ka3

Đặc điểm của Mật pháp Kalachakra và Pháp Quán Đảnh Kalachakra

1. Ðặc điểm của mật pháp Kalachakra

Mật pháp Kalachakra là phương pháp tu cực kỳ thâm diệu, được rất nhiều người trên thế giới biết tiếng. Vì cầu giác ngộ nên chúng ta bước theo con đường dẫn đến Phật quả. Quan trọng nhất là đừng quá nuông chiều thân xác cha mẹ sinh ra, mà phải trú nơi tâm của mình, vì tâm vốn trong sáng, tách lìa ô nhiễm. Ô nhiễm không phải là đặc tính của tâm, nhờ đó có thể sám hối thanh tịnh tâm thức, dẹp sạch ô nhiễm, thành đạt trí toàn giác. Trí toàn giác này chính là tâm của Phật. Chúng ta ai cũng có thể làm được như vậy, và muốn được như vậy thì phải sám hối thanh tịnh tâm thức của mình. Vậy phương pháp thành tựu tâm Phật đã biết rồi. Còn Thân Phật thì sao? Làm cách nào chúng ta có thể thành tựu được thân Phật?

Xét theo giáo pháp của Mật tông nói chung, chúng ta gọi thân cha mẹ sinh ra là thân của mình, nhưng không thể lấy thân thể thô lậu này để chuyển thành thân Phật nhiệm màu. Phải vận dụng phần tâm và khí vi tế nhất để thiền quán tánh không, rồi sám hối thanh tịnh mọi chướng ngại của thân và tâm vi tế để chuyển thành sắc thân trong sáng của Phật Kim cang tát đỏa hay (Vajrasattva) của Phật Kim cang trì (Vajradhara), hay nói cách khác, để chuyển thành thân Phật. Ðây là phần thân và tâm vi tế nhất, khác với hợp uẩn thân tâm do cha mẹ sinh ra. Phần tâm và khí vi tế nhất quán tưởng tánh không là trí Phật, trí Phật hoạt hiện thân Phật, thân và trí của Phật trở thành một hiện tượng duy nhất không thể phân chia, đó là cái gọi là thân tâm của Phật.

Kalachakra không những vận dụng thân và tâm vi tế nhất để thiền quán tánh không mà còn phải trải qua quá trình thu nhiếp toàn bộ mọi thành phần vật lý. Bao giờ mọi phân tử vật lý đều đã thu nhiếp tiêu trừ, hành giả sẽ thành tựu được thân vô sắc của Phật. Mật pháp Kalachakra không nói đến thân vi tế và khí vi tế khác với thân ngũ uẩn, mà lại dạy phương pháp tiêu trừ thân ngũ uẩn hiện có, để chuyển thân này thành cái gọi là thân vô sắc của Phật.

Chữ Kalachakra có nghĩa là bánh xe thời gian. Kala là thời gian, còn chakra là bánh xe. Khi giải thích về Kalachakra, cần phải hiểu Kalachakra qua ba điểm chính yếu của pháp tu này, đó là nền tảng, đạo và quả.

Theo mật pháp này, nền tảng là thân vật lý, khởi sinh từ ba nghiệp phiền não là tham sân si, cùng nhiều loại phiền não khác. Thân chúng sinh là nguyên nhân của khổ đau luân hồi, cho chính mình và cho chúng sinh. Những thành phần vật lý có trong đó, hệ thống khí mạch và các tinh chất luân chuyển trong đó, là nền tảng của pháp Kalachakra. Ðó là nền tảng hành trì.

Ðạo là phương pháp tu. Ðể triệt bỏ khổ não cho mình và cho chúng sinh, hành giả cần thành tựu tâm đại lạc bất động. Bất động có nghĩa là không lay chuyển trong cả ba thời quá khứ hiện tại và vị lai. Ðại lạc bất động trong mật pháp Kalachakra chính là cái nơi khác thường gọi là tâm chân như. Tâm đại lạc bất động chính là tâm chân như cực kỳ vi tế đang quán chiếu tánh không. Muốn vận dụng tâm chân như vi tế này để chứng tánh không, hành giả phải lần lượt thu nhiếp tiêu trừ thân vật lý của chính mình. Ðiều này không đột ngột xảy ra mà thành tựu từng phần nhờ vào công phu kiên trì tu tập. Lúc đầu, thân vô sắc chỉ là một hiện tượng mơ hồ. Nếu kiên trì, các hợp thể vật lý của xác thân sẽ từ từ thu nhiếp lại. Thân vật lý thu nhiếp đến đâu, thân vô sắc hiển hiện đến đó. Hành giả nhờ trú ở tâm chân như, hoạt hiện thành sắc tướng của năm vị Thiền Phật trong năm bộ Phật, cùng chư tôn thánh từ hòa hay oai nộ trú trong mạn đà la Kalachakra. Ðó là phương cách thành tựu thân vô sắc, thành tựu sắc thân nhiệm màu của Phật. Thân vô sắc là từ tâm chân như hoạt hiện mà thành. Còn chính tâm chân như lại là nhân tố thành tựu trí Phật. Nhờ vậy mà có sự hợp nhất giữa thân và tâm của Phật. Hành giả đạt quả vị Phật với thân vô sắc và tâm đại lạc bất động, đồng thời hoạt hiện thành chư Phật và chư tôn mạn đà la, tất cả đều nằm trong chân tánh của đại lạc và chân như.

Mật pháp Kalachakra qua ba yếu tố nền tảng, đạo, và quả, giải thích đại khái là như vậy. Ðặc điểm của Kalachakra là thu nhiếp tất cả mọi thành phần vật lý thô lậu để chuyển thành thân vô sắc của Phật đà.

Trong mật pháp Kalachakra, tâm đại lạc bất động được xem là tâm của Phật, thành tựu được là nhờ thu nhiếp mọi thành phần vật lý để chuyển thành thân vô sắc. Thân vô sắc này chính là thân Phật, hoàn toàn bất nhị với tâm Phật. Trong các mật pháp khác của Mật tông tối thượng du già, hành giả không làm như vậy mà lại vận dụng phần khí và tâm vi tế nhất để trong cùng một lúc, hoạt hiện thành sắc thân vi tế nhất, là thân của Phật, đồng thời chứng ngộ về tánh không, là tâm của Phật. Vậy giữa Kalachakra và các mật pháp khác trong Mật tông tối thượng du già có sự khác biệt căn bản.

