Boudhanath Stupa Kathmandu

Hạnh phúc là trạng thái Tâm tươi đẹp và an lạc

Kinh Pháp Cú có dạy:

Vạn pháp duy tâm tạo. Con người là kết quả của những gì mình nghĩ. Nếu một người nói và làm với thiện tâm, hạnh phúc sẽ luôn đi theo anh ta như hình với bóng.

Hạnh phúc vốn luôn sẵn có trong mỗi người. Điều duy nhất bạn cần làm là nỗ lực nhận ra điều đó để rồi khơi nguồn và vun trồng hạnh phúc bằng suy nghĩ cũng như hành động của chính mình. Hạnh phúc liên hệ mật thiết với tự tính tâm, bản chất này vốn quang minh và chiếu soi rực rỡ. Nếu biết kiên trì trưởng dưỡng tâm, hạnh phúc sẽ tự nhiên đơm hoa kết trái và mở ra một chân trời mới mà bạn chưa từng khám phá.

Thế nhưng thông thường, con đường tìm kiếm hạnh phúc của chúng lại diễn ra như sau: chúng ta ao ước một điều gì đó, nghĩ rằng nó sẽ đem lại hạnh phúc cho mình. Chúng ta theo đuổi và đạt được nó. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, sự sở hữu mới vẫn không làm chúng ta hạnh phúc, chúng ta lại mải miết chạy theo một mục tiêu khác và chu kỳ này không có điểm dừng. Những người trẻ tuổi nghĩ rằng những người có tuổi đã thành đạt chắc chắn phải hạnh phúc. Những những người già vẫn tiếp tục theo đuổi điều gì đó để cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Vậy là suốt cuộc đời chúng ta cứ mải miết đuổi theo hạnh phúc mà không bao giờ có được nó. Trong vòng xoáy đó, chúng ta hy sinh tình bạn, tình cảm và sức khỏe. Kết cục là chúng ta hy sinh tất cả mà chẳng có được điều gì.

Hãy suy ngẫm xem bạn có thường cảm thấy thất vọng, bất mãn đối với chính những gì mà mình từng ao ước? Nhiều người được dạy rằng chính sự bất mãn sẽ là động lực thúc đẩy họ làm việc cật lực hơn, thành công hơn và tiếp tục tiến bước lên cao hơn. Mục tiêu rốt ráo của đời sống là không ngừng nâng cao “tiêu chuẩn sống” – một căn nhà to hơn, một chiếc xe hơi đắt tiền hơn. Bản ngã lừa phỉnh chúng ta tin rằng đây là tất cả những gì chúng ta cần làm để có được hạnh phúc.

Cũng có khi bản ngã làm chúng ta lầm tưởng một người yêu lý tưởng sẽ mang lại hạnh phúc. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, do chúng ta luôn có xu hướng so sánh hơn thua, ngay khi đạt được điều chúng ta nghĩ là sẽ mang đến cho mình niềm vui, ngay lập tức cảm giác hài lòng đó biến mất và chúng ta lại tiếp tục bị cuốn theo những tham muốn và mục tiêu tìm kiếm mới.

Vậy hạnh phúc thực sự đến từ đâu? Hạnh phúc đến từ những yếu tố bên ngoài như của cải vật chất, một đối tượng nào đó chúng ta mơ ước, hay hạnh phúc bắt nguồn từ trong tâm ta? Nếu bạn nhận ra sự thật rằng hạnh phúc hoàn toàn bắt nguồn từ bên trong, thì bạn cũng nên biết rằng mình có quyền chủ động nhất định đối với hạnh phúc của chính mình, để chăm sóc, vun bồi và nuôi lớn nó.

Chối bỏ hạnh phúc

Đôi khi chính những cuộc rượt đuổi hạnh phúc triền miên khiến tâm ta bất an. Hạnh phúc dường như luôn ở phía trước, vì vậy chúng ta chỉ chú tâm vào mục tiêu kế tiếp, bất kể đó là gì mà quên đi những điều tốt đẹp đang có trong cuộc sống hiện tại. Chúng ta không để cho mình chút thời gian để tĩnh tâm. Một số yếu tố như mong muốn và lòng quyết tâm có bản chất không hề xấu. Chỉ khi để các yếu tố này lấn át tâm thì chúng mới phá vỡ sự cân bằng tự nhiên và gây rắc rối cho chúng ta. Khi gắn hạnh phúc với tương lai, chúng ta đánh đổi giây phút quý giá của hiện tại để chạy theo thứ có lẽ không bao giờ xảy đến.

Tương lai chỉ nắm giữ những hy vọng và sợ hãi của chúng ta, song nó không khiến chúng ta thôi lo lắng. Tâm lý chung của con người thường thay đổi giữa hai trạng thái đối nghịch, hoặc hoang mang lo sợ, hoặc hào hứng phấn khích khi nghĩ về điều chưa biết. Ở khắp nơi trên thế giới, con người được dạy từ bé rằng cần lo cho tương lai của bản thân, biết đặt cho mình mục tiêu và tham vọng dựa trên những kỳ vọng của chính mình hoặc của người khác đặt ra cho mình. Quan tâm tới tương lai là việc cần làm, song đầu tư toàn bộ cuộc sống thực tại vào những hy vọng tương lai cũng giống như việc chúng ta đang đặt cược tất cả những gì quý giá của mình vào một canh bạc vậy. Điều này sẽ khiến chúng ta luôn cảm thấy bất an và bực bội vì phải lệ thuộc vào điều gì đó hoàn toàn bất định, không chắc chắn.

Đôi khi chúng ta thấy bất an bởi biết rằng mình đang chờ đợi điều gì đó sắp xảy ra, nhưng ta chưa thực sự sẵn sàng hoặc còn lo lắng vì phải thay đổi và những hệ lụy có thể xảy ra sau đó. Có thể chúng ta chưa thực sự hài lòng với hoàn cảnh hiện tại, nhưng ít nhất chúng ta biết rõ mình đang đối mặt với ai hoặc những trở ngại gì. Mặc dù trong thâm tâm, chúng ta muốn thử một hướng đi mới, nhưng dường như có điều gì đó níu chân ta lại. Nếu thất bại thì sao? Có quá nhiều trách nhiệm buộc chúng ta trước hết phải cân nhắc.

Mặc dù vậy, thực tế là hầu như tôi chưa từng gặp ai phải ân hận vì đã can đảm đi theo tiếng gọi của niềm tin, ngay cả khi mọi việc không thực sự diễn ra như họ đã hình dung. Vẻ đẹp cuộc sống thường ẩn trong những yếu tố bất ngờ nhất.

Theo http://www.drukpavietnam.org

Tác phẩm” Tâm An Lạc” của Đức Gyalwa Dokhampa Rinpoche