du-lich-v_635860246265329700

Thông tin về văn hóa vùng miền Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung

Với đặc điểm cấu tạo địa hình nhiều dòng chảy và sơn hệ chằng chịt trên cùng một dải địa hình, có cả đảo nhỏ, có cả thung lũng, nên không gian văn hóa vùng duyên hải miền Trung thường bao hợp cả không gian văn hóa biển đảo, văn hóa duyên hải, văn hóa nông thôn đồng bằng và văn hóa miền núi – trung du.

+  Văn hóa biển đảo: Một số đảo hiện nay như Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Cù Lao Xanh… vẫn có con người sinh sống, họ canh tác trên những thửa ruộng bậc thang và hành nghề biển, họ vẫn lưu giữ những phong tục, tập quán, kiêng kỵ, lễ hội gắn liền với đời sống văn hóa của cư dân sông nước. Cũng như các vùng khác trong nước, vào những thế kỷ trước, việc khai thác biển của người Việt vẫn chỉ dừng lại ở mức khai thác biển cận duyên, con người vẫn “đứng trước biển” chứ chưa vượt ra đại dương để đánh bắt cá xa bờ, buôn bán trên biển hoặc khai thác các nguồn tài nguyên nơi thềm lục địa. Vì vậy, có thể nói, chất biển đậm màu trong văn hóa của người Việt ở vùng đất này, thể hiện trong nếp sống văn hóa với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội dân gian.

Lễ hội cầu ngư – Rước Lễ Nghinh thần, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng

+  Văn hóa duyên hải: Cư dân vùng này tuy sống ven biển nhưng do điều kiện môi trường và phương tiện khai thác thủy, hải sản còn hạn chế, nên chỉ một bộ phận trong số họ sinh sống bằng nghề biển. Phần dân cư còn lại sống bằng nghề nông, trồng các loại hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày như khoai, sắn, đậu phộng, thuốc lá… trên các vùng động cát và một ít lúa nước trong những dải đất hẹp ở các cồn bàu ven biển. Chính điều này đã tạo nên những nét văn hóa mang đặc trưng riêng, không giống các làng/xã thuần ngư khác ở trong Nam, ngoài Bắc: Những làng/xã ở vùng duyên hải miền Trung, tuy là mang danh là làng ngư nghiệp, song trong đền thờ của làng thì thờ tiền khai canh, vốn làm nghề chài lưới, nhưng hậu khai khẩn lại là dân làm ruộng (hay ngược lại); vừa có những lễ hội cầu ngư nhưng vừa có lễ đảo vũ (cầu mưa), cầu cho mùa màng phong đăng hòa cốc. Mặt khác, do ở sát biển, nên họ nhận ra giá trị của biển, từ đó, mà phát triển nghề đánh bắt cá và nghề làm muối.

Lễ hội cầu mưa của nông dân vùng đồng bằng ven biển

+  Văn hóa nông thôn đồng bằng: Người dân nơi đây chủ yếu trồng lúa và các loại cây hoa màu như mía, khoai, đậu phộng và bắp. Một số nơi người ta trồng rất nhiều dừa như ở khu vực Tam Quan (Bình Định), những rừng dừa bạt ngàn nơi đây ước đến 1.000.000 cây trên một chiều dài khoảng chừng 30km, rộng 20km, làm cho cảnh quan ở đây xanh và tươi mát lạ thường. Chính vì vậy, văn hóa của cư dân đồng bằng chính là văn hóa nông nghiệp, hình thành nên những phong tục, tập quán, lễ hội,… gắn liền với các hoạt động sản xuất nông nghiệp như tục làm đất, bắt mộng, tát nước, hạ điền, thượng điền, tục đảo võ cầu mưa, cầu bông, bón phân, gặt lúa, cúng cơm mới, xôi mới, trồng cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày…, với những điệu hò, câu lý trong lao động sản xuất, hò khoan đối đáp của trai gái nông thôn… Tất cả đã tạo nên những nét đẹp trong đời sống của người dân nông thôn quanh năm chân lấm tay bùn.

Rặng dừa miền Trung

+  Văn hóa miền núi – trung du: Người dân bản địa sinh sống ở vùng đồi núi này là các tộc người thiểu số như Katu, Cor, Cadong, Raglai, Xêđăng, Giẻ – Triêng, Hrê, Bana, Chăm,… Một đặc trưng lớn nhất và cơ bản trong đời sống của người dân miền núi là nếp sống nương rẫy. Đây là nếp sống chủ đạo và bao trùm lên tất cả các tộc người trong Vùng. Có thể nói, toàn bộ đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của dân tộc miền núi duyên hải miền Trung gắn bó với rừng núi và nương rẫy, từ tín ngưỡng, lễ hội, phong tục, nghi lễ, đời sống tình cảm… Đó có thể được gọi chung là văn hóa rừng.

Lễ hội bánh dày, bánh chưng – Thanh Hóa

+  Điểm nổi bật trong đời sống văn hóa của tất cả các tộc người sinh sống trên vùng núi Trung Bộ là lễ hội. Đây là loại hình sinh hoạt tín ngưỡng, đánh dấu những hoạt động sản xuất nương rẫy của cư dân từ lúc chặt cây, gieo hạt tới khi thu hoạch mang lúa về kho; là mốc đánh dấu những sinh hoạt của đời sống con người từ khi sinh đẻ, cưới xin, mừng sức khỏe, tới lúc chết; là sinh hoạt cộng đồng, từ gia tộc đến cả làng buôn như nghi lễ cúng bến nước, lễ cầu no đủ và sức khỏe, lễ lên nhà mới…

Trong các lễ hội đó, nghi lễ hiến sinh trở thành quan trọng và không thể thiếu được, ngày nay nó vẫn còn hiện diện trong đời sống của nhiều tộc người thông qua nghi lễ đâm trâu. Điều đặc biệt là trong các lễ hội truyền thống, trong ma chay, cưới hỏi, nghi lễ tôn giáo… không thể thiếu tiếng chiêng. Tiếng chiêng gắn bó với mỗi đời người từ thuở lọt lòng cho đến khi trưởng thành và đến lúc chết; tiếng chiêng âm vang suốt vụ mùa, từ đầu tháng tìm rẫy đến cuối năm gặt hái, săn bắn; tiếng chiêng thôi thúc dân trong làng trong suốt mùa lễ hội, gọi mời khách ngoài làng, đánh thức thần linh trong rừng, trên trời.

Nguyễn Thanh Nhựt

Nguồn: Thông tin về văn hóa vùng miền Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung