img_20191105095201

Xem tranh Đông Hồ, ngẫm về văn hóa Việt

trecoc
Tranh Đông Hồ: Trê Cóc
Lisa Spivey, tốt nghiệp Đại học Santa Barbara ở California và học viện ngôn ngữ Bắc Kinh. Cô là giám đốc điều hành của một công ty thương mại ở Hong Kong. Lisa Spivey từng viết nhiều bài về văn hóa Việt Nam như “nghệ thuật múa rối nước”, “tranh Tết Đông Hồ”… Cô rất yêu thích tranh Đông Hồ và đã có dịp tới thăm làng tranh truyền thống này ở Bắc Ninh và dưới đây là những cảm nhận của cô sau chuyến đi này.

Có thể trước đây, bạn đã từng nhìn thấy những bức tranh Đông Hồ ở một nơi nào đó. Trong các nhà hàng của người Việt ở khắp nơi trên thế giới vào mỗi dịp xuân về, các chủ cửa hàng thường dùng những bức tranh dân gian này để trang trí. Ở Việt Nam cũng vậy, tranh Đông Hồ là một trong những đồ trang trí không thể thiếu trong mỗi gia đình, đặc biệt là vào dịp năm mới. Tôi và bạn bè đã tìm mua được một vài bức tranh Đông Hồ trong các cửa hàng ở Hà Nội và thực sự chúng tôi rất muốn đến thăm ngôi làng, nơi đã làm ra những bức tranh đó. Chúng tôi đã quyết định thuê một chiếc ô tô, một người lái xe kiêm hướng dẫn viên để đến làng Đông Hồ. Nghề cha ông Làng Đông Hồ nằm ở Bắc Ninh, miền bắc Việt Nam. Người lái xe đưa chúng tôi ra khỏi Hà Nội và đến với một làng quê có khung cảnh tuyệt đẹp. Nếu thành thạo đường, bạn chỉ phải mất hơn một giờ đồng hồ để đi đến ngôi làng này từ Hà Nội. Đến gần ngôi làng, vì không biết đi đường nào tiếp theo, chúng tôi dừng lại hỏi đường. Một người nông dân chỉ cho chúng tôi con đường trên triền đê dẫn đến làng Đông Hồ. Khi đến gần hơn, chúng tôi nhìn thấy những ngôi nhà san sát nhau, trong đó có một vài ngôi nhà lớn hơn, rõ ràng mới được xây lại gần đây. Chúng tôi đi tới ngôi nhà lớn có một chiếc cổng và một cái sân trong. Người chủ ngôi nhà mở cửa và đón chúng tôi. Toàn bộ nơi này bị bao trùm bởi tiếng ồn ào của việc làm tranh. Một mẻ tranh đang được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Một số khác đang được sơn sửa với những màu sắc khác nhau, trong một ngôi nhà thoáng mát. Tôi ra khỏi xe và đứng lại một phút để chờ tất cả mọi người cùng ra. Chúng tôi ai cũng chờ đón giây phút được chiêm ngưỡng một ngôi làng mà không thể tìm thấy ở một nơi nào khác với những người thợ thủ công ngày ngày làm ra những bức tranh có từ thế kỷ XVII. Sau một cuộc nói chuyện vui vẻ với một vài chén trà, người chủ nhà, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã đề nghị dẫn chúng tôi đi thăm xung quanh khu sản xuất của ông để quan sát quá trình làm ra một bức tranh Đông Hồ. Những bức tranh được khắc trên ván gỗ, sau đó ấn những ván gỗ này lên giấy. Giấy làm tranh được gọi là “giấy điệp”. Sau khi đã được sơn màu (thông thường tranh Đông Hồ chỉ dùng 5 màu chính), các bức tranh được mang ra phơi khô. Các khuôn gỗ được làm từ cây thị, một loại gỗ có thớ nhẹ. Khuôn gỗ được sử dụng để làm khuôn in, mỗi khuôn ứng với một màu, một lần in và một kích cỡ. Trong phòng tranh có một gian lớn chứa hàng trăm khuôn gỗ như thế này. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chỉ cho chúng tôi một khuôn gỗ cổ mà theo như lời ông thì đã có từ cách đây 200 năm. Các khuôn gỗ này được xem là “báu vật” truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình ông, một gia đình làm tranh Đông Hồ qua nhiều thế hệ. Ông tự hào chỉ cho chúng tôi ba người con trai và một vài người con gái của ông, những người dù khó khăn đến đâu cũng không bỏ nghề, cố gắng làm việc, học nghề gia truyền từ cha mình và tiếp nối truyền thống gia đình. Tất cả các bức tranh đều được làm trên giấy dó (loại giấy làm từ vỏ cây dó) và con điệp. Người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển rồi trộn bột đã nghiền với hồ (có lẽ là bột gạo nếp nấu lên). Sau đó dùng chổi là thông quét hồ điệp lên giấy dó, thế là có giấy điệp. Những bức tranh này được vẽ bằng bút làm từ lá cây vân sam khô buộc lại với nhau. Bút vẽ có rất nhiều kích cỡ và được làm tại một ngôi làng không xa Đông Hồ. Những bức tranh dân gian này có một đường viền khá đơn giản và những màu sắc tự nhiên được làm từ các loại cây cỏ sẵn có. Màu được để trong những chiếc lọ đất nung lớn. Mỗi người thợ thủ công có một công thức trộn màu riêng. Màu đỏ của bức tranh được làm từ sỏi son, một loại đá mềm có sẵn trong vùng. Màu xanh được làm từ lá chàm… Màu vàng thường được làm từ cây hòe, một loại cây có hoa nhỏ như hạt gạo. Hoa của chúng được rang trong một chiếc chảo cho đến khi chuyển sang màu nâu vàng. Khi thêm nước vào hỗn hợp đó và đun sôi lên, màu vàng sẽ xuất hiện. Chất lỏng được lọc ra và bã bỏ đi. Màu tím được làm từ quả mồng tơi. Màu đen được làm từ cây tre. Lá tre đốt thành than, sau đó rắc vào nước, rồi trộn với hồ gạo nếp, chúng ta sẽ có màu đen. Câu chuyện qua tranh Mỗi bức tranh phản ánh một câu chuyện có ý nghĩa riêng. Chúng cũng được xem như là công cụ để lưu giữ một nét lịch sử văn hóa của người Việt, dạy dỗ thế hệ trẻ qua những câu chuyện tái tạo lại trong tranh. Chủ đề chính của những bức tranh là hạnh phúc, may mắn, giàu có, thành công và thịnh vượng. Năm mới là khoảng thời gian mà tất cả các gia đình trong ngôi làng bận rộn với việc làm tranh. Nhưng ngày nay, làng tranh Đông Hồ thật sự đã khác xưa rất nhiều, có lẽ không còn mấy nhà tiếp tục kế thừa truyền thống làm tranh này nữa. Làng Đông Hồ giờ trù phú, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo và ngô, chỉ còn một vài gia đình tiếp tục gắn bó với nghề làm tranh quanh năm, vận chuyển chúng lên Hà Hội bán cho những người mua buôn, rồi từ những người này, tranh Đông Hồ sẽ được phân phối đi khắp cả nước, góp phần giữ gìn một nét truyền thống văn hóa Việt Nam.

Nhật Anh (Theo Things Asian).

Nguồn: Xem tranh Đông Hồ, ngẫm về văn hóa Việt