghe thấy những lời cầu nguyện này nghĩ rằng nó cũng nên cầu nguyện, nhưng không biết phải cầu nguyện điều gì. Nó nổi giận nên nghĩ ra những điều xấu: “Khi con trai người chăn cừu tái sinh làm một vị vua tôn giáo thiết lập giáo Pháp ở xứ băng tuyết của người man rợ, tôi xin tái sinh làm một viên quan có cái lưỡi độc ác để cản trở bất cứ việc làm nào của vị vua này”.

TRUYỀN THUYẾT VỀ ĐẠO SƯ LIÊN HOA SANH 5

Đại Bảo tháp hợp nhất của Chư Phật

Người hầu của bốn người con trai hiểu được ý nghĩ của con lừa, nên anh ta cầu nguyện: “Khi con lừa này tái sinh làm một viên quan độc ác cản trở việc hoằng truyền Giáo pháp, tôi nguyện sinh ra làm một viên quan mộ đạo và khôn ngoan để có thể giải được âm mưu gian ác của nó”.

Con voi cũng muốn cầu nguyện, nhưng không biết phải cầu nguyện làm sao, nó nổi giận nghĩ: “Tôi đã mang bao nhiêu đất đá nặng nề để xây Tháp, thế mà không được thưởng gì cả. Khi những người con này tái sinh, thiết lập Giáo pháp ở xứ băng tuyết của người man rợ, xin cho tôi được tái sinh làm chắt của vị vua đó để tôi hủy diệt Giáo pháp”.

Một con quạ đậu ở gần đó bất bình về những lời cầu nguyện này nên nghĩ ra một điều tốt, và cầu nguyện: “Khi con voi này tái sinh làm người bạo ngược đối với Giáo pháp và khi vị vua độc ác đó tìm cách hủy diệt Phật pháp, nguyện tôi được tái sinh làm một Đại Bồ Tát để giết vị vua ác đó”.

Hai người Bà la môn trẻ tuổi đeo sợi chỉ vàng, có mặt ở Bảo Tháp, cũng cầu nguyện: “Khi Giáo pháp quý báu được thiết lập ở xứ băng tuyết của người man rợ, xin cho chúng tôi được tái sinh làm dịch giả để dịch tất cả những kinh sách thiêng liêng”.

Cùng tham dự lễ dâng Tháp là hai cô gái thông minh thuộc dòng Hoàng tộc cầu nguyện như sau: “Khi Phật pháp được thiết lập ở xứ băng tuyết của người man rợ, cả hai chúng tôi nguyện được sinh ra với sở học cao nhất để có thể ghi chép kinh Phật và những quyển Luận giải lời Phật”.

Như vậy, vào lúc đó, có vô số những lời cầu nguyện vì lợi ích của chúng sinh, và tất cả những lời cầu nguyện thánh thiện đều trở thành sự thật. Người con trưởng, con của người chăn cừu, nguyện tái sinh làm vua, đã sinh ra là chính Ngài, vua là người Bảo Hộ Giáo Pháp, Trison detsen! Con của người nuôi heo nguyện tái sinh làm một Sư trưởng và là Bồ Tát Shatirakshita. Con trai của người nuôi chó cầu nguyện cho mình được tái sinh làm một hành giả Mật giáo, đã sinh ra là chính tôi, Sư trưởng Orgyen, Đạo sư Liên Hoa Sanh. Con của người nuôi gà nguyện tái sinh làm một viên quan mộ đạo là vua xứ Yarlung hiện tại. Con ong được nguyện tái sinh làm hoàng tử là công chúa Padma Salso hiện tại. Con lừa sai lầm muốn tái sinh làm một viên quan tội lỗi đã sinh ra là Mashang Tromba gian ác. Người hầu đã cầu nguyện để được tái sinh làm viên quan mộ đạo để triệt phá tà đạo nay sinh ra thành Pema Khungtsen. Con voi ngu ngốc nguyện tái sinh làm vua vô đạo để diệt trừ Giáo pháp nay sinh ra làm chắt của Ngài với tên là Đầu Bò. Con quạ từ bi cầu nguyện cho mình được tái sinh làm người để giết vua vô đạo đó nay sinh ra là Hoàng tử Muruktsempo. Kiếp sau của con voi khi nó phá hoại Phật pháp, Hoàng tử Muruktsempo sẽ tái sinh làm Bồ Tát Lhalung Palgyidorje và sẽ giết vua ác đó. Hai người Bà la môn trẻ tuổi cầu nguyện tái sinh làm dịch giả, đã tái sinh và là Kaba Paltsek và Chokro Luigyaltsan. Hai công chúa nguyện được tái sinh làm người chép kinh được tái sinh làm người chép kinh sách, đã sinh ra thành Denma Tsemang và Legchin Nyima”.

Tới đây, Đức Đại sư Liên Hoa Sanh đã nói xong, Vua Trison detsen và mọi người trong hội đều kinh ngạc. Họ phục lạy nhiều lần rồi hết long cầu nguyện cho Giáo pháp lẫn chúng sinh.

Samaya Gya Gya Gya Con dấu niêm phong ba lần


Chương III : Kết quả của việc nhiễu quanh Tháp và cầu nguyện

Vua Trison detsen lại nói với Đạo sư Liên Hoa Sanh: “thưa Đại sư! Xin Ngài nói cho chúng tôi biết về lợi ích và phúc lợi của việc phục lạy trước Bảo Tháp, đi nhiễu quanh Tháp, chiêm bái và cúng dường, cùng làm công quả cho nơi tập trung của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai”.

Đại sư trả lời: “Thưa Đại vương! Xin Ngài hết sức chú ý nghe tôi nói. Sau khi chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đã thực sự đã thực sự nhập vào Bảo Tháp mãi mãi, Đại Bảo Tháp này có quyền năng làm cho mọi lời cầu xin và mọi ý nguyện được thành tựu tức khắc và vô công, vì Tháp đã trở thành Viên Ngọc Như Ý, Yeshey Norbu. Chúng sinh bất cứ ai với tấm lòng trong sạch phục lạy trước Đại Bảo Tháp, nhiễu quanh Tháp và chiêm bái Tháp sẽ đạt lợi ích và phước huệ vô lượng không thể nghĩ bàn, vượt cả sự diễn tả của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, vì những tảng đá xây thành Bảo Tháp này là để mang lại niềm vui bất khả tư nghì cho loài người. Vì Đại Bảo Tháp này là nơi nhận Phật Tâm của các vị Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, nên Tháp cũng là nơi chiêm bái của những người phàm tục cũng như chư thiên. Đối với người và cả các vị thần, bất cứ lời cầu xin hay khấn nguyện nào trước Tháp này, cũng sẽ được ban cho sự như ý, cả thành tựu tối thượng và quyền năng tâm linh cũng có thể đạt được.

Đại Bảo Tháp Jarungkhasor, Viên Ngọc Như ý Quý Báu này sẽ ban cho mọi điều hạnh phúc. Người nào đến viếng Tháp sẽ không bị sa vào ba cõi thấp ngạ quỷ, súc sinh và địa ngục, khi thần thức của người đó lang thanh trong cõi Bardo sau khi chết. Người nào nghe thấy sự rung động của Đại Bảo Tháp bằng tai của mình, thì chủng tử giác ngộ tối thượng được gieo trồng trong người đó. Người nào quán tưởng tinh chất của Đại Bảo Tháp thì người đó không xao động, kiêu mạn, hôn trầm và sẽ tái sinh vào dòng thiền định. Người nào cung kính khoanh tay trước Tháp, người đó sẽ theo chánh đạo.

Nhà lãnh đạo nào muốn mình được thăng tiến mà cúng dường Đại Bảo Tháp sẽ trở thành một Chuyển Luân Vương (Vị vua sang suốt nhất thế gian). Người nào nhiễu quanh Đại Bảo Tháp sẽ đạt được bảy điều thiêng liêng: sinh ra cao quý, thân thể tốt đẹp, rất sung sướng, có trí huệ và đức hạnh, giàu có và quyền lực, không có bệnh tật và trường thọ. Người nào cầu nguyện sẽ được như ý tức khắc cho mình cũng như cho người khác. Người nào cúng dường cho các tu sĩ của Tháp, kiếp sau sẽ không bị khát, bệnh tật. Người nào dâng hoa cho Đại Bảo Tháp sẽ được phước, lộc, an khang. Người nào dâng hương nhang sẽ đạt được việc làm trong sạch. Người nào dâng đèn sẽ thoát bóng tối vô minh và được giác ngộ. Người nào dâng hương liệu sẽ không gặp phiền não, đau khổ. Người nào cúng dường thực phẩm sẽ sống một đời thiền định và không bị đói.

Người nào dâng âm nhạc lên Bảo Tháp là hoằng truyền Pháp âm ra khắp mười phương. Người nào dâng âm thanh của chiêng sẽ đạt sự hiểu biết sâu rộng và sự thịnh vượng. Người nào dâng âm thanh của chuông nhỏ sẽ có giọng nói ngọt êm, giọng nói thiêng liêng của vua trời Phạm Thiên.

TRUYỀN THUYẾT VỀ ĐẠO SƯ LIÊN HOA SANH 6

Người nào dâng một đồ hình Mandala lên Đại Bảo Tháp sẽ đạt đức hạnh và trí huệ hoàn hảo như kết quả của việc giao tiếp xã hội và việc thực hành thiền định. Người nào dâng một đồ hình bằng Mandala gồm năm loại đá quý: vàng, bạc, lục ngọc, san hô và ngọc trai sẽ không bị nghèo khổ bất hạnh, và sẽ làm chủ kho tàng vô tận của cõi trời. Người nào dâng một Mandala bằng thất bảo sẽ được hưởng sự giàu sang của xứ mà người đó sống kiếp tạm và đắc Thân Thiêng Liêng với bảy điều tốt trong cõi cao. Người nào dâng một Mandala bằng bảy loại hương liệu của sự sống sẽ không bị các bệnh thân thể, cảm xúc và tâm trí, các bệnh chết người và các bệnh tật khác. Người nào dâng một Mandala bằng ngũ đại sẽ thoát phiền não do tham, sân, si, ganh tỵ, kiêu ngạo và đắc Phật Thân của Ngũ trí Như Lai (Năm dòng biến hóa): A Di Đà, Bất Không thành Tựu, Kim Cương Tát Đỏa, Bảo Tích và Tỳ Lô Giá Na. Người nào dâng một Mandala bằng năm loại hạt sẽ được một vụ thu hoạch nông sản tốt.

Người nào dâng năm loại hương thơm lên Đại Bảo tháp sẽ có sắc đẹp và được mọi người yêu mến. Người nào dâng năm loại nước thơm sẽ có một ngôi nhà sạch sẽ, không có mùi hôi. Người nào dâng năm món thiêng liêng sẽ có công đức và được tăng quyền, vinh, phúc, lộc. Người nào dâng lọng quý và cớ (phướn) chiến thắng sẽ được hóa giải những xúc cảm xấu và được kính trọng. người nào dâng những bức trướng thêu hay lá cớ thiêng sẽ được giàu có, hạnh phúc không bị các nạn nước, lửa, sư tử, voi, án phạt, rắn, gái điếm và côn đồ. Người nào dâng một chuỗi hạt hay vương miện sẽ đạt sự hoan lạc của người và thần, được trang sức bằng thất bảo. Người nào dâng đèn sẽ được linh ảnh thật của chư Phật, bồ Tát mười phương. Người nào dâng dầu cải sẽ không bị hôn trầm. Người nào dâng đèn bơ người đó sẽ tỏa ánh sáng Giáo pháp ra mười phương.

Người nào dâng Pháp luân quý báu lên Bảo Tháp, người đó sẽ quay Bánh xe Pháp. Người nào dâng Ngọc quý sẽ nhận được những điều ước muốn rơi xuống như mưa. Người nào dâng hoàng hậu quý sẽ được tái sinh trong trí huệ. Người nào dâng tể tướng quý sẽ trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần, có tài nhiếp phục và phương tiện thiện xảo. Người nào dâng voi quý sẽ hiểu được ý nghĩa tối thượng của Đại thừa. Người nào dâng ngựa quý sẽ đạt được bốn sức mạnh: Tín tâm, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Người nào dâng tướng quý sẽ chiến thắng tất cả các kẻ địch. Người nào dâng Bảy Tặng Phẩm Quý sẽ đắc Đại Pháp Giới. Người nào dâng đủ Tám Biểu Tượng Huyền Diệu trên sẽ nhận được điều lành và hưởng phước lộc của thần và người.

Người nào dâng y phục cho Tu sĩ của Đại Bảo Tháp sẽ được hưởng vải tốt mịn. Người nào quét vôi trắng cho Tháp sẽ có nước da sáng đẹp, phúc, lộc, an khang, có quyền lực đối với người và quỷ thần. Người nào dâng phó mát, sữa và bơ sẽ nhận được Bò Sữa Vĩnh Cửu và một đàn bò. Người nào dâng mật mía, mật ong, đường sẽ được nhận thực phẩm của cõi trời. Người nào dâng nước trái cây sẽ được hưởng nhiều món ngon lạ. Người nào dâng thực phẩm để cúng sẽ đạt thành tựu tối thượng và quyền năng tâm linh, mọi điều ước sẽ trở thành sự thật. Người nào dâng nước có pha năm hương thơm sẽ dứt vô minh và tái sinh làm người cao quý có vẻ đẹp trong sạch.

Người nào dâng Liên Hoa Tọa Tối Thượng sẽ tái sinh huyền diệu, tốt đẹp trên nhụy của một bông sen, để đắc ngai Sư Tử Vô Úy. Người nào thi hành phận sự Tu sĩ sẽ không phải sa vào ba đường khổ đại ngục, ngạ quỷ, súc sinh và sẽ có sức khỏe, đức hạnh, của cải. Người nào làm lễ cúng chư Phật sẽ đắc quyền năng Phật Hạnh. Người nào lau chùi bụi đất cho Đại Bảo Tháp sẽ có thân thể và làn da đẹp. Người nào sửa sang lại Đại Bảo Tháp sẽ diệt được chủng tự vô minh của mình. Người nào nỗ lực hợp nhất với Phật Tâm, hòa nhập vào Chân Không của Đại Bảo Tháp sẽ đắc tâm thức Đại Ấn (Mahamudra, trạng thái Phật quả) với những vị đã thành tựu (Vidhyadharas). Người nào trở thành một Tu sĩ Lạt ma sẽ nhập Chân Như Pháp Giới. Người nào dâng cúng Đại Bảo Tháp sẽ tái sinh có quyền lực.

Người nào sửa chữa Đại Bảo Tháp sẽ thành tựu bốn việc làm Phật Hạnh, đạt được mọi mục tiêu và đắc trí huệ tối thượng. Người nào làm gạch cho Tháp sẽ trở thành Chuyển Luân Vương, chúa tể của từng hạt bụi. Người nào mang đất đá, thì trong đời không gặp nguy hiểm hay chướng ngại, được khỏe mạnh đẹp đẽ suốt đời. Người nào cố gắng thanh lọc về thân, khẩu, ý ba khung cửa đưa đến giác ngộ thì sẽ được ban phước bởi Tam Thân của chư Phật. Người nào làm bạn với những người đức hạnh thì sẽ theo Đạo Pháp mười đức hạnh (Thập thiện đạo: Thân không sát sinh, trộm cướp, tà dâm, miệng không nói dối, nói hành, nói chia rẽ, nói vô nghĩa, ý không tham, sân, si) và không bao giờ thiếu bạn thiện tri thức, trong tình trạng nào cũng nhận được quyền năng để giải quyết. Người nào hướng dẫn việc sửa sang Bảo Tháp, thì sẽ tái sinh làm thủ lãnh của các Bồ tát mười phương thi hành Phật sự. Người nào tinh tấn làm nghề nghiệp của mình sẽ có tài về y thuật, biện luận, âm nhạc và luận lý siêu hình trong tất cả các kiếp vị lai. Người nào bước bảy bước theo lễ nghi về hướng Đại Bảo Tháp khi không thể hành hương đến Tháp, thì sẽ đạt được than người trong sạch sau bảy lần giác ngộ và nhớ lại các kiếp trước của mình. Người nào ban cho người khác những lời khuyên tốt thì sẽ đạt được nhiều tri thức. Người nào chỉ dạy người khác thì trong kiếp này và kiếp sau, mỗi lời nói của người đó đều được chúng sinh nghe và hiểu. Người nào trám một lỗ hổng hay một vết nứt trong Đại Bảo Tháp thì được làm người hay thần có huệ nhãn.

Người nào sống bên Đại Bảo Tháp trong lúc cầu nguyện, sẽ thông hiểu những bí mật của sự bất tử và khám phá ra nguồn gốc của sự sống. Người nào ở thường trực bên Đại Bảo Tháp và tụng kinh , sẽ không bao giờ phải chịu nạn đói hay giặc giã, và nếu một vị Vua ở bên cạnh Bảo Tháp thì Vương quốc của vị Vua đó sẽ được bình yên và thần dân được an lạc. Người nào niệm chú lớn tiếng và diễn nói phẩm tính của các Bồ Tát sẽ đạt đức hạnh của chư Phật, Bồ Tát. Người nào nghe rồi giải thích ý nghĩ của Giáo Pháp, sẽ hành động như chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Người nào bảo vệ Tháp này khỏi bị hư hại, sẽ không phải sợ chết không đúng lúc. Người nào vẽ hay làm hình của Đại Bảo Tháp sẽ vãng sanh vào tịnh thổ của một vị Phật và ở đó cho đến khi hòa nhập với Tâm Thanh tịnh. Người nào viết sự tích của Đại Bảo Tháp này, hay sự tích của một vị Bồ Tát, sẽ nhận được nghiệp quả tốt như những người chép Tam tạng Kinh điển. Người nào hoan hỷ với cuộc sống sẽ được tái sanh vào cõi Phật. Người nào cầu xin sự an lạc của Đại Bảo Tháp sẽ được chư Phật mười gia hộ. Nếu có người nào tình cờ quán tưởng được Đại Bảo Tháp này, người đó được tái sinh huyền diệu trong hoa sen ở Tây phương Cực Lạc.

Người nào cố ý làm hư hại Đại Bảo Tháp này, sẽ phải chịu khổ vô số cách trong kiếp này và các kiếp sau; người đó sẽ phải chịu khổ cùng cực trong địa ngục Vô Gián không giảm và không thể thóat.

Đại Bảo Tháp này giống như Viên Ngọc Như Ý: Bất cứ lời cầu xin nào cho trí huệ tối thượng, hay sự hiểu biết thế gian, hay quyền lực đều ứng nghiệm; mọi lời cầu nguyện đều được viên mãn. Bảo Tháp huyền diệu này được gọi là Montam Tamched Drupa hay Bảo Tháp Như Nguyện”.

Khi Đạo sư Liên Hoa Sanh nói xong, vua Trison detsen và mọi người đều kinh ngạc, do tín tâm dâng cao, đều khóc vì vui mừng. Họ lăn mình xuống đất, phục lạy Đạo sư một ngàn lần và cầu nguyện: “EH MA HO!! Đức Phật cũng không thể nói hết sự huyền diệu của Bảo Tháp này, vì Tháp này là bất khả tư nghì! Không thể diễn nói! Từ đây về sau qua các kiếp, xin cho chúng tôi được tái sinh với ơn phước của Đại Bảo Tháp, dâng cúng mọi thứ dưới trời và cả bầu trời nữa”.

Samaya Gya Gya Gya Con dấu niêm phong ba lần

Chương IV : Tiên tri về sự hủy hoại của Đại Bảo Tháp vào giữa thời Mạt pháp

Vua Trison detsen lại hỏi Đạo sư Liên Hoa Sanh: “Thưa Đại sư, trong thời Mạt pháp, thời hư hoại, khi lời Phật chỉ còn là tiếng vang, thì Đại Bảo Tháp này, Viên Ngọc Như Ý này, có bị hủy diệt hay không? Có bị hư hỏng hay không? Nếu Tháp bị bỏ phế hay hư hại, thì sẽ có những điềm báo trước nào. Tội lỗi nào sẽ làm hư hỏng xứ này của thế gian hư ảo? Khi các dấu hiệu và các điềm báo xuất hiện, thì phải làm gì?”

Đạo sư Tôn Quý trả lời: “Đại vương hãy nghe tôi nói! Sự hoàn hảo chân thực của Đại Bảo Tháp này thì bất khả xâm phạm, bất khả hủy diệt, vì Đại Bảo Tháp bất khả phân với Pháp Thân của chư Phật. Nhưng tòa Đại Bảo Tháp hữu vi vì hữu hình nên hư hoại, một sắc tướng hư ảo trong thế gian biến dịch, và tháp có thể bị phá hủy một phần bởi tứ đại. Sự hư hại được sửa sang bởi hóa thân của các vị thuộc ba bộ phái: Văn Thù, Quán Thế Âm và Kim Cương Thủ, với các Bhrikutis Phẫn Nộ và Tara Devi.

Khi thời Mạt pháp đi dần tới nạn lửa cuối cùng, tuổi thọ của kiếp người giảm và bóng tối dầy đặc hơn, nhưng con đường sa đọa vẫn còn được kiềm chế khi người ta vẫn còn nghe lời Phật và vẫn còn theo Đạo Pháp. Vào khoảng cuối thời hắc ám này, khi tuổi thọ giảm từ sáu mươi năm xuống năm mươi năm, còn tính vị kỷ của người ta tăng mà không giảm, thì những tình trạng xấu sẽ thắng thế, báo trước sự hủy hoại của Đại Bảo Tháp, đó là: Người tại gia đến ở đầy chùa và đánh nhau trước bàn thờ. Đền chùa được dùng làm lò sát sinh. Các vị ẩn tu trong hang núi trở về cày ruộng. Các Thiền giả sẽ đi luôn. Bọn trộm cướp thì có của cải và gia súc. Tu sĩ trở thành người tại gia. Còn các Sư trưởng thì trở thành giặc cướp, trộm đạo. Trật tự trở thành hỗn loạn, biến thành hốt hoảng lan nhanh như lửa cháy rừng. Người hư hỏng và vị kỷ trở thành lãnh tụ, còn các Sư trưởng trở thành sĩ quan quân đội chỉ huy các Tu sĩ quân nhân của họ. Các nữ tu giết con hoang của mình. Có những người phải chứng kiến cảnh cơ nghiệp và gia sản của mình bị cướp đoạt. Bọn mị dân ác độc và thô lỗ trở thành các lãnh đạo địa phương, còn các cô gái thì dạy trẻ con ở các trường học. Phù thủy Bon lớn tiếng đến nỗi Thiền giả trong am thất cũng nghe thấy, và các đền chùa bị cướp bóc. Kinh sách của chư Phật, tượng Phật, tranh ảnh và các Tháp bị xâm phạm, bị đánh cắp và mua bán với giá ngoài chợ, không ai nhớ tới giá trị thật của những vật này. Đền chùa trở thành chuồng trâu, chuồng ngựa phủ đầy phân.