Ðọc mật kinh Kalachakra sẽ thấy phương pháp thành tựu thân tâm bất nhị của Phật được giải thích mạch lạc rõ ràng, trong khi đó các mật kinh khác như Guhyasamaja không nói rõ về phương pháp tu mà trình bày toàn bằng ẩn nghĩa. Vì vậy Kalachakra được gọi là mật kinh hiển nghĩa, còn các mật kinh khác đều gọi là mật kinh ẩn nghĩa.

2. Pháp Quán Ðảnh Kalachakra

Thông thường mật pháp được truyền dưới hai dạng, Tây tạng gọi là wangjenang. Chữ wang dịch là mật pháp quán đảnh và jenang là mật pháp gia trì. Cả hai cùng gọi là truyền mật pháp, nhưng ý nghĩa lại khác nhau. Vậy nên biết rõ wangjenang khác nhau ra sao, hai dạng truyền mật pháp này là như thế nào.

Nguyên văn chữ wang có nghĩa là “ban cho quyền năng”, thường gọi là truyền pháp quán đảnh, trong ý nghĩa hành giả được trao cho quyền năng quán tưởng chính mình là Phật Bổn Tôn Pháp Chủ mạn đà la. Nhận được pháp quán đảnh rồi mới có thể tu tập về pháp thiền Bổn Tôn mạn đà la, về hai giai đoạn chính của Mật tông tối thượng du già là giai đoạn phát khởi và giai đoạn viên thành, cùng những phương pháp tu thiền thuộc các bộ Mật tông thấp hơn. Nói tóm lại, pháp quán đảnh cho hành giả đầy đủ quyền năng hành trì một số pháp quán tưởng liên quan đến vị Phật Bổn Tôn Pháp Chủ mạn đà la.

Wangjenang có gì khác nhau? Mật pháp quán đảnh và mật pháp gia trì khác nhau ra sao? Mặc dù vẫn thường được gọi chung là truyền pháp, hai dạng truyền mật pháp này hoàn toàn khác nhau. Mật pháp quán đảnh ban cho quyền năng hành trì, còn mật pháp gia trì là truyền năng lực gia trì của đấng Bổn Tôn Pháp Chủ vào thân ngữ ý của hành giả. Nói chung, phải nhận pháp quán đảnh trước khi có thể nhận pháp gia trì, vì chỉ như vậy năng lực gia trì của vị Bổn Tôn Pháp Chủ mới có thể truyền thông suốt vào ba cửa thân ngữ ý của đệ tử.

Việc gì sẽ xảy ra nếu đệ tử chưa nhận pháp quán đảnh mà lại nhận pháp gia trì? Trường hợp này xảy ra rất thường. Ví dụ quý vị đến nghe giảng Pháp, sau buổi giảng, vị thầy có khi cử hành lễ truyền pháp trường thọ Bạch Y Quan Âm. Nếu chưa từng nhận pháp quán đảnh trước đó, dù có ngồi dự buổi truyền pháp này, quý vị vẫn chưa phải là đã thọ nhận pháp gia trì Bạch Y Quan Âm. Lý do là vì muốn thật sự nhận được pháp gia trì này, quý vị cần quán tưởng mình mang thân tâm thanh tịnh của vị Phật Bổn Tôn Pháp Chủ, ở đây là đức Bạch Y Quan Âm, rồi vận dụng thân tâm thanh tịnh ấy để nhận pháp gia trì. Nếu chưa từng nhận pháp quán đảnh, quý vị không thể tự quán tưởng mình mang thân tâm của đấng Bổn Tôn Pháp Chủ, vì vậy không thể nhận pháp gia trì. Vì lý do này, các thầy trước buổi truyền pháp gia trì thường nhắc nhở ai chưa nhận pháp quán đảnh thì đừng quán tưởng mình là Phật Bổn Tôn Pháp chủ. Quý vị chỉ có thể quán tưởng Phật ngự trên đỉnh đầu, rót dòng suối cam lồ thân ngữ ý thanh tịnh xuống. Như vậy quý vị cũng sẽ nhận được năng lực gia trì, nhưng không phải là đã nhận mật pháp gia trì.

Ðại lễ quán đảnh thường được truyền cho đệ tử qua mạn đà la. Có nhiều loại mạn đà la, bằng cát màu, bằng gấm vẽ, đến từ năng lực thiền định của vị đạo sư, hay lấy thân người làm mạn đà la. Bốn loại mạn đà la nói trên này đều có thể dùng để truyền pháp quán đảnh.

Kalachakra có hai phương pháp truyền pháp. Một là truyền pháp Kalachakra theo dạng thông thường. Gọi “thông thường” là vì tuy mật pháp Kalachakra đặc biệt, nhưng nghi thức truyền pháp lại giống như nghi thức truyền pháp của những mật pháp khác trong Mật tông tối thượng du già. Vì không khác với những mật pháp khác, nên gọi là phương pháp truyền pháp thông thường.

Hai là truyền pháp Kalachakra theo dạng phi thường. Gọi “phi thường”, vì trong số tất cả những mật pháp thuộc về Mật tông tối thượng du già, duy nhất chỉ có Kalachakra là có thể truyền theo phương pháp này. Ðây là phương pháp độc nhất bao gồm mười một pháp quán đảnh. Nghi lễ và nội dung truyền pháp đều rất khác so với các loại mật pháp khác trong Mật tông tối thượng du già.

Nói về dạng truyền pháp thông thường, phương pháp này được nói đến trong kinh Vajramalatantras hay trong bộ mật kinh có thể tìm thấy nơi dòng Sakya. Phương pháp này sử dụng mạn đà la bằng gấm thêu, truyền bốn pháp quán đảnh. Bốn pháp này là pháp quán đảnh bình bát (vase initiation), kín mật (secret initiation), tuệ giác (wisdom initiation), và danh tự (word initiation). Ðây là bốn pháp quán đảnh chung cho tất cả mọi mật pháp thuộc về Mật tông tối thượng du già. Nói về dạng truyền pháp phi thường, phương pháp này đến từ lời dạy của hiền thánh Naropa. Phương pháp phi thường này đòi hỏi mạn đà la bằng cát màu. Thiếu mạn đà la bằng cát màu, pháp này không thể truyền.

Vài ngày nữa đại lễ quán đảnh sẽ được cử hành, phương pháp truyền pháp sẽ là phương pháp phi thường, thuận theo lời dạy của đại hiền thánh Naropa.

Vì sao mạn đà la bằng cát màu lại được đề cao đến như vậy? Lý do là vì mạn đà la càng lớn, càng cần nhiều cát nhiều màu bao nhiêu, công đức tích lũy cho thí chủ và cho các thành phần đệ tử tham dự lại càng tăng bấy nhiêu. Mạn đà la được dựng lên với nhiều loại vàng bạc, đá quí, lại đòi hỏi rất nhiều thì giờ, công sức, nhờ vậy công đức tích lũy lớn lao vượt bực.

Ngoài ra, mạn đà la bằng gấm vẽ chỉ là tấm hình do họa sĩ vẽ, dùng màu sắc tương ứng với năm Phật bộ. Kalachakra khác hơn, có tới sáu Phật bộ. Vì vậy mạn đà la dùng sáu màu cát khác nhau, tượng trưng cho trí giác (primordial wisdom) của sáu Phật bộ. Cát sáu màu được tịnh hóa, rồi theo đúng nghi thức xây mạn đà la. Toàn bộ quá trình thực hiện mạn đà la được cử hành theo nghi thức nhất định, không phải chỉ là một tác phẩm nghệ thuật như hình vẽ trên mạn đà la bằng gấm. Ðến cả vật liệu dùng để xây mạn đà la cũng đã được gia trì, tịnh hóa.

Về thời gian thích hợp để truyền pháp quán đảnh. Dựa theo những bộ luận giải Kalachakra, ngày đại cát để truyền pháp quán đảnh là ngày rằm tháng ba Tạng lịch. Ðó là thời gian thích hợp nhất. Nếu không được thì chọn ngày rằm của bất cứ tháng nào trong Tạng lịch cũng là ngày lành. Nếu cũng không được mà gặp đệ tử thượng căn, đủ khả năng nhận pháp thì có thể chọn bất cứ ngày vía Phật nào khác.

Vì sao ngày rằm tháng ba Tạng lịch được xem là ngày tốt nhất để truyền pháp Kalachakra? Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết kinh Bát Nhã ở đỉnh Linh thứu thành Vương xá, đồng thời đức Phật cũng có mặt tại tòa bảo tháp ở miền Nam xứ Ấn. Tại bảo tháp ấy, đức Phật hiện thân đấng Bổn Tôn Pháp Chủ Kalachakra cùng toàn bộ mạn đà la, truyền mật pháp quán đảnh Kalachakra cho quốc vương Dawa Zangpo, vua của vương quốc Shambala. Cùng nhận pháp Kalachakra với quốc vương Dawa Zangpo, còn nhiều vị tiểu vương và nhiều đệ tử khác. Họ nhận pháp Kalachakra vào ngày rằm tháng ba Tạng lịch. Vì duyên lành này mà ngày rằm tháng ba được xem là ngày đại cát tường để truyền pháp quán đảnh Kalachakra.

kalachakra1

Ảnh: Đấng Bổn Tôn Pháp Chủ Kalachakra

Sau khi nhận pháp quán đảnh và mật kinh Kalachakra do chính đức Thế tôn truyền, quốc vương Dawa Zangpo cùng tùy tùng quay trở về vương quốc Shambala. Sáu trăm năm sau, vị quốc vương kế thừa, là tổ sư dòng Kulika tên Manjushrikirti, truyền pháp Kalachakra lại cho 35 triệu hiền giả, đứng đầu là hiền giả Meyshinda. Lần ấy cũng nhằm ngày rằm tháng ba Tạng lịch. Ðây là lý do thứ hai vì sao ngày này lại được xem là ngày đại cát tường để truyền pháp quán đảnh Kalachakra.

Kinh sách còn nói khi truyền mật pháp Kalachakra cho quốc vương Dawa Zangpo, đức Phật cũng đồng thời truyền lại cho quốc vương mật kinh Kalachakra, dài đến hàng trăm ngàn câu tụng. Sáu trăm năm sau, vua Manjushrikirti kế thừa mật pháp, thâu ngắn mật kinh Kalachakra thành bộ Mật kinh Toát Yếu [Condensed Tantra of Kalachakra], vì vậy mà tên vị quốc vương này thường được nhắc đến. Manjushrikirti lại có vị đệ tử tên Kundarika, hay Pema Karpo, cũng là vị quốc vương truyền thừa dòng Kulika, dựa trên bộ Mật Kinh Toát Yếu mà viết ra bộ luận giải. Bộ luận giải này ngày nay được biết dưới tên Vô Cấu Quang (Stainless Light), có tất cả ba quyển. Vậy thời nay ai thật sự muốn tu theo mật pháp Kalachakra, trước tiên phải nhận pháp quán đảnh từ dòng truyền thừa này, sau đó phải thọ nhận giáo pháp nằm trong hai bộ mật điển, một là Kalachakra Mật Kinh Toát Yếu, hai là bộ luận Vô Cấu Quang. Trước khi có luận giải Vô Cấu Quang, người ta thường cho rằng đại pháp quán đảnh Kalachakra chỉ có thể cử hành nhiều nhất là hai lần trong năm. Luận Vô Cấu Quang xóa tan nhiều sai lầm đại loại, nói rõ ngày rằm tháng ba là ngày tốt nhất, nếu không, ngày rằm của bất cứ tháng nào trong năm cũng tốt. Cứ hễ có đệ tử đủ căn cơ để nhận pháp, là pháp quán đảnh có thể được cử hành vào ngày rằm của bất cứ tháng nào trong năm.

Nói chung, chúng ta thường nghe nói Kalachakra có mười một hay mười sáu pháp quán đảnh. Nói như vậy đều chính xác, không mâu thuẫn. Ðây chỉ là hai cách giải thích khác nhau về nội dung của pháp quán đảnh. Nếu giải thích chi tiết cặn kẽ thì đếm thành mười sáu pháp quán đảnh, còn nếu giải thích tóm lược thì đếm thành mười một pháp quán đảnh. Bảy pháp quán đảnh đầu thường gọi là “bảy pháp quán đảnh sơ sanh”. Mười một pháp quán đảnh là bảy pháp quán đảnh sơ sanh cộng thêm bốn pháp quán đảnh – bình bát, kín mật, trí tuệ, danh tự – như trong các mật pháp khác. Bốn cộng bảy, đếm thành mười một pháp quán đảnh. Còn nếu đếm mười sáu pháp quán đảnh thì phải chia thành bốn tiểu bộ: 1. bảy pháp quán đảnh sơ sanh; 2. bốn pháp quán đảnh cao đẳng: bình bát, kín mật, trí tuệ và danh tự; 3. bốn pháp quán đảnh thượng đẳng, cũng tên là bình bát, kín mật, trí tuệ và danh tự; 4. pháp quán đảnh đại đạo sư kim cang. Tổng cộng là mười sáu pháp quán đảnh.

Làm sao có thể quy nạp mười sáu pháp quán đảnh thành mười một? Giữ nguyên bảy pháp quán đảnh sơ sinh, còn bốn pháp quán đảnh cao đẳng và bốn pháp quán đảnh thượng đẳng được quy nạp như sau: hai pháp quán đảnh bình bát (cao đẳng và thượng đẳng) gộp chung thành một; hai pháp quán đảnh kín mật gộp chung thành một, và hai pháp quán đảnh trí tuệ cũng vậy, gộp chung thành một. Còn lại hai pháp quán đảnh danh tự thì pháp quán đảnh danh tự cao đẳng được gộp chung vào pháp quán đảnh thứ ba là trí tuệ, còn lại pháp quán đảnh danh tự thượng đẳng giữ lại làm pháp quán đảnh danh tự.

Vậy chúng ta có bốn pháp quán đảnh cùng bảy pháp quán đảnh sơ sanh. Một khi có đủ hai tiểu bộ bảy và bốn phép quán đảnh thì mười một pháp này tương đương với pháp quán đảnh Đại Đạo Sư Kim Cang, vì vậy không cần đếm riêng pháp quán đảnh này. Do đó mà thành mười một pháp quán đảnh. Vì sao truyền thọ pháp Kalachakra cần đến những mười một pháp quán đảnh khác nhau? Lý do là vì khi nhận bảy pháp quán đảnh sơ sanh, chúng ta tịnh hóa được chướng ngại ô nhiễm làm áng ngữ bảy địa bồ tát, đồng thời cấy vào tâm thức đầy đủ nhân duyên để thành tựu bảy địa bồ tát.

Nói đến con đường tu chứng bồ đề và quá trình tịnh hóa của từng địa bồ tát, điều này liên quan đến hai lãnh vực chính của giáo pháp Phật dạy, đó là giáo pháp thâm sâu và giáo pháp quảng đại. Hai đề tài tu học chính yếu của ba tu viện lớn nhất Tây tạng là Sera, Ganden và Drepung là Bát nhã ba la mật (Prajnaparamita) và Trung quán (Madhyamika). Trong Bát nhã ba la mật, từng giai đoạn tu chứng được giải thích rõ, có bao nhiêu địa bồ tát, mỗi địa có bao nhiêu chướng ngại cần triệt bỏ, khi triệt bỏ rồi thành tựu được những gì. Nếu đã từng tu học Bát nhã ba la mật, sẽ không lấy làm lạ khi nghe về những điều này, bằng không, dù thật sự tinh tấn quy y và phát tâm bồ đề nhưng khi bước vào Mật tông, nghe nói về thành tựu và chướng ngại của mỗi địa bồ tát, vẫn sẽ cảm thấy hoang mang, xa lạ. Phải cố gắng tu học để tìm hiểu về từng địa vị tu chứng trong Bồ tát đạo.

Vì sao cần phải nhận pháp quán đảnh? Như đã nói, mỗi pháp quán đảnh có khả năng thanh tịnh nghiệp chướng của từng địa bồ tát tương ứng. Vậy có thể nói pháp quán đảnh, cốt tủy của mật pháp, giúp chúng ta thành tựu từng giai đoạn trên con đường dẫn đến giác ngộ, bao gồm cả con đường Hiển giáo. Quý vị bắt buộc phải kết hợp phương pháp tu mật với tu hiển. Ðiều này thật rõ ràng.

Ngoài việc cần phải kết hợp phương pháp tu mật và hiển, tại sao cần phải nhận pháp quán đảnh? Nói chung, các giai đoạn tu chứng trong Kalachakra không khác những gì gặp trong Hiển tông (cỗ xe “tu-nhân” hay Ba-la-mật thừa). Hiển pháp nói về hai bồ tư lương, phương tiện và trí tuệ, nghĩa là hai mặt quảng và thâm, cần thực hành song song. Mật pháp (cỗ xe “tu-quả” hay Mật tông) cũng vậy. Nhưng ngoài việc tích lũy hai bồ tư lương ra, hiển pháp không đề cập đến khí mạch, khí, tinh khí bồ đề v.v… cũng không nói về phương pháp đả thông các điểm trọng yếu của thân kim cang để vận động các luồng khí và tâm vi tế.

Tất cả những điều này được giáo pháp Kalachakra chỉ dẫn cặn kẽ. Chữ quan trọng nhất được tuyên thuyết trong Kalachakra là yugananda, nghĩa là bất nhị, hay kết hợp, chỉ về sự đồng nhất giữa thân và tâm nhiệm màu của Phật, trong ý nghĩa thân Phật là tâm Phật, và tâm Phật là thân Phật. Thành tựu này được tuyên thuyết trong Kalachakra. Ðể hiểu phần vi diệu này, quý vị cần nhận pháp quán đảnh Kalachakra, nếu không, không được phép hành trì.

