156175_170921492929192_1050087_n

Tam Bảo và Tam Quy – Ngũ Giới

I. TAM BẢO:
Tam bảo hay còn gọi là Ba ngôi báu, đó là Phật – Pháp – Tăng.

     1. Phật bảo:
Phật là vị đã hiểu rõ chân lý cuộc đời, tự mình giác ngộ (tự giác); đem chân lý ấy chỉ dạy cho chúng sanh (giác tha); hai công hạnh ấy đều thành tựu (giác hạnh viên mãn).
Từ vô lượng kiếp đã có rất nhiều vị Phật xuất hiện giáo hóa chúng sanh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ cỏi ta bà. Ngài có đầy đủ 5 hạnh: tinh tấn, thanh tịnh, hỷ xả, trí tuệ và từ bi.

    2. Pháp bảo:
Pháp bảo là phương pháp tu hành mà Phật đã tìm ra để diệt trừ mê muội, đúng với chân lý, hợp với căn cơ của mọi loài. Về sau chư Tổ, Bồ Tát kiết tập, biên soạn thành ba tạng: kinh, luật, luận.

     3. Tăng bảo:
Tăng là một đoàn thể tu hành từ 4 người trở lên, cùng sống chung một chỗ, cùng tu hành giữ giới luật Phật, san sẻ cho nhau từ vật chất đến tinh thần.
Đối với Phật tử, ba ngôi báu là ba món quý nhất, giúp người Phật tử từ chỗ mê lầm đến chỗ hiểu biết để cứu mình, độ người hướng đến bến bờ giải thoát.

II. TAM QUY:
       1. Định nghĩa: Nói cho đủ là Tam quy y hay Quy y Tam bảo, nghĩa là trở về nương tựa với Phật, Pháp, Tăng.
a. Quy y Phật là trở về nương tựa với Phật, không theo trời, thần, ma, quỷ, vì Phật là người dẫn đường vĩ đại nhất, đã có kinh nghiệm bản thân thoát ra vòng sinh tử để chứng đạo quả.
b. Quy y Pháp là trở về y theo lời Phật dạy; thực hành trong lời nói, ý nghĩ, việc làm; không nghe theo ngoại đạo tà giáo, vì chỉ có phương pháp của Phật là đầy đủ công năng để đưa chúng sanh từ mê tới ngộ.
c. Quy y Tăng là trở về nương tựa sự hướng dẫn tu học của vị Tăng, Ni (bổn sư truyền giới) để hành trì giới luật.

     2. Lễ quy y: là lễ phát nguyện trước Tam Bảo; thệ nguyện trọn đời sống theo Phật pháp, sống đúng giới luật. Có một vị xuất gia chứng minh cho lời phát nguyện và đặt cho người xin quy y 1 pháp danh. Người làm lễ quy y thọ 5 giới cấm của người tại gia thì chính thức mới gọi là Phật tử.
Cần chú ý: vị tăng, ni tu hành chân chính là người đại diện cho Phật truyền 5 giới cấm cho ta giữ giới gọi là vị Bổn Sư truyền giới. Một khi vị bổn sư truyền giới viên tịch rồi thì ta vẫn giữ 5 giới đó mà tu hành, vì giới là thầy và do Phật chế ra, cho nên chỉ có Phật là Đức Bổn Sư cho muôn lòai chúng sanh mà thôi.

      3. Lợi ích của quy y Tam Bảo:
– Khỏi bị đi lạc vào con đường tăm tối.
– Khỏi trôi lăn trong sanh tử luân  hồi.
–  Dễ giữ đúng lời hứa vì quỳ trước Phật, có sự chứng minh của chư Phật và chúng Tăng cùng bạn lữ. Cái đích sáng ấy là Đức Phật, những phương tiện ấy là Pháp và những  bậc thầy dìu dắt là Tăng. Chúng ta hãy nương tựa vào đó mà tinh tấn tu học để vững bước trên con đường đạo.

III. NĂM GIỚI
     1. Định nghĩa: Năm giới là 5 điều răn cấm, ngăn ngừa do Đức Phật chế ra để đối trị với  thân, khẩu, ý không thiện của hàng Phật tử tại gia và có công năng làm hàng rào ngăn che tội lỗi.

     2. Hành tướng của 5 giới:
a. Không sát sanh: không giết hại, không bảo người khác giết, không sanh tâm vui khi nghe sự giết hại.
b. Không trộm cắp: không lấy của người khác, có 3 phương diện:
– Đoạt thủ là dùng sức mạnh uy quyền để chiếm đoạt.
– Thiết thủ là dùng mánh khóe xảo trá để chiếm đoạt.
– Trá thủ là dối gạt, lừa đảo.
c. Không tà dâm: nghĩa là thân, miệng, ý sống đoan trang thanh tịnh, trong sạch và chân chính.
d. Không nói dối: là nói đúng sự thật, không nói ba hoa.
e. Không uống rượu: nghĩa là không dùng chất kích thích có men như rượu, ma túy… vì nó làm cho tâm thần rối loạn, ý niệm điên đảo và dễ phạm 4 giới trên. Chỉ trừ khi chữa bệnh phải cần đến rượu.

     3. Lý do Phật chế 5 giới và lợi ích 5 giới:
a. Cấm sát sanh, bởi tôn trọng sự công bằng, tôn trọng Phật tánh bình đẳng; tránh nhân quả báo ứng oán thù.
b. Không trộm cướp: tôn trọng quyền sở hữu bình đẳng của người khác, tránh được nghiệp báo oán thù, nuôi dưỡng lòng từ bi, đem lại sự an bình cho xã hội.
c. Không tà dâm: bảo vệ hạnh phúc gia đình của nhau, tâm hồn trong sạch, thanh tịnh được người kính trọng tin tưởng.
d. Cấm nói dối là vì tôn trọng sự thật, bảo tồn sự trung tín trong xã hội, tránh được nghiệp báo khổ đau, luôn được người đời trọng nể. Tuy nhiên vì lòng từ bi mà nói dối để cứu người hay vật là trường hợp ngoại lệ.
e. Không uống rượu: người luôn bình tĩnh, trí huệ tăng trưởng được người đời kính tín.
Chú ý: 4 giới đầu thuộc về tánh giới, vì bản tánh của chúng sanh đều có. Giới thứ 5 thuộc gia giới vì do huân tập mới có.
Tóm lại, năm giới cấm không có gì cao siêu, huyền bí nhưng hàm chứa tính nhân văn sâu sắc. Xã hội nào mà nếu đại đa số dân chúng thực hiện được thì đó là một xã hội công bằng, văn minh.