Khi người ta quên bổn phận tôn giáo thì ma quỷ, vốn bị kềm chế bằng các nghi lễ, sẽ được thả lỏng, làm loạn và điều khiển tâm trí của người nào mà chúng nhập. Ma thù địch nhập vào các Tu sĩ. Ma vị kỷ độc ác nhập vào các hành giả Mật chú và các phù thủy. Ma bệnh tật nhập vào các đạo sĩ Bon. Ma gây bệnh nhập vào đàn ông. Ma cãi cọ nhập vào đàn bà. Ma lả lơi nhập vào các cô gái. Ma hư hỏng nhập vào các nữ tu. Ma phá rối nhập vào trẻ con. Mọi người đàn ông, đàn bà, trẻ con trong xứ đều bị lực lượng hắc ám được thả lỏng nhập vào. Dấu hiệu của thời này là kiểu y phục mới, kỳ lạ: kiểu quần áo cũ kỹ bị bỏ quên. Các tu sĩ mặc kiểu áo mới lạ, còn các nữ tu thì sửa sang trước tấm gương. Mọi người đều phải mang gươm để tự vệ và ai cũng canh chừng để thức ăn của mình không bị bỏ thuốc độc. Sư trưởng và Thầy làm ô nhiễm tâm trí các đệ tử của họ. Nhà cầm quyền và các pháp quan không đồng ý với nhau. Đàn ông trở nên thô tục, buông thả. Đàn bà không còn trong sạch nữa. Các tu sĩ không giữ giới và đức hạnh. Các hành giả Mật chú vi phạm lời thệ nguyện. Khi sự hoành hành của các ma độc ác, vị kỷ, thù hận và tàn bạo gia tăng, thì những tin đồn hoảng hốt cũng gia tăng và kiểu y phục thay đổi thường xuyên hơn.

Bọn say rượu thuyết giảng về sự cứu rỗi. Bọn mị dân được người ta nghe theo. Các vị thầy giả mạo truyền tâm ấn giả dối. bọn lừa bịp khoe là có thần thông. Tài hùng biện được coi là trí huệ. Bọn kiêu ngạo đề cao phàm tục. Bọn hạ tiện cai trị vương quốc. Các vua chúa trở thành người nghèo. Bọn đồ tể và bọn giết người trở thành thủ lãnh. Bọn tham vọng tiến thân thô lỗ leo lên vị trí cao. Các vị Thầy của nghi quỹ cao cấp chạy rông như chó ngoài đường, còn các đệ tử của họ thì không có tín tâm cũng đi lang thang như sư tử trong rừng. Những người hiện thân của độc ác và vị kỷ được kính trọng như các vị thầy, trong khi sự thành tựu của các vị thầy Mật giáo thì bị nói xấu, lời dạy của Đạo Sư Bí Mật coi là tà đạo, giáo lý của Đức Phật bị bỏ quên, lời khuyên của các Thiền giả và các Thánh nhân bị làm ngơ. Bọn ngu ngốc và bọn gian tà mặc áo Tu sĩ, còn các Tu sĩ mặc y phục của ngoại nhân; bọn sát nhân cũng mặc áo cà sa. Những người tìm ma thuật học Mật chú vì mục đích vị kỷ. Tu sĩ chế thuốc độc để bức bách người khác và để trục lợi. Giáo lý tá ngụy được tạo ra từ lời Phật và các vị thầy diễn giải kinh điển để tự đề cao. Người ta đi theo những con đường nguy hiểm chưa được biết trước đây. Nhiều lối tu hành gian tá lan rộng. Những hành vi vốn được coi là xấu xa thì lại được dung dưỡng; những tư tưởng mới trái ngược với phong tục cũ, những tục lệ tốt bị từ bỏ, những lối sống mới đáng khinh làm hư hỏng con người. tài sản của đền chùa bị cướp đoạt và bị những người đã thọ giới tiêu phí. Đi theo đường tà, con người bị kẹt trong chính những hành động xấu của họ. Những người bảo hộ giáo lý thuần túy thì lại tham lam, giả dối, không làm tròn bổn phận của họ nữa.

TRUYỀN THUYẾT VỀ ĐẠO SƯ LIÊN HOA SANH 7

Thiên lý bị đảo lộn, gây ra dịch bệnh, nạn đói và chiến tranh để làm khủng hoảng đời sống thế gian. Các tinh tú hỗn loạn, những ngôi sao rơi khỏi các chòm sao; những ngôi sao lớn bốc cháy xuất hiện mang lại tai họa không thể lường trước được. Mưa rơi không đúng mùa, mà trái mùa; các thung lũng bị ngập lụt. Nạn đói, sương giá và mưa đá gây mất mùa nhiều năm. Bọn nữ quỷ dữ tợn và mười hai nữ hộ pháp không được cúng tế nữa nên nổi giận thả lỏng các bệnh tật cùng các bệnh dịch khủng khiếp lan tràn như lửa cháy rừng, làm hại cả người lẫn gia súc. Những trận động đất gây nạn lụt bất ngờ, trong khi lửa, bão và gió lốc tàn phá đền chùa, tháp và các thành phố trong khoảnh khắc. Vào lúc này, ngay cả Đại Bảo Tháp cũng sụp đổ. Trong cảnh đen tối này, Pháp luân ở Vajrasana (Bồ đề đạo tràng) không hoạt động nữa; chiến tranh tàn phá Nepal trong nhiều năm; Ấn Độ gặp nạn đói; thung lũng Kathmandu bị bệnh dịch hoành hành; động đất tiêu diệt dân xứ Ngari Thượng ở miền tây Tây Tạng; bệnh dịch hủy diệt dân miền trung Tây Tạng; quận Thung lũng Kyi của thủ độ Lhasa vẫn tồn tại; các đỉnh của Hy Mã Lạp Sơn ở biên giới xứ Mon bị đổ xuống các thung lũng. Ba đồn phòng thủ được xây trên núi Năm Đỉnh; các Thiền giả tụ họp nơi thung lũng Hang Gấu ở Mon; hai mặt trời mọc ở tỉnh Kham về hướng đông; Hoàng đế trung Hoa chết đột ngột; bốn đạo quân tràn xuống miền trung Tây Tạng từ biên giới; quân Hồi giáo chiếm Ấn Độ; quân Garlok diệt giáo pháp ở Kashmir; người Mông cổ chiếm Tây Tạng; quân Jang tiến vào Kham; chùa Hộ Pháp Rasa Trulnang bị đe dọa; chùa Samye danh tiếng bị xâm phạm; các tháp ở Bhutan bị nghiêng và Pháp luân bị hỏng.

Các chùa lớn ở xứ này bị bỏ hoang và tiếng Ợ của đạo sĩ Bon vang trong các am thất yên tĩnh; các vị lãnh đạo khôn ngoan hay chất phác của các tu viện bị đầu độc làm cho việc diễn giải và tu hành truyền thống bị phân tán hay mai một; những người bảo tồn truyền thống bị chết đột ngột. Bọn giả dối lừa gạt người dân và những bong ma đen ám ảnh xứ sở này. Nút chỉ tơ thiêng liêng trói buộc các lực lượng ma quỷ bị tháo ra và sợi dây tín tâm giữ tâm trí con người hòa hợp bị cắt đứt. Luật lệ của vua bị phá và sức mạnh của sự hợp nhất xã hội bị diệt; phong tục của dân bị chối bỏ và biển an lạc bị khô cạn; đạo đức con người bị bỏ quên và ca áo khiêm tốn bị liệng bỏ. Người đức hạnh thì bất lực và bị hạ nhục, chịu sự sai khiến của những người cai trị thô lỗ, kiêu ngạo, đáng sợ. Các tu sĩ và thầy giáo trở thành sĩ quan quân đội, còn kẻ ngu dốt thì lại hướng dẫn người có đạo tâm, thuyết giảng giáo lý và truyền tâm ấn. Tín đồ nói xấu người khác để tự biện minh, trong khi đồ tể và voi hoang dẫn dắt người ta. Các đèo, các thung lũng và các đường mòn đều bị các bọn cướp vô liêm sỉ khuấy phá. Lo sợ, vô pháp luật và không có người hướng dẫn, dân chúng đánh lẫn nhau và hành động một cách vị kỷ. Tây Tạng trở nên bại hoại và ô nhiễm. Đây là tình trạng chính yếu trong khoảng giữa thời Mạt pháp, khi tuổi thọ của con người là năm mươi năm. Đó là những điềm báo trước sự hủy diệt của Đại Bảo Tháp.

Những dấu hiệu đau khổ này sẽ làm thức tỉnh tâm trí của một người, và do chán ngán than phận con người, do được gia hộ trong các hoạt động và do long từ bi đối với chúng sinh đau khổ, người đó tự nguyện khôi phục Đại Bảo Tháp. Người đó sẽ nguyện đạt thành tựu cao nhất của loài người và thực hiện ý nguyện tái tạo sự hoàn hảo”.

Khi Đạo sư Tôn Quý nói xong, Trison detsen và mọi người đều sững sờ, nản chí. Khi bình tĩnh trở lại, Pema Khungtsen, nhà lãnh đạo tinh thần của xứ Gos, đứng dậy và phục lạy Đạo sư Tôn Quý một trăm lần rồi nói: “Thưa Đại sư! Tôi nguyện được tái sinh để phục hồi Đại Bảo Tháp khi Tháp bị tàn phá trong thời Mạt pháp bại hoại, khi con người giảm thọ!”

Đức Đạo sư Tôn Quý chấp thuận lời thỉnh cầu này. Vua Trison detsen xin được tái sinh để giúp việc phục hồi Đại Bảo Tháp và quần thần của vua cũng cầu xin được tái sinh để giúp việc phục hồi.

Samaya Gya Gya Gya Con dấu niêm phong ba lần


Chương V : Những người phục hồi và sự thành tựu của họ

Vua Trison detsen lại nói với Đạo sư Liên Hoa Sanh: “Thưa Đại sư! khi tuổi thọ giảm trong sự hủy diệt và bại hoại của thời Mạt pháp và khi Bảo Tháp bị hư hại cần phải được phục hồi, như Ngài đã nói, thì Pema Khungtsen Rinpoche của xú Gos sẽ tái sinh ở đâu? Tên của Ngài sẽ là gì? Làm sao để chúng tôi nhận ra Ngài? Ngài sẽ có bao nhiêu bạn và đệ tử? Việc phục hồi Đại Bảo Tháp sẽ mang lại điều mãn nguyện và khả năng nào cho nhóm người đó?”

Đức Đại sư trả lời: “Đại vương hãy nghe kỹ! những câu hỏi của Ngài là rất chính đáng. Vào cuối thời bại hoại, khi tuổi thọ giảm còn năm mươi năm, sẽ có một trăm lẻ một điềm xấu. Vào lúc đen tối nhất của thời hắc ám này, Pema Khungtsen Rinpoche của xứ Gos do nguyện lực đắc Phật quả của Ngài, Ngài sẽ sinh vào năm Hợi trong vùng cao nguyên tỉnh Tsang, trong một gia đình những người đã thành tựu Mật giáo giỏi huyền thuật biến hóa, và Ngài sẽ có tên là Pellan Zangpo. Ngài có trí lực lớn và sẽ thấy rõ những gì mình sẽ làm trong đời. Do nhận thức bí ẩn hay rõ rệt trong các kiếp từ khi Ngài phát nguyện, Ngài sẽ tái sinh với tín tâm coi Tam Bảo là An Lạc Vĩnh Hằng, tôn kính trách vụ của giáo hội, và thành tâm với sự thiêng liêng của thân, khẩu, ý. Là người Đại thừa, Ngài có tâm từ bi đối với loài người cũng như các sinh vật và sự bố thí của Ngài về thân, khẩu, ý là vô tận. Với trí huệ về chân không an lạc của bản thể các pháp, Ngài quán thông Phật Hạnh bạo động và sự biểu lộ hung dữ của các hộ pháp phẫn nộ. Ngài thành tựu các pháp quán tưởng và niệm chú. Khi Ngài đạt sự hợp nhất với nguồn năng lực của Ngài và các vị thần bản mệnh đã được nhiếp phục, Ngài sẽ tái sinh làm một em bé, và Ngài tôn thờ chính Đức Orgyen Rinpoche (Đức Liên Hoa Sanh).