Tuy vậy, dù có nhận pháp cao thâm vi diệu đến đâu đi nữa, trước khi nhận pháp, điều quan trọng nhất phải làm là qui y Tam bảo. Quy y Tam bảo thường do vị đạo sư kim cang truyền thọ, tiếp theo là phát tâm bồ đề, thọ giới bồ tát. Nếu pháp quán đảnh thuộc về hai lớp Mật tông trên cùng là Mật tông du già hay Mật tông tối thượng du già, đệ tử phải nhận thêm giới kim cang. Sau đó là nghi thức phát tâm bồ đề, bao gồm hai tâm bồ đề, quy ước và cứu cánh, quán tưởng thành đài mặt trăng trắng tròn nằm nơi tim, với chày kim cương màu trắng năm chấu, đứng thẳng trên đài mặt trăng. Tưởng tượng hai loại tâm bồ đề hoạt hiện thành mặt trăng và chày kim cang ở tim. Rồi nhờ sức mạnh gia trì của đạo sư, hãy an trú trong quán tưởng. Phát nguyện không rời xa tâm bồ đề cho đến khi giác ngộ. Có thể nói tâm-bồ-đề-qui-ước và tâm-bồ-đề-cứu-cánh (là chứng ngộ tánh không), cực kỳ quan trọng trong Mật tông. Ðó là nền tảng của tất cả mọi mật pháp.

Như đã nói, mật pháp Kalachakra là một pháp tu khác thường, vì Kalachakra có phần đồng nhất với hiển pháp, nhưng lại có thêm phần hành trì kín mật. Hiển pháp nói về hai loại chướng ngại là phiền não chướng và trí chướng, dạy hành giả phải xả bỏ hai loại chướng ngại này. Mật pháp Kalachakra cũng vậy, chỉ khác nhau ở phương pháp dẹp chướng ngại.

Các mật pháp khác với Kalachakra thường nói về sự khởi hiện tâm vi tế và khí vi tế thành sắc thân Phật ngay giữa thân vật lý cha mẹ sinh, lấy đó quán chiếu tánh không. Nói cách khác, khí và tâm vi tế ngay giữa trái tim của hành giả hoạt hiện thành sắc thân của đấng Bổn Tôn Pháp Chủ, đây chính là cái gọi là sự bất nhị của thân Phật và tâm Phật, trong nghĩa tâm là thân, thân là tâm. Trong Kalachakra, phương pháp thực hiện thân tâm bất nhị không giống như vừa tả. Hành giả không khởi hiện thân Phật khác với thân vật lý của chính mình, mà thành tựu thân vô sắc, nghĩa là thân không có hình sắc. “Không” ở đây không phải là tánh không. Thân vô sắc không thuộc cảnh giới Chân đế, mà thuộc Tục đế. Gọi là vô sắc vì thân này hoàn toàn thiếu vắng những thành phần vật lý, thành tựu được nhờ tu theo mật pháp. Các tập hợp vật lý dần dần bị thu nhiếp, tiêu trừ, chuyển thành thân vô sắc. Quá trình chuyển hiện này đòi hỏi phải dẹp bỏ toàn bộ trí chướng và phiền não chướng, so với Hiển tông hoàn toàn giống nhau, chỉ có phương pháp thực hiện là khác. Mật tông dẹp hai chướng ngại này bằng cách tịnh hóa bốn giọt tinh chất nằm ở bốn vị trí khác nhau trong cơ thể. Giọt thứ nhất nằm ở luân xa trên trán, liên quan đến thời gian thức giấc. Giọt thứ hai nằm ở trung tâm của luân xa trên cổ, liên quan đến thời gian nằm mơ. Giọt thứ ba nằm ở luân xa nơi tim, liên quan đến thời gian chìm sâu trong giấc ngủ. Giọt thứ tư nằm ở luân xa vùng bụng dưới [4 ngón tay thấp dưới rốn], liên quan đến niềm hỷ lạc lúc giao tình.

Một khi quán chiếu thanh tịnh được giọt tinh chất nơi trán liên quan đến thời gian thức, hành giả thành tựu thân kim cang. Thanh tịnh được giọt tinh chất nơi cổ liên quan đến thời gian mơ, hành giả thành tựu ngữ kim cang. Thanh tịnh được giọt tinh chất nơi tim liên quan đến thời gian ngủ say, hành giả thành tựu ý kim cang. Còn thành phần thứ tư trong Kalachakra là trí giác bản lai đại lạc bất động tối thượng. Các mật pháp khác như Guhyasamaja cũng có nhắc đến đại lạc bất động, nhưng trí giác bản lai đại lạc bất động tối thượng trong Kalachakra là thành tựu của quá trình thanh tịnh giọt tinh chất nơi vùng bụng dưới. Thanh tịnh giọt tinh chất này là thành tựu trí giác bản lai kim cang. Vậy ngoài thân ngữ và ý kim cang, hãy còn thành phần thứ tư là trí giác bản lai kim cang. Thành tựu bốn kim cang nói trên là thành tựu pháp tu Kalachakra.

Vì vậy khi nhìn vào mạn đà la Kalachakra hành giả sẽ thấy bốn cửa Ðông Nam Tây Bắc. Mỗi cửa mang một màu: cửa Ðông màu đen, cửa Nam màu đỏ, cửa Tây màu vàng, cửa Bắc màu trắng. Bốn màu này tương ứng với bốn kim cang. Cửa Bắc màu trắng tượng trưng cho thân kim cang của Kalachakra. Cửa Nam màu đỏ tượng trưng cho ngữ kim cang của Kalachakra. Cửa Ðông màu đen tượng trưng cho ý kim cang của Kalachakra. Cửa Tây màu vàng tượng trưng cho trí giác bản lai kim cang của Kalachakra. Bốn kim cang này thành tựu nhờ tịnh hóa bốn luân xa trong cơ thể như đã nói.

Khi nhận pháp quán đảnh Kalachakra, trước hết quý vị nhận bảy pháp quán đảnh sơ sanh. Dù chỉ đang ngồi trên ghế trong hội trường, quý vị vẫn phải tưởng tượng mình đang đi quanh bốn cánh cửa mạn đà la. Phải quán tưởng toàn bộ mạn đà la hiện ra trước mắt, quán tưởng bốn cửa vào, đấng Bổn Tôn Pháp Chủ phía bên trong cùng toàn thể các vị Phật, Bồ tát, trời, thần đang vây quanh Phật và Phật mẫu trong mạn đà la. Rồi quý vị quán tưởng đấng đạo sư kim cang – là vị thầy truyền pháp – đang dắt mình đi qua từng cánh cửa một để nhận pháp quán đảnh.