Nếu lời thề nguyện của vị Tulku (Đấng Vĩ Đại) được toàn vẹn, thì vào năm Ngài 25 tuổi, Bảo Tháp sẽ được phục hồi. Nếu công trình này đình hoãn cho đến khi Ngài được 33 tuổi, thì Tháp vẫn được phục hồi. Nhưng nếu công trình bị đình hoãn quá thời hạn này, thì chiến tranh sẽ bộc phát như một cơn bão thổi qua Tây Tạng và Trung Hoa, sự phi nhân của tai họa này sẽ làm tăng gấp ba lực hắc ám, nạn đói và bệnh tật sẽ đưa chúng sinh vào địa ngục khủng khiếp. Từ biên giới Trung Hoa ở cao nguyên Đông bắc, một đạo quân đông bằng năm lượng hạt cải trắng sẽ xâm lăng Tây Tạng và tiếng kêu khủng khiếp sẽ vang như sấm trong nhiều năm. Một đạo quân đông bằng chín lượng hạt cải trắng sẽ tiến qua vùng bình nguyên miền nam xâm lăng Tây Tạng và tiếng kêu kinh hoàng sẽ vang như là một con rồng lửa. Các đạo quân sẽ tiến qua những thung lũng như chớp nhoáng xâm chiếm miền tây Tây Tạng. Lực lượng cao nguyên sẽ xâm lăng Trung Hoa, cướp phá cho tới khi chiến thắng. Một nửa dân Tây Tạng sẽ bị giết, các đền chùa đều bị phá hủy, các bức tượng bị xâm phạm, kinh sách bị chà đạp dưới đất, các tu sĩ bị sát hại. Những ngôi làng bị tàn phá và trở nên hoang vắng vì những người sống sót trong tai họa này sẽ trốn sang Sikkim, Bhutan, Nepal và Ấn Độ như những người tỵ nạn, và đến các thung lũng bí mật của Hy Mã Lạp Sơn. Những người ở lại vì còn tiếc ruộng đất và của cải, sẽ bị bọn man rỡ chống giáo pháp tàn sát cùng với gia súc của họ.

Nguyện giải trừ sự thống khổ này, vị Tulku, với lục an lạc của ta, với tâm từ bi đối với chúng sinh, không nghĩ tới thể xác, sự sống và hạnh phúc của riêng mình, khôi phục dũng mãnh bằng sự phẫn nộ thiêng liêng, ngài hướng dẫn và củng cố sức mạnh cần thiết cho người dân ở các xứ biên giới. Khi tiếng nói đức hạnh của những người lưu vong đã hợp nhất, thì những người bạn của Vĩ nhân này bắt đầu cùng nhau ra sức phục hồi Đại Bảo Tháp. Nhưng những quyền lực hắc ám quái đản đã dụ dỗ mọi người làm những điều tội lỗi; chỉ có ít người tôn sùng và tin tưởng vị Tulku, những người này ít như sao buổi sáng. Tuy nhiên, Vĩ nhân này cũng có một trăm ba mươi ngàn tín đồ đạo hạnh, một trăm lẻ sáu Đạo sư uyên thâm, tám mươi tám Thiền giả thành tâm trì giới, tám mươi thí chủ rộng rãi, không keo kiệt, hai mươi ba nhà tiên tri, tám Giáo sư hóa thân của tám Bồ Tát, hai mươi lăm đệ tử sung tín, năm Dakini (nữ thần) hóa thân, và hai mươi lăm thiếu nữ thuộc các gia đình cao quý. Tiếp xúc với họ, Ngài thanh lọc tâm trí ô nhiễm của họ và dọn sạch mọi chướng ngại trên đường đạo của họ. Vị Tulku đó sẽ gặp đệ tử của ta, một hóa thân của trí huệ vô tận của ta, một hóa thân của Sư trưởng Shantirakshita, Luật sư, và một hóa thân của chính Ngài, Trison detsen, Pháp vương, người cai quản mọi nhu cầu vật chất, vĩ nhân đó sẽ nhận sự gia hộ của họ, và phục hồi trọn vẹn Đại Bảo Tháp.

Nếu Đại Bảo Tháp được phục hồi theo lời tiên tri này, thì những người mãn nguyện và thịnh vượng của toàn thể Nam Thiệm Bộ Châu sẽ gặt hái những mùa lúa tốt trong hai mươi lăm năm. Những người mãn nguyện và thịnh vượng của Ấn Độ, Nepal, Sikkim sẽ được mùa ba mươi ba năm. Xứ tuyết sẽ thoát các đạo quân man rợ xâm lăng trong sáu mươi năm, sẽ được mùa và phúc lộc trong bốn mươi năm. Ý nguyện của các Tín đồ sẽ được thực hiện. Những Pháp Luân ở các đền chùa Ấn độ và Tây Tạng, Vajrasana và Samyeling sẽ thoát khỏi sự phá hoại của tứ đại, và các chướng ngại cản trở sự truyền bá giáo pháp được dẹp bỏ, Giáo pháp sẽ được hoằng truyền. Các Vĩ nhân, Đạo sư các dòng truyền thừa, sẽ gia trì cho các dòng của họ, hướng dẫn các hoạt động Phật sự. Các Đạo sư Mật Giáo sẽ hướng dẫn các pháp Thần linh quán và niệm chú mà không gặp chướng ngại. Các quỷ thần phò hộ của Tây Tạng, Vua Trison detsen, gia đình của Ngài, và các thủ lãnh của xú này sẽ thi hành các bổn phận tinh thần và thế gian, gia hộ cho nhiều người, ban sự mãn nguyện và đức hạnh cho tất cả mọi người. Những bóng ma tà ngụy và thù hận đã tàn phá Tây Tạng, bọn quái vật hắc ám vị kỷ sẽ bị tiêu diệt.