Trước hết, quý vị sẽ được dẫn vào cửa Bắc màu trắng, liên quan đến thân kim cang. Ở đó quý vị sẽ nhận hai pháp quán đảnh đầu tiên trong số bảy pháp quán đảnh sơ sanh. Tiếp theo, quý vị sẽ được dẫn đến cửa Nam màu đỏ của ngữ kim cang, ở đó nhận pháp quán đảnh thứ ba và thứ tư. Tiếp theo là cửa Ðông màu đen, nhận pháp quán đảnh thứ năm và thứ sáu. Cuối cùng đến cửa Tây màu vàng nhận phép quán đảnh thứ bảy. Vậy mỗi cánh cửa của mạn đà la tương ứng với một trong bốn giọt tinh chất, thanh tịnh đi thì chuyển thành bốn kim cang. Quý vị nhận được phép quán đảnh dựa trên căn bản này.

Vì có mối tương quan đặc biệt giữa màu sắc và phương hướng, nên các pháp quán đảnh được truyền thọ từ nhiều phương hướng khác nhau. Tất cả đều xảy ra trong quán tưởng, trên thực tế quý vị vẫn ngồi yên trên ghế. Các pháp quán đảnh không những giúp thanh tịnh nghiệp chướng liên quan đến bốn giọt tinh chất, mà còn gieo trồng thiện duyên vào tâm thức, giúp thành tựu bốn thân Phật trong tương lai.

Pháp quán đảnh đầu tiên là pháp quán đảnh nước, tương đương với việc tắm rửa trẻ sơ sanh. Ðối tượng cần tịnh hóa ở đây là năm hợp thể [ngũ uẩn] và năm yếu tố [ngũ đại]. Nhìn chung mà nói, hệ thống Kalachakra có đến sáu hợp thể và sáu yếu tố, hợp thể thứ sáu là thức và yếu tố thứ sáu cũng là thức. Ở đây, vì phân riêng ra mà nói, nên có năm hợp thể là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, còn hợp thể thứ sáu là trí giác bản lai. Pháp quán đảnh nước sẽ khiến tịnh hóa năm hợp thể và năm yếu tố. Lý do vì sao lại truyền thọ pháp quán đảnh nước, đó là vì lúc rời thai mẹ là lúc năm hợp thể và năm yếu tố nhập vào cuộc sống. Khi trẻ chào đời, người mẹ trước tiên tắm rửa trẻ sơ sinh bằng nước. Pháp quán đảnh này ví như tắm đứa bé, gieo trồng chủng tử để về sau đạt thân Phật. Lời giải thích này là nói theo nền tảng, đạo và quả.

Hai pháp quán đảnh đầu tiên liên quan đến thân Phật. Pháp quán đảnh đầu tiên là “nước”, pháp quán đảnh thứ hai là “mũ miện”. Sau đó, quí vị đi qua cửa Nam và nhận hai phép quán đảnh tiếp theo, “trang sức”, và “chày kim cang, chuông báu”. Hai pháp quán đảnh này tịnh hóa lời nói. Khi trẻ chào đời, khí tán vào cơ thể. Cơ thể con người có tất cả 72000 đường khí mạch. Lúc chào đời, các đường khí mạch mở vào tứ chi, khí tán vào đó, nhờ vậy trẻ mới có khả năng nói cười. Vậy khí liên quan đến khả năng phát âm thanh tiếng nói. Hai pháp quán đảnh “trang sức” và “chày kim cang chuông báu” tịnh hóa hệ thống khí và khí mạch. Ðây là đối tượng cần tịnh hóa trên suốt con đường tu nếu muốn thành tựu ngữ kim cang của Kalachakra.

Pháp quán đảnh thứ năm và thứ sáu được truyền ở cửa Ðông màu đen, liên quan đến ý kim cang. Ðối tượng cần thanh tịnh ở đây là những kinh nghiệm thỏa mãn giác quan. Ðứa bé dần lớn, bắt đầu dùng giác quan để chơi đùa, tiếp xúc với thế giới xung quanh. Giác quan được thỏa mãn với hình đẹp, tiếng hay, vị ngon, v.v… tất cả những cảm giác này đều thuộc phạm vi của ý. Ý là yếu tố chính kinh nghiệm và sử dụng các loại thức, mở cửa giác quan, trải qua nhiều loại cảm giác. Vấn đề của chúng sinh là vì nghiệp và phiền não nên mọi kinh nghiệm giác quan đều toàn là ô nhiễm. Hai pháp quán đảnh này nhằm tịnh hóa các cửa ngõ giác quan [căn] và đối tượng của giác quan [trần]. Khi lớn lên, đứa trẻ biết dùng tay cầm đồ vật, dùng chân để đi đứng. Tất cả đều liên quan đến khí và tâm. Ở đây hành giả dựa vào hai pháp quán đảnh này để thanh tịnh mọi đối đãi phân biệt, nhờ đó bước vào lãnh vực hoạt dụng tối hảo của Phật đà, thành tựu ý kim cang của Phật Kalachakra.

Pháp quán đảnh thứ bảy được truyền ở cửa Tây màu vàng, liên quan đến trí giác bản lai kim cang. Thỉnh thoảng xem phim ảnh khoa học chúng ta có thể thấy khi mới nhập thai mẹ, thai nhi không có khả năng cử động. Dần dần khí mạch thành hình, chân tay bắt đầu mọc. Trước hết là đường khí mạch chính giữa, sau đến hai đường khí mạch bên phải và bên trái, rồi toàn bộ hệ thống khí mạch tỏa ra, chân tay thành hình, thai nhi bắt đầu có khả năng chuyển động. Hơi thở đầu tiên khi nhập thai mẹ là hơi thở của trí giác bản lai, nói cho thật chính xác, là khí của trí giác bản lai. Pháp quán đảnh thứ bảy được truyền trên căn bản này. Như đã nói, con người có sáu hợp thể [uẩn] và sáu yếu tố [đại]. Hợp thể thứ sáu là trí giác bản lai, và yếu tố thứ sáu là ý thức. Ở đây cả hai đều được thanh tịnh qua pháp quán đảnh thứ bảy, gieo chủng tử thành tựu trí giác bản lai đại lạc bất động trong tương lai. Nói bất động, có nghĩa là khí bản lai sẽ được mang về an trú vĩnh viễn trong đường khí mạch chính giữa, sẽ không di chuyển vào nơi khác trong hệ thống khí mạch, hay qua các vùng khác trong cơ thể. Trí giác bản lai đại lạc bất động là danh từ chỉ thấy nói đến trong Kalachakra. Khi nhận pháp quán đảnh này, quí vị được gieo chủng tử thành tựu trí giác bản lai của Phật trong tương lai. Lời giải thích này cũng lại được trình bày qua nền tảng, đạo, và quả.