TRUYỀN THUYẾT VỀ ĐẠO SƯ LIÊN HOA SANH 8

Zangdok Palri

Cõi Núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ của Đạo Sư Liên Hoa Sanh

Tất cả những người nào ra tay phục hồi Đại Bảo Tháp, sau ba lần tái thức tỉnh, sẽ tái sinh làm người hay thần, thanh tịnh để nhận cam lộ Giáo pháp, và rốt cuộc sẽ đắc Phật quả ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Người nào đã tin tưởng Đại Bảo Tháp, người nào đã thấy niềm vui trong bản thể Đại Bảo Tháp, người nào đã biểu lộ sự tôn kính Đại Bảo Tháp, và người nào vui mừng với các Bồ Tát khi Đại Bảo Tháp đã được phục hồi viên mãn, thì sau bảy kiếp nữa sẽ ngồi ở hàng đầu của các Vị Thành Tựu ở cung Ánh Sáng Hoa Sen Vô Tận ờ núi Mầu Đồng Vinh Quang Ngayab tại phương tây nam. Những ai chứng kiến cuộc Đại Phục Hồi với đôi mắt của mình, hay nghe âm thanh của cuộc Đại Phục Hồi với tai của mình, hay quán tưởng trong tâm, hay cảm giác cuộc Đại Phục Hồi với thân của mình, thì tất cả những dấu vết của các hành động vô ý thức, những ô trược của sáu mươi ngàn đại kiếp vô minh, sẽ được giải trừ khỏi tâm trí của người đó. Tất cà những người nào cùng với Đấng Vĩ Đại, thi hành việc phục hồi Đại Bảo Tháp, dù có ý thức về Ngài hay không, dù tin tưởng và tôn sùng hay không, đều sẽ đạt thành tựu tối thượng và quyền năng tâm linh vào cuối kiếp làm người thế gian, họ sẽ trụ trong tâm thức của một bậc thành tựu, dưới chân của Orgyen Rinpoche (Đức Liên Hoa Sanh).

Điều cuối cùng cần biết là: có ba cấp thành tựu trong Đại Bảo Tháp này. Thứ nhất là nghiệp báo tốt của việc dâng cúng và cầu nguyện, đã nói ở chương ba; thứ nhì là nghiệp báo của đức hạnh hoàn hảo (sáu hạnh Ba la mật) vốn phát sinh Pháp âm vô tận, những lời dạy của chư Phật, Bồ Tát quá khứ, hiện tại, vị lai qua hàng trăm ngàn đại kiếp; và thứ ba là sự thành tựu các phẩm tính của Pháp thân, siêu việt cõi hữu vi (cõi biểu lộ)”.

Khi Đạo sư Tôn Quý, Sư trưởng Orgyen, Đức Liên Hoa Sanh nói xong, các tín đồ đều ngạc nhiên, nhận được làn sóng an lạc và năng lực để hộ trì họ trong thời Mạt pháp. Mọi người cảm tạ Ngài vì những lời khai thị và ca tụng Ngài.

Samaya Gya Gya Gya Con dấu niêm phong ba lần

Tái bút:

Dakini (nữ thần) Yeshey Tsogyalghi lại những lời này trong Kinh Dakini đúng như Đại sư Tôn Quý (Đạo sư Liên Hoa Sanh) đã diễn nói. Do việc khai thị vào Tối Mật Tâm của Lama đã thự hiện , văn bản bí mật này được cất giấu trong gian trên của Đại tự, ở sau tượng Mahavairocana. Nguyện sẽ có một người xứng đáng phát hiện văn bản này vào lúc tốt nhất.

Đến đây là chấm dứt sự tích Đại Bảo Tháp Jarungkhasor giải thoát đệ tử khỏi trói buộc của Luân hồi.

Tái bút của người Xuất lộ lần thứ nhất

Tôi là Terton (Người xuất lộ) Lha Btsun Sngon Mo, đã kính cẩn xuất lộ Terma (Mật thư) này từ chỗ cất giấu ở sau tượng Mahavairocana. Sự tích Đại Bảo Tháp Jarungkhasor do Đạo sư Tôn Quý Orgyen kể, được viết bằng Mật tự. Tôi được báo mộng lúc tìm thấy mật thư này, và được dạy viết lại văn bản này bằng thứ chữ cổ trên giấy màu vàng, và cất giấu trở lại trong mặt Tây nam của ngai Sư Tử nơi Tháp Đỏ. Nguyện Mật thư này được tìm thấy bởi một người xuất lộ xứng đáng, có khả năng, và vào lúc tốt nhất!

Samaya Gya Gya Gya Con dấu niêm phong ba lần

Tái bút của người xuất lộ thứ hai

Tôi là Ngakchang Sakya Zangpo, được Đạo sư Tôn Quý Orgyen từ bi gia hộ, đã được báo mộng để tìm ra chỗ cất giấu Terma này. Tôi tìm thấy mật thư này vào ngày nười tám, tháng Mùi, năm Thân. Nguyện quyển sách này lợi ích các loại chúng sinh!

Tái bút của dịch giả

Dịch sang tiếng Anh bởi cư sĩ Kunzang Tenzin, dựa theo bản dịch của Nima Norbu, với sự cho phép của Đức Dudjom Rinpoche sau sự hiệu chỉnh bản Tây Tạng bởi Jattur Rinpoche và hoàn tất ở Agia Pelagia trên đảo Kethyra, Hy Lạp, ngày hai mươi tháng năm, năm Tuất, hay ngày hai mươi sáu tháng sáu, năm 1971. Nguyện sự tích này có thể soi sang thời hắc ám này!

The Legend of the Great Stupa and The Life Story of the Lotus Born Guru/Translation and commentary by Keith Dowman/Illustrated by Glen Eddy/Tibetan Nyingma Meditation Center

Bản dịch tiếng Anh, giới thiệu và bình luận của Keith Dowman