Khi ngồi dự đại lễ quán đảnh, quý vị sẽ được nhận nhiều vật cụ thể, như nước để nhấp môi; bình bát đặt trên đỉnh đầu; nhẫn, dây lụa, mũ miện để đeo v.v… Khi ấy, quý vị không nên chỉ chạm vào món vật rồi nghĩ rằng: “vậy là đủ, mình đã nhận được năng lực gia trì”. Chỉ như vậy thôi không thể gọi là đủ. Nhận năng lực gia trì theo kiểu nhấp nước đeo mũ như vậy, cả ngoại đạo cũng có. Nghi lễ này trong Phật giáo có ý nghĩa đặc biệt, ví dụ như nước hay mũ miện, nhấp nước, đội mũ, mỗi việc mang đủ chức năng tịnh hóa một loại nghiệp chướng, gieo vào tâm thức một loại chủng tử. Khi đưa môi nhấp nước, quý vị trước hết phải cảm thấy nước chan hòa rót vào thân, bao la cùng khắp, khiến quý vị cảm thấy vô cùng an lạc sáng suốt, tâm quý vị an trú trong trí giác đại lạc. Lấy trí giác đại lạc quán chiếu tánh không, trực chứng tánh không. Ðại lạc và tánh không kết hợp, hoạt hiện trong tâm thức. Đây mới chính là chất nước thật sự của pháp quán đảnh này. Mỗi pháp quán đảnh tương ứng với một loại nghiệp chướng cần thanh tịnh và một loại chủng tử cần gieo vào dòng tâm thức. Vị đạo sư kim cang [vị thầy truyền pháp quán đảnh] sau mỗi pháp quán đảnh thường chỉ dẫn chúng ta nên chú tâm vào điểm nào, quán niệm mình đang thanh tịnh loại nghiệp chướng nào, gieo loại chủng tử nào để đạt những thành tựu nào trong tương lai.

Trong Kalachakra, thanh tịnh năm yếu tố vật lý [ngũ đại] là gieo chủng tử để sau này chuyển năm yếu tố thành năm vị phối thân của Kalachakra. Thanh tịnh năm hợp thể [ngũ uẩn] là gieo chủng tử để sau này chuyển năm hợp thể thành năm vị Phật trong năm Phật bộ Kalachakra. Thanh tịnh mười loại nghiệp khí trong cơ thể là gieo chủng tử để sau này thành tựu mười đấng Shaktis [mười năng lực ba la mật]. Thanh tịnh hai đường khí mạch bên trái và bên phải là gieo chủng tử để sau này thành tựu thân đấng Bổn Tôn Pháp Chủ mạn đà la, Kalachakra. Thanh tịnh sáu giác quan [sáu căn] và sáu đối tượng của giác quan [sáu trần] là gieo chủng tử để sau này thành tựu sáu đấng Như lai dưới dạng phụ mẫu quanh Kalachakra. Thanh tịnh sáu lực, ví dụ như khả năng cử động tay chân, là gieo chủng tử để sau này thành tựu sáu đấng Như lai hung nộ dưới dạng phụ mẫu quanh Kalachakra.

Khi nhận pháp quán đảnh, quý vị cần biết rõ mình đang tịnh hóa những gì và tịnh hóa như vậy là để làm gì. Những gì vừa nói trên về đối tượng và thành quả của quá trình tịnh hóa, quý vị nên nhớ rõ. Nếu chịu khó quan sát quý vị sẽ thấy mạn đà la Kalachakra bao gồm ba vòng tròn từ ngoài vào trong, tượng trưng cho mạn đà la của thân, ngữ và ý. Những điều vừa nói trên liên quan đến các đối tượng cần tịnh hóa và kết quả thành tựu nằm trong mạn đà la của ý.

Bảy pháp quán đảnh sơ sanh được truyền cho người bước vào giai đoạn phát khởi [Mật tông tối thượng du già có hai giai đoạn, phát khởi và viên thành]. Sau khi nhận bảy pháp quán đảnh sơ sinh, hành giả có thể tự quán tưởng mình là đấng Bổn Tôn Pháp Chủ Kalachakra và có thể bắt đầu hành trì cái gọi là “tâm kiêu hãnh nhiệm màu” với thân Phật trong quán đảnh.

Tiếp theo bảy pháp quán đảnh sơ sanh là tiểu bộ bốn pháp quán đảnh. Pháp quán đảnh đầu tương ứng với giai đoạn phát khởi, ba pháp sau tương ứng với ba chặng đường trong giai đoạn viên thành: 1. thành tựu báo thân của đức Phật Kalachakra; 2. thành tựu pháp thân của đức Phật Kalachakra; 3. thành tựu sự hợp nhất của tam thân Phật. Ðó là lý do vì sao trong mạn đà la Kalachakra lại có mặt trăng ở cửa Ðông Bắc và mặt trời ở cửa Tây Nam. Mặt trăng và mặt trời tiêu biểu cho hệ thống tu giai đoạn viên thành khác thường này.

Báo thân của Kalachakra được thành tựu như thế nào? Trước hết, thu nhiếp khí vào đường khí mạch chính giữa. Một phần của cơ thể vật lý được tiêu trừ, một phần báo thân hiển lộ. Như đã nói, thân vô sắc được hình thành nhờ kiên trì thu nhiếp tiêu trừ từng nguyên tử của thân vật lý.

Pháp quán đảnh bình bát gia lực cho hành giả hành trì giai đoạn phát khởi. Pháp quán đảnh kín mật là bước đầu tiên vào giai đoạn viên thành, tương ứng với giai đoạn thành tựu báo thân. Sau đó là pháp quán đảnh trí tuệ, tương ứng với giai đoạn thành tựu pháp thân. Pháp thân được thành tựu nhờ thu nhiếp khí vào đường khí mạch chính giữa, khiến tâm đại lạc bất động hiển lộ, rồi dùng tâm này quán chiếu tánh không. Khi tâm đại lạc này chứng ngộ tánh không thì gọi là trí giác bản lai đại lạc bất động, và đây chính là nền tảng thành tựu pháp thân Kalachakra. Phương pháp hành trì này liên quan đến pháp quán đảnh thứ ba là pháp quán đảnh Trí tuệ. Hai pháp quán đảnh quý giá này tương ứng với hai chặng đường, trước thành tựu báo thân, sau thành tựu pháp thân. Tiếp theo chúng ta bước vào pháp quán đảnh cuối cùng là danh tự. Pháp quán đảnh này tương ứng với giai đoạn kết hợp báo thân với pháp thân. Hành giả nhập định, rồi từ trong định tiêu trừ từng phần các yếu tố vật lý. Giai đoạn này phải kiên trì thực hiện từng phần, không thể trong một lúc mà xong ngay được.

Mật kinh Kalachakra nói có mười hai địa bồ tát là mười hai giai đoạn tu chứng quả Phật Kalachakra. Mười hai địa này tương ứng với mười hai đoạn trên đường khí mạch chính giữa, mỗi đoạn như vậy lại phân thành 1800 phần nhỏ.

Như đã nói, mỗi khi khí được thu nhiếp vào đường khí mạch chính giữa, sẽ có một phần hợp thể vật lý tương ứng được tiêu trừ và một phần của thân vô sắc được thành tựu. Vậy trong pháp môn đặc biệt này, hành giả qua mỗi địa bồ tát phải thu nhiếp 1800 giọt tinh chất, tiêu trừ 1800 thành phần vật lý và thành tựu 1800 thành phần của thân vô sắc. Khi chuyển hết mười hai địa bồ tát, hành giả tiêu trừ được toàn bộ 21600 (12×1800) thành phần vật lý của thân thể, thành tựu thân vô sắc, hoàn thành sự kết hợp thuần nhất của ba thân Phật, đạt địa vị Kim Cang Tát Ðỏa. Như đã nói, các cụm 1800 thành phần vật lý này chỉ có thể được tiêu trừ từng phần. Nói tiêu trừ từng phần là chữ dùng cho tiện, thật chính xác thì phải nói là tuần tự xếp chồng hai loại tinh chất trắng đỏ. Hành giả phải thu nhiếp các luồng khí tứ tán trong cơ thể về lại đường khí mạch chính giữa, rồi ép các giọt tinh chất đỏ xếp chồng từ trên xuống. Giọt tinh chất đỏ đầu tiên đẩy ép lên trên cùng, các giọt khác lần lượt xếp chồng từ trên xuống. Rồi hành giả lại ép giọt tinh chất trắng đầu tiên xuống dưới cùng đường khí mạch chính giữa, các giọt khác lần lượt xếp chồng từ dưới lên. Cứ như vậy cho đến khi toàn bộ 21600 giọt tinh chất đều được thu nhiếp và xếp chồng trong đường khí mạch chính giữa. Quá trình xếp chồng tinh chất đỏ từ trên xuống và tinh chất trắng từ dưới lên này được thể hiện trong mạn đà la Kalachakra qua hình tượng mặt trăng ở cửa Ðông Bắc và mặt trời ở cửa Tây Nam. Mặt trăng và mặt trời tượng trưng cho phương pháp xếp chồng các giọt tinh chất trong giai đoạn viên thành.

Khi nhận pháp quán đảnh vào các mạn đà la khác, thông thường hành giả phải đeo mũ miện màu xanh hay đen, nhưng mũ miện trong Kalachakra luôn luôn đỏ, tượng trưng cho giọt tinh chất đỏ xếp chồng từ trên xuống. Cũng vì lý do này mà tóc Phật Kalachakra màu đỏ. Sử viết, khi vị quốc vương dòng Kulika là Manjushrikirti truyền pháp quán đảnh Kalachakra, ngài đội mũ miện kết bằng bờm sư tử, đây cũng có thể là một biểu tượng của phương pháp tu đặc biệt này. Ðến đây chấm dứt phần giới thiệu sơ lược về pháp quán đảnh Kalachakra.

2014-07-03-kalachakra-g06

Ảnh: Đức Dalai Lama 14 thuyết giảng và trao truyền Quán Đảnh Kalachakra tại Ấn Độ, 2014

Xin nói thêm vì sao đức Đalai Lama lại đặc biệt quan tâm đến Kalachakra, vì sao nhiều người lại thích đến dự pháp quán đảnh Kalachakra do đức Đalai Lama truyền. Có hai nguyên do việc này. Nguyên do đầu tiên, như đã nói, quốc vương Pundarika (tên khác: Pema Karpo) dòng Kulika là người soạn bộ luận tên “Vô Cấu Quang”. Vị này được xem là hiện thân của Quan thế âm, và đức Đalai Lama cũng được xem là hiện thân của Quan thế âm. Ðức Đalai Lama là hiện thân của Pundarika. Vì vậy nhận pháp quán đảnh Kalachakra do đức Đalai Lama truyền đặc biệt có ý nghĩa. Nguyên do thứ hai, đức Đalai Lama là người chấp trì dòng truyền thừa của pháp quán đảnh này. Quốc vương Pundarika dòng Kulika là vị sơ tổ soạn bộ luận và nghi thức truyền pháp quán đảnh. Dòng truyền thừa này được truyền xuống không gián đoạn, qua đến Tây tạng. Nhìn lại từ xưa đến nay, một vài vị thầy hiếm hoi tích cực hoằng dương pháp Kalachakra đều là những đời Đalai Lama tiếp nối. Các đời Đalai Lama luôn tích cực giữ gìn dòng truyền thừa của Kalachakra.

Đại Sư Jhado Rinpoche
Trích: Đường Vào Kalachakra (Thư Viện Nalanda, Ấn Bản Điện Tử – 2008)